Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng

22.09.2014

Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng

Tính đến mùa hè năm nay, Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng tổ chức đã  bước sang tuổi 17. Trong suốt thời gian qua, đối với các em, đây là một sân chơi vui tươi, bổ ích, thú vị. Bởi vào các dịp này, ngoài những buổi tham dự học tập, giao lưu với các nhà văn,  nhà thơ…,  các em còn được  tham quan thực tế, tiếp cận các di sản văn hóa, lịch sử, du lịch tại địa phương, trước khi gởi những suy nghĩ của mình trên trang giấy.

                1. Để đến với Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng diễn ra vào mỗi mùa hè hằng năm, hầu hết các em đều là những gương mặt nổi bật, có năng khiếu hoặc có những thành tích sáng tác văn học được nhà trường tuyển chọn, đề cử. Do vậy, số lượng các em tham gia Trại, thường không đông quá (khoảng trên 20 em, mỗi năm). Tuy nhiên, những thành tựu đạt được từ những Trại viết của các em tham gia trong suốt thời gian qua đã lưu lại nhiều dấu ấn thật đặc biệt và đáng khích lệ.

Năm 2012, để ghi dấu 15 năm tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi thành phố Đà Nẵng, Hội nhà văn Đà Nẵng cho ra đời ấn phẩm Chong chóng gió, bao gồm 34 sáng tác chọn lọc của 25 em tham gia ở Trại sáng tác từ năm 2006 đến 2012. Có thể nói, đây là một tập sách giới thiệu khá đầy đủ những thành tựu của các em, với những dáng nét riêng trên từng trang viết mỗi tác giả. Mượt mà sâu lắng như truyện Chong chóng gió và Khu vườn trên gác mái của Đinh Quỳnh Anh, Quán Đa và Ký ức của Võ Lê Thục Nhàn…Trau chuốt, sắc gọn và đằm thắm như các truyện Chuyện người kể chuyện và Ngẫu nhiên của Lâm Vị Quân, Tiếng rừng và Lỗ hổng của Phạm Nguyễn Ca Dao, Sâu và Chất mặn của Đinh Anh Thư…Bảng lảng, dịu dàng tựa những bài thơ văn xuôi như truyện Con yêu mẹ của Đinh Quỳnh Như, Chiếc lông vũ trắng của Nguyễn Lê Thùy Trang, Cầu vồng sau mưa của Phan Thị Thảo Hạnh... Bằng nhiều hình thức diễn đạt, các trang viết của các em đều toát lên nét chân thật, hồn nhiên và trong sáng của lứa tuổi cắp sách đến trường, và thật sự đem lại cảm xúc ấn tượng trong trong lòng người đọc.

     Và nếu đánh giá một cách khách quan, chúng tôi cho rằng, trong 5 năm gần đây (2009-2014), chúng ta có thể tự hào, trong số các em đến với Trại văn học thiếu nhi Đà Nẵng đã thực sự đem đến những đóng góp xứng đáng, được công luận cả nước quan tâm. Đó là em Hồ Hiếu Hiền (học sinh đoạt giải nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39), lần đầu đến với Trại sáng tác hè 2010 qua truyện ngắn Buổi học của Thúy. Truyện chỉ đơn giản nói về buổi học của một cô bé tên Thúy. Trong buổi học này, cô liên tục bị ba mẹ sai làm các công việc lặt vặt như rót nước, mua đồ, trông em,... Do đó, cô không thể hoàn thành buổi học của mình thật trọn vẹn. Nội dung truyện là lời tâm nguyện, ước mong có một môi trường học tập tốt hơn của học sinh Việt Nam nói riêng và học sinh toàn thế giới nói chung. Về sau em Hiếu Hiền cùng nhóm bạn Trường THCS Tây Sơn chuyển truyện ngắn này thành  phim và đoạt giải nhất cuộc thi "Làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Em cũng một trong 20 gương mặt được đề cử trao giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011. Hoặc em Phạm Nguyễn Ca Dao, đến với Trại viết lần đầu vào năm 2007, khi còn học lớp 7, Ca Dao đoạt giải Ba với tác phẩm truyện Những cơn Mưa; lớp 8 đoạt giải Nhất với tác phẩm Tiếng rừngVán chọi gà định mệnh; lớp 9 đoạt giải Nhất với tác phẩm Lỗ hổng. Trong đó, hai tác phẩm đoạt giải Nhất của Ca Dao được in trong tập Giao hưởng và đốm lửa của Hội Nhà Văn TP Đà Nẵng năm 2010. Về sau, qua nhiều tác phẩm được đăng báo, tạp chí cả nước, em trở thành  là một trong 2 đại diện của Đà Nẵng tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII. Ngoài ra, những gương mặt đang nổi bật hiện nay, như các em Đinh Quỳnh Anh, Đinh Anh Thư, Đinh Quỳnh Như, Huỳnh Phạm Nguyệt Dương liên tiếp nhiều năm liền tham gia Trại và luôn đạt giải thưởng cao…

  

2.  Trở lại với Trại sáng tác văn học thiếu nhi năm nay, hè 2014, với trên 20 em tham gia , cùng 40 tác phẩm thơ văn. Trong đó, có những em tham gia từ 2 đến 5 tác phẩm. Đặc biệt lần này , có khá nhiều bài viết chú ý thể hiện tình yêu biển đảo quê hương như: Biển gọi (Nguyễn Hồng Sơn, lớp 11A1 trường chuyên Lê Quý Đôn), Ba con là bộ đội hải quân (Trần Thị Huyền, lớp 8/2 trường chuyên Lê Quý Đôn), Bản tình ca của biển (Đặng Thị Ngọc Huyền, lớp 11A4, trường chuyên Lê Quý Đôn)…   

Về thơ, nhiều em vẫn chọn lối diễn đạt truyền thống, vần vè, niêm luật, nhưng thuyết phục hơn cả là những bài viết xuất phát từ xúc cảm hồn nhiên, ghi nhận sự vật xung quanh bằng cái nhìn tươi vui, trong trẻo. Chẳng hạn, nói về sự sinh sôi nẩy nở của mầm sống, các em viết: “ Xấu hổ, ló đầu khỏi ngực/ Cỏ lam lóng lánh sương mai/ Bầy ong thức dậy xây tổ/ Cần cù/ Đưa hạt phấn đi xa/ Sự sống/ Vẫn sinh sôi, nẩy nở, ươm mầm…”( Mầm sống/ Lê Ngọc Duy, lớp 8/10 trường THCS Tây Sơn). Hoặc nói về sự biến động, luân chuyển của thời gian: “ Ngày bông nắng tròn 12 tháng/ Bông nắng biết đi từ sân ra ngõ/ Bông nắng câm tay ngọn gió/ Chơi chi chành chành ngoài trời…” ( Bóng nắng thôi nôi/ Trịnh Thị Liên trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn).  

  Ở thể loại truyện ngắn, phần lớn các em viết khá đều tay. Cách diễn đạt không kể lể rườm rà, thể hiện cốt chuyện có nội dung rõ rệt, dễ đọc, dễ hiểu. Những câu chuyện gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi, điển hình như Rồng Gondon và thông điệp từ rừng xanh của Huỳnh Phạm Nguyệt Dương (lớp 8/1, trường THCS Nguyễn Khuyến). Với thiện ý góp phần xây dựng một ngôi nhà chung môi trường trong lành, nhân vật Rồng Gordon đã trải qua một hành trình gian khổ, nhưng không kém phần hứng khởi, thú vị. Hoặc truyện Gấu bông của mẹ (Truyện ngắn Trần Thanh Nhàn, lớp 8/2 trường THCS Nguyễn Công Trứ), là một câu chuyện cảm động, kể về chú Gấu bông cũ kỹ, tưởng phải vất đi, nhưng đó là một kỷ vật thân yêu của người mẹ, cùng những kỷ niệm gắn liền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Một điều đáng chú ý, tại Trại sáng tác năm nay, số lượng sáng tác của các em lại khá tập trung vào đề tài biểu hiện những xúc cảm nội tâm của tuổi mới lớn, như đang chuẩn bị hành trang cho một ngày không xa, sẽ rời xa lứa tuổi thơ ấu thần tiên.

  Ở truyện ngắn Những ngày mùa đông của Sử Hà Hạnh Nhi ( lớp 9/10, trường THCS Tây Sơn) là một trong những câu chuyện đơn giản, diễn đạt tâm trạng của một cô bé học trò bước vào tuổi mới lớn “thích ngồi yên một chỗ, quan sát những điều xảy ra xung quanh mình…” , bỗng một lần kia, trong sân trường vắng tanh, cô bé nhận ra âm thanh của một tiếng khóc phát lên từ phòng học của khối 8, tức nhỏ hơn cô bé một năm, khiến cô tò mò bước đến hỏi han…”thằng nhóc”. Và câu chuyện bắt đầu từ đó... Những kỷ niệm đầu tiên diễn ra trên bãi biển mùa đông của thành phố quê hương. Rồi tự nhiên “thằng nhóc” lại biến mất, như nó đã từng đến cùng mùa đông, gieo vào lòng cô bé hy vọng: mùa sẽ tiếp nối mùa. Mùa đông rồi sẽ trở lại…

Khá trùng hợp với không gian trên, là truyện ngắn Bản tình ca của biển (Đặng Thị Ngọc Huyền, lớp 11A4, trường chuyên Lê Quý  Đôn). Tuy nhiên nơi đây, là câu chuyện giữa cô gái đã cận kề tuổi trưởng thành với một chàng trai khiếm thị chơi đàn ghi ta, hát những lời ca: Đừng nói chia tay vì đã bao giờ nói yêu/ Hãy cứ lặng khi tôi nói yêu người/ Để tôi được sống với ước mơ/Được mãi yêu…

  Mùa hè thứ 17 của Trần Thanh Nhàn (lớp 10C1, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), kể về kỷ niệm sinh nhật lần thứ 17 xung quanh một hiệu bánh có tên Ký ức. Đó cũng là mùa hè đầu tiên đi qua mà những nhân vật trong truyện cảm thấy cần ai đó để sẻ chia, để quan tâm …

   Tham gia Trại lần này, một lần nữa hai em Đinh Quỳnh Như (lớp 12A) và Đinh Anh Thư (lớp 12C1 trường chuyên Lê Quý Đôn) là hai tác giả từng đoạt Giải thưởng ở các năm trước,  ngoài những sáng tác  riêng, hai em lại tiếp tục  có những sáng tác viết chung đầu tư rất công phu. Cụ thể lần này, là chùm truyện Lập phương lục sắc, cách diễn đạt trau chuốt, tạo nên một câu chuyện liên kết, với không gian thơ mộng. Tuy nhiên, so với chính những tác phẩm của hai em viết chung các lần trước, thì lần này giảm sút sự sáng tạo mới lạ, hiệu quả không cao.

   Riêng em Đinh Quỳnh Như, với truyện ngắn Khung cửa gỗ, đã thể hiện cách diễn đạt một câu chuyện  đơn giản, đem đến xúc cảm khá bất ngờ. Truyện viết về hai nhân vật Phong và Linh quanh quẩn bên một khung cửa gỗ, nhưng chất chứa biết bao buồn vui, và đầy kịch tính của cuộc sống bao la, rộng lớn. Truyện có nhiều lời văn đẹp,  giàu hình tượng. Cấu trúc truyện  chia thành những xen đoạn gần giống một kịch bản phim.

    Về mặt khuyết điểm, rải rác ở một số sáng tác của các em vẫn còn dễ dãi. Có những tình tiết quá cường điệu, xa rời thực tế, nên khó thuyết phục. Nhiều em bị ảnh hưởng nặng nề lời văn của truyện dịch, có nhiều đoạn dùng nguyên cả cụm từ đã được phổ biến quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày. Một lỗi chung, các em cũng thường vấp phải, đó là chưa lưu ý bản sắc phương ngữ vùng miền, mà cụ thể nơi đây là cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô rất đặc trưng của người Quảng Nam –Đà Nẵng, tuy chân chất, nhưng gần gũi và đáng yêu.

***

                 Những mùa hè rộn rã rồi sẽ trôi qua. Mai đây, hẳn rằng trong các em, sẽ có nhiều  em vẫn còn trước mắt những trang giấy mới bao la, đợi chờ những dòng chữ  trăn trở, diệu kỳ. Hoặc cũng có những em rẽ lối bước sang một con đường mới. Nhưng chắc hẳn rằng, dù đi đâu, dù làm gì…, những ngày tháng ở Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng sẽ để lại các em những kỷ niệm đặc biệt ý nghĩa khó quên của tuổi học trò trong sáng.

                                                                                                            T.T.S

 

 

 

 

 

                        BBT: Trại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng năm 2014 có 43 em gồm 21 em có năng khiếu văn, thơ và 22 em có năng khiếu hội họa tham dự. Các em  đã sáng tác được 32 truyện ngắn, tản văn, thơ và 90 bức tranh đạt chất lượng tốt.

               Ban Tổ chức đã chọn trao 14 giải cho cả hai bộ môn văn học và mỹ thuật gồm:

 

               02 giải Nhất cho truyện Khung cửa gỗ của Đinh Quỳnh Như (12A4, THPT chuyên Lê Quý Đôn) và tranh Hành động xấu của Trung Quốc của Tống Thị Thanh Tuyền (8/5, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm).

                

               04 giải Nhì cho các truyện Gấu bông của mẹ của Trần Thị Huyền (8/2, THCS Nguyễn Công Trứ), Mùa hè thứ mười bảy của Trần Thanh Nhàn (10C1, THPT chuyên Lê Quý Đôn) và các tranh Đánh cá ngoài đảo Hoàng Sa của Trần Minh Cường (4/6, Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ), Hướng về biển Đông của Nguyễn Ngọc Bảo Trân (4/3, Tiểu học Bán công năng khiếu Đà Nẵng).

 

               07 giải ba cho các truyện Rồng Gondon và thông điệp từ rừng xanh của Huỳnh Phạm Nguyệt Dương (8/1, THCS Nguyễn Khuyến), Bản tình ca của biển của Đặng Thị Ngọc Huyền (11A4, THPT chuyên Lê Quý Đôn), Những ngày mùa đông của Sử Hà Hạnh Nhi (9/10, THCS Tây Sơn), bài thơ Bông nắng thôi nôi của Trịnh Thị Liên (10C1, THPT chuyên Lê Quý Đôn) và các tranh Bảo vệ vùng trời Tổ quốc của Ngô Minh Hoàng (Học sinh khiếm thính, trường Thanh Tâm), Cảng cá quê em của Vũ Quang Huy (5/3, Tiểu học bán công năng khiếu Đà Nẵng), Cảnh sắc Sơn Trà của Nguyễn Đức Thiện (6/6, THCS Nguyễn Văn Cừ).

              

               01 giải Đồng đội cho tranh Hướng về Hoàng Sa thân yêu của tập thể lớp mỹ thuật.

              

               Trại sáng tác là sự góp phần vào việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút văn học và mỹ thuật thiếu nhi trong nhà trường phổ thông nhằm bổ sung lực lượng sáng tác trẻ của thành phố.

Bài viết khác cùng số

Tháng năm dài lắm - Nguyễn Văn TámKhung cửa gỗ - Đinh Quỳnh NhưGấu bông của mẹ - Trần Thị HuyềnKhoảnh khắc bạn bè - Kịch ngắn Phan Toàn Phía bên kia - Nguyễn Đông NhậtMưa rào đầu hạ - Truyện ngắn Đỗ Kim CuôngTruyện ngắn Đinh Thị Như ThúyHồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung SángThư Ban biên tập Nhân kỷ niệm 45 năm “di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lời Di chúc gửi êm bên gối” - Nại Hiên5 Năm – Nhìn lại và đi tới - Bùi Công MinhVăn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – những chặng đường phát triển - Thanh QuếHội nghệ sĩ sân khấu nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn - Trường HoàngNhìn lại một chặng đường - Võ Văn HòeHội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng: Hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống - Đặng Văn NởTạp chí Non Nước và tạp chí Đất Quảng song hành trên con đường văn học, nghệ thuật - Hồ Duy LệLá thư Trường Sa - Ngô Thế Lâm Giữ biển - Xuân HiệuThơ Đặng Hiển Thơ Lê Thị MâyĐiều chưa hình dung - Tăng Tấn TàiNói với giấc mơ - Bùi Mỹ HồngThơ Vạn LộcTình xưa gặp lại - Xuân ThànhSương trắng Bà Nà - Phú ThiệnChiều thu - Nguyễn TưTình thu - Nguyễn Công ToảnNhớ Hà Nội - Nguyễn KhôiThăm lại nghĩa trang -Lê ĐàoHồn Quê - Đỗ Như ThuầnThơ Mai Văn PhấnThơ Mai Thanh VinhThơ Ngân Vịnh“Chất Quảng” – dấu ấn riêng trong ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Văn Xuân - Trương Thanh ThủyMột gia đình xứ Nghệ đã đóng góp cho đất Quảng hai vị Đốc học - Châu Yến LoanThêm một cứ liệu để lí giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà? - Trần Xuân AnTheo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (tt) - Trần Đức Anh Sơn Tính nhân bản và tính công dân thơ ca Cách mạng giai đoạn 1964 -1975 - Bằng Việt Nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội chuyên ngành - những vấn đề còn trăn trở…Đọc lại những trang viết mùa hè - Trần Trung Sáng