Thiết tha tiếng gọi cội nguồn - Trần Trung Sáng

22.04.2015

Thiết tha tiếng gọi cội nguồn - Trần Trung Sáng

Vào những ngày tháng Tư năm nay, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra một bữa tiệc hội ngộ của nhiều thành viên từ chiến dịch babylift trở về Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến dịch di tản này. Chiến dịch babylift năm 1975 đã đưa 3 nghìn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ra khỏi Việt Nam đi làm con nuôi ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc... Suốt mấy chục năm qua, dư luận nước Mỹ vẫn còn không ít những tranh cãi về sự kiện này với nhiều góc độ khen chê khác nhau. Thế nhưng, vượt qua tất cả, những em bé babylift ngày nào khi đến tuổi trưởng thành vẫn không ngớt tìm về vòng tay rộng mở của miền đất mẹ...

CÂU CHUYỆN “CÔ GÁI ĐÀ NẴNG” 

Bộ phim tài liệu Daughter from Da Nang (Cô gái Đà Nẵng), do PBS phát hành hồi đầu năm 2002, có lẽ là một trong những đề tài điện ảnh đầu tiên nhắc đến những đứa trẻ Việt Nam được đưa sang Mỹ trong chiến dịch babylift. Phim có thời gian dài 81 phút của hai đạo diễn người Mỹ Gail Dolgin và Vicente Franco, từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng của ban giám khảo dành cho phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim Sundance 2002 và đề cử giải Oscar 2003 và từng được trình chiếu miễn phí tại một số nơi ở Việt Nam.

Nội dung phim Daughter from Da Nang xoay quanh câu chuyện cảm động về cuộc hành trình trở về quê hương, tìm lại quá khứ của cô gái lai Heidi Bub (tên tiếng Việt: Mai Thị Hiệp, con của bà Mai Thị Kim) sau 22 năm thất lạc cội nguồn. Bối cảnh quay chính được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng. Phim buộc người xem phải trăn trở về những nỗi đau thời hậu chiến mà những con người sống ở cả hai đất nước cùng phải gánh chịu. Heidi nay là cô gái Mỹ không biết tiếng Việt. Tuy đã có chuẩn bị học nói những lời thương yêu bằng Việt ngữ: Con yêu mẹ. Con xin chào mẹ... nhưng cô khá gượng gạo, thiếu tự nhiên. Mọi tiếp xúc chủ yếu thông qua người phiên dịch. Sau buổi gặp gỡ cảm động, những ngày sống bên mẹ tuy ngắn ngủi, nhưng Heidi gần như không thích ứng được với cuộc sống lam lũ nơi đây, dù ở Mỹ cô cũng không giàu có gì. Để rồi buổi họp mặt gia đình lần cuối trước khi chia tay đã đưa câu chuyện lúc mở đầu cảm động, sau 30 năm xa cách, nay trở thành một bi kịch. Các anh chị em, qua thông dịch viên, đã đặt thẳng vấn đề yêu cầu Heidi đưa mẹ qua Mỹ hay việc mỗi tháng giúp cho gia đình được bao nhiêu tiền... Và “cô gái Đà Nẵng” ấy đã không thể đối diện được với sự thật này... Heidi trở về Mỹ với nhiều băn khoăn về quá khứ và mối dây tình cảm với gia đình ở Việt Nam mà không thể chia sẻ với chồng con. Trong khi đó tại Việt Nam, những anh chị em của cô vẫn than thở vì cho là giữa họ bất đồng ngôn ngữ, còn bà mẹ thì khóc khi nhắc tới cô...

Bộ phim Cô gái Đà Nẵng đã cho người xem thấy khoảng cách về khác biệt văn hóa có thể lớn tới mức nào và những vết thương chiến tranh có thể sâu đậm thế nào, thậm chí ngay trong một gia đình... Phim làm cho khán giả trong nước dễ dàng cảm nhận được những hoàn cảnh tương tự. Liệu trong vô số trường hợp của những đứa trẻ ra đi trong chiến dịch babylift, họ có tha thiết tìm lại cội nguồn? Trên hành trình trở về, họ có vượt qua nổi những thử thách, trở ngại để tìm lại người thân?

NHỮNG NHÂN CHỨNG

Bà Lana Noon, người hiện nay vẫn phụ trách giữ mối liên lạc giữa các gia đình nhận các em làm con nuôi của chương trình Operation babylift kể lại: “Chương trình này bắt đầu từ tháng 4 năm 1975, ở Việt Nam lúc bấy giờ, có hàng ngàn trẻ em mồ côi…rất nhiều gia đình khác cũng đang chờ đợi để ra đi. Chúng tôi cũng không biết là các trẻ em này có được đưa đi hay không vì lúc đó, tình hình rất lộn xộn. Thế rồi, có một người tên là Edward Daly, ông ta là chủ tịch của World Airways và đang có mặt tại Việt Nam. Con gái của ông là tình nguyện viên cho các nhà thờ ở Hoa Kỳ để giúp cho các viện mồ côi ở Việt Nam. Lúc ấy, cô ta đang ở Colorado, cô ta bèn đánh điện tín cho ông bố và xin ông giúp đưa các trẻ mồ côi ra đi. Ông ta đồng ý ngay. Và ngày 28 tháng 3 năm 1975, chuyến bay đầu tiên đưa 67 trẻ em mồ côi từ Việt Nam đi, đáp xuống phi trường Oakland, California vào đúng ngày 2 tháng 4 năm 1975. Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Hoa Kỳ là Geral Ford đã ban hành chương trình Babylift Orphan, ra lệnh cho quân đội Mỹ phải đưa tất cả các trẻ em ở các viện mồ côi rời khỏi Việt Nam. Và tính từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 26 tháng tư, có cả thảy 26 chuyến bay và 2.548 trẻ em được đưa đến Hoa Kỳ.”

Bà Lana Noon cũng nhắc lại, trong chiến dịch di tản đó, một điều vô cùng đáng tiếc đã xảy ra, một chiếc máy bay vừa cất cánh không bao lâu thì bị rơi ngay cạnh sông Sài Gòn khiến cho hơn phân nửa số người có mặt trên chuyến bay cùng với một số trẻ em mồ côi đã chết. Trên chuyến bay đó, có 230 trẻ em và một số nhân viên, cùng vợ con của họ, phân nửa đã chết, khoảng 180 em. Chuyến bay đó là C-5A và bị rơi vào ngày 4 tháng 4 năm 1975.

Bà Lana Noon kể lại: “Chuyến bay cuối cùng rời Việt Nam vào ngày 26 tháng 4 năm 1975 và cũng chấm dứt luôn chương trình babylift. Sau khi các em đến Hoa Kỳ, các gia đình ở khắp nơi trên nước Mỹ, trước đó, đã nộp đơn xin các em làm con nuôi, đều rất mừng rỡ… Không hẳn chỉ có những gia đình ở Mỹ nhận các em mà còn ở khắp nơi như Canada, Châu Âu, Australia và có cả ở Nhật Bản nữa…nhưng hầu hết thì ở Mỹ.”

Một nhân chứng khác, bà LeAnn Thieman, năm xưa là nữ y tá thì tham gia vào chương trình di tản các trẻ mồ côi cho hay: “Tôi bắt đầu bằng công việc tình nguyện giúp cho các em mồ côi tại Việt Nam, và không bao lâu tôi đã trở thành chủ tịch của hội, tầng hầm của nhà tôi trở thành trụ sở chính…Chúng tôi gây quỹ, xin tiền, xin đồ dùng, quần áo, thực phẩm, thuốc men…để gửi đến Việt Nam.  Sau đó, tôi là người đi đón các em mồ côi ở Việt Nam mà được các gia đình Mỹ nhận làm con nuôi. Vào thời điểm tháng 4 năm 1975, tôi nhận lời đi Việt Nam để đón 6 đứa trẻ về Mỹ. Khi tôi đến nơi, lúc bấy giờ tình hình Việt Nam thật là tồi tệ. Ngay hôm sau thì Tổng thống Ford ký lệnh babylift, thay vì tôi đem 6 đứa trẻ đi thì đem tới 300 đứa lận. Tất cả những đứa trẻ đều được chúng tôi đặt tên vì hầu như không đứa nào có tên cả, và chúng tôi làm giấy khai sinh cho chúng…Sau đó, tôi bọc từng em vào khăn và bỏ chúng vào trong các chiếc hộp bằng carton, rồi đưa lên máy bay."

Đến nay, bà Thieman vẫn còn liên lạc với hàng trăm những em được đưa sang Mỹ làm con nuôi qua những buổi họp mặt được tổ chức kỷ niệm 10 năm, rồi kỷ niệm 20 năm, 25 năm và 30 năm... “Operation babylift” đã là nguồn cảm hứng cho hai cuốn sách của bà Thieman. Trong đó, cuốn “This must be My Brother” là câu chuyện thực về việc bà tham gia chiến dịch “Operation babylift,” nói về việc nhận bé Mitchell về làm con nuôi, và đưa cháu về cùng 300 em bé khác. Cuốn sách thứ hai có tựa là “Adrift in the Storms: A Twenty-Year Journey to Peace” nói về một em bé gái mà bà đã giúp đưa ra khỏi Việt Nam lúc đó. Mặc dù em bé này đã gặp rất nhiều khó khăn lúc mới sang Mỹ, nhưng đến lúc 20 tuổi thì cô đã trở thành một phụ nữ được tái sinh, có hai đứa con và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Bà Thieman cho rằng, trong thời gian xảy ra cơn hỗn loạn trong chiến tranh với nhiều đau khổ, thì gần 3.000 trẻ mồ côi đã được cứu vớt, đất nước Việt Nam đã đóng một phần trong sứ mạng này. Nay nhìn lại đám trẻ đã được nuôi lớn ở nước Mỹ này, thành những người khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công, và đóng góp trở lại cho xã hội, bà cho rằng đó là một ân sủng đối với Hoa Kỳ.

HÀNH TRÌNH TÌM VỀ ĐẤT MẸ

Trên thực tế, trong số gần 2.700 đứa trẻ lưu lạc ấy, bằng nhiều hoàn cảnh khác nhau, đã có không ít người bằng mọi cách quay lại cội nguồn, với mục đích du lịch và thậm chí làm việc ở quê hương Việt Nam. Lần đầu tiên, vào tháng 6/2005, Hãng Hàng không World Airways đã tìm cách liên lạc với những babylift mà chính họ đã đưa đi chuyến đầu tiên 30 năm trước. Có  21 trong số 57 trẻ mồ côi được WA chuyên chở khi rời Sài Gòn đã chính thức trở về trong chuyến bay này (đặc biệt hơn nữa, trong số trẻ mồ côi ngày nào trở về quê hương có 3 em đã từng được cứu sống sau tai nạn của chuyến bay khởi đầu Operation babylift). Năm ấy, 21 babylift đều đã ở tuổi trên dưới 30, bên cạnh họ là những ông bố, bà mẹ nuôi. Họ cùng khóc với những đứa con của mình khi họ bước xuống máy bay, đến thăm cô nhi viện, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi... Không ít bà mẹ liên tục lấy khăn chùi nước mắt cho những cô con gái, những ông bố thì nhẹ nhàng khoác vai các cậu con trai...

Riêng ở cuộc hội ngộ tháng 4 lần này, vào ngày 3/3 vừa qua, hãng tin ABC (Úc) có bài phóng sự ghi lại hành trình tìm về cội nguồn của 2 trong số gần 300 đứa trẻ Việt Nam bị đưa sang Úc vào những ngày tháng 4/1975.

Đó là Chantal Doecke, một trong số những đứa trẻ Việt Nam bị đưa lên máy bay để rời khỏi Sài Gòn vào ngày 5/4/1975, nói rằng: “Giống như những đứa bé khác, tôi đã bị đặt vào trong hộp giày. Rõ ràng đây là một cách thức dễ dàng và an toàn”. Sau đó, cô được một cặp vợ chồng người Úc nhận làm con nuôi. Trước đây cô chưa từng nghĩ nhiều về gốc gác của mình cho đến khi cô có đứa con đầu lòng.  Doecke nói:“Tôi đã đứng nhìn mình trước gương, bế đứa con gái trong lòng và tôi đã nghĩ: Ôi trời, con giống mình quá. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Chà, tôi không biết mình trông giống ai nhỉ. Và điều này bắt đầu lẩn quẩn trong đầu tôi”. Doecke cho hay, cô đã tìm kiếm cha mẹ ruột của mình trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa tìm ra. Cô đặt ra kế hoạch sẽ thực hiện điều này trong dịp hội ngộ những đứa trẻ được nhận làm con nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 này.

Đó là Sue Yen Byland sống ở thành phố cảng Perth, tây Úc cho biết, mẹ cô là người Việt Nam và phỏng đoán cha cô là một cựu binh Mỹ. Cô cũng đã tìm kiếm cha mẹ ruột trong suốt 9 năm qua. Cô nói: “Tôi có cảm giác như mình đã làm hết mọi thứ trong khả năng có thể để đến đó và để cho người phụ nữ mà là mẹ tôi biết là tôi đang tìm kiếm bà ấy”.

Còn Tritia Houston một phụ nữ quốc tịch Mỹ, đã thử dùng công nghệ xét nghiệm ADN để tìm gia đình và thành công. Thay vì là con lai như cô từng được  kể, nhờ xét nghiệm ADN, cô biết được cả cha mẹ đẻ của mình đều là người Việt. Đầu tiên cô đã tìm được cha của mình trên Facebook, nơi người đàn ông Việt này cho biết cuộc tìm kiếm con gái hơn 38 năm qua. “Ông ấy nhìn thật buồn và có vẻ như ông ấy đã tìm kiếm ai đó suốt cả cuộc đời mình. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy hai người là cha con và Tritia dự định sẽ về Việt Nam vào tháng này để gặp cha của mình lần đầu tiên, 40 năm kể từ khi cô chào đời. Tritia Houston nói: “Tôi hy vọng câu chuyện của mình đem lại hy vọng là có cơ hội tìm lại được những thành viên trong gia đình ruột thịt của mình.” Tại Mỹ, ngân hàng dữ liệu ADN đã cho thấy có khá nhiều trường hợp những người con nuôi đã tìm lại cha mẹ ruột. Hàng nghìn người khác tìm thấy người thân thuộc, họ hàng xa như anh chị em họ. Tuy nhiên, tại Úc hiện chưa có ngân hàng dữ liệu nào như vậy.

Trong số những thành viên babylift dự định có mặt tại Việt Nam lần này, không thể không nhắc đến Lyly Mendez . Theo Stltoday.com, từ nhiều tháng trước, Mendez đã luôn háo hức khi lễ kỷ niệm 40 năm chiến dịch Không vận Trẻ em đang đến gần. Cô cũng muốn trở về quê hương vào tháng 4/2015. Nhưng căn bệnh ung thư đã tước mọi cơ hội của Mendez. Cô đã qua đời ngày 20/1/2015 tại thành phố Houston, Mỹ, ở tuổi 40, sau nhiều năm chống chọi với ung thư. Mendez là nhà thiết kế thời trang và cổ vũ viên của hai đội bóng Mỹ là St. Louis Rams và San Diego Chargers. Cô từng hợp tác với công ty truyền hình và phụ trách mảng quảng cáo cho các hãng thể thao gồm EA Sports và Liên đoàn bóng đá Mỹ. Dù đau đớn trước sự ra đi của con gái, gia đình Mendez vẫn quyết định đưa tro cốt của cô về Việt Nam. Bà Karen Koenig, mẹ của Mendez, chia sẻ: “Mendez sẽ trở lại Việt Nam, chỉ theo cách khác mà thôi”.

T.T.S