'Những sườn núi lấp lánh' - khi văn chương cũng là vị thuốc

18.01.2017

'Những sườn núi lấp lánh' - khi văn chương cũng là vị thuốc

Trong giới cầm bút, cái tên Lê Minh Khôi có thể chưa nhiều người biết đến, nhưng nếu nói tên Mạc Đại thì hẳn nhiều người vẫn nhớ.

Mạc Đại đã viết những bài tản văn chứa chan cảm xúc về tình đời, tình người từ thời còn blog Yahoo 360 và được “lưu truyền” rộng rãi trên Internet.

Nếu ai đã theo dõi Lê Minh Khôi từ thời điểm ấy cho đến lúc cầm trên tay tập tản văn “Những sườn núi lấp lánh”, chắc đều phải công nhận: Hiếm có tác giả nào tiếp dẫn được cái tinh tế của tâm hồn và tính thơ thấm đượm trong ngôn từ vào thể loại tùy bút - tản văn như Lê Minh Khôi.

Với Những sườn núi lấp lánh, Lê Minh Khôi viết những chuyện rất đời thường mà rưng rưng cảm xúc: có anh bán thơm giá 10 ngàn 3 trái, có tiếng rao đêm lạc thỏm giữa phố phường, có vụ kẹt xe ngắc ngứ trong đô thị, có cậu nhóc chăn bò ham chơi…

Lê Minh Khôi cũng viết về những trăn trở, đau khổ rất đời thường: nỗi cô đơn, băn khoăn tìm cho mình một lẽ sống, bệnh tật, đói nghèo, sự bất an, ước mơ được sống yên lành… Vì lẽ gần gụi như vậy nên những tâm tư được giãi bày ấy đã chạm đến được trái tim của người đọc.

Nghề bác sĩ giúp Lê Minh Khôi mục kích rất gần nỗi đau đớn và thường phải tiếp xúc với lằn ranh sự sống - cái chết mong manh. Nhưng chính trái tim biết đập thổn thức vì trần gian mới giúp cho Lê Minh Khôi cảm nhận những cung bậc trầm lắng của cuộc đời.

Tập tản văn là niềm vui hồn nhiên của trẻ thơ, là sự thấu cảm trước cái đẹp đang hiển hiện hay dần tàn phai, nhưng trên hết nó là nỗi đau đáu về kiếp người của một “tuổi thơ đã biết buồn”.


Phần II - Bấp bênh phận người
 mang đến những thấu cảm, sẻ chia và đau đáu với những phận người trong cái nhìn của một bác sĩ. Phần III - Những sườn núi lấp lánh mở ra những hành trình lớn khi tác giả có cơ hội được ra nước ngoài. Có điều, sự ra đi này cũng chính là để quay về, để soi chiếu, nhìn lại thế sự, về cuộc đời và về con người.Cuốn sách được chia làm 3 phần, giống như sự dịch chuyển trong cuộc đời một con người. Phần I - Thương nhớ ca dao là những hồi tưởng về vùng quê nơi miền Trung đầy nắng gió, về khoảng trời ấu thơ đã xa khuất sau lưng. Ở đó có gia đình, bạn bè, có những con người chân chất, lam lũ.

Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Đọc Những sườn núi lấp lánh, chúng ta thấy được sự lấp lánh của cảm xúc cùng sự ấm áp của tình người. Viết về những vẻ lấp lánh cũng là đi tìm cái đẹp bị vùi dập hay khuất lấp giữa đời thường. Như con nhện bé nhỏ chăm chỉ giăng lưới không phải để bẫy bắt những con mồi mà chỉ để giữ lại vẻ lấp lánh của những giọt sương, tia nắng và cả những hư ảo sắc màu”. 

57 bài tản văn dù được viết từ trước hay sau này, tất cả đều toát lên vẻ lấp lánh của tình người; kịp gieo vào lòng bạn đọc những hạt mầm trắc ẩn, hướng đến những điều thiện lành và tử tế.

Những sườn núi lấp lánh cũng có thể được xem là một “vị thuốc” quý giá cho tâm hồn, theo cách nói của nhà văn Trần Nhã Thụy “những trang văn của Lê Minh Khôi như là những đơn thuốc cho những người đang bị kháng thuốc, lờn thuốc”.

Nhân dịp ra mắt tập tản văn, tác giả - bác sĩ Lê Minh Khôi sẽ có cuộc giao lưu với bạn đọc vào lúc 15h30 ngày 7/1/2017 tại Sân khấu Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.

Trí Minh 
(news.zing.vn)