Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn

22.09.2014

Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt)  - Trần Đức Anh Sơn

TƯ LIỆU HẢI THƯƠNG VIỆT - NHẬT

VÀ TỜ BẢN ĐỒ XỨ QUẢNG NAM CỦA ĐỖ BÁ

Sau nước Mỹ, chúng tôi lên đường sang Nhật, tiếp tục hành trình tìm kiếm chứng cứ và tư liệu về chủ quyền biển đảo trong những di tích khảo cổ ở Okinawa, Sakai, Osaka…, trong các bảo tàng ở Nagasaki, Fukuoka… trong các thư viện ở Tokyo, Nagoya, Shimane…

Ý định ban đầu của đạo diễn Lâm Thành Quí là bộ phim sẽ tập trung phản ánh chủ quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuy nhiên, tôi cho rằng bộ phim cần quan tâm thêm các vấn đề khác như: lịch sử chinh phục biển cả, quá trình hình thành nền văn hóa biển của Việt Nam, thương mại đường biển giữa Việt Nam với các nước khác… Đạo diễn Lâm Thành Quí tán thành ý tưởng của tôi, vì thế, đoàn làm phim đã đi đến những nước có nhiều quan hệ hải thương và giao lưu văn hóa biển với Việt Nam để tìm kiếm tư liệu và phỏng vấn các học giả am tường những vấn đề này. Đó cũng là lý do để chúng tôi lên đường sang Nhật Bản vào tháng 7/2013.

Sự giúp đỡ nhiệt tình của các học giả Nhật Bản

Trước khi sang Nhật, tôi liên lạc với PGS.TS. Nishimura Masanari, nhà khảo cổ học người Nhật chuyên nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam xuất sang Nhật Bản trong các thế kỷ XV - XVII, để nhờ anh tư vấn. Nishimura lập cho tôi một kế hoạch rất chi tiết với khoảng 20 địa điểm cần đến, những nội dung cần quay phim và cung cấp địa chỉ e-mail, số điện thoại của những người mà đoàn làm phim cần liên hệ ở Nhật. Ngày 6/6/2013, Nishimura gửi e-mail cho tôi: “Tôi quen những nơi này nên sẽ hết sức giúp đỡ để đoàn được quay phim những tư liệu và hiện vật quan trọng nhất, đồng thời sẽ mời các học giả để các anh phỏng vấn”. Đó là e-mail cuối cùng anh gửi cho tôi, bởi sáng ngày 9/6/2013, trên đường từ Hà Nội đi đến một di chỉ khảo cổ đang khai quật ở Bắc Ninh, Nishimura bị tai nạn giao thông và qua đời. Giới sử học Việt Nam bàng hoàng thương tiếc anh, còn tôi, ngoài nỗi đau do mất mát một người bạn thân thiết, còn là sự bối rối vì kế hoạch quay phim mà Nishimura vạch ra cho chúng tôi bỗng hóa thành dang dở. May thay, một người quen khác là GS.TS. Kikuchi Seiichi, nhà khảo cổ học và là giáo sư về lịch sử Việt Nam ở Đại học Nữ Showa (Tokyo), đã nhận lời giúp đỡ chúng tôi. Lộ trình do Nishimura vạch ra đã được GS. Kikuchi Seiichi tiếp nối chỉ dẫn rất tận tình.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi bay đi Osaka để phỏng vấn GS. Momoki Shiro, chuyên gia về lịch sử châu Á tại Đại học Osaka về những tranh chấp của Trung Quốc và các nước trong khu vực đối với những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời ghi hình những gốm sứ cổ Việt Nam xuất sang Nhật Bản bằng đường biển vào thế kỷ XV, khai quật được ở thành phố cảng Sakai, gần Osaka. Sau đó, chúng tôi bay đi Okinawa quay phim gốm sứ cổ Việt Nam khai quật tại các di chỉ Nakijin-jo, Shuri-jo và các bến cảng cổ ở Okinawa; tìm hiểu thông tin về cộng đồng ngư dân gốc Việt đã từng định cư ở hòn đảo Yaeyama, thuộc quần đảo Okinawa từ thế kỷ XVI. Đoàn làm phim cũng đến Nagasaki và Fukuoka, quay phim các tư liệu, hiện vật phản ánh mối quan hệ bang giao và hoạt động hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVI - XVII. Nhiều tư liệu quý như bức tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển, tranh vẽ thuyền Châu ấn đến Hội An buôn bán, các văn thư trao đổi giữa Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với Quốc vương và Mạc phủ Nhật Bản, những danh mục hàng hóa trao đổi giữa thương nhân hai nước… đã được chúng tôi tiếp cận, khảo cứu và ghi hình.

Tại Tokyo, chúng tôi phỏng vấn các học giả Nhật Bản như: GS. Furuta Motoo (Đại học Tokyo), GS. Tsuboi Yoshiharu (Đại học Waseda), PGS. Tazawa Yoshiaki (Đại học Tương lai Tokyo)… về xung đột trên Biển Đông, quan điểm của họ trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, cách thức mà Việt Nam nên tiến hành để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình… Đặc biệt, cuộc phỏng vấn GS.TS. Kikuchi Seiichi và TS. Abe Yuriko tại Đại học Nữ Showa đã cung cấp nhiều thông tin quý về sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam thông qua đường biển, về hoạt động ngư nghiệp và hải thương giữa Việt Nam với Nhật Bản trong các thế kỷ XVI - XVII. Hàng chục tư liệu thành văn quý hiếm về những vấn đề này đã được GS.TS. Kikuchi Seiichi giới thiệu và cho phép chúng tôi quay phim, sao chụp.

Đông Dương văn khố và tờ bản đồ xứ Quảng Nam của Đỗ Bá

Nhật Bản có rất nhiều thư viện tư nhân danh tiếng. Đông Dương văn khố (Toyo Bunko) ở Tokyo là thư viện hàng đầu trong những thư viện tư nhân danh giá đó. Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quý hiếm bậc nhất Nhật Bản về chính trị, lịch sử, văn học, văn hóa, nghệ thuật… của Nhật Bản và của nhiều nước trên thế giới, nhất là tư liệu về Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, Đông Dương văn khố không chủ trương mở cửa cho tất cả công chúng mà chỉ phục vụ cho các học giả và giới nghiên cứu chuyên sâu. Ngoài ra, việc sao chụp tư liệu ở đây rất hạn chế và chi phí sao chụp thì cực kỳ đắt đỏ, nên việc có được bản sao những tư liệu quý của Đông Dương văn khố dường như nằm ngoài tầm tay của những người “ngoại giới”.

Nhờ sự tiến cử của GS. Kikuchi Seiichi và sự hướng dẫn nhiệt tình TS. Abe Yuriko, phu nhân của GS. Kikuchi Seiichi, đoàn làm phim không chỉ được tiếp cận các tư liệu quý mà còn được mang máy quay phim vào kho để ghi hình những bản đồ liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chúng tôi lựa chọn 10 bản đồ vẽ về châu Á, Biển Đông và Việt Nam, do các nhà địa lý và hàng hải phương Tây như Herman Moll, Jodocus Hondius, Homann Heirs, Van de Kusten… vẽ trong các thế kỷ XVI - XVIII để ghi hình và chụp ảnh. Trên những bản đồ này, vịnh Bắc Bộ được ghi chú là Gulf of Cochinchina hoặc Gulf of Tunkin, quần đảo Hoàng Sa được định danh là The Shoal of Paracel (Bãi Hoàng Sa) còn vùng bờ biển đối diện với quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam thì được ghi là Coast of Paracel (Bờ biển Hoàng Sa).

 Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc bộ Hồng Đức bản đồ được soạn vẽ từ thời Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Đây là bản chép tay duy nhất bộ Hồng Đức bản đồ có niên đại từ thế kỷ XVI mà Đông Dương văn khố còn lưu giữ được. Phần sau bộ Hồng Đức bản đồ này có đính kèm bộ bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá vẽ vào cuối thế kỷ XVII, trong đó có tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam. Trên tờ bản đồ này có ghi ba chữ Nôm Bãi Cát Vàng để định danh cho một vùng đảo nằm ở ngoài khơi. Phần chú giải phía trên tờ bản đồ này viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có đoạn ghi (Việt dịch): “…Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn…”.

Tờ bản đồ này đã được giới thiệu trong nhiều công trình biên khảo, biên dịch của các học giả trong và ngoài nước và đã được chúng tôi sưu tầm để đưa vào Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng. Bản đồ này đã được giới thiệu trong nhiều công trình biên khảo ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, rất ít người có cơ hội tiếp cận tờ bản đồ hơn 400 năm tuổi này vì chế độ bảo quản nghiêm ngặt của Đông Dương văn khố. Chúng tôi là một trong số ít người có được may mắn này.

 

NHỮNG TƯ LIỆU VỀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

CỦA VOC Ở VƯƠNG QUỐC HÀ LAN

Sau chuyến đi Nhật, chúng tôi sang Úc để phỏng vấn GS. Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) và một số trí thức Việt kiều ở Canberra, Sydney và Melbourne, trước khi quay về Singapore để phỏng vấn TS. Rodolfo C. Severino, nguyên Tổng thư ký ASEAN, nay là Trưởng Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Singapore. Nội dung phỏng vấn xoay quanh chủ đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tình hình căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây và những giải pháp để hạ nhiệt tình trạng này. Trở về từ Singapore, chúng tôi lên đường sang châu Âu, tiếp tục đi tìm tư liệu chủ quyền. Hà Lan là điểm đến đầu tiên trong hành trình ở châu Âu.

Tiếp sau người Bồ Đào Nha, các nhà hàng hải người Hà Lan đã dong thuyền đi khám phá các vùng biển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Họ thiết lập sơ đồ tuyến hải hành xuyên qua Biển Đông, dừng chân trên các hòn đảo ở ngoài khơi Việt Nam, định danh các quần đảo trên Biển Đông vào những tấm bản đồ địa lý do chính họ vẽ nên. Họ cũng để lại những tập nhật ký hải hành, những ghi chép miêu tả về đất nước, biển đảo, con người Việt Nam trong các thế kỷ XVI - XIX. Đặc biệt, người Hà Lan đã có trao đổi thương mại với Việt Nam từ rất sớm, thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oost-Indische Compagnie in Dutch - VOC), công ty thương mại đường biển hùng mạnh nhất châu Âu, từng “làm mưa làm gió” trên các vùng biển và thương cảng quốc tế vào các thế kỷ XVII - XVIII. VOC từng là “đối tác thương mại” hàng đầu của chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài lẫn chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong trong thời kỳ đại thương mại của thế giới. Cũng chính vì thế, tư liệu về Việt Nam được lưu trữ trong các font tư liệu của VOC cũng rất nhiều.

Bản đồ và tư liệu của VOC ở Amsterdam

GS. John Kleinen (Đại học Amsterdam), chuyên gia về lịch sử hải thương giữa  Hà Lan và các nước châu Á, là người đã giúp đỡ cho chúng tôi trong hành trình tìm kiếm tư liệu ở Hà Lan. Bằng uy tín của mình, ông đã sắp xếp cho đoàn làm phim được phép quay phim và thu thập tư liệu ở nhiều nơi như: Bushuis, Dutch East India Company Gentlemen XVII và Bảo tàng Hàng hải ở Amsterdam; Văn khố quốc gia Hà Lan ở Den Haag.

Bushuis Dutch East India Company Gentlemen XVII tọa lạc trong khuôn viên của Đại học Amsterdam. Đây là hai địa điểm quan trọng nhất của VOC ở Amsterdam còn được bảo tồn nguyên vẹn. Bushuis vốn là nơi hội họp định kỳ của các thành viên ban quản trị VOC để thảo luận những vấn đề kinh doanh của VOC trên toàn thế giới. Dutch East India Company Gentlemen XVII là nơi lưu giữ những tư liệu, bản đồ, tranh ảnh liên quan đến hoạt động của VOC. Khung cảnh bên trong Bushuis Dutch East India Company Gentlemen XVII vẫn được giữ nguyên như xưa, với các bức bản đồ thế giới, bản đồ châu Á được vẽ cách đây hàng thế kỷ treo ở trên tường. Đặc biệt là 4 bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh các thương cảng nổi tiếng ở Đông Á mà VOC từng đặt thương trạm là: Hirado, Couchyn, Canton và Ludea, ghi lại dấu ấn thời hoàng kim của VOC.

Trong số những bản đồ cổ có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tấm bản đồ Nova et Exacta Asiæ Geographica Descriptio do G. Ianßonio, vẽ vào thế kỷ XVII. Bản đồ này đã được tái bản nhiều lần và là một trong những bản đồ sớm nhất có sự phân biệt khá rõ ràng giữa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và những đảo khác ở ngoài khơi miền Nam Trung Bộ. Nhiều tư liệu về hoạt động kinh doanh của VOC ở châu Á cũng được lưu trữ ở nơi này và đã được chúng tôi quay phim, chụp ảnh kỹ lưỡng.

Ngoài Bushuis Dutch East India Company Gentlemen XVII, ở Amsterdam còn có một địa chỉ khác từng thuộc về VOC, cũng là nơi đang lưu giữ những hiện vật liên quan đến biển đảo Việt Nam. Đó là Bảo tàng Hàng hải, ở ngay bến cảng Amsterdam, vốn là kho hàng của VOC. Chính quyền thành phố Amsterdam đã đầu tư 8 triệu euro để biến căn nhà kho ba tầng cũ kỹ này thành tòa bảo tàng hiện đại giới thiệu lịch sử và thành tựu của ngành hàng hải Hà Lan. Trong bảo tàng này trưng bày hàng trăm quả địa cầu hàng trăm năm tuổi, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Phần lớn các quả địa cầu đều có vẽ hình hai quần đảo Paracel và Spratley với những chú dẫn như trên các bản đồ do người Hà Lan vẽ, thể hiện mối liên hệ khăng khít giữa hai quần đảo này với lãnh thổ Việt Nam. 

Những cuộc phỏng vấn ở Den Haag

Đoàn làm phim tiếp nối hành trình trên đất Hà Lan bằng các cuộc phỏng vấn 3 học giả Hà Lan trong lĩnh vực bang giao quốc tế ở thành phố Den Haag. Den Haag, người Việt thường biết đến dưới tên gọi La Haye (tiếng Pháp) hay The Hague (tiếng Anh), là thủ đô hành chính của Hà Lan. Nơi đây có Tòa án Công lý Quốc tế, chuyên thụ lý các vụ án về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Vì thế, chúng tôi tìm đến Den Haag không chỉ để phỏng vấn và tìm tư liệu mà còn để ghi lại những hình ảnh về một nơi mà biết đâu sẽ có ngày Việt Nam phải tìm đến để nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa án này để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ba học giả trả lời phỏng vấn của chúng tôi là TS. Willem F. van Eekelen, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, nguyên Tổng thư ký Liên hiệp Tây Âu; GS.TS. Koetsier, chuyên gia về Công pháp quốc tế của Đại học Amsterdam và TS. Frans-Paul Van Der Putten, chuyên gia về Đông Á và Đông Nam Á của Viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế Clingendael. Nội dung phỏng vấn xoay quanh việc Trung Quốc và một số nước trong khu vực tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cả ba chuyên gia đều nhận định Việt Nam có nhiều chứng cứ lịch sử, nhưng cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay là dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tòa án Công lý Quốc tế ở Den Haag hay Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg (Đức) là những nơi mà Việt Nam phải nghĩ đến.

Bản đồ da dê và ba văn thư trao đổi giữa VOC với chúa Nguyễn ở Văn khố Quốc gia Hà Lan

Một trong những nơi ở Den Haag mà chúng tôi phải đến cho bằng được là Văn khố Quốc gia Hà Lan. Nơi đây đang trong quá trình bảo dưỡng định kỳ hàng năm nên các kho tư liệu cổ tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên nhờ sự tiến cử của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Willem F. van Eekelen và của nhà sử học John Kleinen, chúng tôi được đặc cách “thâm nhập” vào kho bản đồ và văn thư cổ. Nơi đây đang lưu trữ 3 tấm bản đồ bằng da dê có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam. Đây là những bản đồ do nhà hàng hải Joan Blaeu vẽ năm 1687, ghi dấu thời kỳ người Hà Lan “hùng cứ” trên các tuyến hải thương nối liền châu Á với Cựu lục địa, mà VOC là công ty hùng mạnh nhất. Phải qua ba vòng kiểm tra, chúng tôi mới tiếp cận được tầng ngầm chứa ba bản đồ này để đo đạc, khảo cứu và quay phim các bản đồ này.

Đây còn là nơi lưu giữ tất cả các hồ sơ gốc của VOC, trong đó có nhiều văn thư giao dịch giữa đại diện của VOC với chính quyền ở Đàng Trong và Đàng Ngoài của Việt Nam vào các thế kỷ XVII - XVIII. Tôi đặc biệt chú ý tập hồ sơ ký hiệu 402/VOC-OBP’s, trong đó có ba lá thư viết tay, ký hiệu 1120, 1167 và 1207, viết vào các năm 1636, 1661 và 1662. Quản thủ kho tư liệu dịch tóm lược nội dung ba bức thư trên, cho biết: hai thư đầu là của lãnh đạo VOC gửi cho Quốc vương nước Quinam (tức là Chúa Nguyễn ở Đàng Trong) để xin phép cho các tàu buôn của họ được tới mua bán ở các thương cảng của Quinam và sẵn sàng đóng thuế cho các giao dịch thương mại (thư đề năm 1636); xin phép cho tàu thuyền của VOC được vào tránh, trú bão trong các hòn đảo nằm ngoài khơi Quinam do Quốc vương Quinam quản lý (thư đề năm 1661); còn bức thư thứ ba (đề năm 1662) là thư của một thuyền trưởng VOC gửi từ Quinam về Hà Lan báo tin Quốc vương Quinam đã đồng ý với đề nghị xin trú bão cho tàu bè của VOC.

Có lẽ đây là những văn kiện quan trọng nhất mà chúng tôi tìm thấy trong Văn khố quốc gia Hà Lan ở Den Haag.

( Xem tiếp Non Nước số 202, tháng 10/2014)

 

                                                                                            T.Đ.A.S

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng