Bồi đắp, giữ gìn giá trị đạo đức cốt lõi của cán bộ, đảng viên

07.08.2019

Bồi đắp, giữ gìn giá trị đạo đức cốt lõi của cán bộ, đảng viên

“Cần, kiệm, liêm, chính” là những giá trị đạo đức cốt lõi để làm nên nhân cách văn hóa cao đẹp của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng bồi đắp, làm giàu các đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” không những giúp cán bộ, đảng viên giữ được vị thế, tư cách, hình ảnh của mình trong lòng nhân dân mà còn góp phần nhân lên, lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp trong xã hội.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để có những đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, vì đây là những giá trị cốt lõi làm nên nhân cách chân chính của người cách mạng.

Cách đây tròn 70 năm, tháng 6-1949, dưới bút danh Lê Quyết Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”. Với phong cách viết giản dị, dễ hiểu nhưng vô cùng sâu sắc, Bác Hồ đã phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng của đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”; đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần và thể hiện bốn đức tính cao đẹp này trong cuộc sống, sinh hoạt, công tác.

Sau khi dẫn luận rằng “Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính”, Bác Hồ đã khẳng định: “Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Theo Bác, “Cần” tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai; “Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”; “Liêm” là trong sạch, không tham lam; “Chính” nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của “chính”. Muốn trở thành một người hoàn thiện, theo Bác, mỗi người cần phải hội tụ đủ bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”. Đây cũng là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Phong trào Thi đua ái quốc. Mục đích cao nhất của việc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” để làm cho “con cháu mình sung sướng, gia đình mình no ấm, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang, nước nhà mình mạnh giàu”.

Những lời phân tích thấu đáo của Bác Hồ về ý nghĩa, mục đích, cách thức thực hiện bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” của con người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc rèn luyện đạo đức cách mạng, phần lớn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có ý thức tu dưỡng, bồi đắp cho mình những đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” để góp phần xây dựng nền tảng văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, văn hóa xã hội lành mạnh và qua đó, làm gương cho nhân dân học tập, noi theo.

Những năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện, thực hiện đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”, đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã có nhiều việc làm thiết thực, như: Tuân thủ, chấp hành nghiêm túc thời gian làm việc hành chính; tích cực lao động sáng tạo đạt chất lượng, hiệu quả cao; đổi mới lề lối, tác phong làm việc phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính chuyên nghiệp, minh bạch; chú trọng thực hành tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm; không gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; thể hiện thái độ chuẩn mực khi giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân... Đó là những biểu hiện của đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” rất đáng khích lệ của cán bộ, đảng viên thời nay.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu chuyên cần, chưa tiết kiệm, thiếu liêm khiết, chưa chính trực khiến nhân dân ta thán, dư luận phiền lòng. Nhiều người đến công sở vẫn chưa tận dụng “8 giờ vàng ngọc” để làm việc hiệu quả; tình trạng cắt xén thời gian hành chính để làm việc riêng, đi muộn về sớm, sử dụng máy tính cơ quan để tán gẫu online, chơi games hay lấy điện thoại công để “buôn chuyện” với người khác... vẫn chưa chấm dứt trong một bộ phận “người Nhà nước”. Câu khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách” hầu như ai cũng thuộc nằm lòng, nhưng đáng nói là nhiều nơi, nhiều người trong bộ máy công quyền vẫn mắc bệnh phô trương hình thức, hội họp triền miên, chi tiêu tiếp khách quá đà khiến cho ngân sách công bị hao hụt, nguồn lực công bị bào mòn. Thời gian qua, dư luận từng xôn xao bởi có những cán bộ cấp sở đã phải hao tốn nhiều thời gian vì “vấn nạn” họp hành, trung bình mỗi ngày có người chạy “sô” từ 3 đến 4 cuộc họp khiến không có thời gian để đi cơ sở, nghiên cứu tình hình, khảo sát thực tiễn, từ đó dễ xa rời cuộc sống.

Chuyện ăn uống, tiếp khách vốn tế nhị, nhưng có nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương mỗi năm cũng làm hao hụt ngân sách vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để chi tiêu cho các “đoàn ra, đoàn vào” theo kiểu “khách ba, nhà bảy” mà thực chất là hành vi bòn rút tài sản công khiến một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, cách chức, thậm chí có người bị xử lý hình sự. Một số cán bộ từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, có nếp sống giản dị, tiết kiệm, nhưng sau khi được thăng quan tiến chức, thường xuyên được cấp dưới, doanh nghiệp, đối tác mời ra các nhà hàng sang trọng ăn uống, giao lưu. Ngày này qua ngày khác, nếu cán bộ cứ dễ dãi tham dự những buổi tiệc tùng như vậy vừa dễ bị người khác lợi dụng, mua chuộc, vừa dễ sa ngã vào lối sống xa hoa. Lối sống trên dân, xa dân cũng từ đó dần lớn lên trong con người cán bộ và đây chính là mầm mống của căn bệnh quan liêu, vô cảm với dân. Điều này hoàn toàn trái ngược với lối sống bình dị, tao nhã của người cộng sản.  

Trong khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nêu gương về lòng tự trọng, đề cao đức tính giản dị, liêm khiết, chính trực để làm tốt bổn phận phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì vẫn còn không ít người có lối sống khoe khoang, hợm hĩnh và có thái độ, hành vi nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân khiến dư luận bất bình. Mới đây, một số cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã có hành vi vòi vĩnh trắng trợn đối với một số doanh nghiệp ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là một tiếng chuông cảnh báo về nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại dai dẳng trong một bộ phận những người thực thi công vụ. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất này không chỉ làm trái lời căn dặn của Bác Hồ về đức tính liêm chính, chí công vô tư, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, hình ảnh cán bộ, đảng viên chân chính trong lòng nhân dân.

 “Cần, kiệm, liêm, chính” là những giá trị đạo đức cốt lõi và làm nên nhân cách văn hóa cao đẹp của người cộng sản. Thời nào cũng vậy, những giá trị này như chiếc dây neo để giữ cho tâm hồn, phẩm giá cán bộ, đảng viên không bị chòng chành, chao đảo trước những cơn sóng, cạm bẫy vật chất, tiền tài danh vọng luôn có sức mê hoặc, quyến rũ ghê gớm đối với con người. Chỉ một chút buông lơi, một chút dễ dãi, một chút sa đà, một chút thỏa thuê với những ham hố tầm thường của cuộc sống cũng có thể biến một người cán bộ, đảng viên từng trải qua những năm tháng rèn luyện, cống hiến, hy sinh bỗng dưng trở thành kẻ xuống cấp về nhân cách đạo đức.

Vậy nên, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng bồi đắp, làm giàu các đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” không những giúp cán bộ, đảng viên giữ được vị thế, tư cách, hình ảnh của mình trong lòng nhân dân mà còn góp phần nhân lên, lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp trong xã hội. Khi mỗi cán bộ, đảng viên trở thành hình mẫu, mực thước về đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính” sẽ có tác động, thẩm thấu vào tình cảm, nhận thức của nhân dân, từ đó truyền cảm hứng cho nhân dân chung tay góp sức xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội lành mạnh.

Thiện Văn
(Báo Quân đội nhân dân điện tử)