Nhà văn Quế Hương : Chưng cất nỗi buồn ấm áp

04.03.2013

Nhà văn Quế Hương từng chia sẻ rằng, đọc và viết giúp chị bước ra khỏi “khung cửa hẹp” của đời mình, thấy thế tục thẳm sâu hơn và cõi người lung linh bí ẩn hơn.

1. Yêu văn chương từ nhỏ, nhưng phải đến năm 1990, Quế Hương mới chập chững bước vào làng văn bằng Đôi chân biết khóc - truyện ngắn đầu tay của cô giáo dạy Văn vừa rời bục giảng đăng trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật.

Nhà văn Quế Hương : Chưng cất nỗi buồn ấm áp

Chị tâm sự, khi nghỉ dạy chợt thấy mình bơ vơ lắm. Rồi một ngày nhìn chân mẹ, chân mình, thấy thương, muốn viết và Đôi chân biết khóc ra đời.

Sau truyện đầu tay được đăng, Quế Hương bạo dạn viết truyện thứ hai, thứ ba… Chị nói vui rằng, “hồi ấy mình viết như người điếc không sợ súng”, viết bất kỳ điều gì mình thấy, mình cảm và tưởng tượng. Đến bây giờ, khi đã là tác giả của hơn 70 truyện ngắn, chị vẫn yêu lắm những tác phẩm đầu tay như: Bức tranh thiếu nữ áo lục, Tịnh Tâm Viên, Bà mụ búp bê, Con nhồng Bù Đốp… và chị viết bằng tất cả bản năng, tự nhiên, không sợ hãi.

Còn Quế Hương hiện tại thì càng đọc, càng viết càng thấy mình bé mọn. Bé mọn trước cuộc đời và bé mọn trước quyền năng của một nhà văn.

 

2. Quế Hương quan niệm, văn chương dù thế nào vẫn là cõi ảo, muốn đến sự thật phải băng qua hư cấu, tưởng tượng. Văn chương là cõi tái tạo, chứ không chỉ tái hiện cuộc đời. Vì thế, truyện của chị “là những giấc mơ cuộc đời trên giấy” - những khát khao về người, về đời.

Với Quế Hương, cuộc đời vẫn vậy: thiện ác song hành, xấu tốt ngổn ngang. Chỉ có nhà văn mới có quyền thay đổi thực tại ấy theo tâm thế, tâm cảnh của mình. Và, với trái tim lương thiện, đa cảm, tài nữ gốc Huế cần mẫn dệt nên những giấc mơ cuộc đời tuyệt đẹp trên những trang văn bay bổng. Có điều, cái đẹp trong văn chương hay trong hiện thực thường gắn với nỗi buồn. Truyện của Quế Hương vì thế là những giọt sương tinh khiết được chưng cất từ nỗi buồn. Dù đó là nỗi buồn của chị Thời - thánh nữ cùng bản tình ca buồn đến day dứt, ám ảnh trong Chiếc lá hình giọt lệ, hay cuộc đời cù bất cù bơ của thằng Tí bụi trong truyện ngắn cùng tên của chị, thì đến sau cùng, điều còn lại với người đọc vẫn là vẻ đẹp lung linh, ấm áp của tình yêu thánh thiện, thủy chung, của tình người, tình đời. Chị viết như khát khao lưu giữ những thứ đang biến mất, đang lụi tàn trong thế giới thực dụng - vẻ đẹp của những nỗi buồn, lãng mạn, từ tâm...

 

3. Trong gia tài truyện ngắn của người chưng cất nỗi buồn ấm áp thường viết về trẻ em, người già và phụ nữ. Trong đó, chị luôn tự hào và dành niềm ưu ái đặc biệt đối với mảng đề tài thiếu nhi. Truyện thiếu nhi đến nay chiếm phân nửa trong các tác phẩm đoạt giải của chị. Và điều đặc biệt, trong cách nhìn của Quế Hương, các em thiếu nhi trong truyện của chị là những đứa trẻ đang lớn, chúng không hoàn toàn là trẻ con theo cách nhìn giản đơn của người lớn.

Vì vậy, Quế Hương không viết về những gì quá hồn nhiên, trong trẻo của trẻ con. Bởi các em sống với người lớn và thường cô đơn trong chính gia đình của mình. Những đứa trẻ của Quế Hương đầy tâm trạng, khát khao và luôn chất chứa tinh thần đấu tranh mãnh liệt. Thậm chí, chúng sẵn sàng đối đầu với người lớn. Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh là tập truyện của những câu chuyện về trẻ con nhưng không hề trẻ con như thế, như lời đề dẫn của chính tác giả: “Tập truyện này tôi dành tặng/ Những đứa trẻ non tơ như nụ trên cành/ Những đứa trẻ già trong thế giới người lớn/ Những người lớn sống với trẻ con”.

 

4. Các bạn văn thường nói rằng, Quế Hương là người rất có duyên với giải thưởng, hầu như gửi tác phẩm nào dự thi thì đoạt giải tác phẩm ấy (các giải thưởng của Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Báo Tiền Phong, NXB Kim Đồng, Hãng phim truyện Việt Nam…). Quế Hương cũng thẳng thắn thừa nhận, giải thưởng là hình thức được trả nhuận bút cao, một cách vinh danh tác phẩm khó nhọc và lương thiện. Có điều, duyên không thể đến hoài được. Nhà văn phải ý thức được sự vô thường của chuyện viết, cũng như tất cả những được - mất trong cuộc đời này. Có giải cũng không nên quá vui, không có giải cũng không buồn. Nếu người ta viết vì giải thưởng thì không nên viết làm gì nữa. Viết để được sống nhiều đời, đau nhiều kiếp. Đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng đối với người viết văn Quế Hương.

Năm 2004, Quế Hương đoạt giải nhất truyện ngắn viết cho thanh niên, học sinh, sinh viên do NXB Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với Một cuộc đua - truyện ngắn đã được dựng phim đầy tính nhân văn và phát sóng trên kênh HTV9 vào tháng 9-2011. Bạn đọc tìm thấy trong tác phẩm này là những thân phận bọt bèo, những tuổi thơ bị ruồng bỏ nhưng cũng là câu chuyện về ý chí vươn lên, nâng đỡ nhau trong cuộc đua sống có ích với thông điệp “đời là một cuộc đua dài, ngã xuống thì phải biết đứng lên và vững vàng bước tiếp”.

 

5. Hiện tại, những gì chị viết, kể cả hai truyện ngắn mới nhất là Đãi kiến một bữa (Báo Thanh niên, 2012) và Có người vào trong cỏ và không trở ra (Báo Văn nghệ, 2012), vẫn “lặng”, mà “nặng”, nhưng nhiều day dứt hơn. Quế Hương nói đó là cái tạng của chị rồi, hoa nào tỏa hương ấy, chị không viết “ác” được bởi muốn viết “ác”, nhà văn phải thật bản lĩnh, phải thấu thị được bản chất cái ác, để có thể viết nên những tác phẩm có sức tác động mạnh mẽ, để rồi sau những rùng mình vì cái ác, tâm hồn người đọc có thể được thanh lọc tận đáy sâu nhất.

Đôi lần, Quế Hương có ý định buông bút vì tuổi tác, vì bệnh tật. Chị viết chậm và nhọc nhằn, nhưng còn hơi thở là còn khao khát cầm bút. Nhưng niềm đam mê văn chương đối với người đàn bà cầm bút mang sức mạnh của nước, vẫn khắc khoải, len lỏi, kiếm tìm những khuất lấp, những vụn vặt đời thường để dệt nên những áng văn đẹp và trĩu buồn - những nỗi buồn lung linh ấm áp của cõi nhân sinh.

THANH TÂN

THEO ĐNCT