Nâng "cánh diều" điện ảnh vươn cao

25.09.2023
Mai Lữ
Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2023 vừa diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa), quy tụ gần 1.000 nhà làm phim, các chuyên gia và nghệ sĩ tham dự. Năm nay đánh dấu mốc tròn 20 năm giải thưởng thường niên của Hội Ðiện ảnh Việt Nam ra đời nhằm tôn vinh các tác giả, nghệ sĩ và tác phẩm xuất sắc. Ðiểm nhấn của Cánh diều năm nay là kết quả vượt ra ngoài dự đoán, không bị cuốn theo số đông nhưng thuyết phục.

Nâng "cánh diều" điện ảnh vươn cao

Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. (Ảnh Đoàn phim cung cấp)

Sau 20 năm tổ chức (kể từ năm 2003), giải thưởng Cánh diều ngày càng được đổi mới, hướng tới quy mô và tầm vóc rộng lớn hơn. Năm nay, lần đầu tiên Ban tổ chức công bố Bức tường danh vọng vinh danh các nhân vật, tác phẩm điện ảnh uy tín, tài năng của nước nhà với 433 ngôi sao đại diện cho 107 tác phẩm tiêu biểu; 297 cá nhân xuất sắc là các tác giả, nghệ sĩ, diễn viên, người làm phim và 29 nhà điện ảnh gạo cội.

Phim truyện điện ảnh "Tro tàn rực rỡ" đoạt giải Cánh diều vàng cho phim truyện điện ảnh là chiến thắng đầy thuyết phục. Tác phẩm được đạo diễn kiêm biên kịch Bùi Thạc Chuyên chuyển thể từ hai truyện ngắn "Tro tàn rực rỡ" và "Củi mục trôi về" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sau bảy năm ấp ủ, phim ra rạp đầu tháng 12/2022, thu hút người xem vào bức tranh số phận của "những con người đổ nát" (chữ của Nguyễn Ngọc Tư) trong một xóm nhỏ miền tây khốn khó. Nơi đó, có những người phụ nữ sống cam chịu vì tình yêu và cuối cùng là một thông điệp nổi bật: hạnh phúc phải do chính con người nắm lấy.

Trút bỏ nét trẻ trung, sắc sảo, Phương Anh Ðào - nữ diễn viên tiềm năng đã vào vai người phụ nữ miền quê với vẻ ngoài chất phác. Cô được đánh giá cao với nhiều cảnh diễn nội tâm tinh tế, khiến người xem cảm nhận được diễn biến tâm lý, nỗi đau sâu thẳm của nhân vật ngay trong nhịp sống thường ngày hay khi xảy ra biến cố. Bối cảnh sông nước với kênh rạch chằng chịt, những mái nhà lợp lá, những nét sinh hoạt truyền thống đầy bản sắc... hiện lên sống động qua màn ảnh rộng.

Tại Cánh diều 2023, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng được vinh danh Ðạo diễn xuất sắc nhất. Ðây là thành quả xứng đáng với tâm huyết, tài năng của anh cho một bộ phim nghệ thuật với những đột phá về góc nhìn, sự sáng tạo, cố gắng kêu gọi đầu tư trong rất nhiều năm.

Ðài Truyền hình Việt Nam là đơn vị đoạt nhiều giải thưởng nhất với tổng số 16 giải thưởng. Bộ phim "Mẹ rơm" của đạo diễn Nguyễn Phương Ðiền do Trung tâm phim truyền hình (Ðài truyền hình Việt Nam) sản xuất đã xuất sắc giành giải Cánh diều vàng cho hạng mục Phim truyện truyền hình.

Diễn viên Thái Hòa tạo ấn tượng mạnh khi nhận cú đúp giải thưởng: Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim truyện truyền hình "Mẹ rơm" và Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim truyện điện ảnh "Con nhót mót chồng". Trong khi đó, bạn diễn Thu Trang cùng phim "Mẹ rơm" đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Suốt thời gian khoảng ba tháng phát sóng, "Mẹ rơm" đã tạo được ấn tượng và tình cảm với khán giả thông qua nội dung bình dị với cách kể gần gũi, mộc mạc. Trong phim, mỗi con người ở làng quê nghèo, dù tốt, dù xấu đều mang nỗi niềm, số phận riêng. Sau một hành trình dài với đủ cung bậc tâm trạng, biến động đời sống, họ - từ những người thiệt thòi, yếu đuối nhất, những người bình dân hay những người có vị trí, tiền bạc và tham vọng - đều nhận ra rằng: Tình người là thứ không thể mua được bằng tiền.

Bên cạnh câu chuyện về tình thân gia đình được đẩy lên cao trào với những "nút thắt, nút mở", người xem còn được thưởng thức một không gian mới với hình ảnh được đầu tư khi phần lớn cảnh quay của phim được thực hiện tại Phan Rang (Ninh Thuận).

Qua giải thưởng Cánh diều 2023, có thể nhận thấy sự đa dạng về đề tài và cách thức thể hiện của các nhà làm phim. Ở mảng phim truyện điện ảnh, các nhà làm phim tư nhân đã có sự nỗ lực, bứt phá hơn trong việc khai thác những đề tài gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống. Trong đó, có những bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao và có cả phim được đánh giá cao ở giá trị nghệ thuật, sáng tạo, từng đoạt giải thưởng quốc tế. Ðiều này cho thấy yêu cầu ngày càng cao về mặt chuyên môn của giải thưởng.

Thí dụ "Tro tàn rực rỡ" từng giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa được tổ chức tại Pháp. Tiệm cận với xu hướng sáng tạo và nghệ thuật điện ảnh thế giới là đòi hỏi đặt ra cho các nhà làm phim trong nước ở bối cảnh hiện nay, để từng bước góp phần nâng "cánh diều" điện ảnh vươn cao, vươn xa.

Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam Ðỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ: Không chỉ riêng ngành điện ảnh cố gắng mà còn là sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền trong việc ra chính sách khuyến khích, giảm thuế, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn... Một điểm đáng ghi nhận nữa là những ngành, như: mỹ thuật, âm nhạc và một số ngành văn hóa, nghệ thuật khác đang cùng với điện ảnh tạo ra sự lan tỏa, kết nối, như vậy sẽ hình thành một ngành công nghiệp văn hóa.

Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 là phát triển theo hướng ngành nghệ thuật đặc thù, có thể tạo ra lợi nhuận về kinh tế, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, điện ảnh trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi có đến 80% cụm rạp chiếu trong cả nước thuộc sở hữu nước ngoài, chưa kể sự đầu tư cho phim Việt còn hạn chế. Cần phải có những giải pháp vừa mang tính đồng bộ, vừa mang tính đặc thù để khuyến khích sáng tạo và thu hút đầu tư vào điện ảnh.

Bảy tác phẩm đoạt giải thưởng Cánh diều vàng 2023, gồm: "Tro tàn rực rỡ" (phim truyện điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên); "Mẹ rơm" (phim truyện truyền hình, đạo diễn Nguyễn Phương Ðiền); "Nguồn cội" (phim hoạt hình, đạo diễn Phùng Văn Hà); "Hố đen" (phim khoa học, đạo diễn Trịnh Quang Bách); "Bẫy" (phim tài liệu, đạo diễn Nguyễn Hồ Trí); "Dưới đáy hố" (phim ngắn, đạo diễn Ðinh Phạm Phước Bình), "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" (công trình nghiên cứu lý luận của PGS, TS Ðỗ Lệnh Hùng Tú).

(nhandan.vn)