Điều chỉnh hành vi để tiến tới bình thường mới
Vì vậy, chống dịch Covid-19 và tiến tới bình thường mới thực ra là điều chỉnh hành vi giao tiếp xã hội, để vi rút không có cơ hội lây lan.
SARS-CoV-2 tồn tại trong chính cơ thể người nhiễm. Vi rút từ người nhiễm có thể lây qua người lành khi tiếp xúc trong nhà, tại khu dân cư, nơi công cộng. Vì thế, ở mỗi một môi trường, cần có biện pháp chống dịch phù hợp.
Đầu tiên là cần phát hiện được càng nhiều người nhiễm mới trong cộng đồng càng tốt. Cần phát hiện được người mang vi rút trong cộng đồng trước khi vi rút kịp lây sang người khác. Cần cho phép người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Ngành y tế nên có hướng dẫn quy trình kỹ thuật thật cụ thể và dễ áp dụng, để người dân thực hiện. Bằng cách này, có thể triển khai xét nghiệm trên quy mô rộng lớn cấp tỉnh, thành phố, phát hiện hầu hết ca nhiễm mới trong một thời gian rất ngắn, nhờ đó có thể nhanh chóng chấm dứt chuỗi lây nhiễm.
Phòng chống lây nhiễm tại nơi ở
Nhà riêng hay căn hộ chung cư đủ điều kiện vệ sinh, thông thoáng khí, có khu vực sinh hoạt riêng..., nguy cơ lây nhiễm sẽ rất thấp. Đối với căn hộ chung cư, chỉ cần lưu ý nguy cơ lây nhiễm ở hành lang, thang máy hay giếng trời...
Tuy nhiên, người lao động nghèo từ những tỉnh xa đến các thành phố hay khu công nghiệp lớn, phải thuê phòng trọ chật chội, thiếu tiện nghi, thông khí và vệ sinh kém..., rất dễ có lây nhiễm chéo. Nơi ở, nơi sinh hoạt chính là một môi trường lây nhiễm hết sức nguy hiểm. Nếu nơi ở không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt và vệ sinh thì thực sự là những ổ dịch tiềm ẩn.
Hàng triệu người lao động nghèo từ miền Trung đang sống trong những điều kiện như thế tại TP.HCM hay Bình Dương. Chống dịch cần bắt đầu từ nhà dân, chứ không phải là từ trên cao. Phải thừa nhận rằng công tác chống dịch tại cơ sở có giai đoạn chưa được quan tâm đúng mức, nên tuy quyết liệt từ cấp trên, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất cao. Lại nhớ một lời thơ của tiền nhân: “Tổ kiến hổng sụp toang đê vỡ”. Cần bịt ngay các ổ kiến có khả năng làm vỡ đê, chính là những nơi ở tồi tàn mà người lao động nghèo các tỉnh xa đang tá túc.
Phòng chống lây nhiễm tại khu dân cư
Người dân ta thường có thói quen chuyện trò tiếp xúc hằng ngày, thậm chí hằng giờ với hàng xóm láng giềng. Đây là con đường phát tán vi rút dễ dàng nhất tại khu dân cư. Thái độ chủ quan, ý thức phòng bệnh kém và không được nhắc nhở giám sát... giải thích cho những hành vi nguy hiểm này.
Tình trạng tiếp xúc không an toàn diễn ra thường xuyên giữa hàng xóm láng giềng là một điểm yếu trong phòng chống dịch, cần được khắc phục kịp thời. Ở đây có vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các đoàn thể. Cần quan tâm đúng mức đến khu vực này, về cả chính sách, nhân lực, kinh phí, chế độ đãi ngộ lẫn chế tài xử lý vi phạm. Khi đưa F1 và F0 cách ly tại nhà thì công tác chống dịch tại khu dân cư càng giữ vai trò then chốt.
Tổ Covid-19 cộng đồng tại khu dân cư là một kinh nghiệm hay của Hà Nội, TP.HCM. Người dân trong khu dân cư tự giác tham gia các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, như yêu cầu người lạ đến phải bảo đảm an toàn phòng dịch, nhắc nhở cư dân chấp hành tốt quy định 5K và giãn cách xã hội, giữ vững những “vùng xanh” trong cộng đồng...
Phòng chống lây nhiễm tại khu vực công cộng
Dù dịch bệnh thì các hoạt động giao thông, mua sắm, bệnh viện, siêu thị... vẫn không thể ngừng lại. Qua các hoạt động này, vi rút sẽ có cơ hội đi xa hơn. Giãn cách xã hội giúp giảm đà lây lan bệnh, nhưng lại tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, nên không thể kéo dài. Hoạt động du lịch, hàng không, tàu xe, siêu thị, trường học, công xưởng... rất cần sớm được trở lại bình thường.
Trong lúc chờ có đủ vắc xin tiêm cho phần lớn người trưởng thành trên toàn quốc, rất cần các biện pháp bảo vệ cá nhân được nâng cao khi hoạt động ở nơi công cộng. Khẩu trang và tấm chắn giọt bắn có tác dụng tốt nhưng chưa đủ. Nhu cầu có một thiết bị bảo vệ cá nhân an toàn hơn là rất cần thiết, chẳng hạn như mũ có mặt nạ kèm khẩu trang. Bên cạnh đó, mỗi người cần chú ý tăng cường vệ sinh cá nhân như rửa tay, sát khuẩn khi có sự va chạm, tiếp xúc ở nơi đông người.
Biện pháp bảo vệ bản thân khi ra nơi công cộng
- Duy trì khoảng cách an toàn với những người khác (ít nhất 1 m), ngay cả khi họ không có biểu hiện bệnh.
- Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là ở trong không gian kín hoặc khi không thể giữ khoảng cách an toàn.
- Chọn hoạt động ở không gian mở, thông thoáng thay vì không gian kín. Mở cửa sổ nếu ở trong nhà.
- Vệ sinh tay thường xuyên.
- Sử dụng xà phòng và nước, hoặc chất sát khuẩn có cồn.
- Che mũi và miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
- Tiêm phòng khi đến lượt.
- Ở nhà khi cảm thấy không khỏe.
(Nguồn: WHO)
(thanhnien.vn)