Học tập gương đọc sách của Bác Hồ

19.04.2016

Học tập gương đọc sách của Bác Hồ

Sách báo là kho tàng tri thức nhân loại, giữ vai trò to lớn trong sự phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, nhân loại đã được thừa hưởng những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, rất nhiều loại hình thông tin đã ra đời và mang lại thuận tiện cho con người như loại hình báo điện tử, báo hình,… và cuối cùng sách báo truyền thống vẫn là một kênh thông tin không gì thay thế được. Sách gồm nhiều chủng loại, nghĩa là xã hội có ngành nghề nào thì có sách của chuyên ngành đó.
Nhờ có sách mà nhân loại ở mọi phương trời có thể biết được về lịch sử, về văn hóa, về phong tục tập quán về quá trình phát triển của các dân tộc và cho tới tận hôm nay sách đã có mặt ở khắp mọi nơi, ngay ở những nơi vùng sâu, vùng xa chưa có có điện lưới quốc gia, chưa được phủ sóng phát thanh truyền hình nhưng với sách vẫn có thể len lỏi vào được.
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Về văn hoá Bác chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi Bác mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.”  Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét : “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.
Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Bác đã không ngừng học tập,  nói đúng hơn là không ngừng tự học và đọc sách. Kế thừa truyền thống ham đọc sách của gia đình, Bác đã luôn coi trọng sách báo. Nhưng với Người, đọc sách không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ nào đó mà còn để nâng cao các hiểu biết thông thường. Người đọc sách chủ yếu là để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm ham muốn khao khát ấy đã đi theo Bác suốt cuộc đời, chi phối mọi hoạt động của Người.
Sinh ra trong cảnh nước mất, lớn lên chứng kiến nỗi bế tắc của bao tầng lớp sĩ phu yêu nước và nỗi thống khổ của nhân dân. Mặc dầu vậy, Bác Hồ vẫn miệt mài đọc sách. Và không chỉ đọc sách  bằng chữ quốc ngữ, sách Hán mà Người còn đọc cả sách Pháp và nhiều loại sách khác nữa,... Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì ? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân.  Với Hồ Chủ tịch, đọc sách không chỉ cho riêng bản thân mình mà Người luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các bài viết hoặc thông tin  được đăng trong sách báo.
Xã hội loài người phát triển được một phần lớn là nhờ con người có khả năng đọc sách, tự học, học tập lẫn nhau cộng hưởng các sức mạnh cá nhân tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng. Sách báo sẽ là một nguồn tài nguyên vô giá giúp cho con người học tập và không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện mình. Bài học tự học qua sách báo của Hồ Chủ tịch sẽ mãi là tấm gương sáng cho mỗi người chúng ta học tập và noi theo.

Nguyễn Thị Mai
(thuviendongnai.gov.vn)