Khéo dư nước mắt

14.10.2024
Đông Trình
Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.

Khéo dư nước mắt

Street Vendors - Tranh của JR Sketches.

Từ ngã ba Lê Độ, nhìn thấu suốt nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, cứ thông thống. Không gian thóang đãng và cao vút, kéo tâm hồn mình lên như nương theo một sợi dây diều. Chúng tôi, kiếm một quán bia mới lúp xúp dựng lên trên lề con đường ấy, và ngồi xuống, gọi hai chai bia Sông Hàn.

Người, đâu mà lắm thế? Không biết trước khi con đường này mở ra thì thiên hạ đã lẫn vào những con đường nào? Và xe cộ. Và nhà... Nhà đâu mà mọc lên lắm thế? Trước khi vùng đất này mở ra, thì nhà lẫn vào đâu? Và quán xá nữa... Cơ man là quán, đủ mọi kiểu cách, mọi mô hình... Trước khi con đường này mở ra thì quán lẫn vào đâu? Và ốc! Khủng khiếp là ốc! Có một buổi chiều, tình cờ tôi lang thang qua những con đường nhằm giải tỏa một nỗi phiền muộn. Qua khỏi cầu vồng, phía bên trái con đường Lê Duẩn, ốc! Rẽ qua Nguyễn Thị Minh Khai, ốc! Từng dãy từng dãy tràn ra mép đường. Nghi ngút khói những cái nồi ốc luộc. Khêu ốc, hầu hết là những bàn tay học sinh, sinh viên. Xe cộ của người đi ăn ốc dựng bên lề đường, không thua xe của người đi xem bóng đá. Người ta tẩm cái gì trong ốc mà người ăn hít hà đến vậy? Người ta khêu gì trong ốc mà chí thú đến vậy? “Anh ơi, ngồi xuống đây đi! Ốc rất rẻ tiền, lại vui tay”. Những bàn tay không có việc gì làm, hãy đến đây mà hao phí thời gian. Những nỗi buồn khó giải tỏa, đến đây, cùng với ruột ốc, khêu ra... Nhưng chẳng lẽ những khuôn mặt trẻ măng, những nụ cười hớn hở kia lại ấp ủ nỗi buồn? Chẳng lẽ thời gian của họ rộng rãi đến mức cứ quây quần bên những cái nồi luộc ốc.

- Này, đá nó tan hết ra rồi, ông nhìn đi đâu vậy, cứ ngơ ngác như người mất hồn! Trăm phần trăm! Ông có biết lúc ông đang đăm chiêu thì tôi nghĩ đến cái gì không? Tiễn hỏi. Tôi lắc đầu.

- Mình nghĩ đến cái tên đường mà chúng ta đang ngồi. Tại sao các anh hùng, vĩ nhân, các nhà văn hóa, văn học... không cho nó một cái tên, mà lại gọi con đường "Đông - Tây"?

- Vâng, một suy nghĩ thú vị đấy.

- Là tại làm sao? Đất đai cứ đẻ thêm ra rất nhiều con đường, nhưng lịch sử ngày một ít vĩ nhân. Đến một lúc, những con đường sẽ khủng hoảng tên gọi! Chẳng nhẽ trong một thành phố, lại có mấy con đường mang tên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh...?

- Này, ông có nghĩ rằng, trong hàng trăm con người đang ngồi khêu ốc trên lề đường kia, rồi sẽ có một cái tên còn lại cho con đường nào đó mai sau?

- Tôi xin ông, hãy cầm cái ly bia của mình lên, dừng nghĩ chuyện bao đồng, "khéo dư nước mắt... khóc người mai sau"!

Bên cạnh chúng tôi mấy bước chân. Im lặng. Tuyệt đối im lặng là một cụ già ngồi bán bong bóng bay. Cụ đến đây, cùng lúc với chúng tôi. Lỉnh kỉnh đèo bòng trên một chiếc xe đạp cũ, nào là bình đựng khí bom hơi, tấm bạt che, ghế ngồi... Trong im lặng, cụ dàn ra trận địa của mình như một con nhện chăng lưới. Động tác sau cùng là hai bàn tay khẳng khiu treo trên cái cọc gỗ một chùm bong bóng bay. Đủ màu sắc, khiến cho cái lô đất trống mà ngày mai đây sẽ mọc lên một ngôi nhà năm tầng, sinh động hẳn. Rồi, cũng im lặng, cụ ngồi thu mình phía sau tấm bạt, bập bập điếu thuốc sâu kèn...

Thỉnh thoảng, tôi liếc mắt về phía cụ, khi có một cậu bé được bố mẹ chở đi qua, xem thử có chiếc bong bóng nào rút ra khỏi cái cọc gỗ không? Có cháu bé đưa tay chỉ chỏ, nhưng bố mẹ gạt đi, vì họ biết những chiếc bong bóng rực rỡ kia, chỉ vẽ vời ra trong không gian một niềm vui mệnh yểu. Họ chở con mình trên ô tô, trên những chiếc xe gắn máy hào nhoáng đi về phía các cửa hàng điện tử, ở đó cơ man đồ chơi trẻ con. Chúng tôi đứng lên, gọi chủ quán tính tiền. Tiền, hai chai bia chẳng là bao nhiêu, nhưng chúng tôi đã tiêu phí vào đây, trên con đường mới mở này, gần 3 tiếng đồng hồ!

Những cái quán ốc vẫn nườm nượp khách ngồi.

Chùm bong bóng vẫn còn nguyên, phất phơ trên đầu cọc gỗ, vẫy vào không gian một lời mời gọi mong manh...

(baovannghe.vn)