Nghệ thuật hình họa đồ gốm - Hành trình chinh phục thế giới của Pablo Picasso

11.08.2022
Hải Yến (Tổng hợp)
Trong một thời gian ngắn, nghệ thuật đồ gốm của Pablo Picasso đã không được các nhà phê bình nghệ thuật thực sự ưa chuộng. Họ coi đó là sự suy giảm sức sáng tạo của nhà danh họa và sự lãng phí tài năng, đặc biệt là khi so sánh với những bức tranh đột phá của ông.

Nghệ thuật hình họa đồ gốm - Hành trình chinh phục thế giới của Pablo Picasso

Tuy nhiên, danh tiếng tiêu cực về đồ gốm có hình dáng độc đáo của ông đã được thay đổi vào những năm 1980 khi ý tưởng về chủ nghĩa hiện đại đã khác đi. Sau đó, đồ gốm của Picasso ngày càng được công nhận và cuối cùng thì những tác phẩm này được coi là thành phần quan trọng trong nghệ thuật thời hậu chiến của ông.

Nguồn gốc sự đam mê đồ gốm của Picasso

Picasso bắt đầu tạo ra những bộ sưu tập đồ gốm phong phú của mình vào năm 1947 tại xưởng gốm Madura nằm ở thị xã Vallauris của Pháp. Chủ xưởng gốm, Suzanne và George Remy đã mời họa sĩ đến làm việc trong xưởng của họ. Vào thời điểm đó, thành phố đã trở thành một trung tâm gốm sứ nghệ thuật.

Một năm trước đó, năm 1946 Picasso đã tham quan một triển lãm gốm sứ tại Vallauris và được truyền cảm hứng lớn từ nghề thủ công địa phương đến nỗi ông đã bắt tay làm việc với vật liệu này. Đồ gốm đã trở thành một hình thức biểu đạt nghệ thuật quan trọng đối với ông sau Thế chiến II.

Nhà phê bình nghệ thuật Tania Harrot từng nhận định rằng, sự quan tâm của Picasso đối với đồ gốm ở Vallauris rơi vào những tháng năm giàu năng lượng sáng tạo phi thường của ông về cuộc sống thời hậu chiến để rồi những tác phẩm tuyệt vời được tạo ra nhanh chóng.

Một trong những lý do có thể khiến Picasso quan tâm đến đồ gốm là gốm sứ của Vallauris khiến ông nhớ đến đồ gốm của nông dân ở miền nam Tây Ban Nha. Trong khi đồ gốm truyền thống bị suy giảm ở các nước khác như Anh hay Pháp, việc sản xuất đồ gốm của nông dân Tây Ban Nha vẫn nhộn nhịp. Các họa sĩ gốm sứ Tây Ban Nha Josep Lorens và Artigas đã viết một cuốn sách về việc nối tiếp truyền thống này có tên là "Gốm sứ dân gian Tây Ban Nha ngày nay" vào năm 1974.

Hình dạng và trang trí của những chiếc bình được giới thiệu trong cuốn sách thường rất giống với tranh của Picasso, trong đó họa sĩ sử dụng các hình thức phóng to và đồ gốm thô, ba chiều với quai cầm cong cũng có thể được tìm thấy trong mô tả về đồ gốm Tây Ban Nha. Picasso chú ý đến mối liên hệ rõ ràng của tác phẩm nghệ thuật với truyền thống làm gốm của nông dân Tây Ban Nha hơn là đến chất lượng của vật liệu.

Còn một lý do khác khiến Picasso quan tâm đến gốm sứ là sự tiếp cận của loại hình nghệ thuật này. Bằng cách bán đồ gốm sứ, ông đã có thể giới thiệu tác phẩm nghệ thuật độc quyền của mình với công chúng. Các tác phẩm gốc của danh họa đã được tái tạo và đánh số, từ đó các tác phẩm của ông có thể được bán nhiều hơn, ngược lại với những bức tranh không thể tái tạo và rất đắt. Do đó, đồ gốm sứ của Picasso được tiếp cận với chi phí thấp hơn và cuối cùng là đến được với nhiều đối tượng hơn. George Ramy, người sở hữu xưởng vẽ mà Picasso làm việc đã viết: "Pablo quyết định rằng, ngoài tác phẩm cá nhân gốc của mình, nên mở một bộ sưu tập các tác phẩm bằng cách mỗi tác phẩm trong số đó có thể lặp lại bản sao với một số lượng nhất định".

Vào các thập niên 1950 và 1960 người ta có thể mua đồ gốm của Picasso với giá dưới 100 bảng Anh, trong khi tranh của ông chỉ dành cho những người giàu có yêu nghệ thuật. Đó là mong muốn làm cho công việc của mình được phổ biến toàn diện hơn, sau khi ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1944. Không chỉ giá thành thấp mà hình thức nghệ thuật đã giúp đồ gốm của Picasso dễ tiếp cận hơn với mọi người. Mặc dù nghệ thuật đương đại thường khó nắm bắt và dường như là độc quyền, còn gốm sứ là một loại hình nghệ thuật đã nổi tiếng và truyền thống mà mọi người có thể trưng bày, thưởng thức nó hàng ngày trong chính ngôi nhà của họ.

Sự kết hợp độc đáo các loại hình nghệ thuật trong đồ gốm

Picasso cũng nhận thức rằng, đồ gốm sứ sẽ cho ông cơ hội kết hợp hội họa với điêu khắc. Bằng cách tạo ra và trang trí đồ gốm, người họa sĩ có thể chuyển các đặc tính các bức tranh lập thể của mình sang vật thể ba chiều. Nghệ thuật gốm của ông tạo cho người xem cảm nhận chất lượng không gian của bức tranh, cũng như nhiều góc nhìn được mở ra khi xoay tác phẩm điêu khắc hoặc vật thể đó.

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập đồ gốm của Picasso.

Sự quan tâm của Picasso đối với mối liên kết giữa những thứ có vẻ như nghịch lý, chẳng hạn như hội họa và điêu khắc cũng được thấy ở một trong số các tác phẩm đầu tiên của ông mang tên "A Glass of Absinthe". Tác phẩm miêu tả hình dạng của một chiếc cốc được dùng để phục vụ rượu absinthe. Trong đó có một chiếc thìa với rãnh đặc biệt có một lượng đường ở trên. Absinthe thường được phục vụ bằng cách đổ rượu lên viên đường, sau đó chất lỏng nhỏ giọt qua chiếc thìa có rãnh rồi chảy xuống ly. Trong khi chiếc ly và khối đường của Picasso được làm bằng đồng thì chiếc thìa có rãnh là hàng thật.

Picasso vẽ tác phẩm điêu khắc bằng tay, giống như ông đã làm với nghệ thuật gốm sứ của mình. Chiếc cốc Absinthe không chỉ kết hợp hội họa và điêu khắc, mà còn là thử nghiệm kết hợp những đồ vật thông thường trong nghệ thuật, cũng như hội họa và điêu khắc. Ông đã mô tả một cách khéo léo quá trình làm ra chiếc cốc Absinthe rằng: "Tôi hứng thú với sự kết nối giữa một chiếc thìa thật và một chiếc mô hình thủy tinh, theo cách chúng đối mặt với nhau".

Vì Picasso không học về đồ gốm nên ông đã học nghề này bằng cách thử nghiệm với các vật liệu. Trong khi các món đồ được làm bởi những người thợ gốm chuyên nghiệp trong xưởng gốm Madura, thì ông đã chế tác lại chúng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo của mình. Họa sĩ đã thay đổi hình dạng, khắc và vẽ vào đồ gốm sứ. Theo nhà bảo trợ và sưu tập tác phẩm nghệ thuật Thụy Sĩ và nhà sưu tập nghệ thuật George Bloch, Picasso đã sử dụng những công cụ khác nhau để tạo ra những bản vẽ cho một số đồ gốm sứ của mình, chẳng hạn như máy cắt và chiếc đục vát, cũng như bút chì cùn, dao hoặc bất cứ thứ gì khác mà ông có trong tay.

Nhờ khối kiến thức về đồ họa, Picasso đã có kinh nghiệm trong việc khắc và tạo ra các bản in thạch bản. Trải nghiệm này không chỉ mang lại cho ông những kỹ năng cần thiết để khắc đồ gốm sứ mà còn giải thích lý do vì sao ông quyết định phát hành các ấn bản đồ gốm được đánh số của mình, được coi như để tái tạo đồ họa. Điều này đặc biệt thú vị vì các phiên bản gốm sứ được đánh số được ra đời khá đặc biệt.

Đồ gốm của Picasso đơn giản hơn, chẳng hạn như các tấm khắc thường được tái tạo bằng khuôn thì những tác phẩm phức tạp hơn của ông như bình và lọ hoa phức tạp thường được tái tạo bằng tay. Nhà danh họa đã tạo ra những đồ vật gốc cho những ấn phẩm của mình và các nghệ nhân đã tái tạo chúng để làm theo đúng hình mẫu của Picasso. Trong thiết kế đồ gốm của Picasso có thể hiện chủ đề, màu sắc và phong cách đơn giản, cũng như nét vẽ thô đối với nghệ thuật hội họa của ông sau này.

Mặc dù trong một thời gian, nghệ thuật gốm sứ của Picasso không được coi là có thể sánh ngang với các sáng tạo khác của ông, nhưng kể từ đó ý kiến của công chúng và giới phê bình về đồ gốm sứ của ông đã thay đổi. Con trai của danh họa mô tả mối liên hệ của Picasso với nghệ thuật gốm sứ của ông là sâu sắc và cá biệt. Thậm chí, chính nhà danh họa cũng coi đồ gốm của mình là cá biệt, việc tạo ra những chiếc đĩa và bình của ông không chỉ là một sở thích. Cùng với triển lãm, một bài đánh giá "Picasso: Đồ gốm" được công bố bởi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Louisiana ở Đan Mạch cho thấy danh họa đánh giá cao những thử nghiệm và khả năng của gốm sứ như một phương tiện nghệ thuật. Ngày càng có nhiều bảo tàng trưng bày đồ gốm của Picasso và coi chúng như một phần quan trọng trong sáng tác của ông, đặc biệt là thời gian gần đây chúng được đặc biệt chú ý.

Đồ gốm sứ của Picasso ngày càng trở nên phổ biến, sau đó trở thành chủ thể của nhiều ấn phẩm, triển lãm và đấu giá. Nhà đấu giá Christie's thậm chí còn xuất bản cuốn sách hướng dẫn sưu tập đồ gốm của Picasso, và từ năm 2015 đến năm 2016 trị giá các đồ gốm của danh họa đã tăng chóng mặt. Sotheby's đã từng bán một con cú đất nung được Picasso làm vào năm 1953 với giá khoảng 2 triệu USD. Tất cả những tác phẩm đồ gốm độc đáo đã thể hiện giá trị đáng kinh ngạc được tạo nên bởi Pablo Picasso - nhà danh họa huyền thoại.

(vnca.cand.com.vn)