Phát triển văn hóa - xã hội thành phố Đà Nẵng tương xứng với phát triển kinh tế

30.12.2021
Bùi Văn Tiếng
Tại Tọa đàm Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và Triển vọng tổ chức vào ngày 28 tháng 12 năm 2021, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng đã trình bày tham luận Phát triển văn hóa - xã hội thành phố Đà Nẵng tương xứng với phát triển kinh tế. Trang tin điện tử tổng hợp Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài tham luận này.

Phát triển văn hóa - xã hội thành phố Đà Nẵng tương xứng với phát triển kinh tế

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng chủ trì buổi tọa đàm chủ đề “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố”.

Trước hết, muốn phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, tất cả phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo nói chung, từ trong trường học nói riêng. Không phải ngẫu nhiên mà cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu. Cỗ xe phát triển của một nước đang phát triển như nước ta rất cần tăng tốc để theo kịp tốc độ phát triển chung của thế giới, vì thế rất cần đến chân ga kinh tế. Nhưng kinh nghiệm điều khiển phương tiện giao thông cho thấy những lúc cỗ xe đang tăng tốc lao vun vút về phía trước, nhất là những lúc rẽ phải rẽ trái, thì chân ga có khi không cần thiết bằng chân phanh. Muốn không phát triển bằng mọi giá, muốn dừng lại kịp thời, muốn quay đầu đúng lúc… tất cả đều tùy thuộc vào chân phanh có hữu hiệu không. Chân phanh của cỗ xe phát triển ấy chính là văn hóa. Và nếu hiểu văn hóa không chỉ là những gì nổi trội lấp lánh có thể phô diễn mà còn và chủ yếu là những gì được trầm tích qua thời gian, lắng đọng trong tâm hồn con người thì văn hóa cần phải bắt đầu từ rất sớm, khi con người còn ngồi trên ghế nhà trường.

Người tiền nhiệm của tôi - nhà thơ Bùi Công Minh từng nói rất hay và rất đúng rằng, để có một phút đạp phanh dừng xe nhường cho người đi bộ qua đường, người lái ô-tô ở các nước phương Tây phải có bề dày một trăm năm văn hóa, không chỉ của từng cá nhân mà là của cả cộng đồng, vì thế không thể không bắt đầu sớm từ trường học, từ văn hóa học đường. Chính vì vậy, với tư cách là quốc sách hàng đầu, giáo dục và đào tạo nói chung, trường học nói riêng phải trở thành nơi trao truyền văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác; đồng thời cũng là thành trì để bảo tồn văn hóa. Môi trường học đường phải tự xác định là thành trì, thậm chí là thành trì cuối cùng để bảo tồn và bảo vệ văn hóa - thậm chí trong tình huống không mong đợi là môi trường ngoài học đường băng hoại đến mức không thể chấp nhận được thì chỗ còn lại cuối cùng để văn hóa vẫn tồn tại và phát triển chính là các trường học. Các trường học có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hóa đến mức nhiều người và trong một thời gian rất dài đã nhầm lẫn trình độ học vấn với trình độ văn hóa. Có điều cả hai - cả trình độ học vấn lẫn trình độ văn hóa - đều là sản phẩm của trường học, chủ yếu từ trường học mà thành. Không nên đồng nhất giữa trình độ học vấn với trình độ văn hóa bởi có khi trình độ học vấn cao chưa hẳn đã có trình độ văn hóa tương thích. Nhưng giáo dục và đào tạo nói chung, các trường học nói riêng phải có sứ mệnh gầy dựng cho người học cả hai loại trình độ ấy. Có được một sở học nhất định khi rời trường, đó là trình độ học vấn; sẵn sàng mang tất cả sở học có được khi rời trường để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đó là trình độ văn hóa.

Muốn nhà trường làm tốt sứ mệnh này, giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đầu tư thực sự ngang tầm quốc sách hàng đầu, trước hết là ưu tiên đào tạo người thầy. Trong quá trình phục hưng và phát triển văn hóa hiện nay, nhất là khi Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ ba đang lan tỏa tác dụng tích cực trên khắp đất nước, một giải pháp quan trọng được nhấn mạnh, đề cao là giải pháp nêu gương - cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng, thầy giáo phải nêu gương cho học sinh. Từ nhiều năm nay, trong nhà trường nước ta có câu khẩu hiệu rất văn hóa, rất mô phạm là “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Đây cũng chính là chữ Lễ trong văn hóa học đường, không hề cản trở tư duy phản biện trong giáo dục, thậm chí còn thúc đẩy tư duy phản biện khi mỗi thầy cô giáo không chịu bằng lòng với bài giảng có sẵn của mình, không ngừng tìm tòi phát hiện để làm cho bài giảng mới hơn, cập nhật hơn, nêu gương sáng cho học sinh về tư duy phản biện. Và muốn vậy nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục và đào tạo cần được quan tâm đầu tư không chỉ khi họ được đào tạo ở trường sư phạm mà còn và quan trọng hơn là khi họ đang đứng trên bục giảng hằng ngày, đang trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo và qua đó đang góp phần gầy dựng văn hóa học đường. 

Không phải ngẫu nhiên mà văn hóa thường đồng hành với xã hội. Và cũng  không phải ngẫu nhiên mà nhiều người vẫn thường xem các chương trình an sinh xã hội ở Đà Nẵng trong hai thập niên qua - chương trình Thành phố 5 Không, chương trình Thành phố 3 Có và chương trình Thành phố 4 An - cũng chính là các chương trình văn hóa, thấm đẫm chất văn hóa, được người dân rất đồng thuận, không chỉ đánh giá cao mà còn chung tay góp sức cùng thực hiện. Hiện nay cả ba chương trình an sinh xã hội này vẫn đang được Đà Nẵng tiếp tục thực hiện góp phần xây dựng thương hiệu của thành phố bên sông Hàn trong thập niên thứ ba thiên niên kỷ mới. Có thể nói trong hai thập niên đầu, ba chương trình an sinh xã hội này đã đồng hành cùng người Đà Nẵng trong phát triển, trở thành ký ức khó phai mờ, vì thế nên mặc dầu có ý kiến cho rằng có thể tích hợp ba chương trình này thành một chương trình “ba trong một”, chẳng hạn tích hợp hai chương trình Thành phố 5 Không và Thành phố 3 Có vào chương trình Thành phố 4 An đi đôi với việc bổ sung điều chỉnh một số nội dung cho sát hơn với thực tế, nhưng người Đà Nẵng quyết định vẫn duy trì cùng lúc cả ba chương trình để lưu giữ dấu ấn nhân văn tốt đẹp từng tỏa sáng ở hai thập niên trước, cũng là cách truyền cảm hứng về an sinh xã hội trong thập niên thứ ba này.

Phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế có nghĩa là cả ba lĩnh vực văn hóa, xã hội và kinh tế đều đạt mức phát triển tối đa, đều dựa vào nhau và thúc đẩy lẫn nhau để cùng phát triển. Kinh tế thành phố chậm phát triển thì cũng không đủ có nguồn lực tài chính để thực hiện thành công các chương trình an sinh xã hội, để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn hóa - kể cả nguồn nhân lực có cái đầu để ứng xử cho thật văn hóa trong hoạt động kinh tế. Nhưng kinh tế thành phố cũng sẽ không thể phát triển đúng tầm nếu bản thân kinh tế tăng trưởng mà không góp phần đầu tư nguồn lực tài chính cho các chương trình an sinh xã hội và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn hóa, càng không thể phát triển đúng tầm nếu thiếu văn hóa kinh doanh, nếu không coi trọng chữ Tín trong kinh doanh, nhất là nếu tư duy kiểu mì ăn liền “nóng đâu phủi đấy”…

Phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế còn có nghĩa là có những trường hợp chân ga phải nhường chỗ cho chân phanh, kinh tế phải nhường bước cho văn hóa - xã hội. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng không ít lần đã làm được điều này. Đương nhiên cũng không ít lần Đà Nẵng đã làm điều ngược lại. Dưới ánh sáng Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, hy vọng thời gian tới Đà Nẵng sẽ có thêm những trường hợp chân ga nhường chỗ cho chân phanh và không còn những trường hợp chân phanh phải nhường chỗ cho chân ga...

Trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa của nước ta, Đà Nẵng hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh trên các lĩnh vực kiến trúc; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Tôi xin đi sâu vào hai lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và truyền hình và phát thanh. Về thủ công mỹ nghệ, lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng có một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận năm 2014 là Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước với rất nhiều nghệ nhân tài hoa thổi hồn vào đá, trong đó có Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu - nghệ nhân đầu tiên của ngành điêu khắc đá Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2016, và đặc biệt có một hình thức xã hội hóa văn hóa rất đáng quý là Dự án Điêu khắc Đà Nẵng gắn với ting cảm dành cho Đà Nẵng của nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken. Nên có kế hoạch phát huy các lợi thế cạnh tranh này để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Đà Nẵng.

Về lĩnh vực truyền hình và phát thanh, Đà Nẵng cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh khi trên địa bàn thành phố không chỉ có Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng mà còn có VTV8 là kênh truyền hình quốc gia khu vực Miền Trung-Tây Nguyên, có Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung và có Hội Điện ảnh Đà Nẵng trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố - một trong ba Hội Điện ảnh địa phương trong cả nước. Đà Nẵng không có thế mạnh về phim truyện nhưng lại có thế mạnh về phim tài liệu truyền hình với những đạo diễn tài năng như Huỳnh Hùng, Trương Vũ Quỳnh, Đoàn Hồng Lê, Dương Mộng Thu… Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc toạ đàm với chủ đề “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hoá của thành phố” tổ chức hồi cuối tháng 3 năm 2021, Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng Trà Xuân Phương đã hiến kế với lãnh đạo thành phố thông qua tham luận Để Đà Nẵng trở thành một trung tâm liên hoan phim tài liệu quốc tế. Ý tưởng này đã được lãnh đạo thành phố chấp nhận, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đang làm việc với Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu Đà Nẵng phấn đấu sớm trở thành một Busan trên lĩnh vực phim tài liệu thì không chừng sẽ tạo thêm được một điểm đến hấp dẫn về du lịch giống như thành phố cực nam của Hàn Quốc, đồng thời cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển công nghiệp văn hóa thành phố.   

Về văn học và nghệ thuật - hợp phần quan trọng của văn hóa, ngoài hai loại hình mỹ thuật và điện ảnh vừa đề cập, chỉ xin nhắc lại một đề xuất của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã nêu trên Báo Đà Nẵng ngay sau khi Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 vừa bế mạc: Định kỳ hằng năm, Hội đồng nhân dân thành phố nên tổ chức một hoặc hai cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về phục hưng và phát triển văn hóa nhằm lắng nghe ý kiến của những cử tri là người người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trực tiếp đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật; đồng thời cũng là dịp để đại biểu dân cử đối thoại với những người lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng sẽ chủ động phối hợp với Ban Văn hóa và xã hội Hội đồng nhân dân thành phố chuẩn bị thật chu đáo để cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề này đạt kết quả như mong đợi.

B.V.T