Nhà văn Ma Văn Kháng: Miên man ký ức Tết

04.01.2016

Cả một đời làm nghề và say nghề, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại như hình bóng một cây đại thụ. Và những câu chuyện của ông, kể cả đã đi vào trang sách hay chỉ đơn giản là một câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, cũng là một bài học về nhân sinh, về cuộc đời mà ông đã trải nghiệm, đã đi qua…
Những ngày tết đối với ông bây giờ là những ngày tháng đầy chiêm nghiệm.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Miên man ký ức Tết

Ông ngồi đó, giữa căn phòng gọn gàng, ngăn nắp và đầy ấm áp nhìn ngắm sự trưởng thành của những đứa cháu nội ngoại. Đôi khi ông cười hiền với những nghịch đùa trẻ thơ. Không biết ông đang nghĩ gì nhưng tôi cảm thấy ông đang thật sự thảnh thơi trong những ngày đón chào năm mới, dù bên cạnh ông là cơ man thuốc cho đủ mọi loại bệnh tật trong người.

Cả một đời làm nghề và say nghề, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại như hình bóng một cây đại thụ. Và những câu chuyện của ông, kể cả đã đi vào trang sách hay chỉ đơn giản là một câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, cũng là một bài học về nhân sinh, về cuộc đời mà ông đã trải nghiệm, đã đi qua…

1. Vẫn luôn là cái hóm hỉnh đầy tinh tế, vẫn là sự khéo léo đầy trìu mến, vẫn là sự ân cần đầy chân tình, nhà văn Ma Văn Kháng luôn là một người không bao giờ làm mất lòng ai.

Nửa thế kỷ cầm bút với gần 20 cuốn tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một biểu tượng của cuộc đời lao động viết văn không mệt mỏi. Những tác phẩm của ông đã đi vào dòng chảy văn học Việt Nam với những dấu ấn đậm nét: “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Một mình một ngựa”, “Bóng đêm”, “Bến bờ”, “Chuyện của Lý”…

Cho đến nay, trong chồng bản thảo dày cộp ông đang lưu giữ, vẫn còn có nhiều tác phẩm dở dang cần hoàn thiện, nhưng ông vẫn đang xếp vào một góc bởi sức khỏe không cho phép.

Ông thủng thẳng: “Cụ Nguyễn Tuân, văn sĩ bậc nhất nước ta có nói một ý rất hay: Sống tích cực có nghĩa là phải viết nó lên trang giấy. Thế là tôi nổi nhiều cơn hứng bất tử. Chẳng hạn như năm 2009, sau khi viết xong tiểu thuyết “Một mình một ngựa” tôi bị ốm một trận dài và phải vào nằm viện điều trị. Tuổi đã cao, lại mang bệnh trọng nên ra viện thì đành tặc lưỡi: Thôi, đã đến lúc kết thúc mọi dự định viết lách được rồi. Nhưng rồi, rốt cuộc hóa ra cũng không phải. Văn chương là cái quái gì mà nó quyến rũ mê mẩn, nó như ma ám quỷ giục người ta thế! Thành ra, động mạch vành bị tắc, đã đặt vào đó 3 cái stent (giá đỡ) rồi, vậy mà, ngồi dậy được, nhúc nhắc chân tay được, là lập tức lại tìm đến trang giấy, cái bút. Sau đó vẫn có 3 cuốn thiểu thuyết khác lần lượt ra đời…”.

2. Nhà văn Ma Văn Kháng là người sống với nhiều hoài niệm, đặc biệt là những ngày Tết cận kề, phố xá ngược xuôi với rất nhiều đổi thay giao mùa. Trong cái đủ đầy, ông thường nhớ đến những cái tết thời còn gian khó, thiếu thốn.

Cứ độ hai mươi tháng Chạp, chưa đến tết ông Công ông Táo, mậu dịch đã dựng rạp bán lá dong, và các cửa hàng đã căng băng đỏ dán chữ vàng quầy hàng bán Tết, thế là Tết đã về.

Đối với thời ấy, Tết, đó là những ngày thật đặc biệt, là một khoảng thời gian tách ra khỏi chuỗi ngày bình thường đều đều.

Tết đến trong tâm tư rộn ràng của mỗi người, trong niềm vui sum họp, trong những cảm xúc thiêng liêng, trong phấp phỏng hy vọng, trong khắc khoải chờ mong một cái gì đó thật mơ hồ và vô cùng đẹp đẽ.

Ông đã công tác ở Lào Cai 24 năm, cả một năm trời xa cách gia đình, trừ những năm tháng chiến tranh ác liệt, còn thì những ngày Tết đều cố gắng tranh thủ về sum họp cùng vợ con. Từ Lào Cai về Hà Nội hơn 300 cây số, chỉ có mỗi con đường sắt được khôi phục sau hòa bình lập lại 1954.

Kỷ niệm nhớ nhất là những ngày đêm chen chúc và hăm hở trên các toa tàu đông ken, đầy than bụi, đường tàu luôn bị ngắt quãng vì máy bay Mỹ đánh phá, để trở về ăn Tết với họ hàng gia tộc quê hương.

Rồi sau đó là những đêm bịn rịn chia tay vợ con, lên tàu trở về nơi công tác. Lên đường, nhớ thương hòa trộn với khát vọng mãnh liệt giục giã ở nơi chân trời xa, cái Tết nó như là một khoảng lặng, một dấu mốc, một cuộc lên đường mới.

Nói đến Lào Cai, nhà văn Ma Văn Kháng kể lại chuyến lên đường định mệnh đã gắn bó ông với mảnh đất miền núi đầy yêu thương ấy. Mảnh đất đã mang lại cho ông một cái tên, một sự nghiệp văn học lẫy lừng: “Hôm ấy đã là hai mươi chín tháng Chạp, sắp đến Tết Ất Mùi. Xung quanh đã rộn ràng không khí đón xuân. Vậy mà cả đoàn không một ai nghĩ đến cái Tết và gia đình. Chỉ một hăm hở hướng về cái đích phải tới, nơi lập nghiệp, nơi thử thách ý chí trai trẻ.

Ngày đầu tiên đi bộ chúng tôi tới Báo Đáp. Nắng hanh vàng rười rượi trên các khu đồng đã gặt. Ngày thứ hai chúng tôi qua một chặng đường nữa, tới Trái Hút, bắt đầu xâm nhập vào miền rừng Tây Bắc. Núi non xanh đằm ngờm ngợp, mịt mùng.

Tìm một nhà dân bên đường, chúng tôi xin vào ở nhờ và nấu ăn. Đồng bào đón tiếp rất niềm nở, vẫn là cái nền nếp có từ kháng chiến: Bộ đội, cán bộ đi công tác, đến nhà dân nào cứ việc vào chào hỏi và xin ăn ở là được. Không bao giờ có sự từ chối và tính đếm. Không ngờ, chiều đó cả đoàn lại được đồng bào cho ăn cỗ 30 Tết!

Bất ngờ nữa là sáng hôm sau, còn tinh mơ, ông Chủ tịch xã đi mời cả đoàn ra dự mít tinh đón năm mới, hát Quốc ca. Bịn rịn, ra đi không được vì bà con nhất quyết giữ, thế là chúng tôi phải ở lại đây ăn Tết mồng Một với dân làng.

Hôm sau, mồng Hai Tết chúng tôi lên đường đi Bảo Hà. Từ đây, đường là đường mòn trên nền đường sắt cũ đã bóc dỡ trong tiêu thổ kháng chiến từ năm 1946. Tràn lấn ra mặt đường là lau lách cỏ dại, hoang vu, vắng vẻ.

Con đường nhỏ mờ mờ ẩm ướt gập ghềnh, len lỏi. Thi thoảng mới lại gặp một vài cán bộ đi bộ, dắt xe đạp. Xe đạp đi được đoạn nào thì tranh thủ đi, không là dắt. Sau này nhiều lần tôi đã đi xe đạp từ Lào Cai về Yên Bái và ngược lại.

Muốn đi xe đạp được đoạn đường này phải biết bơm và vá xe lấy. Vì hiệu sửa xe không có. Gặp lúc săm bị thủng, phải tự móc lốp tìm chỗ thủng rồi thay vì đánh giấy ráp, bôi nhựa vá, phải kiếm lấy con nhái lột da nó ra làm thành miếng vá, áp vào chỗ thủng hoặc giả phải lấy kìm kẹp chỗ săm thủng kéo dài ra, rồi lấy chỉ quấn thít thật chặt chỗ đó lại... Đó là những năm tháng gian khổ nhưng đầy niềm vui, đầy sự háo hức, niềm tin và lạc quan tuổi trẻ”.

Cũng tại mảnh đất này bút danh Ma Văn Kháng đã ra đời. Có người nghĩ rằng, đó là một cuộc “hóa thân” của ông, nhưng nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định bút danh đó chỉ là một sự tình cờ.

Ông kể: “Hồi ấy, trong những ngày làm công tác thuế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc, tôi quen anh Ma Văn Nho. Anh Nho người Kinh, quê ở Ấm Thượng, Yên Bái. Vùng ấy, có một dòng họ Ma là người Kinh, là Phó Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng.

Trên vai anh toòng teng cái túi vải xanh trong đựng xấp công văn tài liệu mà chẳng mấy khi thấy anh giở ra xem. Quan trọng trong ấy có lẽ chỉ là mấy cuốn sách giáo khoa toán lớp 5, đi đâu anh cũng mang theo sách để học.

Anh học thật sự chứ không phải học vì phong trào, học lấy mẽ. Đồng bào gọi anh là “Pú Nho! Pú Nho”.

Anh có khả năng trò chuyện thân mật nên bà con bảo: “Pú Nho nói có hơi giọng dài, nghe rất dễ hiểu. Hơn là cán bộ Kháng nói còn khó hiểu”.

Thôi thế là tôi tìm thấy thần tượng sống động của tôi rồi. Một cán bộ xông pha trong phong trào, một con người khiêm nhường nhưng tiềm ẩn bên trong cái khí lực của cả khối quần chúng công nông, cái hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của đời sống cần lao.

Làm thuế nông nghiệp ở Tùng Tung ít lâu thì căn bệnh sốt rét tôi mắc từ thời ở Việt Bắc, những tưởng đã tiệt nọc sau mấy năm ở Trung Quốc, tái phát.

Sốt rét trong hoàn cảnh ở thôn xóm đồng bào dân tộc làm gì có thuốc thang. Thấy tôi nằm liệt mấy ngày, anh Ma Văn Nho liền tức tốc đi vào Cam Đường, tìm gặp ông Sơn, một y tá từ thời Pháp. Ông Sơn tiêm cho tôi hai ống Quinofort de la croix, bệnh dứt hẳn.

Anh Ma Văn Nho đã là thần tượng của tôi, nay còn là ân nhân của tôi Tôi kết nghĩa anh em với anh và đổi sang họ Ma - Ma Văn Kháng. Cái tên Ma Văn Kháng có xuất xứ là thế, chứ không phải là bút danh đặt ra cho nó có màu sắc miền núi khi bắt đầu sáng tác văn học”.

Nói về chuyện Tết, nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rằng, có những cái Tết trong cuộc đời khiến người ta không bao giờ quên được, dù có bao nhiêu sự kiện đã đến, đã xảy ra: “Tôi nhớ da diết chiều hôm ấy, 29 Tết Quý Hợi, tôi ngồi cắn bút, vẳng nghe tiếng pháo từ phố phường xa xa vọng về. Gió rét căm căm. Tôi ngồi co ro ở căn buồng trong.

Một lát, cửa mở, ào vào ba cái măng tô-san và rộn lên tiếng phụ nữ nói cười. Vợ tôi và hai bà chị dâu, chị Nguyễn Thị Liên vợ anh Đinh Trọng Lạc, chị Nguyễn Kim Thành, vợ anh Định Trọng Cảng, đi chợ Tết về. Ngổn ngang trên sàn, rối tinh rối mù là mứt, bánh, kẹo, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa nem, đậu xanh, mì chính, hạt tiêu... toàn những thứ mua bằng tem phiếu, như một bức tranh tĩnh vật đủ màu sắc tết nhất!

Chà, còn gì vui bằng đi chợ Tết! Còn gì thích hơn là được nghe các chị tíu tít chuyện trò về giá cả chợ búa tết nhất! Và thế là ý nghĩ đầu tiên về cuốn tiểu thuyết về đề tài gia đình đã được sinh thành. 30 Tết Quý Hợi, tức 12/2/1983, tôi bắt tay vào viết cuốn “Mùa lá rụng trong vườn”.

Viết hối hả trong cả mấy ngày Tết. Những gì đã có, tưởng như đã chìm đắm vào lãng quên mà hóa ra không phải, chúng vẫn còn ở đâu đó trong ký ức, chỉ cần khẽ cất lời huy động là lập tức có mặt, hiện lên thành câu thành chữ trên trang viết ngay.

Sau Tết, từ ngày 1/3/1983, công việc theo đà tăng tốc đến chóng mặt. Cuối tháng 6/1983, tôi nộp bản thảo đầu tiên cho Nhà xuất bản Phụ nữ”.

Nhiều người nói rằng, sống đã rồi mới viết, với nhà văn Ma Văn Kháng, đời sống và đời viết là một cuộc song hành. Bởi vậy ông thích triết lý của Khổng Tử, ông thánh của đạo Nho: “Ta, lúc 15 tuổi đã để chí học hành. 30 tuổi đã đứng vững. 40 tuổi nhận thức không lầm lẫn. 50 tuổi mới hiểu được mệnh trời. 60 tuổi thuận lợi mọi điều. 70 tuổi tự do hành động mà không trái phép tắc quy luật”.

Nhà Văn Ma Văn Kháng đã ở tuổi ngoài 70 và ông vẫn đang tận hưởng những mùa xuân của đời mình những ngày tròn vẹn nhất...

Trần Hoàng Thiên Kim
(antg.cand.com.vn)