Nhà biên kịch Hồng Quang Năm: Niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn
Nhà biên kịch Hồng Quang Năm sinh ngày 01 tháng 01 năm 1967, tại thôn Châu Sơn, xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thôn Châu Sơn nơi anh sinh ra là thung lũng nằm dưới chân núi Hòn Chiên, Hòn Tàu huyền thoại. Trước năm 1975, nơi đây là vùng giáp ranh, người dân, du kích và bộ đội bám trụ, chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng. Bấy giờ, Hồng Quang Năm còn nhỏ sống cùng gia đình, tuổi thơ anh trải qua những năm tháng đầy hiểm nguy, gian khó và vất vả. Anh sớm biết thế nào là cơm vắt, ngủ rừng, là bom rơi, đạn nổ, là mất mát, đau thương. Đây cũng là nơi mà cha mẹ anh đã hy sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Sau 1975, đất nước được giải phóng, Hồng Quang Năm về lại quê cha sau những năm đi sơ tán (nay là thôn Lộc Sơn, xã Quế Minh, Quế Sơn), và anh theo học trường làng. Năm 1986, anh tốt nghiệp Trung học phổ thông. Cùng năm, anh trúng tuyển Đại học vào Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Huế. Là người con đất Quảng với truyền thống hiếu học, từ 2004 - 2007 anh tiếp tục theo học Cao học, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học, Đại học Quốc gia Huế). Năm 1990, anh làm chuyên viên tại Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Quế Sơn. Năm 1991, anh chuyển ra Đà Nẵng, làm việc tại Cơ quan Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1995 - 1997, anh công tác tại Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ khi chia tách tỉnh (1997), anh tiếp tục làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, từ 2016 đến nay, anh giữ chức Phó giám đốc thường trực, Chủ tịch Công đoàn.
Nhà biên kịch Hồng Quang Năm tham gia Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng từ 2002 và Hội Điện ảnh thành phố năm 2007. Anh tham gia Ban Chấp hành Hội hai nhiệm kỳ, từ 2007 đến 2018; giữ chức vụ Chi hội phó Chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018 - 2023; Phó chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Khi nói đến con đường đến với báo chí, truyền hình, anh cho đó là niềm đam mê và cũng là duyên nghiệp. Khi mới ra trường, anh đã về làm “công việc bàn giấy” tại Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vốn phóng khoáng, thích khám phá và sáng tạo, dường như công việc văn phòng không giữ chân anh được lâu. Với nền kiến thức văn, sử được trang bị, giúp anh có nền tảng để chuyển sang nghề làm báo, trong đó, có lĩnh vực truyền hình, điện ảnh. Anh tâm sự, “khi mới chuyển từ làm phát thanh sang làm truyền hình thì tôi và đồng nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn và vất vả. Nếu nói điện ảnh là ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy, thì truyền hình cũng có thể được coi là ngôn ngữ báo chí tổng hợp. Sinh sau đẻ muộn, nên truyền hình phát huy được các lợi thế của các loại hình báo chí trước nó, như khả năng phân tích, tổng hợp của báo in; âm thanh, tiếng động của báo nói, hay bố cục, ánh sáng, màu sắc của báo ảnh, v.v... đã tạo nên lợi thế, cũng đồng thời là yêu cầu khắt khe của báo hình. Ngoài yếu tố như: tư tưởng, cái mới trong đề tài và cách tiếp cận, thì ngôn ngữ diễn đạt của hình ảnh được xem là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng tác phẩm truyền hình, từ tin tức, phóng sự ngắn đến chuyên đề hay phim tài liệu. Nếu tin tức, phóng sự ngắn, hình ảnh là những chi tiết báo chí, thì ở phim tài liệu, ngôn ngữ thường mang tính biểu tượng và khái quát cao. Từ người chuyên viết phóng sự ở thể loại báo in và báo nói, anh bước sang sản xuất các chương trình truyền hình, từ tin tức, phóng sự, chuyên đề, đến giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu, v.v... Mọi thứ ban đầu đều khó khăn, mới mẽ. Nhờ đam mê, nghệ sĩ Hồng Quang Năm luôn trau dồi kiến thức qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và học hỏi kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước, anh đã từng bước trưởng thành trong nghề. Tác phẩm truyền hình đầu tiên của anh là phóng sự Mong manh đời biển. Đây là câu chuyện về những phận đời bám biển mưu sinh của cư dân làng Chài ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, ở đó, có một người bạn thời đại học của anh, đã bị nước cuốn trôi trong mùa lũ năm 1995. Tác phẩm đầu tay này được nhận Bằng khen trong lần đầu tiên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc.
Đến nay, anh đã có 30 năm làm báo, trong đó, nhiều năm làm báo in, phần lớn là lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Anh cho biết: “Báo chí nói chung, sáng tác nói riêng, là công việc vất vả nhưng thú vị. Nếu làm báo cho ta chất liệu cuộc sống, thì sáng tác là phần tiếp theo của sự sáng tạo làm nên các tác phẩm báo chí, nghệ thuật”. Chia sẻ về lần công tác đáng nhớ nhất, anh kể, “Trong chuyến công tác 20 ngày đến với các chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là dấu ấn không thể nào quên. Trường Sa muôn trùng sóng nước, là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi đây tôi được chứng kiến những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập,... vậy mà các chiến sĩ và nhân dân trên các đảo vẫn bám biển, bám đảo, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương càng khiến tôi khâm phục bản lĩnh, ý chí và tình yêu quên hương của họ. Trong đời người và đời nghề, chẳng dễ gì có được một lần như thế”.
Nhận xét về thế mạnh của điện ảnh thành phố Đà Nẵng, anh cho rằng, mảng phim tài liệu chính là thế mạnh lớn nhất. Những người làm phim tài liệu Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế so với các địa phương khác. Đà Nẵng nói riêng cũng như miền Trung nói chung có chiều dài văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng. Đây lại là một thành phố trẻ, năng động, xã hội đang có nhiều biến chuyển - hiện thực màu mỡ để các nhà làm phim tha hồ sáng tạo. Là thành phố “trước sông, sau biển, núi kề một bên” chính là một đại phim trường đa dạng cho những người làm phim. Đà Nẵng là một trong những nơi có đội ngũ làm phim tài liệu mạnh của cả nước với nhiều tên tuổi như NSND Huỳnh Hùng, các đạo diễn Đoàn Huy Giao, Trí Trung, Trương Vũ Quỳnh, Đoàn Hồng Lê... Những năm qua, những người làm phim tài liệu Đà Nẵng liên tục gặt hái nhiều giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế. Trong tương lai, điện ảnh Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển và cũng có thể trở thành một trong những trung tâm phim tài liệu của cả nước.
Với sự lao động nghiêm túc, anh đã có những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, báo chí, được xướng tên lên sân khấu nhận những giải thưởng như Giải Búa liềm vàng, Báo chí quốc gia,... Những năm gần đây, Hồng Quang Năm được mời tham gia Ban Giám khảo các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc của VTV. Anh coi đó là một trong những trải nghiệm thú vị về nghề, là dịp được xem những tác phẩm đỉnh cao và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với đồng nghiệp.
Trong những năm làm truyền hình, anh Hồng Quang Năm đã đạt nhiều giải thưởng lớn, tiêu biểu là các tác phẩm: Chung sống với chất độc Cyanure (Giải bạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2006); Từ chuyện ở Cồn Dầu (Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc; Giải B Báo chí quốc gia, Giải nhất Báo chí thành phố 2010); Hướng về Trường Sa (Huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải C Báo chí quốc gia 2013, Giải nhì Báo chí thành phố); Biển của ta (Bằng khen Liên hoan truyền hình toàn quốc, Giải C Báo chí quốc gia, Giải nhì Báo chí thành phố 2014); Ký sự Trường Sa (Giải nhì Báo chí thành phố, Giải thưởng Hội Điện ảnh thành phố 2016); Biển gọi (Giải khuyến khích Báo chí quốc gia, Giải nhì Báo chí thành phố 2019); Đà Nẵng, tìm lại chính mình (Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2019; Giải B Búa liềm vàng 2020); Đà Nẵng trên chặng đường đi tới (Huy chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc, Giải thưởng Hội Điện ảnh 2020). Ngoài ra, anh còn được tặng các giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng cho các tác phẩm: Lắng tiếng hò khoan (Phim tài liệu, 2004), Cảo thơm lần giở (Phim tài liệu, 2006), Bến ân tình (Phim tài liệu, 2010), Đồng hành (Phim tài liệu, 2011).
Với những hoạt động sáng tác và đóng góp đối với báo chí, truyền hình, anh được tặng bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (2015); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (2015); Ban Tuyên giáo Trung ương (2020); Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (2020); và nhiều bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về thành tích báo chí và công tác. Trước đó, anh đã được tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, Huy chương danh dự của Trung ương Đoàn.
Ngoài làm báo, sáng tác, anh còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Trong vai trò là Trưởng Ban điều hành Chương trình Ly cafe yêu thương của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng. Sau hơn 2 năm, đã huy động gần 2 tỷ đồng, trong đó, hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ các hoàn cảnh, chủ yếu là học sinh đặc biệt khó khăn, trong cuộc sống; gần 600 triệu đồng cho chiến dịch “Chung tay với tuyến đầu chống dịch”; gần 200 triệu đồng cho học sinh và thầy cô giáo vùng lũ Nam Trà My.
Có thể nhận thấy một điều, dù ở cương vị nào, là người trực tiếp sáng tác, người quản lý, hay là giám khảo thì Hồng Quang Năm cũng đều thể hiện tinh thần hết lòng với công việc. Đặc biệt, với anh, tình yêu dành cho nghệ thuật điện ảnh luôn là niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn.