Cái còn lại - Văn Thành Lê

22.04.2015

Cái còn lại - Văn Thành Lê

Édouard Herriot, nhà khoa học và chính khách, viện sĩ Viện hàn lâm Pháp đã từng nói một câu thậm đúng đối với mọi người sống trên quả đất: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”.

Hôm rồi xuống cơ quan, nhận được thư mời tham gia viết bài của một tạp chí chuyên ngành. Ngoài bì ghi đầy đủ tên người nhận và địa chỉ, thế nhưng thư bên trong thì sau hai chữ Kính gửi là hai dòng dấu chấm trống huơ trống hoác, tịnh không một chữ nào!

Gọi điện thoại hỏi một cậu làm bên tạp chí nọ: Em nè, năm này là năm “Văn hóa văn minh đô thị” của Đà Nẵng mình hả em? Vâng, đúng vậy đó anh. Nếu ai đó gửi cho em cái Thư mời làm việc gì đó mà không ghi tên em và địa chỉ cụ thể thì em nghĩ thế có… văn hóa không em hè? Ai lại làm thế hả anh? Thì bên em chứ còn ai nữa, vừa rồi anh nhận một bì thư cơ quan em gửi ghi tên anh mà bên trong thì không ghi tên ai cả!

Sau đó, “hù dọa” anh chàng là sẽ trả Thư mời lại, vì gửi “giữa trời mây trắng bay” như thế thì nhận làm sao được. Cố nhiên là anh chàng (thay mặt cơ quan) xin lỗi rối rít rồi viện dẫn cả... nghìn lý do, rằng tại thế này, vì thế kia…

Lần nọ được một quan chức cấp quận hẹn làm việc, bảo sáng hôm sau sẽ gặp nhau vừa cà-phê vừa nói chuyện khoảng nửa giờ thôi. 7g30 đến nơi, a-lô cho anh thì anh bấm phím từ chối nhận cuộc gọi. Chưa biết thế nào thì một lát nhận được tin nhắn từ số máy của anh: “Sáng đi họp thành phố rồi anh ơi. Chiều tôi nhận giấy mời. Anh thông cảm...”. Sau đoạn này có thêm một câu nữa, không rõ nội dung bởi anh viết tắt, không dấu. Theo tin nhắn của anh, có thể đoán non đoán già rằng chiều hôm trước anh mới nhận giấy mời đi họp thành phố (nên sáng hôm sau đành… lỡ hẹn!).

Bỗng dưng cảm thấy hụt hẫng, nhắn tin: “Sao anh không báo? Tôi qua tới nơi rồi. Chơi chi lạ rứa?”. Anh không trả lời câu hỏi, mà bảo tôi làm việc với người khác và móc thêm một câu: “Viết rồi cho tôi xem lại với” (!).

Đến nước đó thì thất vọng hoàn toàn: “Anh không xin lỗi được một tiếng vì hẹn mà không làm việc với tôi à?”. Chờ một lát không thấy động tĩnh gì, gửi tin nhắn tiếp: “Rứa là anh không biết nói xo-ry phải không? Không sao, anh không biết thì tôi không trách anh mô. Hehe”.

Hôm đó chạy xe ra khỏi nhà thật sớm, vừa miên man suy nghĩ về những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, vừa sắp xếp mấy nội dung sẽ trao đổi với “đối tác” cho chuyên đề về du lịch. Nhưng rồi cuộc “làm việc” qua tin nhắn hôm đó chấm dứt và làm dứt luôn sự háo hức đầu năm mới.

Cuối tháng 8 năm ngoái, tham gia viết bài cho một tập sách chuyên đề của một đoàn thể ở Đà Nẵng. Khi thực hiện bài viết thì bên đó hết gọi điện thoại lại gửi e-mail, trao đổi, dặn dò, gợi ý... Xong đâu vào đó, bài nộp đúng thời hạn và được thanh toán nhuận bút trước, nhưng có điều sau đó lại im lặng đến... đáng sợ. Không biết người ta làm sách đến đâu? Liệu những bài viết của mình có được sử dụng không và sử dụng như thế nào? Có trục trặc gì không mà chẳng thấy tăm hơi gì cả?...

Mãi đến trung tuần tháng 3-2015 vừa qua, đến làm việc với một cơ quan mới thấy tập sách nọ, theo thông tin trên sách thì nó được in xong và nộp lưu chiểu từ quý IV năm 2014. Sách rất đẹp, phải nói là được trình bày bởi những người làm ma-ket rất có nghề. Tác giả có bài viết được đăng lên đấy cảm thấy vui lây. Nhưng cái vui thoáng chốc đó cũng không sao vơi được nỗi hụt hẫng, chơi vơi vì không được tặng sách, hỏi mấy tác giả kia cũng trả lời như thế. Đến nay vẫn chẳng hiểu vì lý do gì mà họ không gửi sách biếu? Phải chăng trả nhuận bút xong xuôi rồi, “tiền trao cháo múc”, thì quan hệ giữa bên làm sách và người viết bài cũng... chấm dứt?!

Vậy cũng còn đỡ, chứ không “hẩm hiu” như chuyện một đồng nghiệp nọ. 4 năm trước có người nhờ anh viết bài cho tập san chào mừng đại hội một hội đoàn nọ. Bẵng đi một thời gian dài, không thấy báo biếu, chẳng nghe nhuận bút, anh ta chắc mẩm thế nào bài mình cũng bị loại ngay từ vòng gửi xe mới thế. Bất đồ, có lần anh gặp lại người đặt bài, anh này bảo bên cơ quan làm tập san chưa có kinh phí trả nhuận bút (!). Chỉ thế thôi, mọi chuyện lại rơi vào quên lãng. Cho mãi đến chừ anh vẫn chưa biết “mặt mũi” của bài viết của mình trên tập san đó nó tròn méo như thế nào!

15 năm trước, một anh trong buổi cà phê sáng khoe với một đồng nghiệp là đang viết bài khảo cứu công phu về Đà Nẵng cho Kiến thức Ngày nay. Đồng nghiệp đang tổ chức nội dung một cuốn sách viết về

Đà Nẵng nên thấy “trúng tủ”, bèn

“dụ khị” anh gửi bài cho mình. Anh tham gia trước sau cả thảy 5 bài và chờ… Gần một năm sau anh mới nghe một người bạn ở Sài Gòn bảo sách đã in xong, “hoành tráng” lắm, phát hành vô tới đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh lặn lội đi tìm đồng nghiệp – người trực tiếp đứng ra tổ chức bài vở – thì anh này bảo sách hết rồi. Hỏi nhuận bút thì anh ta hẹn hôm sau quay lại. Anh ta gửi đúng 150 nghìn đồng, nhuận bút cho 5 bài viết, trong đó có bài khảo cứu mà nếu gửi cho Kiến thức Ngày nay thì ít nhất cũng nhận hơn nửa triệu đồng nhuận bút lúc đó!

Đối với người cầm bút, mỗi khi được nhuận bút là cảm thấy vui, nhưng niềm vui đó mong manh chóng vánh, cái còn lại dài lâu là được nhận sách/ báo có bài viết của mình với hai chữ Kính biếu trang trọng.

Mỗi lần “bị” đối xử một cách... không hiểu nổi như thế, cũng thật lâu mới nguôi ngoai cái cảm giác hụt hẫng, buồn bực.

Giữa bề bộn công việc hằng ngày, có lẽ không ai là không mắc phải những sơ suất ngoài ý muốn đó. Có điều, nhận ra sơ suất và nói lời xin lỗi với tinh thần hết sức cầu thị thì mọi chuyện sẽ… nhẹ tựa lông hồng. Xin lỗi không chỉ thể hiện văn hóa cá nhân trong giao tiếp thông thường mà trên bình diện xã hội, nó còn thể hiện mức độ văn minh, trình độ phát triển và tinh thần công chính nữa.

Phương Đông có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”; phương Tây cũng có câu tương tự “Phá vỡ một thói quen còn khó hơn phá vỡ một thành phố”. Ở ta, thói quen… không xin lỗi, đã có từ lâu, nay phá vỡ nó quả là khó. Nhà văn người Anh Stephen Gosson từng chia sẻ với bạn đọc: “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng”.

Hơn 20 năm trước trên Báo Lao Động có bài viết Hai năm - ba chữ nói về câu chuyện ở Bưu điện Quảng Ninh mở một đợt xây dựng văn hóa ứng xử, mà đích nhắm là làm sao giúp các điện thoại viên bỏ được hai tiếng “nghe đây” khô khốc, lạnh lùng và hách dịch khi nhận cuộc gọi đến mà thay bằng câu trả lời lịch thiệp “chúng tôi nghe”. Vậy mà, theo bài báo, phải mất đến hai năm các điện thoại viên ở đây mới “phá vỡ” được thói quen cũ để “thuộc” bài học vỡ lòng về văn hóa giao tiếp chỉ có ba chữ.

Có người bảo, nói văn hóa văn minh đô thị chi cho xa xôi, trước hết hãy nói ba từ Cảm ơn, Xin lỗi, Vui lòng đúng lúc đúng nơi trong giao tiếp hằng ngày, từ gia đình đến công sở, từ họ tộc ra ngoài xã hội. Édouard Herriot, nhà khoa học và chính khách, viện sĩ Viện hàn lâm Pháp đã từng nói một câu thậm đúng đối với mọi người sống trên quả đất: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”.

V.T.L