Trở về từ vùng dịch
“Xin anh ghi đủ thông tin và điền yes hoặc no vào tờ khai”. Cô nhân viên y tế bịt kín khẩu trang trong trang phục áo blu trắng nói.
“Lê Thành Đạt
Bay từ sân bay Incheon lúc 4h35 đến Đà Nẵng lúc 10h55 ngày 25 tháng 02 năm 2020
Tuổi 20
Nghề nghiệp: Sinh viên...”
Sau đó anh được đo thân nhiệt, kết quả nhiệt độ 36,5 độ.
Anh hỏi:
- Thưa chị tôi còn kiểm tra gì nữa không ạ?
Nhân viên y tế nói:
- Hiện tại anh không có biểu hiện sốt, ho, khó thở, theo quy định anh chưa phải cách ly. Anh cứ về địa phương sẽ có nhân viên y tế đến tư vấn, khám bệnh, hỗ trợ y tế theo đúng quy định của công văn phòng chống dịch...
- Cảm ơn chị ạ!
Anh bắt taxi chở vào Bến xe trung tâm Đà Nẵng sau đó mua vé đi xe giường nằm về quê nhà.
Trên xe, anh tranh thủ nhắn tin về cho Long, hẹn thời gian ra đón mình ở bến xe. Tiếng nhạc du dương cộng với thời gian làm thủ tục bay dài làm anh thiếp đi lúc nào không biết.
“Dậy ăn cơm tối nào các thượng đế ơi”. Tiếng nói to của anh tài xế khiến tất cả mọi người đang ngủ trong xe bị đánh thức dậy. Xe dừng ở một quán ăn ven đường để khách hàng ăn uống, dừng chân nghỉ ngơi sau hơn 4 tiếng trên xe.
Sau khi đã dùng xong bữa tối muộn ở quán ven đường, lên xe mở điện thoại xem tin tức. Màn hình điện thoại báo có tin nhắn mới của Dạ Thảo: “Đạt về đến nhà chưa? Có mệt lắm không?”. Đạt trả lời tin nhắn trong lòng thấy vui vui, những mệt mỏi trong anh dường như tan biến. Anh mở một bài hát Hàn Quốc “Can you hear my heart”: “Em có nghe thấy không? Thanh âm nơi anh đang hướng về em buông lời thổ lộ. Tựa như giọt mưa vương bên khung cửa sổ, em đang thấm đẫm trái tim anh”...
Đúng ba giờ sáng anh về đến bến xe huyện, như đã hẹn Long ra đi xe máy đón anh về nhà. Long là cậu bạn thân anh học cùng với nhau thời phổ thông. Tốt nghiệp Trung học phổ thông Long đi học nghề, nay đang được tạm nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Chiếc xe máy sau khi đi vòng vèo qua đường chính liên xã, rẽ vào đường nhỏ, hai bên đường, nhà cửa san sát. Mùi mắm muối, mùi cá khô phơi quen thuộc phả vào mặt Đạt, cái mùi đặc trưng của làng ven biển vốn có truyền thống muối mắm, sản xuất những loại nước mắm cổ truyền nổi tiếng khắp nơi. Cái mùi này nhiều lần lẫn vào trong mỗi giấc mơ của Đạt khi ở Seoul khi mơ về quê hương mình. Đạt thường nói vui với bạn bè nơi khác về thăm là “mùi vị quê nhà”:
Xa quê thương nhớ bùi ngùi.
Nhớ canh ngao ngọt nhớ mùi mắm tôm.
Nhà nào trong thôn, xã cũng có vài vại mắm cá, ăn quanh năm, nhiều gia đình đã giàu lên từ nghề truyền thống lâu đời ấy. Ở xã anh có hẳn một nhà máy sản xuất nước mắm rất quy mô, tạo công ăn việc làm cho mấy trăm người.
Ngôi nhà cấp bốn, mái tôn màu xanh lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng mới xây dần hiện ra trước mắt anh. Bố mẹ anh cả đêm không ngủ, cửa vẫn mở để đón người con trai gần nửa năm không gặp mặt trở về. Nghe tiếng xe máy ngoài cửa, mẹ anh chạy vội ra ngoài hớn hở vừa chạy vừa nói:
- Đạt về à con. Mệt lắm không?
- Mẹ!
Đạt nói to, chạy lại ôm lấy mẹ, nắm đôi tay gầy guộc thô ráp của mẹ thấy cay cay trên khóe mắt. Mẹ dạo này gầy hơn, đôi mắt sâu trũng có những vết thâm quầng do mất ngủ, long lanh những giọt nước mắt hạnh phúc. Đôi vai gầy gồng gánh buôn bán chạy chợ quanh năm nuôi sống cả nhà như quắt lại, bây giờ đang rung rung. Đạt sờ vai mẹ mà cảm thấy xót xa, tự sâu thẳm nơi đáy lòng trào dâng lên một nỗi thương cảm.
Nhìn sang Long bà nói:
- Cảm ơn cháu Long nhé, đêm hôm vất vả quá! Vào nhà đi các con.
Long lễ phép trả lời:
- Cháu chào bác! Không có gì đâu bác bọn cháu cũng quen thức khuya rồi. Với lại ra đón Đạt để xem thằng này đi xuất ngoại có đẹp trai như trai Hàn Quốc trên phim không ạ!”. Long chào ra về hẹn hôm sau sang chơi, hai đứa bạn tiếp tục hàn huyên.
Đạt vào nhà, cha anh đang nằm trên giường mắt lim dim, thi thoảng ho khúng khắng vài tiếng. Đạt ngồi xuống cạnh giường lễ phép nói:
- Thưa cha con đã về, cha thấy trong người thế nào ạ?
- Đạt về à con! Cha thấy hơi mệt nhưng sẽ khỏe thôi, tại mấy hôm nay trở trời nên đau một chút!
Qua tin nhắn của Long anh biết cha anh bị phát bệnh mấy tháng nay, cái bệnh tiểu đường khiến người cha mệt mỏi, đau nhức hết các khớp chân tay. Do mải mê làm lụng không đi kiểm tra sức khỏe định kì, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng. Cha anh xưa vốn là một chàng trai miền biển khỏe mạnh vạm vỡ, chuyên đi cùng các tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến đi kéo dài vài tháng mới về, thuyền đầy cá mực. Chủ tàu cập Cảng cá đã có các con buôn, đại lý hải sản chờ sẵn. Cảnh mua bán diễn ra rất tấp nập, có khi con buôn khắp nơi tranh nhau mua, thi thoảng lại có các câu văng tục, than thở của những người đến chậm không mua được hàng.
Mấy năm nay sức khỏe giảm sút, cha anh chỉ ở nhà lo cơm nước, nội trợ. Bởi vì mẹ anh rất bận, mẹ có một sạp hàng tạp hóa rau củ, quả ở chợ xã bên. Sáng dậy sớm chuẩn bị hàng, tối mịt mới về. Sạp hàng rau ấy đã nuôi sống cả gia đình, nuôi chị em Đạt ăn học bấy lâu nay. Mấy ngày cha đau nặng mẹ Đạt phải nghỉ việc buôn bán để chăm sóc chồng. Khi được nghỉ học, chị Hiền cũng thay mẹ chăm sóc cha, bếp núc và giúp mẹ bán hàng ngoài chợ. Chị Hiền chị gái của Đạt hiện đang học năm cuối của một trường đại học ở Hà Nội, chị đang đi thực tập. Nghe tin em trai về nhà, chị cũng định thu xếp về chơi với em. Được dịp nhà trường sẽ cho sinh viên nghỉ tránh dịch trong một thời gian cho tới khi có quyết định đi học trở lại.
Sau khi hỏi han tình hình sức khỏe của cha, Đạt gieo mình xuống giường ngủ một giấc thật dài.
Đạt tỉnh dậy, trong lòng khoan khoái, dễ chịu vô cùng, lâu lắm rồi anh mới có cảm giác như vậy. Mấy tháng ở Hàn Quốc phần vì bận học, phần vì chưa quen khí hậu, lại thêm nhớ nhà, giấc ngủ không trọn vẹn. Tuy không trở về từ vùng dịch là Deagu và Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc nhưng anh vẫn cố gắng ít tiếp xúc nhất với người khác, anh cũng dặn Long và mẹ của mình cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ gìn vệ sinh...
Chiều ngày đầu tiên sau khi trở về nhà, Đạt đi xe đạp một mình, khẩu trang che kín, anh đến bờ đê chắn sóng biển. Cởi khẩu trang, anh hít một hơi thật dài cái vị mặn mòi của biển quê hương sau thời gian dài không được có cái cảm giác rất bình dị, thân thương mà cũng rất đỗi quý giá đối với anh. Ngoài kia những chiếc tàu cá đang neo đậu chờ ngày ra khơi, những tàu khác đang trở về Cảng cá với rất nhiều hải sản được ướp trong các tủ dựng đầy đá lạnh hứa hẹn bán được đắt hàng. Phía trước anh, bên kia Lạch Bạng là Núi Do Xuyên, Hải Thanh.
Ở đây nhà cửa san sát, đông vui, vùng đất “đa nghề”, mà xa xưa là nghề đóng bè mảng - một phương tiện đánh bắt thủy sản lâu đời của cư dân vùng biển; nghề đóng thuyền đi biển những năm đầu thế kỷ XX; các nghề đánh bắt thủy hải sản như nghề câu mực, nghề kéo rùng, nghề gõ gai... Cùng với đó là các nghề truyền thống đã giúp duy trì đời sống vật chất và phát triển kinh tế địa phương, như nghề làm cá khô, mắm mòi, mắm chua và nổi tiếng hơn cả là nghề làm nước mắm. Ở gần biển ven núi là đền Lạch Bạng, đền thờ các vị tướng có công mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước thoát họa xâm lăng, gồm Quang Trung hoàng đế, Tô Hiến Thành, Lý Thái Úy và Hoàng Minh Tự. Ngoài ra, trong đền còn thờ các linh thần được gọi là Tứ vị Thánh Nương.
Ngôi làng trên núi ven biển, buổi chiều in bóng xuống mặt biển đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc. Bức tranh quê hương tuyệt mỹ ấy đã dẫn Đạt về với những ký ức đẹp của tuổi thơ, ký ức về quê hương cứ luôn hiện hữu trong anh. Cứ đến Tháng Giêng hằng năm anh cùng lũ bạn lại háo hức đi xem lễ hội Quang Trung, đặc biệt là xem đua thuyền. Theo lệ cũ, mỗi khi hội được mở, người dân sẽ làm cỗ linh đình và các loại bánh trái, hoa quả bằng những sản vật địa phương, để dâng lên và tưởng nhớ buổi xuất quân năm xưa từng diễn ra trên đất Hải Thanh.
Ngày thứ hai sau khi trở về, Đạt dậy rất sớm, sau khi giúp mẹ chuẩn bị hàng hóa đi chợ, anh lau chùi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo. Buổi chiều trong người anh cảm thấy nóng ran trán, mồ hôi vã ra. Anh cảm thấy lo lắng, lên mạng internet anh đọc lại các triệu chứng thường gặp
ở bệnh nhân bị Covid-19 như sốt, ho, khó thở.
Không chần chừ, anh đeo ngay khẩu trang, chuẩn bị một số quần áo, tư trang xếp vào ba lô chuẩn bị sẵn sàng đi cách ly. Đạt gọi điện cho Trạm y tế xã thông báo tình hình lịch sử của bản thân những ngày qua. Cô trực trạm thông báo với Đạt là hãy bình tĩnh, cố gắng tránh tiếp xúc gần với mọi người, cách vệ sinh và nói rằng sẽ có nhân viên y tế đến tại nhà hướng dẫn, thăm khám.
Nhân viên y tế đến, Đạt thấy họ đều mặc áo “giáp”, mũ, kính, ủng, găng tay, kính, khẩu trang, hình ảnh mà anh đã thấy khi xem trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đo nhiệt độ, máy báo 38 độ. Một người ghi sổ khám bệnh và hoàn thành thông tin cần thiết để cách ly. Gia đình Đạt số người cách ly là 3, gồm anh, bố và mẹ. Long, bạn của Đạt do tiếp xúc gần với anh cũng thuộc diện cách ly. Ngoài ra cách ly cả gia đình Long gồm bố mẹ và em gái nữa.
Anh cố kìm cảm xúc nói với bố mẹ:
- Con xin lỗi đã làm cho bố mẹ phải lo lắng, bố mẹ hãy làm theo hướng dẫn của các bác sỹ và chính quyền địa phương. Cả nhà yên tâm chắc con sẽ ổn thôi.
Mẹ anh rơm rớm nước mắt nói:
- Con cứ yên tâm đi lên trên bệnh viện huyện làm các xét nghiệm đi, không lo lắng cho bố mẹ đâu. Nhớ không được suy sụp tinh thần nghe con, dũng cảm lên, mẹ luôn tin tưởng ở con!
Đạt chia tay bố mẹ, anh mang ba lô theo cán bộ y tế ra trạm y tế xã đợi xe lên bệnh viện huyện để cách ly.
Chiều tối hôm đó, anh được đưa vào một nơi đặc biệt, phòng khá rộng chỉ có mỗi mình anh lọt thỏm giữa căn phòng toàn màu trắng tinh, vẫn còn nồng nặc mùi thuốc khử trùng. Anh được bác sỹ làm thủ tục nhập viện. Làm các xét nghiệm cần thiết, lấy mẫu máu đi test Covid-19, chiếu chụp X-quang phổi, đo nhiệt độ... Đặc biệt anh được một nữ bác sỹ tư vấn tâm lý, hướng dẫn lại cách vệ sinh, đeo khẩu trang. Những thông tin mà anh đã được nghe thường xuyên qua hệ thống loa phóng thanh của xã, qua truyền hình, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Bác sỹ động viên anh hãy yên tâm, đừng lo lắng, hiện tại Việt Nam chưa có ca nhiễm nào tử vong. Cho đến hiện tại các ca nhiễm đều có sức khỏe ổn định, nhiều người đã được chữa khỏi bệnh. Anh được bác sỹ cho uống thuốc, cứ sau một tiếng lại kiểm tra nhiệt độ.
Bữa tối đầu tiên tại nơi cách ly chỉ một mình với suất ăn mà bác sỹ đã mua sau khi tham khảo ý kiến anh. Anh cố gắng ăn hết suất cơm để có sức đề kháng với bệnh tật.
Dù đã được tư vấn về tâm lý nhưng trong lòng anh vẫn trĩu nặng một nỗi lo âu. Trong người anh tràn ngập những câu hỏi mà anh không tự trả lời được. Liệu mình có bị dương tính với Covid-19 không nhỉ? Nếu như vậy thì bố mẹ và nhiều người tiếp xúc gần khác sẽ có khả năng bị nhiễm mất. Đặc biệt là người đang bị bệnh như bố của Đạt, sức đề kháng yếu, liệu có qua được cửa ải này không? Long và gia đình của bạn ấy có bị sao không? Những người chung chuyến bay, cùng những hành khách trên xe giường nằm và cả người lái taxi ở sân bay đã chở anh nữa? Rồi bao người tiếp xúc F1, F2, F3... khác? Nghĩ đến đó đầu óc anh quay cuồng, mắt mờ đi, cảm giác tội lỗi xâm chiếm tâm trí anh.
Giờ đây, hình ảnh ở đoạn video ghi một người phụ nữ được cho là ở Vũ Hán đang kêu gào thảm thiết, lấy tiền gấp thành những máy bay giấy ném xuống dưới ấy chợt hiện về. Anh vẫn nhớ rõ mồn một câu nói của bà ta: “Người đều không còn nữa, tiền nhiều thì để làm gì? Có những người sống bạt mạng để kiếm tiền, không tin trời, không tin đất, không sợ báo ứng, càng không trọng đức, vì danh lợi mà hao phí một đời, cuối cùng một đồng cũng không mang theo được. Con người cần tích đức hành thiện mới có được phúc báo”. Đoạn video ấy đã ám ảnh bao nhiêu người xem và đã được chia sẻ trên mạng xã hội một cách chóng mặt.
Đang đắm chìm trong suy nghĩ thì bác sỹ đến đo nhiệt độ. Nhiệt độ đo được 36,3 độ, ở mức bình thường, Đạt đã thôi sốt và không có biểu hiện như ho, khó thở, các dấu hiệu thường thấy của bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cô bác sỹ động viên anh yên tâm, tình hình có chiều hướng rất khả quan. Chỉ chờ đợi kết quả xét nghiệm Covid-19.
Biết tin anh đang bị cách ly, bạn bè, thầy cô giáo cũ đã nhắn tin hỏi thăm anh, động viên anh yên tâm đợi kết quả. Những tin nhắn ấy đã làm anh ấm lòng hơn, vững tin hơn. Đặc biệt là tin nhắn từ Dạ Thảo, cô bạn thân của anh, người mà anh quý mến. Những dòng tin nhắn messenger cùng những hình ảnh vui nhộn, hài hước như những liều thuốc tinh thần quý báu giúp anh qua những phút giây khó khăn nhất ở tuổi hai mươi đầy dữ dội này.
Trên mạng xã hội, bên cạnh những lời sẻ chia, cảm thông, hỏi thăm là những status đầy ác ý: “Nó đi từ trung tâm dịch Deagu, Hàn Quốc về. Bị cách ly ở sân bay Đà Nẵng rồi nó trốn cách ly về”. “Sao còn thành phần thiếu tự giác vậy nhỉ? Được đi nước ngoài ăn học mà ý thức không bằng một đứa trẻ. Đáng ra phải tự giác cách ly chứ. Vô ý thức, không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho gia đình và xã hội chứ. Thành phần khốn nạn, lại còn làm hoảng loạn lòng dân nữa...”. Sau đó là hàng trăm các bình luận ác ý chửi rủa bằng những ngôn từ ngoa ngoắt nhất, tất cả những căm phẫn đều dồn lên những con chữ như ngàn mũi kim đâm vào tim Đạt. Anh không còn đủ dũng cảm để đọc những chữ ấy nữa.
Đúng là thời buổi “mỗi người dân là một nhà báo”, ai ai cũng tỏ ra mình hiểu biết, thức thời nhạy bén, đi trước thiên hạ. Chưa rõ đầu đuôi ra sao đã lên mạng xã hội mạt sát, “gạch đá” người khác. Sự việc bằng con kiến nhưng thổi phồng thành con voi, thói “ăn không nói có”, tâm lý “đám đông” có thể trở thành đề tài cho những “anh hùng bàn phím” ấy nã đạn, xâu xé như những lũ kền kền hôi của trên nỗi đau đớn của khổ chủ. Từ phổ biến nhất là từ “toang”, hơi tí cũng: “Toang rồi ông giáo ạ”. Một người dùng được rồi thành hiệu ứng học đòi, bắt chước mà chưa hiểu hết ý nghĩa của từ “toang”. Đây cũng chính là “những thói hư tật xấu” của người Việt mà Đạt đã đọc được trong tác phẩm của tác giả Vương Trí Nhàn.
Rất nhiều người đã bị phạt nặng nhưng dân mạng vẫn bỏ ngoài tai, vẫn còn tình trạng “tay nhanh hơn não”. Người ta nói “đã ngu dốt lại tỏ ra nguy hiểm” quả không ngoa tý nào.
Cả đêm hôm đó anh thức trắng không thể nào chợp mắt được. Bao ký ức ngày xưa chợt hiện về trong anh. Kỷ niệm về tuổi học trò, về thầy cô và mái trường Trung học phổ thông vẫn luôn trong tâm trí anh. Ngôi trường chuẩn Quốc gia có những dãy nhà cao tầng cùng khuôn viên rộng, sạch đẹp. Có những thầy cô thân thiện, nhiệt tình tận tâm với học sinh, hai bác bảo vệ vui tính. Những ngày hè ôn thi thật vất vả có hôm thức trắng cả đêm để luyện đề. Năm đó tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa, Đạt đã có kết quả khá cao đủ có thể xét tuyển vào các trường đại học “tốp trên”, theo cách gọi của sỹ tử. Tuy nhiên anh có dự định khác, đó là học tiếng Hàn, sang đó du học, đi để tu thân, học tập có kiến thức về quê hương lập nghiệp. Trường Đại học Đạt đang học được nghỉ 5 tuần, tranh thủ kỳ nghỉ anh về nước thăm gia đình. Ai ngờ đúng dịp đại dịch Covid-19 hoành hành...
Ngày thứ hai vẫn phác đồ như cũ, bác sỹ khám cho anh, đo nhiệt độ. Yêu cầu anh uống nhiều nước ấm, động viên anh yên tâm đợi kết quả. Sau một đêm không ngủ Đạt rã rời chân tay, hơi mỏi mệt.
Anh cảm thấy cuộc sống chênh vênh quá. Tuổi 20 đầy khao khát, mơ mộng đang ở phía trước, có lẽ nào mình lại dễ dàng gục ngã như vậy. Bất giác anh nhớ đến câu danh ngôn: “Dù người ta có nói với bạn những điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống là điều kì diệu và đẹp đẽ” (Pautopxki).
Đạt tự nhủ mình phải tiếp tục tiến lên phía trước, tinh thần không được dễ bị đánh bại như vậy được.
Sau khi dùng bữa tối xong, anh đang thiu thiu ngủ thì bác sỹ hớn hở thông báo tin vui: Kết quả xét nghiệm Covid-19 là âm tính. Anh vỡ òa cảm xúc, anh nói như reo lên: “Cảm ơn bác sỹ, cảm ơn mọi người”. Bác sỹ chúc mừng anh và nói rằng do anh kiểm tra sức khỏe các chỉ số khác bình thường nên không phải xét nghiệm lần 2, anh sẽ được về nhà ngày mai đồng thời tự cách ly ở nhà cho đủ tổng thời gian 14 ngày nếu không có triệu chứng sốt, ho, khó thở tức là hoàn toàn bình thường. Tối hôm đó anh nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng của bạn bè và thầy cô giáo cũ. Trong lòng anh lâng lâng một niềm vui...
Sau 14 ngày cách ly, anh lại ra ngắm biển, biển hôm nay thật đẹp, sóng miên man như chào mừng người bạn mới trở về. Đứng trước biển quê hương bao nhiêu nỗi lo lắng, chênh vênh, hoang mang tuyệt vọng ấy như những giọt nước bị sóng làm tung lên rồi dần dần rớt xuống đại dương bao la, đại dương của tình người, của sự yêu thương và sẻ chia. Chỉ có tình yêu thương và sự bình tĩnh mới giúp con người vượt qua tất cả những khó khăn của thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài kia những con tàu lại tiếp tục hành trình vượt sóng cũng như anh chuẩn bị năng lượng để hiện thực những khát vọng chinh phục cùng những hoài bão mới - hoài bão tuổi hai mươi.
Bất giác anh nhớ về đôi mắt trong veo của Dạ Thảo và những gì hai đứa đã hứa với nhau tại đúng nơi này vào ngày chia tay sáu tháng trước. Lời hứa trước biển quê hương có một động lực và sức mạnh lớn lao để anh thêm năng lượng hành động hiện thực hóa những ước mơ ấy. Giá như bây giờ Dạ Thảo có mặt ở đây thì tuyệt vời biết mấy. Anh chợt ngâm nga câu thơ của thầy giáo chủ nhiệm sáng tác:
“Em ơi có nghe biển hát
Ngàn năm giai điệu du dương
Khúc hát đoàn thuyền đánh cá
Căng buồm vượt sóng đại dương”.
V.T.H