Đời cát, đời sen

02.10.2020
Nguyễn Liên Tâm

Đời cát, đời sen

Thất thập cổ lai hy. Bảy mươi tuổi, cổ nhân đã cho là hiếm. Vậy mà trời thương cho mẹ thêm hơn một chục năm dài. Rồi lại tặng không cả mười năm sương gió.Tiếp nối cho một điệp khúc ban mai vượt đồi, lội cát. Tròn chẵn chín mươi năm. Như bóng câu qua cửa sổ. Chóng vánh. Bé Con của chín mươi năm trước giờ lưng còng, tóc bạc, da mồi mỏng như tờ giấy quyến.

Mỗi buổi sáng trong lành, khi vài giọt sương từ mấy nhánh bằng lăng treo lủng lẳng những chùm hoa tím rơi lộp bộp trên mái tole thì Bé Con đã lủn củn đi sau cha men theo con đường đất nhỏ, vượt qua những đám rẫy mì, rẫy bắp, rẫy mè, rẫy dưa của xóm Lương Tây. Vượt qua không biết bao nhiêu cát là cát. Hằng hà sa số cát. Không biết cát ở đâu mà giăng giăng đồi đồi, bãi bãi. Cứ theo hướng mặt trời mà đi, khoảng chừng ba cây số là đến đỉnh dốc Hầm. Bên tay phải là cả một thảo nguyên bao la, bằng phẳng, xanh mát. Bên tay trái chếch về phía mặt trời mọc là một bàu nước mênh mông, mênh mang. Đỉnh dốc Hầm khá bằng phẳng, có thể ngồi bệt xuống nền cỏ xanh, duỗi thẳng hai chân, vùi vào trong cỏ mát sương. Cát nâu bên dưới, mấy cọng cỏ non lún phún trồi lên trên. Ba của Bé Con quấn một điếu thuốc rê bằng mấy ngón tay vàng ệch. Bật lửa. bập bập vài hơi, ngửa cổ thả lên trời xanh, rồi ngắm mấy cụm khói mỏng bay lang thang. Bé Con không thích ngồi yên, cứ nhong nhóng mấy con bướm nhỏ xíu đang chập chờn trên bãi cỏ.

Lốc thốc năm năm, mười năm, rồi mười lăm năm trôi qua. Bé Con đã vụt lớn nhanh như phỗng. Và cũng hai mươi năm lội cát, vượt đồi, vượt ba cây số để leo lên dốc đỉnh Hầm. Bỏ lại sau lưng cả một vành đai cát đỏ bao bọc cả một vùng mà Bé Con nghe người ta gọi là đồi Xích Thố. Gọi tên như vậy là bởi, nhìn xa, mọi người thấy nó giống đàn ngựa đỏ tuyệt đẹp đang phi nhanh trên nền trời bao la xanh thẳm. Nhưng với Bé Con, đồi Xích Thố hệt như một cô gái mặc chiếc áo màu đỏ rực đang nằm xoải dài dưới ánh mặt trời.

Rồi thêm mươi năm nữa. Đến một ngày, Bé Con không còn là bé con nữa. Mỗi sáng sớm mùa đông, đi trên những đồi cát lạnh, tửu lượng Bé Con tăng dần. Lúc đầu chỉ là vài ngụm cùng chồng để ấm bụng lúc hừng đông. Dần dà vài ngụm trong nhiều lần của một ngày, nên đã uống thành cả xị... Khoảng mười năm sau, tăng lên hai xị, vị chi là nửa lít rượu mỗi ngày. Để thêm sức mạnh chống cái lạnh và sức mạnh chống cái buồn để nuôi bầy con nhỏ vì người đàn ông đầu ấp, tay gối bỏ đi sớm quá.

Tuổi tám mươi vẫn ngày ngày vượt qua hàng mấy cây số đường cát, đường dốc để đến đỉnh dốc Hầm, để quay lại ngắm đồi Xích Thố sau lưng và để ra Bàu Trắng. Một ngày cả đi cả về trên mười cây số. Cả đời đi về con đường dốc và cát đủ màu này, trừ mấy ngày Tết và giỗ chạp, sinh nở; tính lại mẹ đã đi về trên ba mươi ngàn cây số - ba phần tư chu vi trái đất. Quanh quẩn ở vùng đất này nên hiểu đất rõ biết bao nhiêu. Mỗi ngày uống nửa lít rượu. Cả đời uống khoảng 1.500 lít. Nhiều như thế nên hiểu cuộc đời sâu hơn, vui buồn cũng nhiều hơn.

Từ đỉnh dốc Hầm đỏ au au, Sen thủng thẳng buông hai vai để đi chúi xuống dốc. Cát chui vào đôi dép nhựa hai quai nghe nhột nhạt. Bỏ dép đi chân trần. Cát mịn và ấm vì nắng chưa lên cao. Xuống đến cuối dốc, chân lại chạm vào cát hồng, cát trắng, rồi tiếp nối là những luồng cát đen, nâu chạy vằn ngang trước mặt. Ngày trước, người đi làm rẫy còn kháo nhau rằng: bước chân lên dải cát đen, bàn chân sẽ nóng lên như có điện. Vội thêm vài chục bước chân sẽ gặp trở lại vùng cát trắng mênh mông. Cát cũng đủ màu để đủ pha trộn vào cuộc đời của Sen.

Mùa mưa, cát thấm nước, dễ đi hơn. Cát không chui vào gan bàn chân nhồn nhột. Cát không tuôn dép đi tuồn tuột. Nhưng thiếu cái cảm giác đi như trôi người trong cát. Đồi cát đỏ. Đến dòng cát trắng. Đến những vệt cát xám đen, nghe người ta gọi đó là cát quý Titan. Rồi chân sẽ chạm tới biển đồi bao la cát trắng. Ngày nào Sen cũng vượt qua những vùng đồi cát như thế. Lâu dần, dù hình thù cát có di chuyển đổi hình, đổi dạng, Sen cũng có thể nhắm mắt nhớ lại như in những dáng nằm cũ của nó. Vượt qua hết vùng cát trắng sẽ đến một cánh rừng thông thưa. Một nơi nghỉ chân êm ả. Cái nắng, cái nóng như bị bùa phép hóa giải. Và Sen lạc vào ma trận của sự thinh lặng. Nhưng cũng chỉ được một lát thôi, phải vượt qua sự thinh lặng để tiếp tục bước vào một vùng cát trắng có những dây xanh bò chằng chịt như phủ kín bề mặt của đất.

Những trái dưa xanh đủ kích cỡ đang nằm lông lốc phơi mình dưới nắng. Trái to như quả banh da. Trái nhỏ như trái cam, trái quýt... nằm gối vào nhau, dựa vào nhau.Vô tư. Hồn nhiên thơ trẻ. Mấy cái chậu sành thảnh thơi nằm nghỉ trên rẫy. Sen thò tay bứt một trái, đập vào cạnh chậu sành. Trái dưa vỡ ra, lòng ruột đỏ, đầy hạt đen, ăn cho thỏa cơn khát. Không phải mất tiền vì đã lẫy hạt dưa dùm cho chủ rẫy. Ai cũng có lợi. Người không phải bỏ tiền mua dưa để giải khát. Người không tốn tiền thuê lẫy hạt dưa rang bán vào dịp lễ lạt, cưới xin, ngày tư ngày tết. Sen cũng là một người khách không mời mà đến của cái rẫy này suốt tám mươi năm trong những ngày rộ dưa.

Đi qua rẫy dưa, là xuống đến tận đùi bàu. Ba đánh cá trên bàu. Chồng đánh cá trên bàu. Sen thu gom thành quả của cả hai người. Cái bàu không đáy, ăn thông giữa Bàu Ông và Bàu Bà. Đến mùa, sen hồng, sen trắng nở miên man trên những thảm lá xanh um, chỉ nhìn thôi đã thấy lòng thanh thản, dịu nhẹ. Nghe đồn trai làng Ông xuống trồng sen cho gái làng Bà nên sen ở bàu Bà mới giăng giăng khắp hai bờ bàu như thế. Cả hai, ba cây số toàn màu hồng, màu trắng của sen.. Sen đã từng mơ lại giấc mơ của Bé Con năm xưa, bơi qua đáy thông nhau để đến với xứ sở thần tiên. Lớn lên thành một thiếu nữ, lại mơ được ăn hạt dưa đỏ, mơ thành Nàng Ba nhưng không bơ vơ trên hoang đảo. Có lúc Sen lại mơ đứng trên lá sen xanh. Lá sen làm thuyền, đưa người về bên ấy.

Ngày ngày, trong sương sớm, trên đường đi đến bàu đánh cá, Ba thường hay kể cho Bé Con nghe nhiều câu chuyện xửa xưa: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, nhưng quê mình cũng lắm cọp. Thời ông nội, ở vùng này, thỉnh thoảng có người đi rẫy sớm, bị cọp rình bắt và ăn thịt. Nhưng lần đó, cọp không ăn hết mà để lại một cái tay, một cái chân và bộ lòng... Biết nó sẽ có thói quen tìm trở lại để ăn cho hết nên dân làng nén đau khổ, vái xin người đã khuất cho tẩm thuốc độc vào phần thi thể còn sót lại, rồi chia nhau rình bẫy cọp. Quả nhiên, nửa đêm cọp về. Sáng hôm sau, cả vùng cây cỏ bị quần nát vì cọp thấm thuốc”.

Nhiều khi, Ba cùng với ông nội phải đi qua những lùm cây cạc nưa, thân mềm màu nâu, hoa màu trắng muốt, tròn to như cái nấm rất đẹp nhưng mùi hoa thì thúi như mùi chó chết. Có lần, cả hai đang men theo những hàng cây cháy sém đỏ đen như da báo, thì ông nội phát hiện mùi cọp. Linh tính báo là cọp đang rình, vì dưới tán lá mù u, có cả một đống nước miếng. Lo cho con trai, ông nội trụ một bên, đẩy ba qua một bên phòng thủ. Lúc bấy giờ, tiếng gầm của cọp vang lên như tiếng xe của bà Thêu (người có xe tải đầu tiên của vùng này) rú lên đỉnh dốc Hầm. Hai cha con mất cả hồn vía, run như cầy sấy, nghĩ rằng phen này thân thể sẽ chẳng còn. Nhớ lời ông nội dặn, khi con cọp vằn vện có lẽ còn ít tuổi lừ lừ xuất hiện, Ba chống cây rựa trước mắt, nó nhìn một lát rồi bỏ đi. Lần đó hú vía, y như được sinh ra trên đời lần thứ hai; về nhà nội cúng giải hạn, lạy như tế sao.

Ba còn kể: “Ngày trước, ông nội cũng đánh cá trên bàu. Nghe nói, có một con cá sấu cứ thường nổi lập lờ trên mặt nước như khúc củi mục. Mấy tay cự phách - bạn thanh niên của ông nội đã từng cùng nhau câu cá sấu trên bàu. Một cái giàn câu móc gần một trăm cái gọi là săn kiều hay săn giàn. Cả trăm cái móc đều to và sắc nhọn. Một con chó thui chín thơm phưng phức được cột chặt vào giữa giàn câu. Bè gỗ kết giàn câu có con mồi được đẩy ra giữa bàu nước mênh mông. Xung quanh mép bàu nhà cửa thưa thớt lắm, có nơi bàu giáp với rừng thông, có nơi giáp với đồi cát trắng dựng đứng, có nơi giáp với những vạt cỏ lau, có nơi lại giáp với man man lá sen xanh um; sen hồng, sen trắng lúp xúp nụ và hoa, với những củ, rễ sen chằng chịt cùng rong rêu bên dưới mặt nước... Ban ngày mông quạnh là cát, là trời, là mây, là nước. Ban đêm là những ánh lửa ma trơi lập lòe. Bẫy giàn câu gắn mồi thơm hấp dẫn, thường được nhử lúc gần trưa, dụ cá sấu lừ đừ nổi lên tìm thức ăn”.

Ba nói: “Con sấu hung dữ của Bàu Trắng ngày đó bị mắc lừa con người, ăn phập vào đám lưỡi câu. Những tay cự phách đã phóng lao, giăng dây bắt nó sau một ngày quần nát cả một vùng lau cỏ, sen súng quanh hồ”.

Cái đẹp và cái ác tồn tại bên nhau. Nhưng cái đẹp đã giải trừ được tai họa. Bóng cô gái giặt áo ven bàu bị cá sấu ăn thịt đã được siêu thoát, nên đêm đêm không còn nghe tiếng khóc tỉ tê, sầu thảm nữa. Dân làng không còn phải run mất mật khi có việc phải đi ngang bàu lúc chạng vạng. Đó là câu chuyện của ngày xa xưa, không biết đúng hay chỉ là lời đồn thổi.

Sen thành vợ, thành mẹ, rồi thành bà. Vòng đời luân chuyển. Ở vùng cát bỏng này, cô Sen thiếu nữ cũng thường theo dấu những con dông vằn vện sọc xám, hồng, xanh lam, đen, trắng... chạy long nhong trên cát, trốn vào những cái hang sâu trên cát để bắt chúng. Năm mẹ Sen ngoài bốn mươi, có cái hang độc ác đã giấu thằng con trai yêu quý của mẹ vào lòng đất như chôn sống. Lúc ấy, mẹ nghe như ai bóp nghẹt trái tim. Và mẹ nghiệm ra, con mẹ bị cái án của đời cát lưu truyền. Cũng chính cái đêm hôm ấy, mẹ say lần thứ hai trong đời. Lần thứ nhất là khi ba lũ trẻ bỏ mẹ mà đi không một lời trăng trối. Mẹ đã uống cả hai xị cùng một lúc rồi vật vưởng, lang thang, gào rú một mình trên đỉnh dốc Hầm, lòng chết điếng vì mất con.                         

Ròng rã, mỗi sáng lại vượt qua đỉnh dốc Hầm, qua đồi Xích Thố, băng qua những luồng cát đỏ, cát hồng, cát xám, cát đen... Không ai muốn phân biệt đâu là đồi Trắng, đâu là đồi Hồng, đâu là đồi Xích Thố, đâu là đồi Titan, nếu như cát không có nhiều màu như thế. Phân biệt để giúp thằng cháu ngoại của mẹ bị khuyết tật theo học làm tranh cát có thể pha màu cát mà vẽ tranh. Cát quê nhà sẽ mãi ở quê nhà nếu không cho nó có cơ hội đi xa, thâm nhập vào những cuộc đời mới. Phải biết cách làm cho cát có cuộc đời của cát, cho cát đi xa hơn nơi nó đã sinh ra. Cái thằng cháu khuyết tật không thèm nói, không thèm nghe của bà thật khéo tay. Con gái bà nói nó đi học vẽ, học làm tranh cát từ một nghệ nhân ở thành phố, nhưng lại là dâu con của vùng cát này. Rồi nó về quê, lặn lội tìm cát đủ màu ở đồi Hồng, đồi Trắng, đồi Bà Tiên, đồi Đất đỏ... Rồi tỉ mỉ, tẩn mẩn từng chút một, với những lọ cát nho nhỏ, những cái muỗng nho nhỏ, các bạn khuyết tật nho nhỏ... để làm tranh cát. Mẹ thấy nó làm ra cảnh vật nơi này, nơi khác; hình ông nọ, bà kia. Nhưng nó chẳng thèm làm cho bà một bức. Nó đâu biết rằng, những dấu chân mẹ tăm tắp trên đồi cát trắng đã được mấy tay chụp hình chụp lấy chụp để. Nó đâu biết rằng, khuôn mặt nhăn nheo của mẹ cũng được các họa sĩ vẽ và gửi đi dự thi rồi đoạt giải lớn.

Dấu chân gầy trên cát và khuôn mặt già nua đầy vết nhăn của mẹ cũng còn có ích lắm.

Bây giờ, ngày ngày, từ sáng sớm tinh sương đến tối mịt, mẹ vẫn uống hai xị rượu, vượt qua những đồi thông, leo lên tận đồi cát trắng tinh có những vệt nước từ bàu sâu thấm lên tận đỉnh. Nhưng mẹ không đi thu gom cá của Ba và chồng đánh từ Bàu Trắng nữa vì họ đã ra người thiên cổ. Mẹ vượt cát, lên đồi vì nhớ một thói quen đã làm suốt gần chín mươi năm. Lên đồi cát, ra bàu Trắng để nhớ cái bóng ngày xưa của Ba, của ông chồng bỏ mẹ ra đi trước. Con cháu nói mẹ già lẩm cẩm, cứ nhớ chi chuyện cũ gần một trăm năm rồi. Có đứa còn đọc cho mẹ nghe mấy câu thơ của một người bạn tặng nó khi về chơi bàu sen và vùng cát trắng này:

Loay hoay trong phiền muộn/ Ta muốn vớt sen vàng

Tung lên từng cánh vạc/ Cho muộn phiền vỡ tan.*

Nhưng, thây kệ chúng nó, mình nhớ thì cứ nhớ. Chúng nó không thể bắt mẹ ngừng nhớ. Còn khỏe là cứ đi xem sự đổi thay hàng ngày của cát, của Bàu Trắng; và xem con cháu làm ăn. Mẹ thường ngẩn ngơ hàng giờ nhìn những tấm ván trượt trên đồi cát; nhìn trẻ hái sen... hái sen... hái sen..., gom lại thành bó, chào bán cho khách du lịch mà nhớ những trò chơi ngày còn nhỏ xíu. Những búp sen đọng sương, nước trong veo cứ long lanh, lóng lánh như ngọc. Lại có mùi hương nhè nhẹ làm mẹ nhớ ngày xưa ghê gớm... Mẹ muốn hái sen lắm. Nhưng một bà già lẻo khẻo tay chân làm sao lội hái sen, làm sao cột bó sen? Ôm sen đã thấy không hợp rồi. Sen đẹp và trẻ, mẹ thì già và xấu. Nhớ ngày xưa mẹ đã thường lội vào làn nước mùa đông lạnh cóng để hái sen. Cực nhọc. Gai sen già đâm tứa máu. Bây giờ, có lúc, vòng về đi dọc biển, mẹ nhìn những trảng cát xám đen dọc biển bị đào xới rách toác để khai thác Titan vô tội vạ mà thấy thương cát. Đời sen, đời cát, lẫn lộn vui buồn.

Những con đường qua trảng cát hun hút, qua đồi cát mênh mông, qua bãi thông và bàu nước mát rượi, qua trảng dưa xanh mát..., câu chuyện câu cá sấu trên bàu, câu chuyện về Nàng Út ống tre, về đồi Xích Thố, về Mai An Tiêm và quả dưa đỏ... sao cứ làm mẹ nhớ quắt, nhớ quay.

Câu chuyện về một Bé Con đã lớn lên trong cát, sống cùng cát, và sẽ trở về với cát không có gì khác với những Bé Con khác. Nhưng Bé Con tên Sen có những kỷ niệm riêng tư. Gần một thế kỷ đã chứng kiến sự đổi thay của cát, của người sống cùng cát, mẹ cũng vừa tuổi để về với đất trời. Cát và sen. Đồi cát luôn thay hình đổi dạng và những đời sen tiếp nối nhau, rực rỡ và lụi tàn. Đời mẹ đã dài gấp triệu triệu lần đời sen. Nhưng chỉ là một tích tắc của đời cát bất tử.

N.T.L.T