Daegu - những ngày lễ hội mùa thu

01.11.2023
Bùi Văn Tiếng

Daegu - những ngày lễ hội mùa thu

 Định sẽ đi Hàn Quốc sớm hơn nhưng các đồng nghiệp ở Daegu gợi ý đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng nên sang đây vào trung tuần tháng 10 để có thể cùng tham gia Lễ hội Fantasia Daegu Festa 2023. Theo biên bản ghi nhớ được ký kết vào hạ tuần tháng 9 năm ngoái giữa Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Daegu, mỗi năm sẽ có một đoàn văn nghệ sĩ của thành phố này sang giao lưu nghệ thuật với văn nghệ sĩ của thành phố bạn - đi đúng vào dịp Daegu đang diễn ra chuỗi hoạt động về văn hóa, ca nhạc, ẩm thực như vậy thì quá phù hợp - và vì thế năm nay đoàn văn nghệ sĩ
Đà Nẵng đã đến Daegu vào sáng sớm ngày 12 tháng 10 trong cái se lạnh của mùa thu trên xứ sở kimchi - Kimjang/ văn hóa muối kimchi của người Hàn Quốc đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12 năm 2013.

Trưởng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng phát biểu tại tiệc chào mừng tối 12 tháng 10.

Thuận lợi của đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng là thời điểm này có thể bay thẳng từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Daegu bằng máy bay của hãng VietjetAir. Đặc biệt Trưởng Văn phòng Đại diện thành phố Daegu tại Thành phố Hồ Chí Minh Han Joongsup cùng hai phiên dịch viên người Việt cũng ra Đà Nẵng để đồng hành với đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng ngay từ đầu. Chuyến bay đêm bình yên và ngay tại sân bay quốc tế Daegu sáng hôm sau, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã được Chủ tịch Lee Chang Hwan, các Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá nghệ thuật thành phố Daegu cùng các cộng sự đón tiếp trọng thể. Trước khi đưa đoàn về khách sạn Queen Vell gần sân bay, các đồng nghiệp ở Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Daegu đã đưa đoàn đi tham quan chùa Donghwasa 1530 năm tuổi, sau đó đưa đoàn đến Daegu Arts Center/ Hội quán Văn hóa nghệ thuật Daegu để tham quan 9th Daegu Photo Biennale năm 2023 - một trong những hoạt động của Lễ hội Fantasia Daegu Festa 2023. Chuyện triển lãm ảnh nghệ thuật thì cũng không quá xa lạ với người Đà Nẵng nhưng để lại ấn tượng sâu đậm với đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng lần này là Hội quán Văn hóa nghệ thuật Daegu đã bố trí nhân lực túc trực tại tất cả các cửa phòng trưng bày, cứ mỗi cửa một nhân viên mặc đồng phục của Hội quán, luôn chào khách bằng nụ cười rất tươi và nhẹ nhàng nhắc nhở những khách ăn to nói lớn như chỗ không người…

Hai mươi tác phẩm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh thành phố phản ánh thành tựu trong phát triển của Đà Nẵng được trưng bày tại Daegu nhân Lễ hội Fantasia Daegu Festa 2023.

Buổi tối cùng ngày, Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Daegu tổ chức tiệc chào mừng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng tại tầng 4 Queen Vell Hotel. Trong bài phát biểu đáp từ, Trưởng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã chính thức mời đoàn văn nghệ sĩ Daegu sang giao lưu văn hoá tại Đà Nẵng vào năm 2024-đồng thời gợi ý rằng đoàn nên sang vào dịp Đà Nẵng đang tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế thường niên - và Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Daegu Lee Chang Hwan đã vui vẻ nhận lời. Bữa tiệc tiếp tục bằng chương trình biểu diễn văn nghệ của hai địa phương, phía Daegu chủ yếu là biểu diễn khí nhạc nhưng không đa dạng như khí nhạc Cơ Tu của Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Mạnh Tấu với độc tấu sáo vỗ Tiếng gọi của rừng (sáo vỗ của người Cơ Tu là một nhạc cụ độc đáo, không có lỗ bấm nốt, nghệ sĩ dùng lực của hơi thổi ra để tạo thành âm thanh, nhạc điệu). Màn múa Chăm Khúc biến tấu từ Pho tượng cổ của biên đạo múa Như Hà do nghệ sĩ múa Lê Nguyễn Bảo Ân biểu diễn cũng rất ấn tượng. Tiết mục hát chầu văn “cải biên” Cảnh đẹp nước non do nghệ sĩ Đỗ Trung Tám trình bày với phần múa phụ họa của hai nghệ sĩ Trần Thị Hiền và Lê Nguyễn Bảo Ân được các đồng nghiệp Daegu hoan nghênh tán thưởng (đây cũng là một trong những tiết mục của chương trình nghệ thuật truyền thống chủ đề “Con đường di sản” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng tổ chức biểu diễn hằng tuần tại khu vực ga đi quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ cuối tháng 12 năm 2022 đến nay). Đặc biệt là phần trình bày ca khúc tiếng Hàn Arirang của ca sĩ Quang Hào đã tạo khác biệt cho Đà Nẵng (phía Daegu thừa nhận rằng không kịp chuẩn bị một ca khúc tiếng Việt để giao lưu).

Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Thị Minh Hải trong vai Nguyệt Cô đang “đưa Tuồng xuống phố”.

Bước sang ngày giao lưu thứ hai, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng được Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật Daegu đưa đi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Daegu. Nổi bật trong gian chính của Bảo tàng này là các phòng trưng bày tranh mang nội dung đấu tranh đòi nữ quyền của nữ họa sĩ Yun Suknam. Cũng rất ấn tượng với phòng trưng bày hàng trăm tượng chó bằng gỗ của nữ họa sĩ Yun Suknam và nghệ thuật sắp đặt hình khối tối giản của một hoạ sĩ khác tại phòng trưng bày bên cạnh. Giống như Hội quán Văn hóa nghệ thuật Daegu, Bảo tàng Mỹ thuật Daegu tiếp tục gây ấn tượng với đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng về việc bố trí nhân lực túc trực tại tất cả các cửa phòng trưng bày. Sau khi rời Bảo tàng Mỹ thuật Daegu, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng tập kết tại quảng trường nơi có một sân khấu biểu diễn ngoài trời rất lớn. Tại đây Trưởng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã cùng các quan chức thành phố Daegu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Daegu - Đà Nẵng, trong đó có 20 tác phẩm ảnh nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố thể hiện sự phát triển của thành phố Đà Nẵng hơn hai thập niên qua - đây là số ảnh đoàn mang theo để trưng bày triển lãm đồng thời làm quà tặng và đã trao tượng trưng cho phía Daegu tại tiệc chào mừng tối ngày giao lưu thứ nhất. Vào buổi tối cùng ngày, Trưởng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng được mời tham gia cùng các quan chức thành phố Daegu bấm nút khai mạc Liên hoan nghệ thuật Daegu 2023/ Daegu Arts Festival 2023, sau đó nghệ nhân Nguyễn Thị Phú Tân trình bày bài dân ca Tình người xa quê - lời mới của Nguyễn Thúc Dũng, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Mạnh Tấu độc tấu sáo bầu Raglai mùa xuân về do anh sáng tác và thể hiện.  

Ngày giao lưu thứ ba, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng được Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật Daegu đưa đi xem vở Rigoletto của Giuseppe Verdi - một vở opera cổ điển ba màn có tên gọi ban đầu là La maledizione/Lời nguyền - ở Daegu Opera House. Buổi tối cùng ngày. đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng biểu diễn bốn tiết mục văn nghệ tại phố đi bộ Dongseong-ro: Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Thị Minh Hải và nghệ sĩ Đỗ Trung Tám diễn trích đoạn tuồng Nguyệt Cô hoàn Cáo - Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Mạnh Hùng và nghệ sĩ Nguyễn Ninh đệm đàn; ca sĩ Quang Hào tiếp tục hát ca khúc Hàn Quốc Arirang; Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Mạnh Tấu tiếp tục độc tấu sáo vỗ Tiếng gọi của rừng; nghệ sĩ Đỗ Trung Tám tiếp tục trình bày tiết mục hát chầu văn “cải biên” Cảnh đẹp nước non với phần múa phụ họa của hai nghệ sĩ Trần Thị Hiền và Lê Nguyễn Bảo Ân. Trình diễn tại phố đi bộ Dongseong-ro, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng được sự cổ vũ nhiệt tình không chỉ của đông đảo khán giả Hàn Quốc mà còn của nhiều khán giả Việt Nam đang sinh sống và học tập bên Daegu. Có một số sinh viên người Việt cư ngụ ở khu phố gần đó nghe tiếng sáo của Trịnh Mạnh Tấu đã nhận ra ngay đây là tiếng sáo quê hương và rủ nhau ra phố đi bộ Dongseong-ro xem thử thì thấy đúng như vậy…    

Ngày 15 tháng 10, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng được Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật Daegu đưa đi tham quan Cố đô Gyeongju của Hàn Quốc dưới triều đại Silla (57 trước Công nguyên - 935 sau Công nguyên) - chủ yếu ở Di sản Văn hóa thế giới 1995 là đền Bulguksa/Phật Quốc tự. Buổi chiều, sau khi dự tiệc chia tay với Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật Daegu, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng về lại khách sạn Queen Vell để chuẩn bị thành lý trở về thành phố bên sông Hàn. Sáng sớm ngày 16 tháng 10, sau khi chia tay Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật Daegu Lee Chang Hwan và Trưởng Văn phòng đại diện thành phố Daegu tại Thành phố Hồ Chí Minh Han Joongsup tại sân bay quốc tế Daegu, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng bay về trên chuyến bay mang số hiệu VJ871 cất cánh tại sân bay quốc tế Daegu lúc 07h50 giờ Hàn Quốc và đến sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 10h35 giờ Việt Nam, kết thúc thành công chuyến giao lưu văn hóa tại thành phố Daegu Hàn Quốc. Hẹn gặp lại Daegu tại Lễ hội Fantasia Daegu Festa 2025!

B.V.T