Ấn tượng Giáo sư Hoàng Châu Ký

26.05.2023
Huỳnh Hùng
Rất vinh dự cho gia đình và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng khi Giáo sư Hoàng Châu Ký được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Buổi lễ trọng thể được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/5.

Ấn tượng Giáo sư Hoàng Châu Ký

Giáo sư Hoàng Châu Ký (1921 - 2008) trước hết là một nhà hoạt động nghệ thuật tuồng nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như thời kỳ xây dựng hòa bình.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt cho rằng: “Gia tài ông để lại là những kịch bản tuồng mẫu mực, những cuốn sách lý luận đặc sắc về bộ môn nghệ thuật tuồng, những giáo án giảng dạy bài bản, khoa học và những vở tuồng do giáo sư đạo diễn, dàn dựng đến nay Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Đoàn Tuồng cung đình Huế (Thừa Thiên - Huế) và Đoàn Tuồng Thanh Hoá còn biểu diễn” (1).

Từ một nhà hoạt động chính trị sôi nổi, từng vào tù ra khám trước cách mạng tháng Tám 1945, từng làm bí thư một số huyện miền núi Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp, ông rẽ qua hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Cụ thể là nghệ thuật tuồng từ năm 1952, theo sự phân công của Liên khu ủy Khu 5 bấy giờ.

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Đình An có nhận xét xác đáng về ngã rẽ này của giáo sư: “Sự lựa chọn của Đảng và cũng là của ông cách đây hơn nửa thế kỷ là một điều may mắn cho nghệ thuật dân tộc, bởi từ đây chúng ta có nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký với những cống hiến xuất sắc trên một lĩnh vực đòi hỏi nhiều tài năng, tâm huyết mà những người có tầm vóc như ông vô cùng hiếm hoi” (2).

Tôi quen biết rồi trở nên gần gũi, thân thiết với giáo sư sau khi ông nghỉ hưu (1992). Tôi nhận thấy ông chỉ nghỉ hưu về mặt hành chính thôi chứ hoạt động văn hoá, nghệ thuật thì ông say sưa làm việc và cống hiến cho đến cuối đời. Đất Quảng là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật tuồng nhưng trong thời kỳ mới, loại hình nghệ thuật truyền thống này, viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hoá này, đứng trước nhiều thử thách ngặt nghèo, thậm chí có tính chất sống còn.

Là một nhà văn hoá, nhà hoạt động nghệ thuật tuồng tâm huyết, Giáo sư Hoàng Châu Ký không khỏi trăn trở và rồi quyết định phải hành động. Việc Giáo sư tham mưu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập Hội Bảo trợ nghệ thuật tuồng và mời ông Phạm Đức Nam, nguyên (nay là cố) Chủ tịch tỉnh làm chủ tịch hội là thành công đáng kể, bởi ông Phạm Đức Nam là người có uy tín cao trong hệ thống chính trị, lại là người say mê tuồng - hát bội.

Hội Bảo trợ nghệ thuật tuồng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do “cặp bài trùng” là ông Phạm Đức Nam và Giáo sư Hoàng Châu Ký hoạt động rất sôi nổi, nhờ đó mà đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào hoạt động nghệ thuật tuồng khắp nơi trong tỉnh được phục hồi và phát triển, xuất hiện trong quần chúng nhiều diễn viên tài năng, có thể nối nghiệp các thế hệ đi trước.

Rồi Hội diễn nghệ thuật tuồng được tổ chức theo các khu vực phía Bắc, phía Nam, miền núi, tiến tới đến Hội diễn toàn tỉnh, tạo không khí phấn chấn mà trước và sau đó ít có. Bấy giờ, kinh tế còn khó khăn nhưng đời sống văn hoá tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, một phần là nhờ các hoạt động văn hoá - nghệ thuật truyền thống này.

Khi được tiếp xúc, làm việc với Giáo sư Hoàng Châu Ký, tôi nhận thấy ông không chỉ là một nhà hoạt động nghệ thuật tuồng đầu ngành của đất nước mà còn là một nhà văn hoá có kiến văn thâm hậu. Có lần, tôi khoe Điện Bàn là đất học, có nhiều nhà khoa bảng mà tiêu biểu là “ngũ phụng tề phi”, nơi sản sinh và đóng góp cho đất nước nhiều người con ưu tú trên các lĩnh vực khác nhau, như Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Phú Thứ, Phạm Như Xương, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Phan Khôi, Lê Đình Dương, Phan Thanh, Phan Bôi v.v… Nghe xong, giáo sư hỏi tôi:

- Cậu có biết vì sao Điện Bàn có nhiều người tài giỏi và tư duy mới mẻ, là nơi có phong trào văn hoá phát triển mạnh hơn những vùng đất khác không?

Tôi trả lời như mọi lần trước, nghĩa là không chịu khó đào sâu phân tích các nguyên nhân xã hội, mà chỉ đơn giản nghĩ về khía cạnh phong thủy mơ hồ:

- Dạ, vì Điện Bàn là nơi “địa linh nhân kiệt”. Địa linh sinh ra nhân kiệt ạ!...

Khi được giáo sư giảng giải, tôi rất bất ngờ và vô cùng nể phục trước kiến thức văn hoá, lịch sử đồ sộ, uyên bác và những phân tích, nhận định sâu sắc, mới mẻ của giáo sư với đại ý rằng, thực tế từng có một “Trục văn hoá Hội An - La Qua”. Nghiên cứu “trục văn hoá” này sẽ có lời giải cho hiện tượng lịch sử nói trên.

Vào đầu thế kỷ 17, Hội An là một thương cảnh sầm uất, tàu thuyền nước ngoài vào ra buôn bán tấp nập, giao thương diễn ra không chỉ về kinh tế mà còn cả về văn hoá. Trong khi đó, cũng từ đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn cho thiết lập Dinh trấn Thanh Chiêm, cách Hội An chỉ 8km, được coi là kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong, sau kinh đô Phú Xuân.

Quan trấn thủ Thanh Chiêm có nhiệm vụ coi ngó, quản lý Hội An, bởi bấy giờ Hội An cũng thuộc Điện Bàn. Vì công vụ và cũng có khi là du ngoạn, các quan lại ở Thanh Chiêm thường xuyên xuống Hội An làm việc, quan sát, tìm hiểu kinh tế và văn hoá ở đô thị mở nổi tiếng nhất cả nước này, nhờ vậy mà kiến thức được nâng lên, tư duy được đổi mới. Điện Bàn cũng là huyện đồng bằng, giao thông thủy bộ đều thuận lợi, nên chẳng những quan lại mà người dân cũng thường xuyên đến Hội An làm ăn, buôn bán nên có điều kiện mở mang đầu óc.

Về văn hoá, Giáo sư Hoàng Châu Ký cho rằng, sau khi thống nhất đất nước, các vua đầu nhà Nguyễn có ý thức xây dựng một vương triều dân tộc độc lập, xây dựng ngành giáo dục hoàn chỉnh từ trung ương xuống địa phương, mở các khoa thi để chọn nhân tài.

Ở Quảng Nam, tỉnh thành được chuyển đến xây dựng ở La Qua (nay thuộc thị trấn Vĩnh Điện), và nhanh chóng trở thành một trung tâm văn hoá lớn. Đáng lưu ý là, ở La Qua có trường đào tạo các khoá sinh để đi thi Hương, thi Hội, thi Đình, tức là đào tạo từ tú tài đến tiến sĩ.

“Các khoá sinh này đã được đào tạo ở các phủ huyện, qua một đợt sát hạch đủ tiêu chuẩn mới được lên trường tỉnh. Ở đây lại phải qua một đợt sát hạch mới mang lều chõng ra thi ở trường Thừa Thiên. Trường tỉnh ở La Qua phải do một tiến sĩ hoặc ít nhất là một phó bảng giỏi phụ trách. Như thế là, những học trò giỏi ở mức độ nhất định mới tập trung ở La Qua, và La Qua trở thành nơi tụ hội trí thức gồm những người chưa đỗ đạt, sắp đỗ đạt, hoặc đã đỗ đạt. Bấy giờ Điện Bàn cũng có Văn Miếu, một biểu hiện thiêng liêng của lòng tôn sùng Nho học…” (3)

Nghe giáo sư phân tích, giảng giải về văn hoá xứ Quảng, trong đó có văn hoá Điện Bàn, tôi được nâng tầm hiểu biết, thấy rất thuyết phục và sáng ra nhiều điều, và từ đó, càng thêm trân trọng, nể phục tài năng, trí tuệ cùng sự nhiệt thành của giáo sư.

Giáo sư Hoàng Châu Ký không chỉ là một nhà hoạt động nghệ thuật tuồng nổi tiếng trong cả nước mà còn là một trí thức tiêu biểu, một nhà hoạt động văn hoá nhiệt thành với kiến thức đa ngành sâu rộng, tư duy sắc sảo, tươi mới, hết lòng hết sức cống hiến cho nền văn hoá, nghệ thuật nước nhà. Do vậy, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật mà Giáo sư được truy tặng không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào chung của quê hương xứ Quảng.

 ---------------
(1) “Người truyền giáo hát Bội”, Hoàng Hương Việt, Nguyệt san Văn hoá Quảng Nam, số 11, tháng 1-2023.

(2) “Giáo sư Hoàng Châu Ký”, Nguyễn Đình An, Văn nghệ sĩ Liên khu V, NXB Hội Nhà văn, 2009.

(3) “Trục Văn hoá Hội An - La Qua”, GS Hoàng Châu Ký, Đặc san Xuân Điện Bàn - 1996.

(QNO)