Những họa tiết hoa văn trong nghệ thuật điêu khắc Chăm

01.11.2023
Hồ Tấn Tuấn

Những họa tiết hoa văn  trong nghệ thuật điêu khắc Chăm

Họa tiết hoa văn hoa cúc trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Quảng Nam).

Người Chăm là một dân tộc sinh sống lâu đời trên dải đất miền Trung Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, họ đã đạt được một trình độ cao về tổ chức xã hội, có mối giao lưu rộng rãi, đa chiều với nhiều thành phần cư dân vùng lục địa và hải đảo châu Á. Từ nguồn gốc bản địa, cải biến những yếu tố bên ngoài, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa đa dạng và độc đáo. Ngày nay, trong nghệ thuật tạo hình, người Chăm đã để lại di sản kiến trúc đền tháp đồ sộ và những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện nay là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm có giá trị, với hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ, gần 500 hiện vật đang được trưng bày bên trong nhà bảo tàng, hầu hết đây là những tác phẩm điêu khắc nguyên bản, có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương ở miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, được chuyển về bảo tàng trong nhiều thời gian khác nhau, thể hiện trên các chất liệu đá sa thạch, đất nung và đồng. Các tác phẩm này có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XV, thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau và có tính nối tiếp theo lịch đại như phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu, Phong cách Chánh Lộ, phong cách Tháp Mẫm… Như vậy, ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, chúng ta đã có đầy đủ các tác phẩm điêu khắc Chăm tiêu biểu cho cả nền nghệ thuật Chăm ở miền Trung Việt Nam, đây cũng là điều kiện thuận lợi để chúng ta nghiên cứu một cách cụ thể về các họa tiết hoa văn được trang trí, thể hiện trong các phong cách nghệ thuật Chăm.

Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số họa tiết hoa văn tiêu biểu sau:

* Họa tiết hoa văn hình hoa cúc

 

Họa tiết hoa văn hình hoa cúc được người Chăm thể hiện nhiều trong kiến trúc đền tháp và trong điêu khắc. Trên tác phẩm đài thờ Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VII - VIII), ở tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, những đường viền chung quanh phần trên đài thờ là những dải hoa cúc, lá và hoa được cách điệu khá tinh tế, hoa thường thể hiện 4 cánh, chính giữa có nhụy hoa, tuy thời gian và mưa gió đã bào mòn khá nhiều, nhưng nét chạm vẫn còn khá rõ. Trên lanh tô của một cửa tháp ở nhóm tháp Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X), dải hoa cúc lại được chạm khắc một cách sắc sảo hơn, hoa có dạng hình tròn, chung quanh là lá và thân cây được cách điệu một cách mềm mại, mang tính đối xứng, ở chính giữa hoa có nhị hoa và nhiều cánh hoa lại chụm lại với nhau, giống như hoa đang ở độ búp mới xòe nở.

* Họa tiết hoa văn hình hoa sen

Họa tiết hoa sen thuộc bộ sưu tập trưng bày Bình Định.

Họa tiết hoa văn hình hoa sen được thể hiện khá nhiều trong điêu khắc và kiến trúc Chăm, gần như ở hầu khắp các phong cách nghệ thuật. Trong tác phẩm Đản sinh thần Brama ở phòng Mỹ Sơn, thể hiện thần Visnu cầm một cây sen đang nở, phía trên hoa đã nở xòe với nhiều cánh, thần Brama ngồi trên đài sen, các cánh hoa sen được cách điệu. Trên các đài thờ như đài thờ Trà Kiệu (thế kỷ X), đài thờ nữ thần Uroja (thế kỷ XII), hoa sen được cách điệu bao quanh phần đế các đài thờ với những cánh hoa rất lớn, được chạm sắc sảo, đường nét các gờ nổi rõ. Trên đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu hoa sen lại được cách điệu mạnh mẽ hơn sắp xếp tạo thành các đường gờ từ nhỏ đến lớn, nhìn kỹ chúng ta mới biết được đó chính là một đóa hoa sen, các vũ nữ đứng tựa lưng vào các cánh sen múa hát uyển chuyển, tạo nên một cảnh quang sinh động, có giá trị cao về nghệ thuật.

* Họa tiết hoa văn hình hoa dây

Họa tiết hoa văn hoa dây trên một chóp trụ Khương Mỹ (Quảng Nam).

Họa tiết hoa văn hình hoa dây được khắc chạm khá nhiều trên các đền tháp, kể cả trên gạch và trên đá, cũng như trong các tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ. Hoa dây thường thể hiện trên các trụ cửa và thể hiện nhiều trên các tháp ở nhóm tháp Khương Mỹ (Núi Thành, Quảng Nam). Gọi là hoa dây vì hoa, lá và thân hòa quyện vào với nhau rất khó phân biệt, các nét chạm khá sắc sảo, tinh tế tạo thành một dải dài từ trên thân tháp xuống đến chân đế tháp, hoặc từ trên xuống dưới của một trụ cửa. Các hoa, lá, thân (loại dây leo), được cách điệu khá cao, tạo nên những áng hoa văn đạt trình độ cao về nghệ thuật chạm trổ.

* Họa tiết hoa văn hình con sâu

Họa tiết hoa văn hình con sâu trên đài thờ Đồng Dương (Quảng Nam).

Gọi là hình con sâu vì các họa tiết hoa văn trông giống hình con sâu đo. Những họa tiết hoa văn này thường thấy trong các tác phẩm kiến trúc đền tháp và điêu khắc Đồng Dương, thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương (thế kỷ IX). Tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ và phân tích chúng, ta thấy rằng đây cũng chính là những dải hoa dây được chạm trổ một cách khá rối rắm. Trên các ô, hộc trang trí trên đài thờ Đồng Dương và trên các phế tích đền tháp, chúng ta thấy các đóa hoa cúc được cách điệu không giống với phong cách Mỹ Sơn, gần như chỉ thấy có nhụy hoa ở giữa còn các cánh hoa đã cách điệu khá nhiều. Từng dải hoa và lá cứ đan xen vào nhau, tạo thành sự rối rắm khá lạ ở phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Và cũng chính sự khá lạ này mà chúng ta dễ phân biệt được hiện vật điêu khắc và kiến trúc Đồng Dương với các phong cách nghệ thuật khác trong nghệ thuật Champa.

* Họa tiết hoa văn sóng nước hay ngọn lửa

Họa tiết hoa văn ngọn lửa trên đài thờ tháp Mẫm (Bình Định).

Họa tiết hoa văn hình sóng nước hay ngọn lửa thường bắt gặp nhiều trong các tác phẩm điêu khắc và kiến trúc thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm (thế kỷ XII - XIV). Trên các lanh tô của các đền tháp ở Tháp Mẫm (Bình Định) thường thể hiện các diềm trang trí hình ngọn lửa hay hình sóng nước, xen kẽ với nó là hình các mặt nạ Kala hay hình các chú Khỉ. Thật ra đây cũng là hình ảnh các hoa và lá cũng như thân cây được cách điệu khá đặc biệt, không mềm mại như ở phong cách Mỹ Sơn hay phong cách Khương Mỹ, không rối rắm như ở phong cách Đồng Dương, mà lại thô ráp, to bè, nhìn trông giống như hình một ngọn lửa đang cháy hay hình một đợt sóng cuộn lên ào ạt, thể hiện sức mạnh, sức sống tràn trề, mang tính cách mạnh mẽ.

* Họa tiết hoa văn hình học

Họa tiết hoa văn hình viên bi (bi tròn) trên Đài thờ Trà Kiệu (Quảng Nam).

Đó là các hình tam giác, hình thoi, hình vuông, hình chữ nhật, hình viên bi (hình tròn)… thể hiện qua những diềm hoa văn viền quanh các tác phẩm điêu khắc. Không nằm ở trung tâm các phẩm, nhưng những họa tiết hoa văn hình học đã góp phần làm sống động tác phẩm, tô đậm thêm cho tác phẩm, làm cho tác phẩm điêu khắc trở nên đầy đủ hơn, sống động hơn, tạo thành những yếu tố nghệ thuật độc đáo, khác lạ.

* Họa tiết hoa văn hình động vật

Họa tiết hoa văn hình động vật (Bình Định).

Họa tiết hoa văn hình động vật thường trang trí các mặt nạ Kala, Makara, hình ảnh các chú Khỉ vui nhộn, các chú Voi ngộ nghĩnh… với cách trang trí như vậy cũng tạo cho các tác phẩm điêu khắc Chăm những nét đẹp hiếm thấy, những ấn tượng khác lạ trong nghệ thuật, tuy nhiên hình ảnh các loài động vật cũng đã được cách điệu hóa cao.

*

*    *

Nhìn chung, việc trang trí trên các kiến trúc đền tháp và trong các tác phẩm điêu khắc Chăm, tuy phần lớn đều thể hiện nội dung các câu chuyện trong thần thoại Ấn Độ giáo, nhưng những nghệ sĩ Chăm - những nhà điêu khắc thiên tài Chăm - đã thể hiện một cách xuất sắc trình độ tư duy của mình khi vận dụng nội dung các câu chuyện đó vào trong những tác phẩm điêu khắc, đồng thời khắc họa  những họa tiết hoa văn, vận dụng những gì có trong tự nhiên, như hình ảnh các loài hoa, các con thú, các đường gấp khúc, các hình lượn sóng… để đưa vào nghệ thuật điêu khắc, cách điệu nó lên thành những họa tiết hoa văn vừa đẹp, vừa mềm mại, uyển chuyển, lại vừa mạnh mẽ, kể cả rối rắm, đạt đến trình độ cao về nghệ thuật tạo hình, nâng nghệ thuật tạo hình Chăm lên đỉnh cao cùng với các nền nghệ thuật tạo hình khác trong khu vực. Người Chăm đã biết học tập kinh nghiệm cũng như tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa trong khu vực, nhưng họ có sự sáng tạo riêng cho mình không lẫn với bất kỳ nền nghệ thuật nào. Điều ấy phần nào thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của họ khi sáng tác nghệ thuật và tiếp thu văn hóa.

H.T.T