Tư tưởng tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ tư tưởng đến hành động

08.08.2016

Tư tưởng tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ tư tưởng đến hành động

Tiết kiệm là một trong những nội dung luôn được Bác Hồ rất mực coi trọng. Trong suốt thời gian lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Bác luôn nhấn mạnh vai trò và tầm ý nghĩa của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nước ta.

Tiết kiệm là thi đua yêu nước

Bác Hồ đã đưa ra cách hiểu đối với khái niệm tiết kiệm như sau: Theo Bác, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to hơn cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt là để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.

Xuất phát điểm của nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, gian khổ. Trong điều kiện đó, vấn đề tiết kiệm càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có tiết kiệm mới có thể giúp tích trữ vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Không chỉ dừng lại ở cách hiểu, Bác Hồ còn nhấn mạnh việc tiết kiệm ở các nội dung cụ thể: 1 - Tiết kiệm sức lao động; 2 - Tiết kiệm thời gian; 3 - Tiết kiệm tiền của; 4 - Tất cả mọi người đều phải cùng tiết kiệm.

Thật vậy, tiết kiệm sức lao động chính là cách để tăng năng suất lao động của mỗi cá nhân. Cụ thể như đối với những công việc bình thường phải cần 10 người để hoàn thành, nhưng giờ để tiết kiệm sức lao động thì cần phải khéo léo sắp xếp, tăng khả năng lao động của cá nhân để 5 người cũng có thể hoàn thành được công việc. Số người sử dụng ít đi nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc - ấy chính là tiết kiệm!

Thời giờ chính là tiền bạc nên tiết kiệm thời giờ chính là tiết kiệm tiền bạc. Đặc biệt, mỗi thời giờ trôi qua đều không thể lấy lại được nên càng cần phải tiết kiệm hơn. Chính vì thế, những việc cần làm phải làm cho mau lẹ, khẩn trương, đảm bảo thời gian.

Tiết kiệm tiền của tức là cần khôn khéo sắp xếp để sử dụng số tiền ít nhất, tránh lãng phí tiền của công.

Tất cả mọi người đều cùng tiết kiệm. Đây chính là nguồn gốc để tạo nên sức mạnh bền vững của đất nước. Làm việc gì cũng cần có tinh thần đoàn kết một lòng trong toàn thể nhân dân. Bởi ai cũng có thể tiết kiệm và ai cũng nên tiết kiệm!

Trong tư tưởng thi đua ái quốc, Bác luôn kêu gọi nhân dân cả nước ra sức thi đua, ra sức tiết kiệm, tránh lãng phí mọi mặt để đảm bảo điều kiện nước ra vừa kháng chiến vừa phát triển sản xuất. Mỗi người dân của Việt Nam khi ấy đều ra sức để tiết kiệm, cùng nhau đồng lòng vì mục tiêu thoát khỏi kiếp lầm than.

Và sự thật là chứng minh những tư tưởng của Bác Hồ hoàn toàn đúng đắn. Các phong trào tiết kiệm, chống lãng phí đã được tổ chức, nhân rộng trong cả nước. Chính vì thế, cách mạng của nước ta đã cải thiện được không ít khó khăn, đảm bảo điều kiện vật chất để đuổi sạch bóng quân thù trên đất nước hình chữ S nhỏ bé đầy kiêu hãnh này!

Bác Hồ - tấm gương sáng ngời về sự tiết kiệm

Bác Hồ là người đã đưa ra nhiều lời kêu gọi thúc đẩy tinh thần tiết kiệm của mọi người trong cả nước. Bản thân Bác đã trở thành tấm gương sáng trong việc thực hành tiết kiệm. Đã có rất nhiều câu chuyện tiết kiệm của Bác được mọi người truyền nhau. Mỗi một câu chuyện, tuy có thể rất nhỏ, rất ngắn nhưng lại hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Thật vậy, từng hạt lúa, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của người nông dân. Chính vì thế, khi chúng ta có cơm ăn thì càng phải trân trọng từng hạt cơm. Đối với Bác Hồ - một lãnh tụ của đất nước cũng không ngoại lệ. Khi ăn, không bao giờ Bác để rơi cơm. Đồng chí Phạm Văn Đồng có lần kể: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ trọng và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Thêm vào đó, khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa lãng phí. Hồi 1957, Bác về thăm quê, lần ăn cơm với lãnh đạo tỉnh, khi đưa thêm các món ăn, Bác gạt đi: Dùng hết lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình.

Mỗi lần đi công tác, dù ở cương vị cao nhưng Bác cũng chỉ mang cơm nắm muối vừng. Một đồng chí ở Hội Luật gia Việt Nam kể lại câu chuyện cơm nắm như sau: Đó là lần đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Bác không cho Hội nghị làm cơm mời Bác. Buổi trưa, Bác bày ra bãi cỏ nắm cơm, lọ cà, lọ thịt kho và cho gọi tôi cùng ăn. Tôi gắp miếng thịt nhai không đứt, phải dúi xuống cỏ. Bác mang cơm nắm, vì rằng: Bác dặn đồng chí phục vụ đi công tác nắm cơm ở nhà đi. Trên đường tính toán đến giờ ăn dừng lại chỗ nào đó giữa đường, Bác cháu ăn với nhau. Đến nơi nói với địa phương Bác ăn cơm rồi, Bác thích thế, đỡ phiền bữa cơm, mất thời giờ của mọi người. Bác nói: Người ta dọn ra một bữa cơm sang, có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng đấy. Bác Hồ đến thăm cũng làm một bữa cơm sang, cũng điều người này, người khác từ giao tế sang, chuẩn bị cả buổi. Thế là tự Bác bao che cho cái chuyện xôi thịt. Như thế nắm cơm theo ăn cho tiện, ăn no rồi đến làm việc.

Bác tiết kiệm tất cả mọi thứ có thể, đến cái nhỏ như tờ giấy bởi: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến hai, ba lần.

Bác Hồ mặc rất giản dị. Người chỉ có hai bộ quần áo kaki dùng khi tiếp khách. Ở nhà Bác thường mặc bộ bà ba. Có lần Bác đi thăm nước bạn, nhân dân yêu quý họ tung hoa làm áo Bác bị ố, giặt là không kịp. Các đồng chí phục vụ đã may thêm một bộ giống như bộ Bác đang dùng nhưng không cho Bác biết. Tuy đã giặt nhiều lần cho cũ đi nhưng khi mặc Bác vẫn phát hiện ra đó là quần áo mới may. Bác phê bình ngay: "Ai cho các chú may thêm, Bác chỉ cần hai bộ. Nhân dân ta còn đang thiếu vải mặc, Bác dùng như vậy là đủ rồi".

Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát, như Bác đã chỉ rõ “Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm...mà lợi cho dân rất nhiều”. Qua những việc làm đó mà một chính khách nước ngoài được gặp Bác từ năm 1951 đã nói: Tôi hiếm khi được gặp một người sống thanh đạm đến thế và khinh thường mọi xa hoa đến thế. Thật vậy, cả một đời, Bác hy sinh tất cả vì sự thành công của sự nghiệp cách mạng, vì mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc. Mỗi hành động tiết kiệm của Bác chính là động lực, là sức mạnh cho nhân dân ta vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Chính vì thế, Bác Hồ chính là tấm gương tiết kiệm vĩ đại để mỗi người Việt Nam soi vào đó, sửa chữa và học tập làm theo lời Bác.

Thế hệ ngày nay và câu chuyện tiết kiệm?

 Những năm tháng khó khăn nhất của đất nước đã lùi xa. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức khác vẫn luôn tồn tại. Trong điều kiện hiện nay, khi mà các thế lực thù địch vẫn không ngừng âm mưu chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng thì vai trò của thế hệ ngày nay lại càng to lớn hơn. Bởi thế hệ ngày nay, đặc biệt thế hệ trẻ chính là tương lai của cả đất nước. Vậy trong điều kiện khó khăn này, thế hệ ngày nay cần phải làm gì?

Câu hỏi trên không quá khó nhưng cũng không dễ dàng tìm được câu trả lời đầy đủ nhất. Bởi thực tế, không ít cá nhân đã tự đẩy mình vào những cuộc chơi sa đọa, bỏ quên trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đối với xã hội. Trong khi đất nước còn nghèo nàn, họ vẫn lao vào những thú vui sang trọng, tốn kém, ví dụ như quần áo hàng hiệu, đi xe đẹp, sang, đồ dùng phải là hàng nước ngoài... Thậm chí, nhiều người còn thờ ơ với những mảnh đời khó khăn, nghèo đói xung quanh. Những trái tim vô tâm khiến nhiều người phải xót xa.

Trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nội dung tiết kiệm luôn được nhấn mạnh. Bởi tiết kiệm chính là đạo đức cách mạng, là phẩm chất của mỗi con người trong thời đại mới.

Tháng 12/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hiện nay, gắn với bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, song song với việc quyết tâm cao nhất để thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ đã trình ra Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này đặc biệt đề cao mục tiêu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch bảo đảm sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội.

Như vậy, trong tình hình hiện tại, vấn đề tiết kiệm ngày càng trở nên có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta còn quá nhiều khó khăn, thử thách. Điều này đòi hỏi thế hệ ngày nay đặc biệt là thế hệ trẻ cần ra sức nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, ra sức tiết kiệm để làm giàu cho Tổ quốc, xứng đáng với những hy sinh của cha anh đi trước. Tiết kiệm không phải là những chuyện xa xôi mà đó chính là những hành động, việc làm hàng ngày như tiết kiệm nước, giấy, điện... Mỗi đồ dùng được sử dụng hàng ngày đều nên tiết kiệm, sử dụng ở mức độ hợp lý. Nhiều đồ dùng có thể tái chế để làm đồ trang trí, đồ chơi hoặc sử dụng vào nhiều mục đích khác.

Có thể nói, lịch sử sẽ còn nhiều thay đổi nhưng những bài học, những tư tưởng quý báu đó của Bác Hồ kính yêu sẽ vẫn còn mãi. Những câu chuyện, những bài học về tiết kiệm của Bác chính là bài học ý nghĩa sâu sắc, mang tính định hướng tư tưởng đối với mỗi thế hệ người Việt Nam. Từ những thay đổi trong tư tưởng, những bài học đó sẽ tác động đến từng hành động của mỗi cá nhân. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời gian, sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều, lời nói phải đi đôi với việc làm.

Trong những ngày tháng 6 vừa qua, chúng ta nhớ đến Bác nhiều hơn với những hoạt động gắn với phong trào thi đua ái quốc. Một nội dung mà Bác Hồ luôn nhấn mạnh đó là ra sức tiết kiệm, tránh lãng phí. Bác đã dạy: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”. Hiện nay, nhân dân ta đã có điều kiện để nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp nhưng cái gốc của sự tiết kiệm vẫn luôn cần được thực hiện. Mỗi người bằng những cách khác nhau thực hiện tiết kiệm trong mọi lĩnh vực. Bởi khi tiết kiệm, mỗi người sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho đất nước./.

Thanh Huyền
(bqllang.gov.vn)