Sơn Trà, như tôi biết

02.10.2020
Minh Sơn

Sơn Trà, như tôi biết

Tôi không nhớ mình thuộc câu ca dao Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bậu nước mắt và lộn cơm khi nào nhưng chắc chắn là trước khi đến Đà Nẵng. Bởi những ngày còn học phổ thông, khi đất nước còn chia đôi, câu ca này đã nằm trong các bài văn luận của chúng tôi. Vậy đó, yêu thương không có ranh giới. Và ngày đầu đến Đà Nẵng, tôi đã có cơ duyên ngắm nhìn ngọn núi của tình thương.

Khu tập thể cơ quan tôi nằm trên đường Bạch Đằng, con đường chạy dọc bờ tây sông Hàn. Chếch về phía hạ nguồn của khu tập thể là bến đò dọc chở người, hàng hóa từ ngoại ô, từ thượng nguồn về với đủ loại gạo, đường, rau quả cho đến chai phà, dầu rái... và nhất là than. Thôi thì đủ loại, đủ loại than củi cho đến than đá bột, than tổ ong, nghe đâu từ Nông Sơn, Quảng Nam về, bụi đen cả quãng bờ đến gần chợ Hàn. Đủ loại nông, lâm sản và màu sắc chẳng mấy đẹp đẽ nhưng bến đò này lại được gọi với cái tên rất ngọt ngào: bến Mía.

Phía dưới bến Mía là chợ Hàn. Cạnh chợ có bến phà ngang. Sách gọi bến phà An Hải nhưng mọi người đều gọi bến phà chợ Hàn. Bên kia sông Hàn là quận 3. Gọi quận nhưng nhà cửa thưa thớt, cây lá xanh mướt, trông như một miền quê xa. Bờ sông san sát những chòi nhỏ, mái tôn, phên thưng ván, bao bì chắp vá đặt trên những chiếc cọc gỗ khẳng khiu, xiêu vẹo, bấp bênh như những chiếc thuyền thúng buộc bên dưới. Dòng sông xanh trong là thế nhưng tất cả đều quay lưng mà hướng mặt về bờ sông sình lầy, đầy rác rưởi, cỏ ống, muống dại...

Chẳng biết có phải câu ca ngấm từ thời đi học hay do cơm tập thể thiếu đói nhưng nhàn nhã mà sau bữa ăn, chúng tôi không về phòng, cứ ra cổng nhìn người qua lại, nhìn Sơn Trà (còn gọi là Sơn Chà) dần chìm vào màn đêm. Nói thì tệ, người ta nhớ bạn “nước mắt và lộn cơm” còn tôi chính lúc “buông bát” mới nhớ nhà, nhớ bạn da diết. Làm sao khác khi lớn lên trên miền Bắc, rời ghế nhà trường là đơn thương độc mã vào mảnh đất mà chỉ tiếng nói cũng đã thấy xa xôi (thực sự, sau này tôi mới biết giọng nói của người vùng ven Đà Nẵng đã khác biệt với người nội đô. Còn giọng Phú Yên, Khánh Hòa... càng khác xa). Không ít lần tôi viết thư cho bạn trong nỗi niềm đang đứng trước Sơn Trà.

Cứ mỗi sáng, tiếng còi lảnh lói của anh Bí thư Đoàn vang lên, chúng tôi phải lăn ra khỏi giường để tập thể dục. Thế nhưng thứ làm chúng tôi tỉnh ngủ chẳng phải tiếng còi chua lét, cũng chẳng phải mấy động tác tay, chân, bụng, lườn... mà là cảnh sắc sông núi. Sơn Trà xanh thẫm giữa nền trời lam ngọc trước bình minh. Mặt nước sông Hàn bảng lảng màu khói. Rồi tiếng xành xạch, xành xạch của phà ngang chợ Hàn, của thuyền máy xuôi ngược giữa thượng nguồn và bến Mía. Rồi bình minh như chiếc quạt khổng lồ làm bằng hồng ngọc mở rộng dần, rộng dần. Ngày mới thong thả khai sinh trong không gian vô cùng trong trẻo và rộn rã.

Phía thượng nguồn có cầu Nguyễn Văn Trỗi nhưng giao thương, qua lại đôi bờ chủ yếu vẫn là bến phà chợ Hàn. Tôi có chị bạn làm ở trạm Cao không. Gia đình chị ở khu tập thể trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nằm gần bến phà bờ đông. Ca sáng của chị bắt đầu lúc 5 giờ nên 4 giờ chị đã dậy để sang phà. Giờ thả bóng thám không, phát mã điện ra Hà Nội đều tính theo giờ Greenwich, chính xác đến từng phút cho nên cứ bão, gió mùa là chị ôm chăn màn sang ngủ nhờ chúng tôi vì sợ trễ ca. Chị nói: coi như làm thêm ca 3, chỉ tội học sinh, phải qua sông giữa mưa gió, đâu có chỗ ngủ nhờ như mình!  

Tôi không rõ khu vực bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi là gì nhưng lúc ấy nghe xa xôi. Hồi đó Đoàn Thanh niên có phong trào “Đi tìm địa chỉ đỏ”, chi Đoàn tôi tổ chức đi Non Nước, nơi có trận đánh của anh hùng Phan Hành Sơn. Sáng tề tựu tại cơ quan, phân chia đèo chở nhau qua cầu Nguyễn Văn Trỗi rồi qua những con đường nhỏ. Bí thư thuyết minh lịch sử rồi lồng gánh nhiệm vụ đoàn viên… Có lần thì qua những nỗng cát nóng sôi sôi về Điện Ngọc, nghe dũng sĩ Điện Ngọc kể về trận đánh của họ. Đường cát quanh co, xe tuột xích, thủng lốp... Đi về chỉ hơn chục cây số nhưng người bã ra, như quân thất trận dù ý chí, tinh thần chiến đấu có đi lên. 

Tuần vài lần, tôi thả bước dọc đường Bạch Đằng về Bưu điện Thành phố gửi thư. Nhiều thời gian hơn thì vào Nhà Trưng bày tội ác chiến tranh, gần chợ Hàn. Mới nhận lương thì ra gần nhà hàng nổi Kim Đình uống nước mía. Tôi không thích vào cái nhà hàng độc nhất sông Hàn lúc ấy không chỉ vì đắt mà còn là muốn ngắm Sơn Trà với không gian rộng hơn. Ở vị trí này, khi Sơn Trà quang mây có thể thấy rõ từng vòm cây, gió sông Hàn thì rười rượi, rười rượi... Và tôi luôn tự vấn khi nghĩ về câu ca buồn: Phải chăng Sơn Trà như dáng người nhoài ra biển, luôn đương đầu với bão dông, giặc giã? Phải chăng Sơn Trà có cảng Tiên Sa, danh lưu câu chuyện tình của tiên nữ với trần gian? Vì Sơn Trà như một tiêu điểm mà vị trí nào trên thành phố cũng thấy?... Nói chung, Sơn Trà thân thương và huyền bí bởi ngay bên kia bờ sông mà đã như một miền quê xa.

Năm 1997, sau khi tách khỏi Quảng Nam, Đà Nẵng bắt đầu phát triển. Nhất là khi trở thành đô thị loại I, Đà Nẵng đứng đầu thu hút đầu tư. Đầu những năm 2000, cơ quan tôi đã khảo sát chế độ triều cửa sông Hàn và suốt dọc bãi biển từ Hải Vân tới giáp Quảng Nam, phục vụ cho các dự án làm đường ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước, Sơn Trà - Điện Ngọc, bờ đông sông Hàn... Đặc biệt là khảo sát bán đảo Sơn Trà, nơi xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đường đi lại bãi Bắc, bãi Nam (còn gọi là bãi Nồm)... rất khó nên nam giới gánh vác, chị em nữ chúng tôi chỉ “đánh bắt ven bờ”.

Tùy theo yêu cầu của dự án mà chúng tôi khảo sát các dữ liệu Khí tượng - Thủy văn chọn thời điểm, thời gian tiến hành, ba đến bốn tháng hoặc theo mùa nhưng cũng có khi kéo dài hàng năm. Trước những đợt khảo sát, tôi thường vào thư viện tìm tài liệu về nơi mình sẽ đến. Ngoài giờ đo đạc, tôi tranh thủ đọc, vừa hiểu thêm lịch sử, văn hóa mảnh đất mình khảo sát vừa đỡ nhớ chồng con. Chính vì vậy tôi đã hiểu hơn về Sơn Trà và sự nhìn nhận vai trò lịch sử bán đảo này của cha ông ta.

Về tên gọi, có tài liệu cho rằng, từ thế kỷ XV trở về trước, Sơn Trà là hải đảo, bốn bề nước bao bọc giống như cái chà của ngư dân dụ cá vào nên gọi là Sơn Chà. Còn Sơn Trà cũng đúng vì cây trà núi nơi đây rất nhiều, um tùm, rậm rạp. Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì Sơn Trà có nguồn gốc Chăm, vì tiếng trà do chữ Phạn Jaya, như nhiều địa danh có chữ Trà: Trà Kiệu, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Lý...

Về hình thế, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn khoảng năm 1864 đã tả Sơn Trà như sau: “Núi Trà Sơn ở cách huyện Diên Phước (Diên Phước là địa danh cũ của quận 3) 32 dặm về phía Đông, hình thể chót vót, cao chục tầng mây, mây mù tự đấy mà ra, cây cối um tùm, hươu nai thành đàn, mùa thu mùa đông nếu cầu vồng hiện ở trước núi thì lụt; nếu mây đặc phủ trên đỉnh núi thì mưa, người địa phương thường trông thấy mà chiêm nghiệm. Phía đông liền biển, phía Đông Nam có một hòn núi liên tiếp trông xa như sư tử, tục gọi là hòn Nghê. Tương truyền trên núi có ngọc đêm đến thường chiếu sáng xuống biển. Phía Tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây. Phía Bắc có núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sừng sững ở cửa biển. Phía Tây cửa biển là vũng Trà Sơn, là chỗ trú ẩn cho tàu thuyền...”.

Về dấu tích lịch sử, Sơn Trà có miếu Tiến sĩ thờ Nguyễn Phục (quê Hải Dương, đỗ tiến sĩ đời Lê Thái Hòa), miếu thờ vị tứ Vương Linh Dược Quân Tế (được phong Quốc Công tôn thần, thượng đẳng thần, được xây dựng thời vua Lê Thần Tông - niên hiệu Khánh Đức thứ tư, 1652), miếu thờ Tứ Nương nữ thần, Thủy Long Thần Nữ, miếu thờ ông Cao Các (là Đô úy trấn thủ vùng biển này vào thời Hậu Lê). Đặc biệt là miếu thờ Bạch Mã, có sắc phong của các vua năm Tự Đức thứ 5 (1852), Tự Đức thứ 33 (1880), sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924). Tuy được xây cách đây khoảng 200 năm nhưng miếu thờ Bạch Mã là một minh chứng lịch sử lòng dân với Quốc Tổ(1).

Động, thực vật của Sơn Trà thì vô cùng phong phú. Nằm trong khu vực giao lưu giữa hệ động vật và thực vật của hai miền Nam - Bắc, nơi đây vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh đa dạng. Với tổng số diện tích hơn 4.439 ha, cao gần 700m (số liệu công bố năm 1997), chiếm 0,014%  diện tích cả nước nhưng số họ thực vật của Sơn Trà chiếm 37,83% tổng số họ thực vật của Việt Nam, số chi chiếm 19,13% tổng số chi của Việt nam và số loài chiếm 9,37% số loài của Việt Nam. Trong tổng số 298 loài thực vật cao thuộc 271 chi, 90 họ, 64 loại gỗ lớn, 107 cây thuốc quý và nhiều giống lan rừng. Thảm thực vật và nguồn gen thực vật nhiệt đới đa dạng, phong phú với số lượng cá thể lớn của Sơn Trà có khả năng cung cấp giống cây bản địa phục vụ trồng rừng như: chò chai, dẻ cau, dầu lá bóng... Riêng tôi, trong lần đi tìm tư liệu về hát tuồng, tôi được anh Trần Tỵ, nghệ sỹ đánh trống hàng đầu của Nhà hát Tuồng Đà Nẵng cho biết: Sơn Trà có cây hoa sói, một loại cây vừa chắc vừa dẻo, làm dùi trống thì không bị xơ đầu. Anh còn nói chắc như đóng đinh cột: chỉ riêng Sơn Trà, không nơi nào có, điều này đã được viết trong sách!

Về động vật, Sơn Trà có 287 loại thuộc 94 họ với 38 bộ côn trùng, trong đó có 29 loài thuộc nguồn gen quý hiếm. So với tổng số loài động vật ở Việt Nam, động vật xương sống ở cạn của Sơn Trà có 174 loài, chiếm 12,5%; số bộ có 26 bộ, chiếm 70,27% tổng số bộ của Việt Nam; số họ có 68 họ, chiếm 45, 64% tổng số họ của Việt Nam. Với hàng chục loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, khỉ mặt đỏ (là loài thú đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ), đặc biệt là Nữ hoàng của loài linh trưởng - voọc Chà Vá chân nâu.

Nằm bên cửa sông Hàn, Sơn Trà là vị trí quân sự cực kỳ quan trọng. Sau cuộc nổ súng của 2 tàu Pháp tại vịnh Đà Nẵng ngày 15/4/1847, vua Thiệu Trị ra lệnh xây 7 pháo đài trên bán đảo Sơn Trà, gọi là Trấn dương Thất bảo. Vua Gia Long cũng cho đắp đường đá nối đảo Cô (thuộc phía tây Sơn Trà) với chân bán đảo Sơn Trà để tiện đi lại canh phòng. Cả Pháp với Mỹ đều xây dựng nhiều căn cứ quân sự trên Sơn Trà. Bản đồ của Pháp ghi Sơn Trà là Tiên Sa còn quân đội Mỹ gọi là Monkey mountain (núi khỉ) do nơi đây có nhiều khỉ. Trong chuyến đi thực tế cùng với Chi hội nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tháng 5/2019, chúng tôi được các anh đồn Biên phòng Cảng Tiên Sa dẫn đi thăm khu nghĩa trang quân lê dương nằm ven chân núi Sơn Trà. Hàng trăm nấm mộ còn ghi họ tên của lính Pháp và Y Pha Nho, là minh chứng cuộc chiến bảo vệ đất của người Đà Nẵng.

Không chỉ có vị trí trọng yếu về quốc phòng, với chiều dài 13km, cao gần 700m với hai sườn núi đổ theo hướng Đông - Tây, Sơn Trà là bức bình phong chắn đỡ bão dông cho Đà Nẵng. Khi làm đề tài “Tri thức dân gian trong nhận biết, dự báo và phòng chống bão lũ của ngư dân Đà Nẵng” tôi còn biết có trên 30% số câu tục ngữ về thời tiết Quảng Nam - Đà Nẵng liên quan đến Sơn Trà. Có thể nói, Sơn Trà là Đài dự báo thiên nhiên của người dân quanh vùng.

Lúc chúng tôi khảo sát, trừ một vài bãi tắm như Mỹ Khê, Thanh Bình... đông người còn dọc dài biển Đà Nẵng vẫn thưa vắng. Cây dại um tùm, muống biển mọc tràn khắp nơi. Bãi biển cũng là nơi người dân “xả thải”, gió vi vu mà vẫn hôi hám xú uế. Dẫn cao độ, anh em vác mia, vác máy cồng kềnh mà mỗi bước đi phải nhìn ngó cẩn thận tránh dẫm “mìn”. Vậy nhưng để tiện khảo sát mực nước và sóng theo chế độ 24/24, chúng tôi ăn, ngủ ngay bên bãi biển. Lúc này tôi mới rõ hơn cuộc sống người dân nơi đây. Chiều chiều đàn ông ra biển, 7 - 8 giờ sáng hôm sau mới về. Vợ con, dân buôn cá chờ sẵn bên bãi. Có khi chưa tỏ mặt đã nghe bước chân huỳnh huỵch của người đi kéo lưới ven bờ. Cá tươi anh ánh còn người thì gân guốc như tượng gỗ khắc thảo, đen sạm đen sì... 

Cuối năm 2001, khảo sát chế độ triều cửa sông Hàn, chúng tôi ở nhờ trại nuôi nghêu của vợ chồng ông Năm. Lúc này vụ giang hồ Năm Cam đang nóng mặt báo nên chúng tôi gọi đùa ông là Năm Cam, dù ông hiền như đất, da dẻ, tóc tai phơ phếch như nắng gió cửa Hàn. Ông nói trong làng bà con trồng rau, hành, hoa cúc, vạn thọ bỏ chợ nhưng ông và nhiều nhà vẫn làm nghề rồi chuyển sang nuôi nghêu mấy năm nay. Vợ ông thỉnh thoảng về nhà thăm chừng con cháu rồi ra cùng ông cơm nước, chăm nghêu. Thành phố đã giải tỏa một số nhà chồ, nhiều con đường mới bắt đầu hình thành nhưng vùng chân núi Sơn Trà như Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông vẫn hoang vắng. Cầu sông Hàn, cây cầu xoay hiện đại nhất Việt Nam đã thay cho bến phà ngang nhưng người dân nơi đây vẫn nói là đi Đà Nẵng mỗi khi sang bờ tây sông Hàn!

Ban ngày tàu ghe vào ra còn đỡ, đêm về sóng ì oạp, gió hú vu vu, côn trùng nỉ non. Hình như nằm cạnh chân núi Sơn Trà nên màn đêm càng tối. Ánh đèn lẻ loi của những trại nuôi nghêu quánh vón lại giữa trời đất đen như mực. Bà Năm nằm ở võng ngâm nga: Đứng bên ni sông Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá. Đứng bên Hà Thân ngó về Hàn phố xá nghênh ngang... Ông Năm cười: bởi vậy người ta mới nói gái quận 3 không bằng bà già quận 1. Tôi nhìn về bờ tây ngập tràn ánh điện rồi nhìn lên Sơn Trà mịt mờ, đâu phải người xưa nói cho thuận miệng: nghèo hèn, giàu sang.

Ông bà Năm theo dõi bản tin thời tiết rất sát vì lo mưa thì nước nguồn về làm giảm độ muối, nghêu ngậm vỏ, giảm chất lượng hoặc bùn về nhiều cũng ảnh hưởng... Nói chung, nghe thời tiết chỉ để lo chứ chẳng làm được gì, may nhờ rủi chịu. Mà nghêu cứ phải qua nắng nung, qua mưa gió, sau Tết mới đúng vụ. Tôi cảm thấy khi nghe tin gió mùa mắt ông bà trõm hơn. Vậy mà một hôm họ làm tôi và chị Trang bất ngờ khi bưng ra một nồi nghêu hấp sả ngọt lự.

Nhờ ưu đãi của thiên nhiên và những quyết sách của lãnh đạo Thành phố, Đà Nẵng đã phát triển nhanh chóng. Theo con đường mới là những điểm du lịch như cây đa ngàn năm, chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ... được mở ra, Sơn Trà càng quyến rũ tôi. Trong đó có bảo tàng tre trúc và bảo tàng Đồng Đình, 2 bảo tàng tư nhân được đầu tư rất nhiều công sức.

Bảo tàng tre trúc của thầy Thích Thế Tường có tên là Sơn Trà Tịnh Viên, được thành lập năm 2005. Với hơn 100 loài, đến từ mọi miền Việt Nam: trúc đen Yên Tử, lồ ô Thanh Hóa, Lâm Đồng, tre bụng phật, tầm vông, ống điếu, trúc cỏ,... Có loại rất quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Sơn Trà Tịnh Viên là một trong ba bộ sưu tập tre trúc lớn nhất ở Việt Nam, là điểm tham quan yêu thích của nhiều du khách. Để có bảo tàng tre trúc này, mỗi năm thầy Thích Thế Tường dành 3 tháng mùa xuân để đi khắp đất nước sưu tầm. Mùa xuân miền Bắc vẫn lạnh và có mưa dầm, thầy cùng nhóm người thuê phải vào rừng từ sáng sớm tìm, đào để kịp trở ra trước khi trời tối. Có loại thầy phải trồng đến lần thứ tư mới thành công.

Đồng đình là một loại họ cau mọc nhiều ở Sơn Trà và được nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao lấy đặt tên cho bảo tàng của mình. Bảo tàng Đồng Đình có nhiều không gian trưng bày: Dân tộc học, cổ vật, tác phẩm mỹ thuật và ký ức làng chài. Rất nhiều hiện vật cổ có tuổi đời từ 100 đến 2.500 năm thuộc các nền văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh... thể hiện văn hóa dân gian đặc sắc của 54 dân tộc anh em từ Bắc vào Nam.

Tôi đã lên thăm Trạm Rada H29, nằm trên ngọn núi cao 621 mét. Đi rồi mới biết không phải ngẫu nhiên mà mây Sơn Trà đi vào câu ca thương nhớ. Mây giăng dày, chỉ mươi mét đã không thấy gì. Vậy mà hai bên đường có một loài hoa vàng ươm, trông như những chùm pháo hoa, ngời ngời phát sáng. Lần đầu lên Sơn Trà ở độ cao vậy nên tôi mới biết độ “phủ” của mây. Nền nhà như dội nước, mọi ngóc ngách đều ẩm ướt, rít rịt. Anh em đơn vị cho biết: Nơi đây được ví là Trường Sa cạn vì mùa khô phải đi cõng nước suối với hơn 200m đường dốc, năm khô hạn nhất phải đi 3 cây số. Mùa mưa thì trong nhà cũng ẩm ướt như ngoài trời, có đợt phải phơi áo quần trong tủ cả tháng, rau thì quăn cả ngọn. Tôi chợt nhớ những chùm hoa rực rỡ giữa mây mù. Đại úy, Chính trị viên Nguyễn Hải Hà nói: Đó là hoàng lạc thảo, một loại cây thân gỗ nhưng cho hoa rất đẹp. Phó chính uỷ B75, đại tá Nguyễn Thế Minh tìm và đem về trồng và hiện nay đã nhân trồng ở nhiều nơi sư đoàn đóng quân: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Pleiku...

Còn gì thú vị hơn khi Sơn Trà - Khu Bảo tồn thiên nhiên của Tổ quốc có thêm cả trăm loài cây, thêm loài hoa đẹp bất chấp mây gió. Mà đóng góp ấy là của thiền sư, quân nhân!

Mỗi lần bạn ngoài Bắc vào, trong Nam ra tôi đều đưa lên Sơn Trà. Bạn cứ tấm tắc: Đúng là quà tặng của thiên nhiên. Tôi cao giọng: Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi... Tôi tin rằng các bạn rất mến yêu nơi này vì chính họ đã gọi điện cho tôi khi Sơn Trà và cửa Hàn có vấn đề trong xây dựng.                       

Tôi đã trở lại thăm các chiến sĩ trạm Rada H29 để tặng tập sách có bài viết về họ. Đứng trên đài cao, nhìn biển trời xanh ngút và phố xá ngời ngời tôi lại nhớ những ngày đầu đến Đà Nẵng. Không còn là con số khô khốc quận 1, quận 2... mà Sơn Trà cũng như các quận khác đã mang đúng địa danh của mình. Cạnh trại nuôi nghêu xưa của ông Năm là cầu Thuận Phước dài gần 2 km, là cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam với thiết kế ánh sáng là hình tượng cánh chim vươn ra biển. Dọc theo con đường trải nhựa phẳng lì quanh Sơn Trà là những khu nghỉ dưỡng cao cấp, sang trọng nhất thế giới: Sheraton Đà Nẵng Resort, InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort... Sheraton Đà Nẵng Resort là nơi lưu trú của các chính khách tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Bãi biển không còn cây dại um sùm, muống biển tràn lan, chất thải xú uế mà có tên trong tốp đầu những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Dọc theo đó là đường thênh thênh, mang tên những miền đất thân yêu và danh nhân của Tổ quốc: Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp. Bờ đông sông Hàn, thay cho nhà chồ, bãi bờ ngập rác rến cỏ lau là đường Trần Hưng Đạo với hành lang rộng đẹp. Giáp bờ sông, phía hạ nguồn cầu sông Hàn là khán đài cho du khách thập phương đổ về thưởng lãm lễ hội pháo hoa Quốc tế hàng năm. Cúng Giao thừa xong, mấy chị bạn tôi còn chạy xe lên chùa Linh Ứng Sơn Trà bái Phật. Nàng Tiên Sa đã bừng tỉnh và vươn mình lộng lẫy dù có đôi vụ việc cần các nhà chức trách phải xem xét kỹ lưỡng để Sơn Trà phát triển mà vẫn giữ được những giá trị tạo hóa ban tặng.

Hôm sau tôi dậy thật sớm, đến bờ sông ngày trước là Bến Mía. Bến thuyền lép nhép bụi than xưa được thay bởi hành lang lát gạch sạch bóng với những bức tượng, tiểu cảnh, khóm hoa... góp phần tôn xưng bờ tây sông Hàn thành “con đường hoa”. Thay cho tiếng xành xạch của tàu thuyền là âm thanh suối xe lướt qua, lướt qua. Không biết có phải do phố xá sầm uất thay cho cây lá mà mặt nước sông Hàn không còn bảng lảng lam màu xưa. Có đôi chút nuối tiếc nhưng tôi tự nhủ cuộc sống vốn vậy, không có gì bất biến. Huống gì Sơn Trà đã thắm sắc hơn bởi những khu nghỉ dưỡng sang trọng, bởi hàng trăm loại tre trúc, hoàng lạc thảo... và cho bình minh thấm đẫm qua từng giây, từng giây.

 

(1) Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Đại La cho xây thành nhưng mãi không xong. Vua sai người đến đền Bạch Mã cầu thần thì thấy một con ngựa trắng từ trong đêm đi ra một vòng từ Đông sang Tây, đi tới đâu để lại dấu chân tới đó, rồi trở lại đền biến mất. Vua bèn cho theo vết chân ngựa mà xây thành. Quả nhiên thành được xây xong. Vua bèn cho sửa lại đền thờ và sắc phong thần là “Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần”. Từ câu chuyện này mà nhiều nơi đã xây đền miếu tưởng niệm thần Bạch Mã (ngoài đền thờ Bạch Mã ở thủ đô Hà Nội, còn có ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...) để tỏ lòng hướng về kinh thành Thăng Long.

M.S