Những câu chuyện mới về làng quê

23.02.2016

Những câu chuyện mới về làng quê

Tập kí “Về gần” của nhà văn Lê Va là một hướng tiếp cận khác, dựa trên những câu chuyện cũ về làng đã được đặt trong mối tương quan với những giá trị văn hóa, đạo đức mới.

Ngay từ năm 1941, khi viết tập phê bình, tiểu luận “Thi nhân Việt Nam” (cùng với Hoài Chân), nhà phê bình Hoài Thanh đã từng gọi ra một nét bản chất của những người tri thức Việt dẫu có dấn thân vào nghiệp bút ở chốn thị thành: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”.  Nhà quê ấy chính là cái gốc gác quê mùa với những lề lối được nhắc tới trong “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, trong thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… Nhắc đến làng, còn phải kể đến cả những hủ tục mà Ngô Tất Tố đã nói trong “Việc làng”, là những nhân vật điển hình trong sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…

Nhưng đó là làng trong quá khứ. Khái niệm làng quê với nguyên nghĩa (mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý- láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam- Nguyễn Quang Ngọc), đã ít nhiều bị thay đổi trong bối cảnh mới. Xu thế từ thoát ly đến đoạn tuyệt làng xã của người Việt, hiện trạng “làng lên phố” với đã phá vỡ sự cấu kết, khiến tình người trong làng, trong xóm đã mất đi sự thân thiết, gắn bó.


Bìa sách

Trước thực tế đó, tập kí Về gần của nhà văn Lê Va (Nxb Lao động năm 2015) là một hướng tiếp cận khác, dựa trên những câu chuyện cũ về làng đã được đặt trong mối tương quan với những giá trị văn hóa, đạo đức mới. Cơ hồ, vừa như lời kể nhẩn nha của một người xa quê đã lâu, chỉ nhắc lại chuyện của riêng mình mà gợi bao suy cảm, thức tỉnh những người đang giữ làng, bám làng, đang có trong tay những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần biết trân trọng và gìn giữ.

Cuốn sách với hơn chục bài viết với những cái tiêu đề rất đơn giản như: Về gần; Nhớ đài; Ăn mục đồng; Lấy “vốn” đi Yên Tử… Mỗi câu chuyện là một kỉ niệm, một tri thức về làng quê Việt với những giá trị bản nguyên và tình cảm của người cùng làng.

Làng quê trong các bài kí của Lê Va trước hết là những nét đẹp náu trong những gì tưởng như đã quen thuộc với bao người. Chuyện trẻ chăn trâu (mục đồng) với những thú vui đã được nhắc tới nhiều trong văn chương. Ấy vậy mà chuyện “ăn mục đồng” lại làm người đọc bất ngờ:  “Hàng năm, thường vào khoảng tháng 4 và tháng 7 âm lịch, chọn ngày đẹp trời, người lớn đứng ra tổ chức bữa liên hoan cho mục đồng, gọi là ăn mục đồng. Đây là cách gọi tắt như “ăn đồng niên”, “ăn đồng ngũ”, “ăn đồng thợ’, “ăn đồng môn”… Cứ mỗi lần ăn mục đồng như thế đều được người lớn của một trong số mục đồng đứng ra lo từ khâu tổ chức, quyên góp và thực hiện. Ngoài các gia đình tự nguyện cho mục đồng nào gạo, thịt, rau, muối thì thành phần không thể thiếu là vô số hoa quả. Mà hoa quả lại do các mục đồng đóng góp là chính. Mục đồng đến các gia đình có hoa quả để xin. Thậm chí vào cả chùa lấy hoa quả mà nhà chùa không trách cứ”. Trong bài viết này, tác giả cũng miêu tả chân thực, sinh động như một vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ một thời: “Ăn mục đồng được tổ chức tại các cầu ngói. Người lớn đến phiên sẽ lo cơm nước cho đám mục đồng. Lũ trẻ vây quanh góp chân góp tay nhộn nhịp. Giữa cánh đồng mênh mông, tiếng cười nói trong trẻo quyện vào nắng gió mà bay cao, vang xa. Một mâm đầy đủ thức ăn chín và hoa quả được bày đặt trên bệ cao trong cầu ngói để cúng thần đồng, cầu mưa thuận gió hòa mang lại yên lành cho tất cả mục đồng trong làng và cho mùa màng tươi tốt. Sau lễ khấn của người lớn thì đến các mục đồng ra lễ vái, đứa nọ ẩy vào lưng đứa kia mà cười khúc khích.”

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước trải qua các cuộc kháng chiến vĩ đại, những em bé mục đồng đã phải gác lại những thú vui nơi thôn quê, những kì “ăn mục đồng” để hăng hái tham gia Thiếu niên, nhi đồng cứu quốc. Phải chăng, đó cũng là là một sự mất mát thầm lặng của tuổi thơ.

Nhưng có lẽ, tâm điểm trong cuốn sách của nhà văn Lê Va phải là vẻ đẹp của tình người nơi làng quê. Đó không chỉ là những đêm người trong xóm, ngoài làng cùng nhau ngồi đan nón và nghe tiếng tài Tiếng nói Việt Nam qua những chiếc Galen thô sơ mà còn là những câu chuyện cảm động về người vợ liệt sĩ trên 80 tuổi nhưng đã có gần 50 năm nuôi người em chồng bị tâm thần. Người phụ nữ gánh trên vai muôn vàn nỗi đau vẫn mang tấm lòng nhân văn: “Cũng là kiếp người, mình đã khổ, em mình càng khổ. Vất vả thì không sao tả nổi, nhưng tôi cứ nghĩ, em tôi nó gánh cho cả nhà là tôi lại quên hết khó khăn, ngại ngần.”

Trong Về gần, chúng ta còn gặp những câu chuyện của những thân phận như ông Dương Văn Phẩm hơn nửa thế kỉ đi ở nhờ; về bác Văn hay thơ… tất cả là những khám phá, phát hiện mới mẻ từ một làng quê xưa cũ. Đó chính là những chân giá trị được kiểm nghiệm qua thời gian, được đối sánh với cách ứng xử văn hóa của người miền núi để khẳng định vẻ đẹp tinh thần của làng quê Việt trong xu thế hội nhập của ngày hôm nay.  

Phương Việt
(vanhocquenha.vn)