Nhạc sĩ Bảo Chấn: Âm nhạc chỉ còn mang tính nghiệp dư

15.01.2018

Nhạc sĩ Bảo Chấn học nhạc từ năm 10 tuổi. 17 tuổi ông bắt đầu sáng tác, cùng với em trai là cố nhạc sĩ Bảo Phúc. Cả hai viết rất nhiều ca khúc và nhạc phim.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hàng loạt ca khúc của nhạc sĩ Bảo Chấn trở thành hit, thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng Làn sóng xanh, giúp ca sĩ Lam Trường tỏa sáng, trở thành một trong số các ca sĩ được yêu mến nhất thời bấy giờ. Bảo Chấn còn là nhạc sĩ hòa âm tài hoa, được giới làm nhạc nể trọng, yêu quý, săn đón.

Nhạc sĩ Bảo Chấn: Âm nhạc chỉ còn mang tính nghiệp dư

Sau một thời gian dài không tham gia các hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ bất ngờ xuất hiện trở lại với vai trò biên tập và thực hiện chương trình âm nhạc Góc ký ức cùng nhạc sĩ Thế Vinh.

PHÓNG VIÊN
:  Lý do nào để anh nhận lời tham gia thực hiện chương trình âm nhạc Góc ký ức?

Nhạc sĩ BẢO CHẤN: Nhạc sĩ Thế Vinh là học trò của tôi. Cậu ấy yêu nhạc, đặc biệt là nhạc xưa. Những sáng tác của cậu ấy cũng theo thiên hướng dòng âm nhạc xưa. Lần đầu tiên Thế Vinh phát hành album riêng với 10 ca khúc và Góc ký ức sẽ giới thiệu những ca khúc này của Thế Vinh. Tôi sẽ cho lồng ghép với những ca khúc xưa nổi tiếng để làm thành một đêm nhạc với những hoài niệm… Bản thân tôi cũng có dịp được sống lại tình yêu dành cho âm nhạc. 

 Vì sao anh quyết định “bỏ cuộc chơi” âm nhạc?

 Từ khi nhạc sĩ Bảo Phúc mất, cảm xúc trong tôi bị đông cứng. Tôi không còn hứng thú với âm nhạc. Bảo Phúc là em trai, là đồng nghiệp và sự yêu quý mà tôi dành cho cậu ấy không chỉ như với một người em, mà còn như một người con vậy. Bảo Phúc mất, tôi chẳng còn thiết tha điều gì. Thật ra, cũng nhiều nơi, nhiều chương trình mời tôi tham gia nhưng tôi thường từ chối. Một phần vì tôi thấy mình không phù hợp, phần khác con cháu cũng muốn tôi nghỉ ngơi. Mà tôi thật sự muốn nghỉ ngơi rồi, tôi đã tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc khác ngoài âm nhạc. Giờ tôi chuyển sang mê cháu nội. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc tuổi già. Qua cháu, tôi thấy rõ hình bóng của mình hồi còn nhỏ. Đó là một cảm giác rất lạ, nó khiến mình sung sướng và hạnh phúc. Giờ nếu có làm nhạc, tôi thích được làm với những bạn bè xưa, những anh chị đồng nghiệp lớn.

 Anh đánh giá thế nào về lớp trẻ làm nhạc bây giờ?

Điều kiện và kỹ thuật trong âm nhạc bây giờ đã phong phú và thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Thời xưa làm nhạc khó lắm, đến thời của tôi vẫn còn khó khăn, từ điều kiện làm việc, âm thanh, kỹ thuật, thu âm, kỹ xảo… Nghe nhạc lớp trẻ bây giờ làm rất hay, rất hiện đại, nhưng thực chất trên mạng bán đầy các mẫu âm, các bản nhạc có sẵn. Chỉ mua và tải về, thêm lời vào là xong. Bài hát nghe hay, hiện đại, rất tây. Vì các mẫu âm và bản nhạc có sẵn trên mạng là do phương Tây làm mà. Bởi vậy, âm thanh hay, nhưng là thứ âm thanh có sẵn. Khi có đủ điều kiện để làm mà không cần nhiều tư duy thì đầu óc và sự sáng tạo sẽ hụt đi. Máy móc làm hết rồi, con người cần gì đến trăn trở, tư duy và sáng tạo! Hồi xưa chúng tôi làm nhạc cực hơn, nên có lẽ vì thế mà tâm huyết bỏ vào cũng nhiều hơn.

Có ca khúc hay nhạc sĩ nào bây giờ gây ấn tượng với anh?

Thú thật, tôi rất ít khi nghe và xem chương trình ca nhạc hiện nay nên chẳng biết ca khúc nào và nhạc sĩ nào đang nổi. Có khi tình cờ nghe được 1 hoặc 2 bài gì đó, nghe cứ như nhạc ngoại quốc ấy. Mà nếu giống nhạc ngoại, thì ta nghe nhạc ngoại luôn có phải hay hơn không? Không phải tự nhiên khán giả bây giờ thích các bản nhạc bolero. Đó là luồng âm nhạc cũ, nhưng bây giờ được xem là mới. Tôi nghĩ, âm nhạc Việt hiện nay đang thiếu tình cảm, nên người nghe thích bolero. Các bản nhạc xưa hầu hết đều có câu chuyện, có tình cảm thật nên khi nghe ta cảm nhận được bài hát đó đang phản ánh tâm tình của người viết lẫn người nghe. Chính vì vậy, nó chạm được vào trái tim, làm ta xúc động. Nhạc mới bây giờ cứ trôi tuột, chả hiểu muốn nói gì, nên cũng chả để lại cảm xúc gì. Nghe nhạc xưa cũng giống như người chơi đồ cổ vậy, có người sẽ nói “dân sang chơi đồ cổ”, nhưng cũng có người cho rằng anh tụt hậu. Tùy tâm, tùy tình cảm mà người ta có cách nhìn khác nhau về dòng nhạc xưa. Nhưng tôi tin, cái gì thuộc về chân giá trị sẽ có sức sống lâu bền.

 

Góc ký ức là chương trình âm nhạc diễn ra một đêm duy nhất, lúc 20 giờ thứ ba 19-12 tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM (số 57 Cao Thắng, quận 3), với sự tham gia của các giọng ca Phương Dung, Họa Mi, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, Trọng Bắc… Khán giả sẽ được nghe lại những ca khúc xưa nổi tiếng như: Bài Tango cho em (Lam Phương), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Bài không tên cuối cùng (Vũ Thành An), Sương lạnh chiều đông (Mạnh Phát), Về đâu mái tóc người thương (Hoài Linh), Ghen (Trọng Khương - Ngọc Bảo)… cùng các nhạc phẩm mới sáng tác của nhạc sĩ Thế Vinh: Quê hương cát trắng, Lâu đài cát, Tiễn người vu quy, Vết xăm tình đầu…

NHƯ HOA (thực hiện)
(sggp.org.vn)