'Nhật ký kẻ mị tình' của Kierkegaard lần đầu được dịch sang tiếng Việt

06.07.2015

'Nhật ký kẻ mị tình' của Kierkegaard lần đầu được dịch sang tiếng Việt

"Nhật ký kẻ mị tình" được xem là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo vô song. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch.

Soren Kierkegaard (1813-1855) là một trong hai tác giả lừng lẫy nhất của Đan Mạch, bên cạnh nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875). Tuy vậy, cho đến nay sách của ông mới được dịch giả Quế Sơn chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cuốn đầu tiên của ông đến với độc giả là tác phẩm Nhật ký kẻ mị tình. Tác phẩm của Kierkegaard rất khó chuyển ngữ. Nhưng Quế Sơn nỗ lực mang đến một bản dịch tiếng Việt dễ đọc và đáng đọc.

Từ lâu, trên văn đàn thế giới, Nhật ký kẻ mị tình được xem là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch. Và đồng thời, có vẻ cuốn sách là tự truyện hư cấu của chínhKierkegaard. 

Nhà văn lừng danh John Updike [1] từng nhận xét: "Trong nền văn chương bao la của tình yêu, Nhật ký kẻ mị tình là một kỳ thư mê lộ - một vận dụng trí tuệ cuồng nhiệt để tái dựng một thất bại sắc tình thành một thắng lợi giáo huấn, một thương tích đeo lấy mặt nạ của niềm kiêu hãnh".


Đến với cuốn sách, độc giả lạc vào một thế giới phong phú của huyền thoại, thẩm mỹ, tâm lý, triết lý… với văn phong đầy biến hóa, khơi gợi và ám ảnh. Dường như ai cũng muốn xem thiên sách này là tự thú của Kierkegaard về quan hệ tình yêu ngoài đời thực của ông với nàng Regine xinh đẹp, nhỏ hơn ông mười tuổi. Ông hứa hôn với nàng rồi trong vòng một năm sau hủy hôn ước.Tác phẩm mang giọng điệu trữ tình này là một thiên nằm ở bộ sách mang tên Hoặc là Hoặc là của Kierkegaard. Bộ Hoặc là Hoặc là ấn hành năm 1843 là quyển sách quan trọng đầu tiên của ông được viết dưới dạng hợp thể văn chương đồ sộ, dung hợp nhiều thể loại: triết học, thi ca, tự thuật... Trong đó, thiên tiểu thuyết Nhật ký kẻ mị tình nổi tiếng nhất và được nhiều người đọc nhất.

Chàng Johannes, nhân vật của cuốn sách, được mô tả là một kẻ mị tình thông minh và tài ba. Anh ta không chỉ quyến rũ nàng Cordelia mà còn đẩy nàng tới chỗ tự mị mình.

Tuy nhiên, nhân vật Johannes - Kẻ Mị Tình ấy - dù có giống Kierkegaard ở mức độ, phương diện nào đó thì vẫn là một nhân vật hư cấu do Kierkegaard tạo ra. Nhân vật ấy đại diện cho lối sống "hiến mình cho lạc thú nhục cảm". Johannes có mưu mô tính toán khi săn đuổi nàng Cordelia, xem nàng như con mồi. Vì thông minh, Johannes biết cách biện minh (lừa mị Cordelia trong tình yêu là để phát triển kinh nghiệm mới cho nàng, lợi cho cả hai đấy thôi…) và cũng ý thức được đời thì phù phiếm, lạc thú thì ngắn ngủi, tuổi trẻ là mộng mị, làm gì thì cũng hối tiếc, vô vọng mà thôi.


Nàng đã ý thức được mình là nạn nhân. Tình yêu tội nghiệp của nàng đang bị hy sinh vô tội vạ. Vậy mà nàng vẫn tiếp tục bị lừa, như lá thư nàng viết cho Johannes: "Anh Johannes của em... Anh là người đàn ông giàu có đó, rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian; em là đứa con gái tội nghiệp đó, cả tài sản có được thì không gì khác ngoài tình yêu của em thôi. Anh đã nắm lấy tình yêu đó, đã vui hưởng nó. Rồi dục vọng vẫy gọi anh, và anh liền hy sinh ngay cả chút ít tài sản mà em có đó... nhưng anh chẳng hy sinh chút gì từ của riêng anh. Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu đông đúc. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ sở hữu một tình yêu của mình. Cordelia của anh". (Trích Nhật ký kẻ mị tình)Và người đọc chẳng khác gì nàng Cordelia ngây thơ kia, cũng bị Johannes quyến rũ, đẩy tới chỗ tự mị mình về hình ảnh của chàng. Trong mắt nàng hay độc giả, anh ta hiện ra "rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian".

Chỉ từ mấy dòng nàng viết, có thể thấy tâm lý của nạn nhân trong tình yêu được thể hiện tột bực, lóe sáng như một lằn chớp khi Kierkegaard đưa ngòi bút của mình lướt ngang tâm hồn Cordelia. Con cừu non của nàng đã bị Johannes hiến sinh trong đền thờ Lạc thú của anh ta.

Và kẻ mị tình sẽ chạy đến một cô gái khác cũng chỉ để sở hữu một con cừu non thôi để "hồi khởi" một lạc thú vừa cũ vừa mới, một trải nghiệm khác. Cho đến khi chính bản thân anh ta rã rời, tuyệt vọng, anh tự sự: "Tôi không muốn nhớ lại mối quan hệ của mình với nàng; nàng đã mất đi mùi hương trinh nữ, và người ta không còn ở vào cái thời mà nỗi buồn rầu của một cô gái bị người tình không chung thủy bỏ rơi biến đổi nàng thành cây hoa hướng dương". (Trích Nhật ký kẻ mị tình)

Chân dung kẻ mị tình và nạn nhân của nó được soi chiếu qua nhiều góc độ khác nhau: từ tự sự đến trữ tình triết lý, từ thơ ca đến huyền thoại, từ cái bi đến cái hài, từ cái phổ quát đến chủ thể tính…

Chính vì thế mà Nhật ký kẻ mị tình của Kierkegaard có tầm vóc của một huyền thoại trong nền văn chương vô tận của Tình.

Nhật Chiêu
(http://giaitri.vnexpress.net)