Phủ sóng vacxin: “ Thần tốc” để có miễn dịch cộng đồng

25.06.2021
Tuấn Sơn
Chiều 21/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với 32 địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là các địa phương đang có dịch hoặc có các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn.

Phủ sóng vacxin: “ Thần tốc” để có miễn dịch cộng đồng

* Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải thực hiện hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine, cần mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể, chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước, phải thống nhất lại một mối. Cùng đó là cần tiếp nhận chuyển giao nhanh hơn và mạnh mẽ hơn công nghệ sản xuất vaccine.
* Trước đó, trong buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh  ngày 30/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã nhấn mạnh, phải tập trung thật cao cho tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân, đây là chiến lược dài hơi nhưng dứt điểm càng nhanh càng tốt để đưa sản xuất trở lại hoạt động. Đây là hai tỉnh có số lượng các khu công nghiệp khá lớn của cả nước và cũng là những địa phương có nhà máy của các tập đoàn tầm cỡ toàn cầu.

 

An toàn của người lao động là ưu tiên số 1


Theo Báo cáo nhanh của UBND tỉnh Bắc Giang tại buổi việc với PhóThủ tướng, tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc; trong đó, hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh. Dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 5 giảm tới 40,9% so với tháng 4 và giảm hơn 30% so với cùng kỳ.

Thủ tướng Chính phủ, Phạm Minh Chính đã khẳng định,  Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Chình vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm từ xa từ cơ sở từ khi chưa dịch. Tấn công là cấp bách, là đột phá, chủ động xét nghiệm ở những nơi chưa có dịch, thần tốc nơi có dịch, vaccine là chiến lược, là quyết định, ứng dụng công nghệ là bắt buộc.

Không chỉ có tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh phải ở thế giằng co, vừa quyết liệt chống dịch vừa nỗ lực tìm giải pháp an toàn phục hồi lại sản xuất, tránh làm đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tại thành phố Hồ Chí Minh tình trạng tương tự cũng đã và đang xảy ra. Tình trạng người lao động tại các khu công nghiệp mắc covid 19 đang tăng từng ngày, buộc thành phố phải đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, thậm chí chưa có tiền lệ như: vừa tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khi đã đáp ứng một số điều kiện như đã ký bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch; đã đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc và có kết quả đánh giá là “rất ít nguy cơ lây nhiễm” hoặc “nguy cơ lây nhiễm thấp”.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm nơi ở tập trung (nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến tại doanh nghiệp) cho người lao động; bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài những yêu cầu đặt ra cho chủ sử dụng lao động, thành phố cũng đưa ra những quy định riêng cho người lao động như: yêu cầu tất cả người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất, trên tinh thần, khôi phục lại sản xuất nhưng an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động luôn là ưu tiên số 1.
Cùng với những giải pháp căn cơ trong phòng chống dịch, khôi phục lại sản xuất cả ba địa phương cũng đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, đề xuất Chính phủ ưu tiên một lượng lớn vacxin nhanh nhất có thể, để tiến hành tiêm chủng vacxin ngừa covid 19 cho người lao động. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tới nay chủ trương chống Covid-19 là “5K + vaccine + công nghệ”, trong đó vaccine được xác định giữ vai trò quan trọng để dập dịch đã được Chính phủ, địa phương “ thần tốc” thực hiện.
Nhiều kênh tiếp cận vacxin, Quỹ vacxin… đã được thành lập và kết nối ở mọi cấp độ: Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp. Đích thân Thủ tướng chính phủ, Phạm Minh Chính đã điện đàm với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, đề nghị hỗ trợ, cung cấp vacxin ngừa covid 19 cho Việt Nam, thậm chí chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể sản xuất vacxin … tiến tới chủ động nguồn cung vacxin ( bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thành công vacxin madein Việt Nam) để nhanh chóng tiêm chủng cho nhân dân.
Sau phiên làm việc của Thủ tướng, thành phố Hồ Chí Minh cũng chính thức bước vào chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất khi đặt mục tiêu tiêm hết 804.000 liều vaccine Covid-19 trong 5 ngày ( từ 21/6- 26/6). Và nếu tính tổng số 836.000 liều đã được tiêm 4 đợt trước đó, thì tỉ lệ tiêm chủng của thành phố đã đạt 6% trên tổng số người dân của thành phố (bảo đảm 2 mũi/người). Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, đã chủ động tìm kiếm, đàm phán mua vaccine, phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ tiêm được cho 2/3 dân số (từ 18 tuổi đến 65 tuổi).


Nhanh chóng có miễn dịch cộng đồng


Để tiêm vacxin cho 2/3 dân số, thành phố Hồ Chí Minh cũng chính thức đặt ra mục tiêu cho 6 tháng còn lại của năm 2021 là mua từ  5-10 triệu liều vaccine. Đây là con số không hề nhỏ, đòi hỏi chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng phải nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội, đến từ sự hẫu thuẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và nhiều nguồn khác nhau để tiếp cận nguồn cung vacxin, tiến hành đàm phán để sớm đạt được những thỏa thuân hợp lý, sớm sở hữu vacxin đưa vào tiêm chủng diện rộng cho người dân, sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng, từ đó đẩy lùi và dập dịch. 
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã phê chuẩn 4 loại vacxin phòng chống covid 19, nằm trong danh mục được tổ chức y tế thế giới WHO cấp phép và khuyến cáo các quốc gia sử dụng trong cuộc chiến chống covid 19. Ngoài ra, Chính phủ đã và đang đàm phám cũng như chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin từ Nhật Bản, Cu Ba… Đây chính là những bước đi cụ thể, hiệu quả để Việt Nam tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội .
Song song với những nỗ lực ngoại giao, tìm kiếm nguồn cung vacxin, để tiếp sức cho cuộc chiến chống covid 19 và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, Quỹ vacxin phòng chống covid 19 đã chính thức ra đời, với số tiền ủng hộ không ngừng tăng lên theo cấp số nhân, cho thấy cuộc chiến phòng chống covid 19 không chỉ của Chính phủ, Bộ Y tế mà  đã là của toàn dân, của triệu triệu trái tim người Việt Nam đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Chính vì vậy, không có sự lo lắng, bất tuân trong thực hiện giãn cách xã hội mà đổi lại những tấm gương bình dị, cao quý xuất hiện nhiều hơn trong những ngày cả nước căng mình chống dịch.

Những ATM gạo, siêu thị không đồng, những mẹ già, em nhỏ sẵn sàng đóng góp, nhường cơm sẻ áo cho lực lượng chức năng, người dân vùng sống trong khu cách ly, phong toả, mất việc vì dịch bệnh…để họ cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn vào quyết tâm chiến thắng dịch bệnh trong một tương lai gần, như chúng ta đã từng chiến thắng cả 3 lần bùng phát dịch trước đó. Cho dù, thực tế, Việt Nam không sở hữu hệ thống y tế hùng hậu, nhưng Việt Nam đã làm rất tốt mạng lưới y tế cơ sở. Các trạm y tế cấp xã đều có bác sĩ chuyên khoa làm trưởng trạm và được trang bị những thiết bị y tế có thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương. Chính vì vậy, chúng ta có quyền tin vào sự thẳng lợi của chiến dịch “thần tốc tiêm vacxin nhanh chóng đạt miền dịch cộng đồng” của Chính phủ, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Dịch bệnh đang bùng phát trên diện rộng và không cho phép chúng ta trì hoãn trong việc tìm mua và “phủ sóng vaccine” tạo miễn dịch cộng đồng , bởi nếu chậm giờ nào, phút nào, hậu quả sẽ vô cùng khó lường. Và để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng chống covid 19 tinh thần “ chống dịch như chống giặc” cần phải được siết lại và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

(baovannghe.com.vn)