NSNA Huỳnh Văn Truyền: Ảnh đẹp là phải truyền tải được thông điệp
NSNA Huỳnh Văn Truyền sinh ngày 16 tháng 4 năm 1983, tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2020, anh đã tham gia tổ chức các chuyến sáng tác ảnh do hội nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố tổ chức tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Là Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng, anh cùng ban chủ nhiệm tổ chức nhiều buổi tọa đàm chia sẻ về nhiếp ảnh cơ bản và nâng cao, tổ chức nhiều cuộc thi ảnh và sáng tác thực tế cho anh em CLB phục vụ các cuộc thi và góp phần vào phát triển nhiếp ảnh thành phố. Ngoài ra, anh tham gia tích cực sáng tác những chủ đề khó như phòng chống Covid- 19 tại Đà Nẵng, sáng tác ảnh và hỗ trợ tại rốn lũ huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, sáng tác tại Nam Trà My nơi sạt lỡ đất Trà Leng. Những hoạt động sáng tác đó đã đem lại cho anh hơn 35 tác phẩm triển lãm tại các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực và quốc gia và đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải nhì Cuộc thi ảnh “Đà Nẵng trên tuyến đầu chống Đại dịch Covid - 19” với tác phẩm “Phút giải lao”; Giải Nhì Cuộc Thi ảnh nghệ thuật 2020 “Quảng Ninh - Hội tụ & Lan tỏa” với tác phẩm Sân Golf FLC Hạ Long; Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 25 năm 2020 với tác phẩm Cảng biển về đêm; Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” với tác phẩm “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống Covid-19”; Giải B, giải xuất sắc năm 2020 - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam... Đặc biệt, anh đoạt trên 10 huy chương Vàng trong các cuộc thi ảnh quốc tế 3RD International exhibition
of photography 2020; Malaysia internationnal salon of photography 2020; Southern Light Photo Circuit (SLPC) 2020 với tác phẩm Sunset (Hừng đông)... Tạp chí Non Nước có cuộc phỏng vấn với anh về những hoạt động nhiếp ảnh và những thành tựu của anh khi đến với lĩnh vực nghệ thuật này.
Huỳnh Thạch Hà (HTH): Duyên nợ nào đưa anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh ạ?
NSNA Huỳnh Văn Truyền (HVT): Có lẽ ảnh hưởng từ ba tôi, khi còn nhỏ, từ khi là học sinh lớp 5 tôi đã có niềm đam mê với nhiếp ảnh. Tôi nhớ ba tôi có một cái máy ảnh, thời đó máy phim đáng giá lắm, hơn 8 chỉ vàng nhưng biết tôi đam mê nên ông đã tặng cho tôi. Sau khi chụp bằng máy phim này khoảng 7 năm thì tôi bắt đầu tiếp cận qua máy số. Lúc đầu, vì mê, vì thích nên chỉ chụp cho thỏa vậy thôi chứ cũng không phải là chụp chuyên nghiệp. Sau này, khi có người bạn chụp EF 50mm F/1.8 STM xóa phông, vorke thấy đẹp quá, mới bắt đầu tìm hiểu, rồi tham gia Câu lạc bộ Nhiếp ảnh ở Đà Nẵng, rồi tham gia các cuộc thi ảnh. Tôi có may mắn là lúc đó cũng đoạt giải thưởng lần đầu tiên là Huy chương Bạc Cuộc thi ảnh khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2016, sau đó cũng đạt một số giải thưởng, cộng với những sinh hoạt sôi nổi của Câu lạc bộ khiến tôi ngày càng có hứng thú và đam mê.
HTH: Anh từng chia sẻ, mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Vậy anh có thể chia sẻ với độc giả một vài câu chuyện đáng nhớ trên hành trình nhiếp ảnh của mình?
HVT: Lúc mới đầu chụp ảnh thì tôi chỉ chủ đích là chụp đẹp, nhưng sau đó tôi tập trung vào ảnh đời thường. Những hình ảnh đời thường thu hút mình nhiều bởi nó phản ảnh chân thật hình ảnh lao động của những người dân, người thợ, người công nhân... Bộ ảnh mà tôi có cảm xúc nhiều nhất là bộ ảnh mới đây về Covid-19 tại Đà Nẵng, tôi đã chụp được tới 20 bộ ảnh và qua đó đã ghi lại hết sức chân thực được những hoạt động chống dịch của chính quyền, người dân cũng như các lực lượng y tế, quân đội nơi đây.
Phút nghỉ ngơi
Chuyến sáng tác đáng nhớ nhất cũng vào đợt dịch Covid-19 vừa rồi tại Chốt biên giới tại Asan - Quảng Nam. Đợt sáng tác do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức với chủ đề "Tự hào một dải biên cương". Trong lần đi sáng tác này, tôi đã đi theo đoàn bộ đội để vào các chốt biên giới, tôi được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các anh bộ đội biên phòng và những anh dân quân người dân tộc thiểu số tại đó. Tôi chỉ đi không thôi, không mang vác gì cũng đã thấy khó khăn rồi chứ chưa nói đến các anh bộ đội biên phòng, dân quân tại đó phải ăn ở, thông tin, sinh hoạt hàng ngày tại đó thì biết bao khó khăn vất vả. Tuy khó khăn như vậy nhưng các anh vẫn rất nghiêm túc trong phòng chống dịch, vẫn đo thân nhiệt, sát khuẩn, ghi chép lịch trình cho người dân đi qua chốt để đảm bảo an toàn. Đây là một chuyến đi đáng nhớ trong hành trình nhiếp ảnh của tôi.
Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y
HTH: Nhiều đồng nghiệp dành cho anh lời khen, rằng anh là một người rất kiên trì, chịu khó, năm vừa qua xảy ra thiên tai, dịch bệnh, anh cũng đến tận những vùng gặp khó khăn về thiên tai để sáng tác, anh có thể chia sẻ đôi điều không ạ?
HVT: Thứ nhất là đam mê, thứ hai mình nghĩ mình không làm thì ai làm. Những nơi xảy ra thiên tai thường báo chí sẽ có mặt để đưa thông tin nhanh, nhưng họ ít làm những câu chuyện bên lề vì họ không có thời gian nhiều cho việc đó. Mình nghĩ nhiếp ảnh rất có lợi thế, một là mình sẽ biết thể hiện nội dung bằng những hình ảnh, hai là mình có nhiều thời gian, không bị áp lực về bài viết nên mình có thể phản ánh sâu nhiều câu chuyện bằng hình ảnh hơn. Lần đi sáng tác tại Trà Leng, khi mà bộ đội đang tìm kiếm người mất tích, họ đu dây từ bên khu vực không sạt lở qua khu vực sạt lở, hình ảnh gây cho mình ám ảnh nhất là bàn chân của các anh bị lở loét sâu do nhiều ngày đi giày tìm kiếm trong thời tiết ẩm ướt mưa lũ. Qua đó có thể thấy sự gian khổ của cả người dân và lực lượng cứu hộ nơi đây. Theo tôi, nhiếp ảnh có thể phản ánh chân thực nhất những gì xảy ra trong cuộc sống, lao động. Trong năm tới tôi dự định vẫn sẽ đi theo hướng sáng tác đó, tôi muốn có nhiều câu chuyện bằng hình ảnh để công chúng biết tới nhiều hơn.
HTH: Là nghệ sĩ có rất nhiều tác phẩm ảnh được giải thưởng trong nước và quốc tế, tiêu chí của anh về bức ảnh đẹp là như thế nào?
HVT: Thực ra nói về ảnh đẹp thì cũng có nhiều tiêu chí về thể loại. Ví dụ về ảnh thiên nhiên thì thời tiết phải thuận lợi để đảm bảo ánh sáng đẹp. Nhưng về ảnh đẹp nói chung thì ngoài màu sắc, bố cục thì phải có nội dung, câu chuyện, phải có thông điệp truyền tải trong đó. Đôi lúc, một bức hình không đẹp về màu sắc nhưng nội dung phản ánh tốt thì nó vẫn có nhiều giá trị.
HTH: Hiện nay, đội ngũ sáng tác có rất nhiều thuận lợi về máy móc và phương tiện kỹ thuật. Vậy anh có gặp khó khăn gì trong sáng tác không?
HVT: Chuyện sáng tác hiện nay có nhiều thuận lợi nên cũng dễ dàng cho những người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh. Tuy nhiên, cúng có những cái khó riêng. Quan trọng là chủ đề. Nhiều bạn sẽ có cảm giác chủ quan về bức ảnh mình chụp, cứ cho là đã đẹp rồi, có nhiều like rồi. Nhưng thực sự thì ngay những bức chụp bình minh hay hoàng hôn chẳng hạn thì cách đó cả mấy chục năm cũng có nhiều người chụp những bức ảnh đẹp kiểu vậy rồi. Hay ở góc chụp đó thì cũng đã có nhiều người chụp rồi. Cái khó là mình phải tạo ra điều khác biệt, cần tập trung vào cảm xúc và câu chuyện mình thể hiện trong từng tác phẩm.
HTH: Anh có lời khuyên nào dành cho những người mới bắt đầu với nhiếp ảnh không?
HVT: Khi đầu tiên, mới tham gia nhiếp ảnh thì tôi nhớ NSNA Võ Triều Hải nói với mình "Chỉ cần có đam mê là được hết". Tôi đã bắt đầu từ câu đó và cũng hi vọng những bạn mới đến với nhiếp ảnh cũng chịu khó là học được. Xác định chơi ảnh là chơi cho mình (cười). Còn việc tham gia các cuộc thi thì cần nắm rõ thông tin, chủ đề về cuộc thi ảnh thì mới có được thành tựu. Cách chụp của mình phải khác phải chọn các góc khác, các nội dung phản ảnh góc độ khác thì dễ đoạt giải hơn.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!