Mầm xưa

07.12.2022
Phan Ngọc Chính
Vạt mây xám bất ngờ che lấp mảnh trăng. Đêm lạnh. Sương giăng giăng quây kín lối mòn dẫn ra khu đồi. Bóng tối tràn ra phủ sẫm những vòm lá. Không gian tịch mịch, kể cả khi màn sương loãng ra bởi xuất hiện của cái bóng.

Mầm xưa

Minh họa: Lê Anh

Cái bóng mảnh khảnh quen thuộc tựa hồ trôi trong biển sương. Ông bước đi chầm chậm, bàn tay như lần sờ, víu vịn từng cành cam xòe tán dọc hai bên con đường, mường tượng mùi hoa cam thanh khiết nhè nhẹ vào độ chớm xuân. Ông nhớ hương cam ngát thơm vấn vít tỏa bay của cữ thu hoạch chính vụ. Dường như đêm qua, vườn cam không ngủ. Từ dãy cam non điệp trùng đến hàng cây đang vào độ sung mãn đều thao thức, phấp phỏng. Chúng chờ đợi bước chân vị chủ nhân thân quen. Chờ đợi để chạm khía lá non lên mái tóc pha sương, đôi gò má với nước da nâu đồi mồi.

Một cơn gió ào đến. Những thân cam chụm đầu rì rầm. Như mọi lần, ông Thiềng thèm được đắm chìm trong lao xao tiếng lá. Ông thèm quên tất cả. Bất chợt cành cam lay động. Đôi chim cu thức giấc vỗ cánh phành phạch. Lả tả muôn hạt sương mai - ngọc trời vương xuống tóc vị chủ tịch già. Hơi mát dìu dịu khiến ông Thiềng thấy tỉnh táo trở lại. Nhưng sự tỉnh táo đôi khi thực tai hại. Không khí buổi họp ban chiều ùa về. Trước mắt ông Thiềng là cái dáng to bè, khệnh khạng như một con gấu ngựa của Trần Hãng.

“Tôi buộc phải công bố một sự thật. Từ giờ phút này, công ti thuộc về tôi. Đồi cam thuộc về tôi!”.

Lời Trần Hãng tựa hồ khối đá lạnh ụp xuống.

Toàn thân ông Thiềng đông cứng, tê dại...

Nỗi đau đưa tâm trí ông trở lại dãy đồi cam lúp xúp phủ một màu héo úa ảm đạm khi xưa. Thân cành cỗi cằn. Cỏ dại mọc thút lút. Giữa vụ thu hoạch mà chưa đến phân nửa số gốc cam cho quả. Những trái cam sần sùi, nhăn nhúm, vẹo vọ giấu mình trong tán lá rạc gầy như phơi bày sự buông bỏ, ghẻ lạnh của chủ nhân khu đồi. Nhưng chủ nhân là ai? Là nông trường. Mà cả nông trường đang đói. Khu nhà của ban chủ nhiệm xói lở trống thếch. Gần ngàn gia đình lo cái ăn từng bữa trong tất tả xuôi ngược. Mà đâu chỉ nông trường đói. Cả vùng đói. Đồi cam ngỡ vô chủ.

“Không thể cùng nhau chịu chết thế này. Chúng em tin vào tư duy và đường hướng của anh”.

Ông Thiềng nhớ bàn tay gầy nhưng ấm nóng của Hoàng. Ý tưởng thành lập một pháp nhân mới rồi đứng ra thuê lại đồi cam theo cơ chế khoán của vị trưởng phòng kĩ thuật ngỡ chỉ là lời nói cửa miệng. Ngờ đâu nó lại được Hoàng nhìn nhận nghiêm túc như một hướng đột phá. “Anh hãy là que diêm đốt lên trong đêm. Bọn em bên anh nguyện xả thân hết mình. Chẳng lẽ với cây cam và đồi đất này mình lại không thể no đủ khấm khá.”

Phải tự cứu mình. Cứu mình từ hai bàn tay trắng và sự ngơ ngác khi thời thế và cơ chế thay đổi. Nhưng bài toán muôn thuở “đầu tiên” thì không bao giờ dễ dàng. Để thúc đẩy quyết tâm nơi ông, lại là Hoàng đi đầu vận động mấy chục cựu binh từng cùng chung chiến hào năm xưa. Họ nhịn đói chắt bóp, gom góp từng cắc bạc giúp ông Thiềng đại diện nhận khoán đồi đất của nông trường. Họ đặt cược tương lai vào ông, vào niềm tin và nghĩa tình đồng đội. Để rồi khi pháp nhân mới được thành lập, những con người từng xẻ hào dựng chốt giữ biên cương nay miệt mài san đất, quật thổ, cải tạo hệ thống mương tưới để đồi cam dần xanh tươi trở lại. Vụ thu hoạch tiếp theo, cam sai trĩu cành. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Trái cam tròn mọng mà vị quả không đổi. Bệnh thừa chua, thiếu ngọt. Khách mua ngúng nguẩy, giá rẻ vẫn cứ chạy. Thì bao năm trời nông trường thâm canh kiểu “cha chung không ai khóc”, nhà nước bao tiêu toàn bộ, có ai tính đến đầu ra.

Mình phải tiếp tục từ đâu?

Thất bại ban đầu có lúc khiến sự rối trí, nản lòng nơi ông Thiềng dâng tới mức cùng cực. Lại những đồng bạc anh em gom góp để ông “tầm sư, học đạo” xa gần. Lối thoát vẫn mờ mịt. Lần đầu tiên ông thấm thía, làm kinh tế hàng hóa, nếu chỉ quyết tâm và ý chí là chưa đủ.

“Ngày còn quân ngũ, khi đi trinh sát trong rừng, bọn em gặp một gốc cam dại. Quả cam có vị ngọt và thơm bất ngờ. Kỉ niệm đó sau này còn được nhắc mãi. Bao năm qua, chẳng biết gốc cam đó có còn. Nếu tìm được, mang về đồi đất này, em tin chúng ta sẽ có một giống cam quý”.

Lại là lời Hoàng.

Một tia sáng lóe lên.

Ròng rã nhiều ngày ông Thiềng và anh em nông trường cơm đùm cơm nắm theo chân Hoàng trở lại vùng cực Bắc. Tháng năm vật đổi sao dời. Cảnh sắc không còn như xưa. Tìm một cái cây giữa đại ngàn mênh mông theo trí nhớ của Hoàng có lúc ngỡ mò kim đáy bể…

Đến chuyến lên rừng thứ tư, xác định là chuyến đi cuối cùng, nhóm người tìm kiếm trong tuyệt vọng. Trên đường quay ra, họ gặp một bà mế người Mông đi hái nấm. Lời hỏi cầu may của Hoàng nào ngờ lại cho kết quả vượt mong đợi. Bà mế già tức khắc dẫn nhóm người lạ đi quanh co một hồi rồi đến bờ một con suối cạn. Gốc cam quý còn đây. Thân cây già nua, sần sùi như một bậc cổ thụ chẳng hiểu sao đủ sức trụ được qua bao đận lũ rừng. Không đúng mùa mà cam vẫn có quả. Những trái cam ngọt đậm, ngát vị thơm thanh khiết rất riêng.

Phải, sự sung túc, no đủ của bao gia đình sẽ được bắt nguồn từ thời khắc linh diệu này. Rừng biên cương cho họ một hướng đi mới. Nhưng cũng nghiệt ngã thay khi nhóm người mừng rỡ mang được giống cam quý trở ra thì mưa trút sầm sập. Lũ dâng ngập đường suốt ba ngày liền. Ông Thiềng và nhóm cộng sự phải trú tạm vào một hốc đá. Lương thực mang theo cạn kiệt. Lại là Hoàng đội mưa đi kiếm cái ăn cho mọi người đang mệt lả vì đói. Rừng động. Núi lở. Hoàng không trở về. Và kì lạ, những năm sau này cứ đến ngày giỗ của Hoàng bao giờ trời cũng đổ mưa. Mưa tầm tã. Mưa rũ rượi. Những cây cam Hoàng Lâm - cái tên được đặt để tri ân, tưởng nhớ người đồng đội, đồng nghiệp và núi rừng biên cương như cũng rũ rượi đẫm ướt nước mắt. Để tưởng nhớ người mở đường, trên khu đồi Hoàng nằm, cứ vào dịp này năm nào ông Thiềng và anh em nông trường đều chít lên hàng trăm thân cam những vòng khăn trắng.

*

*         *

“Tôi hỏi bác, nếu một ngày gặp hướng đi khác giúp gia tăng lợi nhuận, bác có chấp nhận thay đổi lĩnh vực lõi của công ti ta?”

Lần đầu nghe câu hỏi của Trần Hãng, ông Thiềng chỉ nghĩ đó là sự tìm hiểu đơn thuần của đối tác góp vốn. Mặc dù vậy, trong ông vẫn ngập tràn cảm giác khó chịu. “Nghĩa là sao? Phải chăng lúc đó ta sẽ phải thu hẹp đồi cam?”

Lảng tránh cái nhìn của vị chủ tịch già, khuôn mặt sắc lạnh, đôi mắt xếch nhiều lòng trắng của Trần Hãng chớp chớp. Cặp môi thâm bặm lại, ra chiều suy tư…

Lần khác, khi ban lãnh đạo công ti đang họp bàn kế hoạch đưa sản phẩm cam Hoàng Lâm chinh phục những thị trường mới, bất ngờ Trần Hãng lái câu chuyện sang một hướng khác. Vẻ mặt gã lộ rõ sự dò xét, bí ẩn.

“Tôi nghĩ, trên thương trường, lợi nhuận phải được chú trọng số một. Về khía cạnh này, bác đang có độ vênh với tôi”.

Ông Thiềng lặng đi.

Anh Hãng ạ, làm sao anh hiểu được những điều còn lớn hơn tiền bạc và bài tính lợi nhuận. Thành công của công ti hôm nay phải đánh đổi đâu chỉ mồ hôi mà bằng máu, nước mắt và bao đắng cay, nhọc nhằn.

Bởi sau những vụ mùa bội thu, cam Hoàng Lâm năm đó đối mặt với một thử thách mới. Thị trường truyền thống bão hòa. Điệp khúc được mùa rớt giá hiển hiện. Lứa cam đầu tiên chín hửng mà thương lái vẫn lạnh lùng thờ ơ. Lứa cam chính vụ tiếp theo nguy cơ ế ẩm nhãn tiền. Vận mệnh công ti như trứng treo đầu đẳng.

Làm gì để cứu mình và hàng ngàn hộ trồng cam đây? Lối thoát duy nhất là đưa trái cam xuất ngoại. Phải gấp rút tìm bằng được thị trường mới. Chỉ có vị chủ tịch thân chinh “xuất tướng” đi quảng bá, xúc tiến thương mại may ra việc khó mới thành. Ngặt nỗi, hơn năm lại đây, người vợ tào khang của ông Thiềng đổ bệnh. Căn bệnh hiểm nghèo khiến sức khỏe của bà giảm sút ghê gớm. Ông không muốn xa bà lúc này. Nhưng trách nhiệm người đứng đầu, nhìn nguy cơ đe dọa công ti, ông tối ngày bồn chồn không yên. Tối nọ, khi ông vừa ở nông trường về, bà nắm tay ông khẩn khoản: “Mấy hôm nay em thấy người khỏe lại. Mình cứ yên tâm lên đường. Không phải lo gì cho em đâu”.

Vậy là ông dành nửa tháng trời xuôi ngược trời Âu tìm khách hàng mới cho đồi cam Hoàng Lâm. Để rồi ngày hân hoan trở về với những bản hợp đồng mới, người bạn đời chỉ còn đón ông qua di ảnh. Thì ra, bà đã cố giấu cơn đau để ông yên tâm ra đi. Trước khi lâm chung, bà trăng trối mọi người không được báo tin cho ông...

*

*         *

Vịn vào cành cam khỏe khoắn ăm ắp những chồi nụ, một giọt lệ ấm ứa ra, lăn nhanh trên gò má. Ông Thiềng tự hỏi mình đã sai từ đâu? Đã bao lần rồi ông tự vấn thế. Đất nước hội nhập, quy mô đồi cam và công ti lớn lên từng ngày.

Phải nói rằng đó là những tháng năm ông Thiềng đắm mình cùng đồi cam và công việc kinh doanh. Để rồi một hôm trong giấc ngủ chập chờn giữa trưa, ông mơ thấy mình bị lạc giữa một vạt rừng rậm. Trước mặt ông thấp thoáng một hình bóng thân quen. Ông rảo bước gấp gáp. Người đàn ông quay lại nhìn. Hoàng. Hoàng ơi Hoàng… Ông cất tiếng gọi. Nhưng sao anh không trả lời, ánh mắt nhìn ông đầy xa lạ, hờn trách. Cái nhìn ông chưa bao giờ thấy ở anh. Ông cố bước nhanh, chìa tay nắm lấy tay anh. Nhưng anh cứ lùi xa, vẻ lạnh lùng không đổi. Ông Thiềng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng gõ cửa của người thư kí, mồ hôi túa ra đầm đìa.

Vội vàng, ông thu xếp trở lại vùng rừng nơi tìm ra giống cam quý ngay trong tuần. Chuyến trở về làm ông Thiềng thực sự day dứt. Bà mế già chỉ còn là nấm cỏ ở chân đồi. Rừng đã chết. Lâm tặc đã biến những cánh rừng rậm thành vạt đồi loang lổ cây dại. Trời đổ mưa là lũ ống trở thành nỗi ám ảnh với bà con các làng bản trong vùng. Phải làm gì để trả “món nợ” mà núi rừng và bà mế già đã dâng tặng ông và công ti năm xưa? Phải làm gì giúp bà con sinh nhai trên những vệt đồi xói lở? Ông và ban giám đốc trăn trở. Ý tưởng đưa cam Hoàng Lâm trở lại núi rừng miền biên cương bất thành. Địa chất và thổ nhưỡng không cho phép nơi đây phát triển đồi cam theo hướng sản xuất hàng hóa. Ông bàn với anh em tìm các giống cây công nghiệp phù hợp. Công ti giúp bà con giống vốn, phủ xanh núi đồi nơi ông và bao gia đình chiến hữu luôn mang nặng sự hàm ơn…

Ngày quyết định đưa cổ phần cam Hoàng Lâm lên sàn chứng khoán, chứng kiến sự tất bật ngược xuôi của vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc cao tuổi, cậu chuyên viên tư vấn đã không khỏi ái ngại: “Thiết nghĩ, bác cần có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả. Nhưng nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro rất khó lường tính.”

Lời nhắc nhở trôi vụt như một ngọn gió. Vào giây phút này, ông Thiềng không muốn nghĩ tới những điều xa xôi. Ông đang vui với thành công vượt mong đợi. Nếu không bán vốn, lên sàn, quy mô cam Hoàng Lâm mãi chỉ quẩn quanh vậy. Trong kinh doanh, dừng lại là chấp nhận sự chết. Thì dây chuyền chế biến các sản phẩm cam ép đạt chuẩn xuất khẩu là kết quả nhãn tiền từ quyết định lớn này. Từ nay, nỗi lo đồi cam được mùa rớt giá sẽ được loại bỏ.

Trước mắt ông Thiềng lúc này là niềm hân hoan của bà con trồng cam. Và tiếng reo hò của anh em công nhân khi chuyền tay nhau lô thành phẩm đầu tiên. Những lon nước cam tươi mang thương hiệu Hoàng Lâm vẫn vẹn nguyên vị ngọt và mùi thơm rất riêng. Giây phút đó, ông mỉm cười mà nước mắt cứ giàn giụa trào ra. Cầm lon nước cam ép, ông bước đi như người mộng du. Ông ra với đồi cam, ra với Hoàng và người vợ hiền tào khang. Ông mường tượng ánh mắt lạc quan của Hoàng nhìn ông thấp thoáng sự tươi vui rạng ngời. Ông ngồi lặng bên mộ người bạn đời. Hình ảnh bà mắt trũng sâu héo hắt nén cơn đau, nắm chặt tay giục giã ông lên đường hiển hiện. Ông gục khóc trước mộ phần những người thân yêu. Giọt nước mắt hạnh phúc.

Ông đã sai từ đâu?

Từ đâu…

“Có việc hệ trọng chúng tôi muốn bàn bạc với bác sớm.”

Cú điện thoại của Trần Hãng ban đầu không ẩn chứa điều gì đó bất thường. Đại diện cổ đông lớn gặp vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc doanh nghiệp là việc diễn ra thường xuyên. “Anh cứ nói đi. Mình là người một nhà với nhau...”

Vừa lặn lội thăm vườn đồi về, ông Thiềng đang vui. Ông dự định khoe với Trần Hãng việc công ti đã nghiên cứu thành công giống cam Hoàng Lâm đời F3, điều ông và các cộng sự dành không ít tâm huyết.

Chưa cần nghe vị chủ tịch già nói hết, Trần Hãng đã buông một câu sắc lạnh: “Bác Thiềng này, mình cứ ngược xuôi cả đời với cây cam, liệu có nên không? Ngành trồng trọt cố nữa cũng rất khó tạo lợi nhuận đột biến. Có một đối tác đặt vấn đề “hoán đổi” vườn cam thành dự án sân golf và khu biệt thự hạng sang. Họ sẵn sàng trả chúng ta mức giá cao hơn hẳn giá cổ phiếu niêm yết”.

Ông Thiềng sững người. Giọng Trần Hãng dịu lại: “Tôi biết, với bác điều này không dễ dàng. Nhưng thời cơ kiếm bộn, ta không thể giữ mãi cách làm cũ. Về phương diện cá nhân, tôi đồng ý với hướng đi mới này”.

Nhớ lại ngày Trần Hãng đại diện cho nhóm cổ đông lớn xuất hiện, ông không hề mảy may lo toan hay đề phòng sự bất trắc nào. Thậm chí, ông còn vui sướng đến mất ngủ khi gã tỏ ra hào hiệp, luôn ủng hộ mở rộng quy mô đồi cam, tăng mua cổ phần để công ti có vốn mở rộng sản xuất. Nào ngờ, ẩn đằng sau miếng pho mát là một cái bẫy chuột. Sau vị ngọt mật đường là “liều độc dược” chết người, một âm mưu thoán đoạt được trù tính kĩ lưỡng.

Nhận ra sự chủ quan của ông, Trần Hãng đã bố trí một cổ đông bí hiểm lặng lẽ gom mua cổ phiếu. Người đó bất ngờ công bố là cổ đông lớn rồi ủy quyền cho gã đại diện.

“Với tư cách đứng đầu nhóm cổ đông nắm đủ số cổ phần chi phối, tôi tuyên bố tới đây cam Hoàng Lâm sẽ có bước chuyển hướng. Những đồi cam sẽ nhường đất cho dự án đô thị, sân golf. Luật chơi định vậy. Bác phải biết chấp nhận”.

Nhìn vị chủ tịch hai tay vịn vào thành ghế để cố đứng cho vững, mắt trân trối, câm lặng, Trần Hãng dịu giọng nhưng vẫn không giấu sự hể hả, đắc chí: “Tôi nói thật, bác già rồi, tiền bạc cá nhân đã ở độ dư thừa, nghỉ ngơi đi cho nhàn. Mai này thích, tôi sẽ mời bác làm chủ tịch danh dự của khu sân golf, được chưa?”

Những lời nói như gai sắc, kim châm. Nhìn khuôn mặt bành bạnh, bóng nhẫy đầy kẻ cả, hãnh tiến của gã doanh nhân trẻ, ông Thiềng chỉ muốn dồn tất cả nỗi uất ức vào bản mặt đó một cú đấm trời giáng.

Nhưng ông vẫn đứng như một pho tượng.

Phải, để công ti và nồi cơm của hàng vạn gia đình đối mặt với nguy cơ này, lỗi đều tại mình cả. Giá như mình nghe lời cậu chuyên viên tư vấn, sau khi lên sàn đưa ngay về mấy nhân sự đủ giỏi để san sẻ quản trị. Giá như thằng Tuấn, con trai mình tốt nghiệp năm rồi không vì dịch covid mà mắc kẹt ở trời Tây, kịp về phụ bố điều hành công ti thì mọi chuyện rất có thể đã khác. Nghĩ đến cảnh đồi cam nay mai bị phá, hàng vạn gia đình lâm vào cảnh mất việc, nghèo khó vì sai lầm của “người cầm lái”, bóng tối như bao phủ trước mắt ông. Nhớ tới cái dáng của Hoàng mờ nhòa giữa cơn mưa rừng khi xưa hay ánh mắt chất chứa gửi trao của người vợ tào khang trong chuyến đi li biệt năm nào, ông Thiềng rùng mình suýt nữa khuỵu ngã.

*

*        *

Gian phòng họp quen thuộc hôm nay lặng đi như thể không khí nhà đám. Những thành viên tham dự buồn thảm nhìn vị chủ tịch chỉ sau một đêm đã già xọm, hốc hác. Cách đó không xa, Trần Hãng ưỡn người trên ghế vẻ hể hả, chờ đợi. Chỉ vài phút nữa thôi, nữ cổ đông lớn bí ẩn xuất hiện, hắn sẽ đủ số phiếu để chiếm ghế chủ tịch. Kế hoạch gã ấp ủ từ ngày đầu đến với cam Hoàng Lâm hoàn tất. Cú thâu tóm ngoạn mục. Nghĩ đến quỹ đất đắc địa, viễn cảnh những vườn cam bị phá trụi để trở thành khu sân golf và dự án đô thị hạng sang, gã kiềm chế để không sướng khoái hét lên.

Thời gian chầm chậm trôi. Không gian lặng như tờ. Trần Hãng sốt ruột đưa tay xem đồng hồ. Quái lạ, sao trễ nửa giờ mà con bé chưa đến? Rồi gã móc điện thoại, bặm miệng sốt sắng bấm. Số máy không liên lạc được. Vừa lúc nhân viên văn phòng đẩy cửa vào phòng, chuyển đến trước mặt gã một phong bì dán kín. Xé nhanh, lướt vội lá thư, Trần Hãng há hốc mồm vì giận dữ, ngỡ ngàng.

“Con khốn!”

Gã thét lớn, mắt long sòng sọc. Xé nát tờ giấy, Trần Hãng hực lên một tiếng rồi lao ra khỏi phòng tựa hồ con thú bị trúng thương…

Cũng nhân viên văn phòng chuyển đến lá thư thứ hai, và người nhận là ông Thiềng. Cảm thấy có điều hệ trọng, ông hít một hơi thở sâu rồi chầm chậm mở ra.

“Hẳn chú sẽ bất ngờ khi nhận được lá thư này. Cháu là người lâu nay âm thầm đứng ra gom cổ phiếu của cam Hoàng Lâm, nhằm giúp Trần Hãng thực hiện kế hoạch thâu tóm công ti mình.

Chú sẽ càng bất ngờ hơn khi cháu cũng chính là con bé gầy nhẳng lẽo đẽo bám theo chú ngày đoàn cán bộ của công ti về bản làng vùng cực Bắc cách đây hơn mười năm. Trận lũ ống ập đến năm đó khiến cả bản không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Đúng lúc đó thì chú cùng các thành viên của đoàn xuất hiện. Không chỉ giúp dựng lại nhà, gửi áo quần, sách vở cho cháu và lũ bạn đến trường, chú và công ti còn xuất giống, vốn cho người trong bản trồng quế hồi trên những quả đồi trọc. Màu xanh, sự no ấm dần trở lại với gia đình cháu và làng bản nhờ thế…

Khi chú nhận được thư này thì cháu đã tạm lánh đi xa. Luật chơi buộc cháu phải vậy.

Mong một ngày được gặp để tạ lỗi với chú!”

Hai hàng lệ ấm nóng lại tuôn chảy trên gò má đồi mồi. Chẳng biết tự lúc nào, bàn chân đưa ông Thiềng bước đi như vào miền mộng du. Thoáng chốc, những cành cam đã xòe tán cọ vào má, vào mái tóc pha sương của ông dịu dàng. Nơi kia, Hoàng và người vợ hiền tào khang đang chờ đợi ông. Và xa nữa là những làng bản ngày càng no ấm giữa vạt rừng quế hồi thẫm xanh vùng cực Bắc. Gió thổi nhè nhẹ, thấp thoáng trong vòm lá cam lấp lánh hàng ngàn nụ hoa tím biếc cùng những mầm xanh đang đâm chồi…

(VNQĐ)