NSND Huỳnh Hùng – người có duyên với phim tài liệu
Bên cạnh công tác quản lý, Huỳnh Hùng còn là một đạo diễn phim tài liệu tâm huyết, tác phẩm của anh có đóng góp về nội dung và nghệ thuật phim tài liệu và được trao tặng một số giải thưởng, huy chương:
- Trang đời huyền thoại (1997):
Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải B giải Báo chí quốc gia, giải A giải Báo chí Đà Nẵng, Giải B (không có giải A) giải thưởng Văn học- nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ nhất (giai đoạn 1997-2005).
- Dũng sĩ Điện Ngọc (1999):
Giải thưởng Báo chí toàn quốc về đề tài Lực lượng Vũ trang QĐNDVN.
- Một tấm gương, một tấm lòng (2006):
Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc; Giải A giải Báo chí Đà Nẵng, Giải thưởng Liên hiệp các Văn học- nghệ thuật Đà Nẵng.
- Nhớ đảo (2007):
Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc; Giải Cánh diều Hội Điện ảnh Việt Nam; giải Khuyến khích giải Báo chí quốc gia; giải thưởng LH các Hội Văn học- nghệ thuật Đà Nẵng, giải B Giải Văn học- nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ hai (giai đoạn 2005-2010).
- Người giữ lửa (2008):
Giải A giải Báo chí toàn quốc về đề tài Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam (giai đoạn 2004-2009).
- Người giữ thành Hà Nội (2009):
Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải A giải Báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, giải Cánh diều Hội Điện ảnh Việt Nam; giải A giải thưởng Văn học- nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ hai (giai đoạn 2005-2010), giải A giải báo chí Huỳnh Khúc Kháng- Quảng Nam…
- Chuyện ở Cồn Dầu (2010):
Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải B (năm 2010 không có giải A truyền hình) giải Báo chí quốc gia , Giải A giải Báo chi Đà Nẵng
- Người cháu gái cụ Phan (2011):
Giải Cánh diều Hội Điện ảnh Việt Nam.
- Con mắt còn có đuôi (2012):
Huy chương Bạc LHTH toàn quốc, Giải Cánh Diều Hội Điện ảnh Việt Nam, Giải A Văn học- Nghệ thuật Đà Nẵng lần 3 (giai đoạn 2009-2014)
- Sông núi khắc tên (2014):
Giải B giải Báo chí Quốc gia, Giải Cánh diều Hội Điện ảnh Việt Nam
- Còn nghe vọng tiếng trống chầu (2015):
Giải C giải Báo chí quốc gia
NSND Huỳnh Hùng làm phim không nhiều, nhưng hầu hết các tác phẩm của anh đều có giải thưởng cao. Trao đổi về chuyện “bếp núc” làm phim và quan niệm thế nào là một phim tài liệu hay, anh cho biết: “Bộ phim tài liệu hay là khi nó đề cập đến những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, những vấn đề mang tính thời sự và thời đại; câu chuyện phim được kể một cách chân thực, sinh động, hấp dẫn; và khi phát sóng thì gây được hiệu ứng xã hội mạnh; khán giả xem xong phim vẫn còn rung động, ám ảnh, day dứt, nghĩ suy…”.
Trong số những phim tài liệu anh đã thực hiện từ năm 1997 đến nay, có bộ phim Người giữ thành Hà Nội được trao tặng đến 8 giải thưởng và huy chương các loại. Có thể nói đây là một phim tài liệu tiêu biểu của anh về giá trị nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật. Anh tâm sự: “Việc đoạt nhiều giải thưởng như vậy là một bất ngờ thú vị của tôi và các đồng nghiệp. Có lẽ tôi gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, các Ban Giám khảo cũng có lý khi chọn tác phẩm này để trao giải. Trước hết, bộ phim ra đời đã đáp ứng yêu cầu tuyên truyền phục vụ đại lễ ngàn năm của dân tộc. Cụ Hoàng Diệu quê ở Quảng Nam, từng làm Tổng đốc Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Tài năng, nhân cách, đạo đức, lòng yêu nước thương dân, phương pháp trị nước của cụ là một bài học lớn, còn có ý nghĩa đến ngày nay. Những chi tiết trong phim được chúng tôi chọn lựa và thể hiện một cách rất nghệ thuật, như hình ảnh người mẹ già gửi chiếc roi dâu ra Hà Nội nhằm nhắc nhở Hoàng Diệu làm quan phải liêm chính; hình ảnh người vợ ở quê nhà ngất xỉu để chiếc nón trôi lênh đênh trên mặt ruộng lúa khi nghe chồng tuẫn tiết; hình ảnh tấm lụa điều mà cụ Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn bên nhành cây cổ thụ trước Võ Miếu…gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc cho khán giả”.
Phim tư liệu là một thể loại phim vừa mang tính báo chí phản ánh trực diện hiện thực một cách chân thực, vừa mang tính nghệ thuật cao. Thông qua các hình ảnh nghệ thuật được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống cùng với kỹ thuật dàn dựng hiện đại đã tại hiện lại cuộc sống trong quá khứ cũng như cuộc sống hiện tại như thực tiễn đang diễn ra một cách phong phú, đa dạng và cô đọng.
Với chức danh Thành ủy viên, Giám đốc Đài Phát thanh- truyền hình Đà Nẵng trao đổi về vấn đề làm thế nào để phát triển phim tài liệu ở Đà Nẵng đạt chất lượng cao hơn trong thời gian đến, anh Huỳnh Hùng cho biết: “Để làm phim tài liệu tốt, cần có cả 3 yếu tố: con người, phương tiện - thiết bị và cơ chế quản lý, trong đó đào tạo con người là quan trọng nhất. Tôi đã triệt để lợi dụng vị trí lãnh đạo Hội Điện ảnh và Hội Nhà báo thành phố để góp phần đào tạo, bồi dưỡng phóng viên làm phim tài liệu. Năm 2010, Hội Điện ảnh Đà Nẵng đã liên kết với Hội Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội Điện ảnh Varan của Cộng hòa Pháp mở được hai lớp bồi dưỡng như vậy. Đối với phim tài liệu, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng mười người thì chỉ cần vài người làm được phim cũng đã quí lắm rồi”.
Với những đóng góp trên lĩnh vực đạo diễn phim tư liệu từ năm 1997 đến nay, anh Huỳnh Hùng được vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NSND HUỲNH HÙNG:
Phim Trang đời huyền thoại:
Nhớ đảo:
Người giữ lửa
Người giữ thành Hà Nội
Người cháu gái cụ Phan
Con mắt còn có đuôi
Sông núi khắc tên
MINH SƠN