NSND Lê Huân - Người góp công lớn cho nghệ thuật múa Đà Nẵng
NSND Lê Huân tốt nghiệp khóa biên đạo đầu tiên của Trường múa Việt Nam (1959 - 1964), ông được giữ lại trường làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Năm 1968, khi vừa tròn 24 tuổi, ông tình nguyện vào chiến trường Khu 5 xây dựng Đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung Bộ. Năm 1989, nghỉ hưu ông tiếp tục dành toàn tâm toàn ý vào con đường sáng tác, biên đạo.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt đánh đế quốc Mỹ, sáng tác về người lính, ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến công. Những điệu múa tiêu biểu ở giai đoạn này là: Thơ múa "Người anh hùng trên bãi cát Kỳ Anh" (1968), "Anh nuôi say súng", "Mài sắc đường lê" (1969 - 1970), kịch múa "Người mũi trưởng" (1972).
Từ năm 1975, ông tiếp tục sác tác nhiểu vở múa mang âm hưởng cách mạng như: vở "Những người con dũng sĩ" (1975), kịch múa "Người và ác thú" (1978), kịch múa "Angkor bất diệt" (1980) - vở múa này đã mang về cho ông Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1984, trong Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân, ông được Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân với tác phẩm thơ múa "Ngọn lửa Ba tơ". Sau này tác phẩm còn được giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Bộ quốc phòng. Cũng trong năm này, ông đã chỉ đạo nghệ thuật xây dựng chương trình Đoàn ca múa nhạc Quân khu 5 trở thành đoàn xuất sắc toàn đoàn.
Năm 1990 đến nay, ông đã đoạt nhiều giải thưởng toàn quốc với nhiều vở múa, kịch múa: "Mưu thị Hến", "Cắt cỏ ven sông", "Máu và hoa", "Ninh Nông", "Chí Phèo"… Trong đó kịch múa "Chí Phèo" được giải Nhì cuộc thi kịch bản kịch múa của Bộ VHTT và Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Kịch bản tổ khúc thơ múa Thăng Long - Hồ Chí Minh đoạt giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2009. Kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” (kịch bản được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của thành phố 5 năm lần thứ nhất (2000 - 2005). Kịch bản kịch múa “Một thời và mãi mãi” (kịch bản được Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật 5 năm lần thứ hai của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng). Kịch mản kịch múa Học trò xứ Quảng (Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật 5 năm lần thứ ba của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng). Kịch bản tổ khúc thơ múa dài “Thăng Long - Hồ Chí Minh” (kịch bản được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Giải xuất sắc và được Nhà nước cấp kinh phí dàn dựng để biểu diễn phục vụ lễ kỷ niệm “Một 1000 năm Thăng Long”). Kịch múa lịch sử “Ngọn lửa Hồ Chí Minh” (kịch bản được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam xếp loại A năm 2018); Biên đạo Chương trình ca múa nhạc Đà Nẵng đất Đồng Long…
Xông xáo đi vào đời sống, tìm đề tài, thực nghiệm cách thể hiện, mạnh dạn nắm bắt cái hay, vẻ đẹp của các ngành nghề, đưa vào hình tượng ngôn ngữ của múa. Tác phẩm của ông ngày càng đạt chất lượng. Đồng thời, NSND Lê Huân tham gia nhiều trại sáng tác kịch múa, mở lớp đào tạo biên đạo, hoạt động trong việc nghiên cứu, lí luận, báo chí của ngành. Trò chuyện với Lê Huân về nghệ thuật, dễ nhận thấy ở ông ước vọng, sức linh hoạt và kiên trì thực hiện hoài bão về ngành múa, có trách nhiệm trong sáng tạo và tổ chức nghệ thuật. Ông là người luôn tự học, tự nâng hiểu biết về nghề, gìn giữ tâm hồn trong sáng, xây dựng phong trào vươn lên. Ngoài sáng tác ông còn viết nhiều bài viết phê bình về nghệ thuật múa như: Nghề múa - Nỗi suy tư, Một câu chuyện về sáng tác múa, Khai thác kỹ xảo ngôn ngữ múa dân tộc, NSND Thái Ly…
Là biên đạo có hơn 50 năm trong nghề, NSND Lê Huân đã từng dàn dựng hàng trăm tác phẩm hát múa cho sân khấu ca - múa - nhạc cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Ông quan niệm rằng để xây dựng một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trước hết phải xác định nội dung tư tưởng: nói cái gì, diễn cho ai xem và hướng tới phục vụ cho sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu đẹp. Hai là dựa vào thực tế, sáng tạo ra câu chuyện kể bằng ngôn ngữ múa tình tiết, lôi cuốn người xem.
Một số cảnh trong Chương trình ca múa nhạc Đà Nẵng đất Đồng Long:
Dành cả đời để hoạt động nghệ thuật, ông đã đạt nhiều danh hiệu như: Huân chương Chiến công về hoạt động nghệ thuật ở chiến trường năm 1970; Giải A, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1985; Huân chương Lao động nghệ thuật năm 1996; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007. Ông được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012. Hiện nay, NSND Lê Huân vẫn không ngừng sáng tạo và biên đạo nhiều tác phẩm múa đạt nhiều giải cao của Trung ương và địa phương.
N.T.A