Phan Duy Nhân - tản mạn thơ - Bùi Xuân

04.11.2015

Phan Duy Nhân - tản mạn thơ - Bùi Xuân

Từ khi còn ký bút hiệu là Dương Phù Sao, ở tuổi 20, Phan Duy Nhân đã là một tác giả quen thuộc trên tạp chí Bách khoa, một tạp chí hội tụ nhiều cây bút tên tuổi ở miền Nam hồi bấy giờ. Những bài thơ của anh đăng trên tạp chí này như: Thần thoại, Đường bay của thơ, Thơ cầu nguyện, Rừng vàng, Bày tỏ, Sau cùng, Cuối năm rời nhà trọ, Phác họa… như là dự cảm về một tài thơ mà tinh anh đang phát tiết ra ngoài.

Hồi ấy, nhất là sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, ở miền Nam có hiện tượng  bùng nổ về sách dịch. Nhiều tác phẩm của Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger, Albert Camus, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Franz Kafka, Fyodor Dostoevsky... đã được dịch, xuất bản và tái bản liên tục. Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) - một khuynh hướng triết học vừa chú trọng chủ thể con người, vừa thể hiện một thái độ hiện sinh (the existential attitude), mà biểu hiện rõ nhất là sự mất định hướng, bối rối trước một thế giới như hình vô nghĩa, phi lý khi du nhập vào miền Nam đã tạo ra những thái độ đa chiều trong giới trí thức trẻ. Có người do ảnh hưởng trào lưu triết học này mà đăm chiêu suy nghiệm, thấy cuộc đời là hư vô; có người bày tỏ thái độ phản ứng tiêu cực trước thực trạng mục rã của xã hội mà họ đang sống, tự hỏi đời mình sẽ đi đâu, về đâu? Phạm Công Thiện viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, lời văn rất hay, câu chữ như sóng chồng lên nhau, nhưng thái độ thì đầy hằn học, tuyên bố xóa bỏ niềm tin vào thế hệ đi trước vì cho rằng thế giới của người lớn là thế giới đã chết:“Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ đi và chỉ đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ, chúng tôi sẽ gánh lấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên, chúng tôi sẽ tự tạo ra trách nhiệm cho mình, các ông đã chết”. Tác phẩm này gây xôn xao dư luận trong giới trẻ thời ấy, đến mức trong Nói với tuổi hai mươi, Nhất Hạnh đã phải trích một đoạn khá dài của Phạm Công Thiện và rồi bằng một giọng văn dịu dàng của một thiền sư mà dỗ dành, xoa dịu: “Tất cả những căm ghét, những phũ phàng của em trước sau chỉ là những dấu tích, những thương tích, những chứng tích. Nằm trong thẳm sâu của hồn em là con người đích thực của em, là huyết thống của Mẹ, là chất liệu huynh đệ của anh em ta. Em không thể nào thù ghét tôi được bởi vì em vẫn còn là em. Em hãy bình tĩnh lại, em ngồi xuống. Hãy nghe lại tiếng ru ngày xưa. Cho tâm hồn em lắng dịu. Và để cho tôi nói chuyện với em. Bởi vì dù giận dữ, hung hăng, em cũng muốn nói chuyện với tôi rồi”…

Tôi trình bày khía cạnh này như một bổ sung cần thiết về ý nghĩa và thái độ phong trào sinh viên, học sinh mà trong đó Phan Duy Nhân có một vị trí quan trọng trước nỗi đau thân phận và sự bức xúc của tuổi trẻ đô thị về lý tưởng sống rằng: trước khi cất lên giọng tráng ca, khi những câu thơ cách mạng của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Thu Bồn công khai trở thành những khẩu hiệu “xuống đường” của sinh viên, học sinh tại các thành phố lớn ở miền Nam, thì trong giới trẻ miền Nam đã từng có những giọng bi ai, chua chát, mất phương hướng. Có hiểu được như thế mới hiểu được hết giá trị của phong trào sinh viên, học sinh ở miền Nam của thời kỳ này. 

Tôi nghĩ không biết đã thật chính xác hay chưa, rằng năm 1964 là một nốt thăng trong sự nghiệp thơ ca của Phan Duy Nhân với Thư cho mẹ và chị  (viết tại Huế vào năm 1962, in trên Bách khoa năm 1964) và đặc biệt là Thư gửi các bạn sinh viên (in trên báo Sinh viên Huế, 1964). Từ đây thơ Phan Duy Nhân có sự chuyển động mạnh mẽ, rẽ theo một hướng mới do tác động của phong trào cách mạng miền Nam đang ngày càng sôi sục và tinh thần yêu nước cùng ý thức gánh vác của tuổi trẻ miền Nam trước họa ngoại xâm của dân tộc. Hình như tôi đã đọc ở đâu đó, rằng Thư gửi các bạn sinh viên là bài thơ mở đầu cho dòng thơ đấu tranh của tuổi trẻ đô thị miền Nam. Nếu đúng như thế thì đó là một đóng góp rất có ý nghĩa của Phan Duy Nhân vào dòng văn học đấu tranh đầy tự tình dân tộc của tuổi trẻ ở các đô thị miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Thư cho mẹ và chị như là nhận thức thực trạng xã hội ở đô thị miền Nam qua cái nhìn của trí thức trẻ Phan Duy Nhân, và tất nhiên cũng là của số đông sinh viên, học sinh thời bấy giờ, giọng khí phách, hạt mầm của nổi dậy đã sẵn: 

Con đã ngấy những ngày

thư viện đói

Nói khôi hài kinh kệ của ai kia1

Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi

Không manh tâm thiên hạ cũng

nghi ngờ…

(Thư cho mẹ và chị)

Trong Thư gửi các bạn sinh viên, anh kêu gọi mọi người đứng dậy đấu tranh:

Ta đứng dậy ở bên bờ cõi chết

Cứu nhau thôi anh chị bạn bè ơi

Cám dỗ, gian nguy, tất cả hẹn

nơi người

Đang quật khởi mắt hoa dòng

lệ máu.

(Thư gửi các bạn sinh viên)

Trong bài thơ Phác họa, anh đã vẽ lên một viễn cảnh về đất nước thanh bình:

Phải thắp chiều lên bằng rừng

điện sáng

- Trừ những đêm rằm đèn tắt vì trăng -

Còn phải khơi sâu những dòng

nước cạn

Mai mốt vui nhìn tàu chạy song song

Những cánh tay săn, những

guồng máy mạnh

Những trái tim dâng anh chị

thuận hòa

Trên mỗi tâm hồn san bằng giới hạn

Phân phát nụ cười, đổi mới lời ca!

(Phác họa)

Điều này cũng cắt nghĩa vì sao con đường mà Phan Duy Nhân đi tới là con đường cách mạng. Theo dấu người cha từng là cơ sở nội thành hoạt động ở ga xe lửa Đà Nẵng, Phan Duy Nhân đã trở thành chiến sĩ cách mạng, và anh đã để lại những dấu ấn trong lịch sử của mình, nhất là trong Sự kiện 76 ngày đêm làm chủ thành phố Đà Nẵng vào mùa hè năm 1966 và Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 mà anh với vai trò là một cán bộ cơ sở cốt cán.

Tuy nhiên, khi đề cập đến thơ Phan Duy Nhân trước năm 1975 mà không nói đến thơ anh sáng tác trong tù, nhất là ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo, thì thật là thiếu sót. Đấy là những bài thơ của tinh thần bất khuất, bất khuất trước sự tra tấn dã man của những cai ngục trong chế độ Sài Gòn cũ, của những chúa đảo Côn Sơn khét tiếng tàn ác. Nhưng trong ngục tối của kẻ thù, có một điều rất lạ, lời thơ của Phan Duy Nhân vẫn đẹp, vẫn mơ ước tươi xanh:

Thu Bồn ơi dải sông trong vắt

Đón mặt trời lên hăm hở trôi…

(Thu Bồn ơi, màu xanh

không bao giờ phai)

Đọc những câu thơ này ít ai nghĩ là anh viết ra trong Xà lim 20, Nhà lao Thanh Bình, Đà Nẵng. Và, đang khi  bị giam ở Hầm Đá, Lao 2, Nhà tù Côn Đảo, anh có bài thơ Thư nhà rất đặc sắc, viết khi nhớ lại hồi ở Tiên Phước nhận được thư của vợ từ thành phố gửi ra, với lòng dạt dào cảm xúc, nhắc nhớ về bao kỷ niệm êm đềm:    

Trong anh một bóng cờ bay đỏ

Một biển yêu thương sóng dạt dào

Vẫn ngọt câu Kiều trong lửa đạn

Nằm hầm bí mật nhớ thương nhau

Và:

Anh nhớ điên cuồng, yêu dữ dội

Xóm làng giữa ngực, núi trong tim

Sáng hoài giữa cõi thiêng liêng ấy

Có bóng con cười cạnh dáng em!

 (Thư nhà)

Sau năm 1975, một thời gian khá dài không thấy thơ Phan Duy Nhân trên báo,  song  tiếng vang thì vẫn đầy, nhất là khi Nguyễn Khắc Phục viết tiểu thuyết Học phí trả bằng máu, tập I, Bay qua cõi chết, mà trong đó anh là hình mẫu của một nhân vật nhà thơ trẻ tài hoa… Rồi lại thấy anh xuất hiện trên báo Thanh niên lúc thì một bài, lúc thì một chùm thơ ngắn, trong đó đáng chú ý là bài Thơ Xuân đọc với Nam Hà, thể hiện cái thường hằng của Phan Duy Nhân,

vừa hào hoa lãng mạn, vừa khí khái của một kẻ sĩ thời xưa:

Thôi lắng thời gian hãy lặng lòng

Cũng đừng xao động nữa, Hồ Gươm !

Hương sen thơm tới nghìn sau được

Em với thơ còn vượt tháng năm…

(Thơ Xuân đọc với Nam Hà)

Và cũng vì thế chăng mà Phan Duy Nhân lại dịch cả thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, như là mượn lời người xưa để diễn đạt cái tâm trạng của mình:

Đêm nay trăng sáng vì ai vậy ?

Muôn dặm non sông bạc một màu

Nơi đâu chẳng vướng tình ly biệt ?

Nâng chén mời trăng ta với nhau

(Bài ca Trăng thu Sông Trà)

Anh có kiến văn rộng, lại từng giữ chức Quyền Trưởng Ban Tôn giáo Trung ương, nên vốn kiến thức về tôn giáo của anh rất dày. Thơ anh cũng vì thế mà trở nên lắng đọng, thanh thoát. Nếu trong thời kỳ làm phong trào, thơ anh là tuyên ngôn, là tiếng gọi tuổi trẻ xuống đường, thì nay lại nói đến cõi tâm rỗng lặng, là  sự ngẫm ngợi một câu thơ Đường đã ngàn năm tuổi:

“Bóng hoa động bên tường

Ngỡ là người đẹp tới” 

Câu thơ đã ngàn năm

Trong anh vừa sống lại

(Đọc Đường thi)

Ngẫm về cái tánh không hay cái tâm không động vọng của Thiền:

Đường về tâm hết động

Tuyệt chiêu mà vô chiêu!

Thôi hòa lòng với bụi

Thanh tịnh vầng trăng treo.

(Hành thiền)

  Nếu tính từ bài thơ đầu anh in trên một đặc san thơ yêu nước của học sinh Quảng Nam và Đà Nẵng (1959) đến nay, Phan Duy Nhân đã có 56 năm thơ. Gia tài thơ của anh không nhiều do bị rơi rớt, thất lạc, nhưng đa dạng, nhiều cung bậc, có chiều sâu. Anh xứng đáng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của dòng văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975.

B.X