Từ một câu trả lời nghĩ về một quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu trên hai bình diện: bình diện thứ nhất là cách nhìn nhận của bản thân tác giả về các học thuyết, tôn giáo, chủ nghĩa và về bản thân; bình diện thứ hai cách nhìn nhận về văn hóa dân tộc, quan điểm phát triển văn hóa dân tộc. Bình diện thứ nhất là bình diện ngoại diên, cái bên ngoài, tạm gọi là nghĩa trên bề mặt câu chữ; bình diện thứ hai là cái mạch ngầm trong tư tưởng của Người, tạm gọi là nghĩa ẩn đằng sau câu chữ. Ở bình diện thứ nhất, Người sàng lọc những tinh hoa của các học thuyết, tôn giáo, chủ nghĩa, nói được cái cốt yếu, cái hạt nhân của mỗi học thuyết, chủ nghĩa ấy: tu dưỡng đạo đức, lòng bác ái, phương pháp biện chứng, chính sách phát triển. Dĩ nhiên, khi Người đã phát biểu như vậy về các học thuyết, các chủ nghĩa là Người đã nghiên cứu kỹ, và bằng phương pháp loại suy, Người đã chắt lọc những gì tinh hoa nhất để học tập. Mỗi học thuyết, mỗi chủ nghĩa luôn chứa trong nó nhiều đặc điểm, nội dung, không phải chỉ một nội dung thuần túy, dù đó là cái cốt yếu. Vậy nên, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện những đặc điểm này phải hiểu là Người vừa (đọc rất nhiều) hiểu các học thuyết, chủ nghĩa, vừa đã chọn lọc để tiếp thu làm giàu cho tư tưởng của mình. Đấy là điều chỉ xảy ra đối với những bộ óc siêu việt, mà với trường hợp Hồ Chí Minh, GS. Mai Quốc Liên đã gọi cho cái tên là "một bộ lọc vĩ đại”(2). Tất nhiên ở đây tôi chỉ mới giới hạn về việc tiếp thu cái cốt yếu của 4 học thuyết, tôn giáo, chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ra ở câu trên, chứ trên thực tế, việc tiếp thu và thông qua hành động loại suy của Người còn được thể hiện rất nhiều như: đối với việc tiếp thu Phật giáo (tư tưởng từ bi bác ái, tinh thần bình đẳng, nếp sống giản dị, coi trọng lao động (Phật giáo Thiền tông: "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”)), triết học và tư tưởng phương Tây (tư tưởng dân chủ và tiến bộ, coi trọng tự do con người: Tuyên ngôn 1776 của nước Mỹ, tư tưởng của Rút xô, Môngtexkiơ) vv… Từ chỗ nhìn nhận về 4 học thuyết, chủ nghĩa, Người nói về mình: "tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ”. Đây là lời nói có tính khiêm nhường, nhưng không hoàn toàn, bởi xem xét ở khía cạnh khác, phẩm chất trung thực của Hồ Chí Minh lại nổi lên. Trong khoa học, một thực tế khách quan là, một nhà khoa học lớn suốt đời theo đuổi chân lý, cố nhiên phải phát biểu chân lý ấy bằng nhiều công trình, Người ấy sẽ đào tạo ra các học trò theo trường phái của mình, phát triển tư tưởng của mình lên tầm cao mới. Nhưng, trong khoa học lại không thể có một người nhận mình là học trò của một người vĩ đại trong khi đã không tuân theo tôn chỉ khoa học của người đó. Vậy nên, ở đây khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là muốn làm người học trò nhỏ thì cũng là rất trung thực (bởi vì mục đích của Người là tìm con đường tư tưởng để cứu nước chứ không phải làm khoa học). Hơn nữa, nếu phân tích kỹ câu nói của Người ta lại thấy Người nhìn nhận rất đúng bản thân: Người một mặt tự nhận là học trò, mặt khác lại không thừa nhận là học trò trung thành của một học thuyết, chủ nghĩa nào, hiểu theo nghĩa thuần túy tiếp thu. Người chọn lọc cái ưu điểm của mỗi học thuyết để phát triển tư tưởng của mình. ở đây có vấn đề nhạy cảm đó là học thuyết Mác - Lê nin, tôi xin giải thích để tránh hiểu nhầm. Người là học trò của Mác, Ăng ghen, Lê nin, nhưng không phải là học trò thuần túy tiếp thu máy móc tư tưởng của họ. Người nhìn nhận học thuyết Mác xít rồi đối chiếu với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tìm ra hướng đi. Riêng luận điểm, "Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước” đã là một đóng góp vĩ đại cho học thuyết Mác xít thời hiện đại (bởi vì học thuyết Mác xít chỉ nghiên cứu đấu tranh giai cấp, và cho rằng, giải phóng dân tộc chỉ thành công khi giải phóng giai cấp, các dân tộc bị áp bức chỉ giải phóng được mình khi cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp ở chính quốc thắng lợi). Như vậy có thể thấy, ở đây một mặt, Người khiêm nhường nhận là học trò (tức tầm tư tưởng, trí tuệ không sánh bằng Khổng Tử, Giê su, Mác, Ăng ghen, Lê nin, Tôn Trung Sơn), một mặt Người đã trung thực với bản thân. Nếu nói Hồ Chí Minh là ai khi học tập các học thuyết, chủ nghĩa ấy, thì theo tôi, Hồ Chí Minh là một người khác - khác so với học trò của các vị tiền bối đó và vì... "vô tiền khoáng hậu”.
Bình diện thứ hai, Người nói về văn hóa dân tộc: đó là một nền văn hóa có bề dày lịch sử. Khi Người nói "tôi chính là... một người yêu nước”, thì ẩn đằng sau câu nói ấy, chúng ta phải hiểu là đất nước chúng ta có truyền thống tốt đẹp, có bề dày văn hóa (không phải đất nước nào cũng có bề dày văn hóa, kể cả những đất nước nền kinh tế, khoa học phát triển). Nói tôi là người yêu nước nghĩa là đứng trên lập trường dân tộc, lấy dân tộc làm gốc, trên cơ sở cái dân tộc tiếp thu cái bên ngoài để làm giàu thêm. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải liên hệ với phát biểu của Người ở những câu kế trên để thấy tại sao chúng ta cần phải tiếp thu bên ngoài và tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phải ra đi tìm đường cứu nước vào những năm đầu thế kỷ XX?
Có thể nói rằng, trước khi thực dân Pháp vào Việt Nam, đất nước chúng ta vẫn chỉ quen thuộc với tâm tính á Đông, trong đó đất nước có quan hệ mật thiết nhất với chúng ta là Trung Hoa. Vì chúng ta gần gũi với Trung Hoa (ở đây hiểu về khía cạnh tâm tính, thế giới quan), nên dân tộc chúng ta không bị xáo trộn nhiều khi Trung Hoa xâm lược, đặc biệt là về cấu trúc xã hội. Cũng vì thế nên chúng ta đánh thắng các cuộc xâm lược của Trung Hoa trong khi vẫn dùng những tiềm lực cũ (như phương pháp đấu tranh, phương tiện thiết bị quân sự, lực lượng quân đội… ). Nhưng đến khi người Pháp vào nước ta thì nước ta bị xáo trộn nhiều, các chí sĩ nhiệt thành bế tắc trong lựa chọn con đường cứu nước (bởi vì một lí do cơ bản là chúng ta không thể cứu nước theo con đường và cách thức cũ được nữa). Giữa lúc bế tắc đó, Nguyễn ái Quốc đã lựa chọn con đường đến với đất nước kẻ thù để tìm hiểu họ. Đây là một hành động vĩ đại vì Nguyễn ái Quốc vốn quen với Nho học, lại nhỏ bé trước những bậc cha anh như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, tìm một con đường đi, trong khi tương lai thì chưa thể hình dung được. Nhưng cần phải chỉ ra cho rõ ràng rằng, Nguyễn ái Quốc ra đi đến đất nước kẻ thù không phải chỉ là việc đi để tìm hiểu họ, biết họ phục vụ cho riêng mình, hay nói là "cứu nước” nhưng đang rất mơ hồ, chung chung, chưa xác định được đường hướng (vì lúc này Người mới hai mươi tuổi). Cái vĩ đại của Nguyễn ái Quốc ở đây là muốn ra đi để đưa cái mới, cái tốt đẹp về cho dân tộc trên cơ sở nền văn hiến và lịch sử văn hóa dân tộc đã hun đúc từ ngàn đời. Nghĩa là phải chọn cái dân tộc làm gốc, tiếp thu những cái tốt đẹp bên ngoài là để làm giàu thêm bản sắc, làm nên những người Việt mới (tâm thức vẫn mãi mãi là tâm thức người Việt) chứ không phải những người Việt khác (khác với truyền thống, quay lưng với truyền thống). Đây là một tư tưởng lớn. Có tìm hiểu được nền văn hóa, văn minh mới, có làm cho người dân nước Việt bấy lâu bị che kín tầm nhìn thấy được khoảng trời khác để tiếp thu, chuyển hóa thành con người mới thì người Việt mới tự giải phóng được cho mình. Dĩ nhiên là nếu tiếp thu mà trở thành con người khác với truyền thống thì chúng ta sẽ gần với kẻ thù, là anh em với kẻ thù, có nghĩa là chúng ta không cần phải giải phóng dân tộc nữa.
Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu trả lời trên là sau Cách mạng Tháng 8 - 1945, lúc chúng ta đã có Đảng Cộng sản lãnh đạo, chúng ta đã có chính quyền, nhưng tại sao Người vẫn không nói mình là người cộng sản? Ngoài việc để giữ hòa khí với Tàu Tưởng, trong khi Tàu Tưởng có khả năng hợp tác với quân Pháp, lại trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động bất lợi cho cách mạng Việt Nam, thì theo tôi, bởi vì hơn hết, Người hiểu được dân tộc (và hiểu được chính bản thân mình, bản thân là một người ái quốc, đứng trên lập trường chủ nghĩa yêu nước, không trở thành một người của trường phái nào), Người tự hào về truyền thống của dân tộc (trong đó nổi bật là truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng), Người phân biệt được sự khác biệt giữa dân tộc với cái bên ngoài, kể cả với Chủ nghĩa Cộng sản. Chủ nghĩa Cộng sản do Mác - Ăng ghen sáng lập, Lê nin kế thừa và phát huy, dựa trên cơ sở học thuyết thặng dư và lí luận về đấu tranh giai cấp, chỉ áp dụng trước hết cho chính quốc. Mác cũng nói, cách mạng ở các nước thuộc địa chỉ thành công khi đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản đã hoàn thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở hiểu dân tộc - hiểu văn hóa, tâm thức dân tộc kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, khác với phương Tây, nên đã phát biểu một luận điểm hết sức quan trọng đó là các nước bị áp bức, bóc lột cũng có thể tự giải phóng mình khỏi ách thống trị của thực dân và Người đã đưa ra quan điểm: cách mạng ở Việt Nam sẽ tiến hành giải phóng dân tộc kết hợp với giải phóng giai cấp. Phương Tây trên cơ sở coi trọng cá nhân, cá nhân là trung tâm luận, người Việt và á Đông nói chung lại coi trọng cộng đồng, gia tộc, coi trọng nhân cách. Vì coi trọng nhân cách, trọng cộng đồng nên người Việt coi cách mạng cũng là một bộ phận tạo thành nhân cách (hành đạo), tức xét chính trị trong đạo đức, coi đạo đức có vai trò cải tạo thế giới (Phương Tây lại đặt chính trị ngoài đạo đức, chính trị là một hoạt động tổ chức xã hội). Điều này lí giải tại sao ở Việt Nam lại có những bà mẹ như Mẹ Thứ hy sinh 10 người con cho cách mạng mà không nghĩ bất cứ điều gì, lại có hàng vạn người tình nguyện ra chiến trường biết là ra đi khó có ngày trở lại,… làm cho kẻ thù phải kinh ngạc mà thốt lên là không thể hiểu được con người Việt Nam. Đây có thể cũng là nguyên nhân cơ bản để Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: làm chính trị là thực hành đạo đức, "học chủ nghĩa Mác – Lê nin để sống với nhau có nghĩa có tình” (3), cho nên ở Việt Nam mới có chuyện là giáo dục bằng tấm gương, một tấm gương sáng còn hơn vạn kinh sách. Đó cũng là một trong những lí do Chủ tịch Hồ Chí Minh âm thầm cắt dán trên một ngàn tấm gương "người tốt, việc tốt” giữa lúc mối quan hệ anh em XHCN không đồng thuận.
Từ quan điểm, văn hóa phải luôn tiếp biến với bên ngoài, phải lấy cái dân tộc làm gốc, ta mới lí giải vì sao hai kẻ thù xa lạ với ta là Pháp và Mỹ lại phải chịu đầu hàng một dân tộc nhỏ bé, nền kinh tế yếu kém, lạc hậu, khoa học – kỹ thuật chưa phát triển. Chúng ta chiến thắng hai kẻ thù đế quốc khi chúng ta có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chỉ có Đảng Cộng sản lãnh đạo chúng ta mới thực hành được cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng, Đảng chỉ là vạch ra đường lối, Đảng chỉ chỉ đường (đấy là cái mà trước đây chúng ta chưa có), cái quyết định thắng lợi là tinh thần dân tộc, là tâm thức trong mỗi người con Việt Nam (Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập - "câu chuyện” chỉ có ở Việt Nam). Đó là cái bất diệt. Mỹ không thể hiểu vì sao một cường quốc đứng đầu thế giới, vũ khí tối tân lại thua trận tại Việt Nam trong khi Mỹ rất hiểu về chế độ Cộng sản chủ nghĩa. Điều này có thể giải thích là do Việt Nam không chỉ đánh Mỹ bằng chế độ Cộng sản mà bằng truyền thống lịch sử hàng ngàn năm. Chủ nghĩa Cộng sản chỉ là cái cư trú, cái mới đến, cái hòa vào tâm thức dân tộc suốt hàng ngàn năm ở Việt Nam, làm tốt đẹp thêm con người Việt Nam. Nếu có thể nói về Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam thì chỉ có thể nói Chủ nghĩa Cộng sản – Việt Nam mà thôi, nghĩa là vẫn là tâm thức người Việt Nam, giống như ngày nay người Việt Nam có sang Âu, sang Mỹ thì cốt tủy vẫn là người Việt Nam: cách đi đứng, kiểu tư duy, kiểu lựa chọn…
Những lí giải trên giúp ta hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhận mình là người yêu nước, và suốt đời Người vẫn là một người yêu nước nhiệt thành. Người yêu nước và hiểu dân tộc đến nỗi Người luôn chuyển hóa kinh sách, lý luận thành cách nói hàng ngày của người Việt.(4). Năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước chỉ với hành trang là VĂN HóA, khi trở về lãnh đạo đất nước, người thanh niên năm ấy, với tên gọi Hồ Chí Minh, cũng luôn yêu cầu phải thực hành văn hóa, vì văn hóa. Điều này chứng tỏ một quan điểm quan trọng trong tư tưởng của Người đó là: lấy văn hóa làm gốc, văn hóa là mục đích, là động cơ để thực hành chính trị, chính trị và tổ chức xã hội nói chung là để phục vụ cho văn hóa. Sau này có một người đã hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã viết công trình Văn hóa và đổi mới. Đó là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Công trình xuất bản vào những năm cuối đời, như một di huấn quan trọng. Cố Thủ tướng viết: "Đổi mới phải bắt nguồn và bắt rễ từ mảnh đất văn hóa, truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của thời đại… Từ mảnh đất văn hóa đó, sự nghiệp đổi mới, bao quát mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị và hệ thống chính trị của nước ta, ngày càng mở rộng và phát triển theo chiều cao và bề sâu”(4). Theo tôi đây là những đóng góp, bổ sung quan trọng cho học thuyết Mác xít vì học thuyết Mác xít chưa nhìn nhận thực đúng vai trò của văn hóa. Đấy cũng là lí do khiến triết gia Pháp Jean Paul Sartre không tán thành chủ nghĩa Mác về quan điểm văn hóa mặc dù ông tán thành quan điểm phát triển.
Nguyễn Mạnh Hà
(hochiminhhoc.com)
...........................
1. "Hồ Chí Minh truyện”, Trương Niệm Thức dịch, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, tháng 6-1949, dẫn theo: Nguyễn Đình Chú, Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh với Nho giáo, website: http://hoinhavanvietnam.vn. (xin chú thích thêm là, từ sau bản dịch năm 1949, các bản xuất bản sau đó của Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, không có đoạn Bác Hồ trả lời nhà báo nêu trên).
2. Mai Quốc Liên, Tư duy Hồ Chí Minh, TC Văn hoá Hà Tĩnh, số 132, 2009, tr.02.
3. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.34.
4. Xem thêm: Nguyễn Mạnh Hà, Đi xa để tái sinh mãi mãi - một cách nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, số 315, 2010.
5. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và Đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.103