Như giọt chuông ngân - Truyện ngắn của Hồ Loan

23.03.2022
Hồ Loan
Tôi rướn người uể oải, há mồm ngáp thật to. Chẳng buồn đưa tay che miệng duyên dáng như Lam Ngọc. Nó thì lúc nào cũng dịu dàng, lúc nào cũng bẽn lẽn. Đến một cái ngáp thôi cũng chẳng thoải mái. Sống thế thiệt nhạt.

Như giọt chuông ngân - Truyện ngắn của Hồ Loan

 Tác giả trẻ Hồ Loan. Quê Quán: Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Đưa tay quờ tìm chiếc điện thoại theo thói quen, tôi cứ chạm phải thứ gì sần sùi, thô ráp, to tròn, lạ lẫm.

Mắt vẫn còn díp lại, miệng không thôi cơn ngáp. Lại đưa tay quờ quạng trong bóng đêm, rồi nhỏm dậy. Bỗng chới với suýt ngã dụi. Mở choàng mắt, một khoảng tối bao trùm hết cả không gian tĩnh mịch. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Ô hô, gì thế kia.

 Là tôi đang ở trên cây, một ngôi nhà trên cây. Một ngôi nhà trên cây thật sao? Như trong thế giới cổ tích của Andesxen.

Tôi lần dò đôi tay, vịn vào các cành mà leo. Ơ hay, người tôi cứ nhẹ bẫng như mây ấy, thú vị thật.

Ánh trăng non chảy bạc xuống từng vòm cây, lọt qua từng kẻ lá một màu liêu trai huyễn hoặc.

Đêm yên ắng lạ thường. Đêm chừng như quên thở. Tôi lặng im lắng tai, nghe đêm thì thào trong lời lá lao xao, tiếng côn trùng rì rầm qua đôi cánh mỏng, thi thoảng một thứ thanh âm gì đó gõ vào đêm đều đặn như được mặc định.Tôi lướt nhẹ trên đôi chân siêu hình. Cảm giác như tôi có thể bay được. Tôi thử chạy thật nhanh, chạy trên những hàng cây, chạy băng qua các dãy chắn của bìa rừng, chạy lên cả những vạt cây thân gai tua tủa.

Đây đúng là một giấc mơ, một giấc mơ tôi vẫn thường gặp sau những buổi nghịch ngợm, về nhà ngủ mớ, thấy như bị ai đuổi, cứ chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết, chạy băng băng cho đến khi ngã dụi và bất lực, mồm hét toáng lên kêu cứu, nhưng họng nghẹn lại như có ai đó bóp chặt cổ, không thở được.

Cho đến khi Lam Ngọc đánh bốp vào vai tôi mới được giải thoát.

Tôi lượn qua một vườn hồng. Chẳng biết của nhà ai, lạ lắm. Từng búp hoa lóng lánh như được tô điểm bởi những hạt sương, căng tràn, sẵn sàng sớm mai bật nụ.

Bên kia, một chậu bông nằm cô quạnh nơi góc vườn. Tôi lặng lẽ quan sát. Như một tay họa sĩ nhặng xị, gã sâu với đôi mắt to gian manh cùng cái miệng tham lam đáng ghét. Gã vẽ lên cánh hoa từng nét tan vỡ tuyệt vời.

Tôi lang thang qua từng dãy núi, qua vài khúc cong. Lượn lờ trên các sườn dốc, nghe gió đêm thốc vào tóc mát rượi. Tôi ngồi vắt vẻo trên một cành cây. Gió biển tạt vào từng luồng chan chát. Mùi của rong rêu, mùi của đại dương bao la. Hẳn có cả mùi của một anh chàng thủy thủ đẹp trai nào đó. Tôi bật cười cho những suy nghĩ điên rồ của mình.

Văng vẳng trong thẳm xa, tiếng chuông chùa thả vào đêm vang vọng một thứ âm thanh thuần khiết, thánh thót, huyễn dụ.

Có tiếng gà gáy đâu đó xa lắm, giờ này mẹ sắp dậy. Tôi hình dung cái lưng hơi khom đang lúi húi làm bữa sáng. Mái tóc  rối bù chưa được chải. Chiếc tạp dề hoa có vài chỗ trổ đốm vì hứng dầu mỡ lâu ngày.

Tôi lại tỉnh giấc. Hình như tôi đã đi chơi mải mê. Tôi lại tìm về.

Căn nhà đóng im ỉm. Vài cành tử đằng rủ xuống mái hiên uể oải. Cả bụi hồng Maya cũng buồn rười rượi. Nguyệt quế phảng phất hương, vài cánh trắng dịu dàng.

Nhà tôi hôm nay im ắng lạ thường. Không có tiếng piano dặt dìu nơi phòng khách với những bản sonat mơ màng, không có ánh đèn leo lét nơi phòng ngủ của mẹ. Không tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong đêm. Không cả một tiếng động nhỏ. Cả khu vườn như đông cứng trong cái tĩnh lặng mơ hồ.

Chợt có tiếng chó tru từng hồi dài, ngoắc ngoải.

Là con Mực.

Nhưng con Mực đang nhìn tôi như người xa lạ. Nó rướn cổ hú, mắt như hai đốm lửa trong đêm. Ánh mắt vừa xa lạ vừa xua đuổi. Ánh mắt đằng đằng sát khí. Tôi chán ngán rời đi.

Tôi nghe như ai đó gọi tên mình, tru tréo, vật vã.

Tôi nghe tiếng gào khóc thảm thiết.

Tôi lại nghe tiếng rì rầm khấn nguyện.

Có tiếng chuông chùa vọng vào đêm tĩnh mịch. Đôi khi mơ màng, rây rây tựa sương khuya trên cỏ thu. Đôi khi ngân rỏ giọt, rỏ giọt, tựa nỗi buồn nơi trần thế. Chợt có âm thanh lôi cuốn, vừa lạ vừa quen. Tôi lần dò theo thứ âm thanh huyễn mị ấy.

Thứ âm thanh ấy dẫn tôi đến một nơi xa lạ.

Tôi nép mình vào cánh cửa kính.

Ba tôi, mẹ tôi, Lam Ngọc, rồi bà con nội ngoại. Họ túm tụm khóc lóc. Họ vật vã. Họ đau đớn kêu gào tên tôi. Ơ lạ nhỉ?

Tôi hét toáng lên:

-Mẹ ơi, ba ơi! Con đây mà!

-Lam Ngọc, mày điên rồi. Làm gì khóc như tao chết vậy?

Không ai nghe tiếng tôi. Họ mãi mê khóc, mãi mê vật vã.

Tôi lượn qua các phòng bên.

Dừng chân nơi có nhiều âm thanh phát ra. Cứ như bộ phim, tôi lần lượt xem từng phân cảnh nhỏ.

Chán quá, tôi lượn lại chỗ có ba mẹ và những người thân.

Chuyện gì thế nhỉ?

Lại có tiếng ai đó nhắc đến tên tôi. Như luồng điện chạy qua, mọi người bổng nhổm hết dậy. Ba tôi cầm lấy tờ giấy rồi lao đi sau vài lời dặn dò của bác sĩ. Mẹ lại thấp thỏm. Ánh mắt van lơn tha thiết. Rồi người ta đưa mẹ vào một căn buồng đầy mùi sát khuẩn. Tôi lần dò theo sau. Mẹ khoác vào người chiếc áo vàng chạch, búi lại mớ tóc đã loà xoà, mắt mẹ sưng húp, đỏ mọng.

Mẹ run run bước đến một chiếc giường, gra phủ trắng toát. Hàng mớ dây nhợ máy móc lằng nhằng.

-Lam Anh con ơi!

Tiếng mẹ tôi nức nở.

Tôi khẽ chạm vào vai mẹ:

-Con đây mà, mẹ sao thế?

Mẹ chẳng buồn nghe tôi gọi khẽ, đưa tay chạm vào một hình hài đang bất động nào ấy. Mẹ sờ nhẹ lên từng ngón tay măng, mẹ chạm vào chiếc áo rộng  xùng xình, mẹ nắn nót, mẹ đắng đót, nước mắt mẹ tuôn như mưa.

Ai thế nhỉ? Ai mà khiến mẹ tôi đau đớn vật vã thế kia.

Lẫn khuất trong đống dây nhợ máy móc kim tim. Tôi thấy con bé ấy cũng giống mình phết. Chết thật, lại một vụ nhầm lẫn gì nữa đây.

Nói đến vụ giống nhau tôi mới nhớ. Là hôm Hoàng rủ Lam Ngọc đi chơi.

Tôi với Lam Ngọc là cặp song sinh có khuôn mặt và vóc dáng giống nhau như tạc. Nhìn khó ai phân biệt được đứa nào Lam Anh đứa nào Lam Ngọc . Đến giọng nói cũng giống. Duy chỉ tính tình là khác nhau. Tôi cắt tóc tém cá tính còn nó để tóc thề duyên dáng.

Nó là con bé hiền lành ngoan ngoãn. Nó sợ đủ thứ chả bù cho tôi.

Hôm nay nó bỏ cuộc hẹn với Hoàng để về thăm bà theo lời tôi xúi giục. Tôi lục tung tủ quần áo của nó, lôi ra chiếc đầm hường dịu dàng, cái băng đô hường. Cả đôi giày cũng hường ráo trọi. Đúng là bánh bèo.

Tôi xớ rớ mang hết vào người rồi cười ngặt nghẻo.

Tôi xúng xính đi tới đi lui, đố ai nhận ra. Có chuông điện thoại réo rắt. Là Hoàng gọi. Con nhỏ này quên mang theo rồi. Tôi chẳng buồn bắt máy, kệ đi. Tôi còn mãi làm Lam Ngọc. À, trò chơi thú vị đây. Làm Lam Ngọc,  sao lại không nhỉ? Chà, Hoàng sẽ nói gì, nghĩ gì…

Tôi cảm thấy hứng thú với trò chơi này.

Phan ào đến, bất chợt như một cơn lốc sa mạc mang theo cơ man bụi và nóng bức của xứ Kỳ thành. Như bao bận,  hắn mở tung chiếc cửa tủ lạnh tìm thứ nước uống quen thuộc. Ngửa cổ tu lấy tu để.

Tôi trân trân nhìn hắn, à không, đúng ra nhìn trái khế bự nội đang chạy lên chạy xuống dưới yết hầu, cái cằm vuông lởm chởm râu, chiếc áo sơ mi ôm lấy body vạm vỡ. Chậc, tôi thấy thương chiếc áo quá đỗi.

 Tôi bị bất ngờ khi Phan bảo từ nay bận làm người lớn.  Với cô bé hắn mới quen dăm bận. Hắn bỏ lại những cung đường cùng tôi, bỏ lại những đam mê nông nổi.

Chợt hắn nhìn tôi từ đầu tới chân:

- Gì trời, nay hường luôn. Má ơi má cởi gấp ra giùm tui. Cái đầu thì đỏ choạch đỏ choẹt, nhìn bà hổng giống ai.

Tôi chán ngán tống hắn ra khỏi cửa.

-Về mau, chạy theo con bé đi. Đồ ngốc xít.

Chúng tôi chơi thân với nhau từ lâu. Hắn đèo tôi qua không biết bao nhiêu cung đường, qua không biết bao hẻm đá. Đến không biết bao nhiêu miền đất lạ. Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những cảm xúc mới mẻ, khát khao.

Nhưng tôi là đứa không thích nuôi dưỡng cảm xúc. Cứ để nó tự đến tự đi. Phan nhiều lần ngỏ ý tán tỉnh nhưng đều bị tôi gạt phắt. Tôi không thích cái ủy mị của tình yêu. Tôi ghét sự ràng buộc. Tôi chỉ thích bay nhảy trên đôi chân mình. Thích tự do. Thích bầu trời và những cung đường lạ.

Tôi về phòng chọn mớ tóc đen mượt trùm lên mái đầu đỏ cũn cỡn.

Tôi soi mình trong gương. Một Lam Ngọc fake hoàn hảo. Ánh mắt thẳm buồn chứ không tinh ranh như mọi bận.

Hoàng đến, không quên mang theo bó hoa thạch thảo tím sẫm nao lòng. Tôi chỉ mỉm cười chào Hoàng. Tự dưng trong tôi buồn mang mang. Ánh mắt thẳm sâu, và lòng như có bão. Tôi cố tránh ánh mắt Hoàng đang nhìn tôi đăm đăm. Em nay sao thế? Tôi ấp úng môi, cố vờ như không có gì. Em có sao đâu, khùng quá! Lam Anh đâu? Hoàng hỏi. Nó về quê với ba mẹ. Tôi nói chậm từng tiếng. Tránh để anh phát hiện. Mình đi chơi đi. Nói rồi không đợi tôi đồng ý, Hoàng nắm tay kéo tôi ra cửa. Mượn tạm của Lam Anh nhé!

Anh chụp vào đầu tôi chiếc mũ bảo hiểm to đùng như nồi áp suất. Loại mũ bịt kín tai có gạt chắn của dân đi phượt mà tôi vẫn dùng.

Tôi khóa cổng rồi ngoan ngoãn lên xe Hoàng.

Hoàng không nói gì. Tôi không nói gì.

Từng con phố hun hút phía sau vạt khói mỏng. Từng dãy nhà lùi lại phía sau. Từng hàng cây nghiêm ngắn lùi lại phía sau. Từng kỉ niệm vui buồn cùng Phan cũng lùi lại phía sau. Tôi đang đi trên một con đường mới, một cảm xúc mới, và tim cũng đang đập những nhịp mới, rời rạc, vụng về.

Tôi gạt tấm chắn gió. Nghe gió thốc vào mắt từng luồng cay xè.  Gió vi vu hát, âm rin rít qua vành tai bị bịt cứng. Gió tạt vào mặt, gió vờn trên mớ tóc đen dài, gió xoắn xuýt hôn lên bờ môi đang bỏng khô.

Tôi nghe ngột ngạt, muốn có một bờ vai quen để tựa lúc này. Muốn giải thoát mọi cảm xúc đang dồn nén. Muốn hét lên thật to. Muốn bềnh bồng tan, như  giọt sương đêm ngủ trên phiến lá, sớm mai thức dậy tan loãng giữa bao la đất trời.

Chiếc mũ ngột ngạt quá. Chiếc mũ như hai gọng kìm siết vào đầu nhức buốt. Chiếc mũ nặng như hàng triệu vạn nỗi buồn được nhốt vào đấy. Cả mớ tóc dài loà xoà cứ bết vào cổ vào mặt. Một cảm giác vướng víu khó chịu. Tôi đưa tay tháo mũ, tháo luôn cả mớ tóc phiền phức. Qua kính chiếu hậu, Hoàng thất kinh khi thấy mái tóc đỏ rực của tôi. Anh ngoái đầu lại nhìn.

Bỗng chiếc xe lồng lên như con ngựa bất kham. Kèm một âm thanh xé trời! Tôi kịp bíu chặt Hoàng, mặt ghì vào tấm lưng anh. Bầu trời tối sầm, tung tóe trăm ngàn tia vụn đủ màu sắc

 Tôi thức dậy sau một giấc ngủ dài vắt vẻo trên cây. Tôi lần tìm về theo tiếng chuông gọi hồn ai oán. Tôi lần tìm những người thân quen. Không ai nhận ra tôi. Không một ai nhìn thấy tôi. Mọi người mải mê khóc với cái hình thù giống hệt tôi. Tôi lặng lẽ rời đi. Tôi lặng lẽ trở lại. Mọi người dường như kiệt sức. Tôi nhìn tôi. Ôi, không. Không phải chứ! Là tôi đó ư?

Là tôi sao?

Căn phòng trắng toát. Mẹ vẫn thảng thốt gọi thầm mãi tên tôi, đôi mắt chưa từng rời cái hình hài đó. Là tôi sao? Không thể nào! Một ni cô thì đúng hơn. Một bên chỏm đầu trọc lốc, có đường chân rết chỉ đen hình ô van hơn nửa bàn tay. Thanh thản ngủ một gương mặt thanh tú. Sống mũi và cái miệng xinh được chụp bởi một phễu nhựa trong suốt ôm gọn, lấm tấm những hạt sương mờ. Tôi hét lên, ù té chạy ra khỏi đó.

Tôi chạy thục mạng. Tôi chạy như ma đuổi. Chạy trên những hàng cây, chạy băng qua các dãy chắn của hàng rào bệnh viện, chạy lên cả những vạt cây thân gai tua tủa. Tôi chạy. Tôi chạy.

Tôi tột đỉnh chán chường, lang thang trong khoảng không bất tận. Không có chân trời. Vô cùng, vô vọng. Không trên không dưới. Không cuối không đầu

Tôi gặp một vài người, họ cũng lang thang như tôi, không ai nói với ai lời nào. Lặng lẽ lướt bên đời, như gió thoảng, như mây trôi.

Như những làn sương đêm mỏng mảnh, sáng mai khi ánh bình minh bừng lên lại nhẹ nhàng tan biến.

-Chắc em còn vương vấn nhiều thứ lắm? Một người phụ nữ xanh xao với mái tóc dài đen tuyền, đôi mắt trũng sâu nhìn tôi dò hỏi.

Không thấy tôi nói gì, chị lại tiếp, xưa chị cũng vậy. Nhìn các con nheo nhóc, chị không đành lòng, cứ vòng tới vòng lui. Bên này giục giã, bên kia níu kéo kêu gào. Chị cứ dùng dằng giữa đi và ở. Tim đau như ai bứt khỏi lồng ngực. Sao chị không ở lại cùng các con, chị không thương chúng sao? Tôi hỏi. Thương lắm, em! Thương đứt cả ruột. Ở đời, ai quan trọng bằng người sinh ra mình và người mình sinh ra? Giây sau thầm thĩ, chị bị suy thận nặng, chạy thận đã mấy năm, khánh kiệt cả gia sản. Thế còn... chồng chị đâu? Tôi buột miệng. Anh ấy đằng xa kia, mất sau một tai nạn. Giọng chị bùi ngùi...

Tôi bỏng rát nơi cuống họng. Đúng họa vô đơn chí! Chị hình như không chú ý điều đó, thầm thì nói tiếp, vẻ nuối tiếc, nếu được thay thận, chị sẽ sống thêm cả chục năm nữa. Không phải chị tham sống sợ chết, chỉ là đủ thời gian cho các con khôn lớn... Ôi, phận người mong manh, biết sao được, chị? Tôi an ủi. Quả thế, chị sực tỉnh, xưa biết thế này, chị đã đăng ký hiến tạng của chồng. Biết đâu, thận anh chẳng tương thích với chị? Hai người sống được một? Cùng lắm, có thể..? Chị bản lĩnh vậy sao? Tôi thảng thốt, chợt vỡ ra điều hệ trọng với mình. Xưa thì không, giờ ngộ ra, muộn mất. Chị lúng búng một mình, cơ thể con người, nguồn tài nguyên sống vô giá, vô tình bị vùi sâu tan rữa dưới đất sâu, thật oan uổng!

Tuồng như thấy sự ngơ ngác của kẻ trẻ người non dạ là tôi, chị phân bua,  hiến tạng, ấy là chúng ta tiếp tục sống một cuộc đời khác, trong một cơ thể khác, dưới một môi trường khác. Chẳng hữu ích sao? Ừ nhỉ! Vậy là... cũng bất tử rồi! Tôi thốt nói. Đúng vậy, chị nghĩ, hiến phần cơ thể lành lặn khỏe mạnh của mình, cho ai đó được tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương... Em thấy thú vị không? Tôi mỉm nhẹ môi. Nghe lòng mênh mang quá...

Như cánh chim giữa nền trời rộng, tôi nhẹ nhàng đáp xuống, lượn một vòng quanh khu bệnh viện. Hoàng nằm đó, hơi thở đều đều. Giường anh cũng máy móc, dây nhợ loằng ngoằng. Người nhiều chỗ bầm tím. Một cánh tay cuộn băng treo quàng qua vai...

Tôi rón rén về lại căn phòng có nhiều người ngóng đợi. Vị bác sĩ già nhỏ nhẻ nói, rất tiếc, kíp mổ chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể. Ông khẽ cúi đầu. Ba tôi đau xót ôm lấy ngực mình.

Ba cầm trên tay tờ giấy, nhìn cái hình hài đang nằm bất động trong mớ chăn gra, giọng run run:

-Ba xin phép con, mình hiến tạng con nhé! Ba biết con là đứa có chí khí, ba mẹ cũng không cam lòng mà để con ra đi thế này. Nhưng nay duyên trần đã cạn. Ba muốn con gái ba hạnh phúc, dù là trong hình hài nào, dù là ở hoàn cảnh nào. Con sẽ gieo duyên lành cho một mảnh đời không may nào đó, họ cần con biết mấy. Tuy con  không ở cùng ba mẹ nữa nhưng linh hồn con vẫn đây, vẫn bên mẹ ba.

Con về bên ấy gặp ông nội, gặp các bác. Ai cũng yêu thương con như ba mẹ thương con. Ba quyết định hiến tạng con, con nhé!

Ba quay mặt khóc ồng ộng. Mắt ba ầng ậng nước. Tôi nhũn người trước nỗi đau của ba. Mẹ tôi sẽ ra sao với quyết định này. Mẹ có chịu nổi không?

Tôi hình dung những đứa trẻ bơ vơ, mẹ chúng thoi thóp từng hơi thở yếu ớt chờ một phép màu. Và tôi sẽ là một phép màu cho một phần cơ thể chưa hoàn hảo của ai đó. Tôi sẽ lại thở những hơi thở mới trong một lồng ngực lạ, sẽ đập những nhịp quen trên một cơ thể lạ. Và sẽ sống một cuộc đời mới trong một hình hài mới,  dưới một môi trường mới. Ấy nghĩa là tôi bất tử thật rồi!

Bên kia, một vồng sáng heo hắt, vồng sáng tỏa ra từ một hang đá, lạnh buốt. Ánh sáng ma mị huyễn dụ. Tôi dè dặt bước. Có tiếng gọi thảng thốt của ai đó quen lắm.

Những âm thanh rù rì, như giọng kinh nơi cửa Phật, từng tiếng từ cõi vô vi vọng về.

Tôi nghe lời chị văng vẳng bên tai:

Hiến tạng, ấy là chúng ta tiếp tục sống một cuộc đời khác, trong một cơ thể khác, dưới một môi trường khác. Há chẳng phải thú vị lắm đó sao!

Tôi mỉm cười rời đi.

Văng vẳng trong thẳm xa, tiếng chuông chùa khoan thai khoả vào bình minh những âm thanh thuần khiết ban mai, tinh khôi...

                                                                                                           H.L