Nhà phê bình – giám khảo Nguyên Lê: “DANAFF: NHỎ MÀ CÓ VÕ”
BGK Hạng mục trao giải Phê bình phim châu Á trên thảm đỏ khai mạc của DANAFF III. Từ trái qua phải: Nhà phê bình Adrian Jonathan Pasaribu, nhà phê bình Nguyên Lê, và nhà báo Nguyễn Phong Việt. (Ảnh: BTC)
- Kỳ DANAFF năm ngoái, anh tham gia với tư cách khách mời, nhưng năm nay lại giữ vai trò là GK của một hạng mục trao giải. Điều này đã thay đổi nhận định của anh thế nào về DANAFF?
NPB Nguyên Lê: Sự thay đổi này cho tôi thấy rõ ràng là DANAFF mong muốn phát triển bền vững. Nhiều người đã chúc mừng vì tôi đã được làm giám khảo rồi có quyền quyết định, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn và đáng để chúc mừng hơn đó là tôi đang làm giám khảo cho một hạng mục trao giải mới. Có nghĩa là nó cho thấy DANAFF đang phát triển rộng lớn hơn và kéo dài hơn nữa, từ 5 ngày đến 7 ngày và dĩ nhiên là nhiều phim hơn và nhiều suất chiếu hơn,
- Anh nhận xét như thế nào về chất lượng của những bộ phim châu Á dự thi năm nay? Và anh có gặp thách thức trong việc đưa ra quyết định bộ phim chiến thắng cho hạng mục Phê bình phim châu Á?
NPB Nguyên Lê: Tôi, anh Nguyễn Phong Việt và anh Adrian Jonathan Pasaribu (Trưởng BGK) là 3 người trong BGK của hạng mục Phê bình cho phim châu Á. Tất cả mọi người đều rất cảm kích khi được xem và nhận xét đến 16 bộ phim. Dĩ nhiên có những phim đến từ các quốc gia đã quá quen thuộc với khán giả Việt Nam và châu Á như Nhật hay Hàn Quốc. Nhưng rồi cũng có Uzbekistan chẳng hạn, và cả những cộng đồng mà chúng ta ít ngờ là họ cũng có thể kể được câu chuyện của họ bằng ngôn ngữ điện ảnh.
BGK Hạng mục Phê bình phim châu Á trao giải cho bộ phim Sunday của Uzbekistan tại DANAFF III. (Ảnh: BTC)
Những thách thức thì luôn có. Tôi xin chia sẻ phần nhận xét của 3 BGK hạng mục Phê bình phim châu Á cho bộ phim thắng giải là Sunday: “Trong 16 bộ phim của chương trình Toàn cảnh điện ảnh châu Á tại DANAFF III, Ban giám khảo chúng tôi đã chọn một tác phẩm tuy mộc mạc mà vẫn đủ sức khiến khán giả dịu lại khi đang xem, hiếu kỳ sau khi xem, và thêm cơ hội ngẫm nghĩ về mỗi ngày trong cuộc sống...”.
- Chương trình Vườn ươm dự án lần đầu tiên xuất hiện tại DANAFF năm nay, như một nỗ lực “chiến lược” nhằm xây dựng “cây cầu bền vững” kết nối với cộng đồng điện ảnh quốc tế. Anh đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình này?
NPB Nguyên Lê: Tôi rất là vui khi lần đầu DANAFF có chương trình Vườn ươm dự án. Nghĩa là DANAFF đang có thêm một sân chơi, và đang phát triển.
Tại Vườn ươm dự án năm nay, tôi rất vui khi gặp lại cô Sabrina Baracetti và ông Thomas Bertacche của LHP Viễn Đông Udine mà tôi đang làm cố vấn điện ảnh Việt Nam cho họ gần hai năm nay. Đây là lần đầu tiên họ đến DANAFF, và chia sẻ với tôi rằng rất ấn tượng với sự sáng tạo và trí tưởng tượng của người Việt Nam.
LHP Viễn Đông Udine cũng có một chợ dự án riêng mang tên Focus Asia. Cả hai đều nói rằng rất mong muốn được gặp lại những dự án này tại sân chơi của họ, để có thể chia sẻ với các nhà đầu tư và các nhà làm phim cũng như các nguồn lực sáng tạo khác ở châu Âu. Có thể mình sẽ về trắng tay. Nhưng sân chơi nào mình cảm thấy có mặt được thì cứ xuất hiện đi. Nhiều lúc cộng đồng không đến với mình, mà mình phải đến với họ.
- Tại hội thảo về Phát hiện và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh trẻ, PGS. TS. Hoàng Cẩm Giang cho rằng để phát triển một thế hệ điện ảnh mới của Việt Nam, ta còn cần phải nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của khán giả đại chúng. Vậy theo anh, cách nào để có thể làm được điều này? Và gu xem phim của khán giả đã thay đổi thế nào trong vòng 5 năm trở lại đây?
NPB Nguyên Lê: Tôi nghĩ tất cả mọi thứ sẽ bắt đầu bằng sự tò mò thôi. Sự tò mò như hạt giống, tò mò sẽ mở ra cho mình nhiều hướng khác để mà khám phá. Mình đã biết bộ phim đó rồi, nhưng rồi vì tò mò, mình sẽ xem lại nó nhưng với một hướng tiếp cận khác, rồi từ đó mình sẽ thấy nó khác. Cái nền tảng của sự nâng cao gu thẩm mỹ đó nằm ở sự tò mò thôi. Điện ảnh của mình hiện đang có nhiều thay đổi, với nhiều cách kể chuyện mới mẻ và tư duy làm phim hiện đại, sáng tạo, độc đáo.
Cảm nhận được những tác phẩm như vậy cần sự kiên nhẫn và thời gian. Tuy nhiên gu xem phim của khán giả trong vòng 5 năm trở lại đây hầu như lại chỉ muốn mọi thứ càng nhanh càng tốt, nó phải đến với họ ngay lập tức. Họ không muốn mất thời gian. Họ có tò mò chứ không phải là không, nhưng mà cái sự tò mò đó đã giảm dần. Thành ra là mọi thứ trở nên hối hả thêm.
- Nguyên chủ tịch LHP Quốc tế Busan ông Kim Dong Ho chia sẻ rằng LHP Busan sinh ra từ một nền điện ảnh “chẳng có gì, lỗi thời, chất lượng thấp” của Hàn Quốc trong quá khứ, rồi sau đó trở thành một LHP quốc tế uy tín. Vậy theo anh, DANAFF đang ở giai đoạn nào trên hành trình đó? Chúng ta đang thiếu điều gì để có thể đi xa như họ?
NPB Nguyên Lê: Đối với tôi, DANAFF có mặt tại thời điểm điện ảnh Việt Nam đang như là pháo hoa. Nghĩa là có những lúc nó sẽ rất đẹp mắt, và có những lúc sẽ rất khó đoán. Nếu nói là “đang thiếu điều gì” thì hầu hết các phim Việt Nam của mình đang thiếu cái tính quốc tế ở trong cách kể chuyện.
Mình đã thiết lập được ngôn ngữ điện ảnh như là một ngôn ngữ quốc tế, ngôn ngữ không biên giới. Nhưng khi khán giả quốc tế hoặc thậm chí là truyền thông quốc tế, đặc biệt là những cây bút viết về điện ảnh muốn tiếp cận với phim của mình lại cảm thấy không có đường nào để tiếp cận. Bởi vì khi họ muốn tới thì mình luôn “đóng cửa”. Tức là do mình chưa suy nghĩ tới họ trong cách kể chuyện của mình.
Nhiều bạn bè và thành viên quốc tế đã chia sẻ với tôi tại DANAFF khi xem phim Việt Nam rằng: “Tại sao các phim của bạn mang thể loại khác nhau nhưng cách kể chuyện lại giống nhau quá vậy? Tại sao lúc nào mới vào cũng lại là một cái Voice-over (kể chuyện bằng thuyết minh)? Và tại sao lúc nào một cái plot twist (cú ngoặt) cũng phải đến từ cái flashback (hồi tưởng) vậy?”
Các nhà làm phim trong nước thường cho rằng họ làm vậy vì muốn khán giả Việt Nam “hiểu và theo được câu chuyện”. Điều ấy khiến tôi suy nghĩ là: đối với họ, có lẽ khán giả duy nhất chỉ là khán giả trong nước mà thôi.
- Đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét DANAFF là “liên hoan phim quốc tế hàng đầu tại Việt Nam” và đã được bảo đảm tổ chức đến năm 2031. Trên cương vị giám khảo và là nhà phê bình từng tham dự nhiều LHP quốc tế, theo anh những điểm mạnh lớn nhất của DANAFF là gì, và cần ưu tiên điều gì để có thể thành điểm đến cần thiết của toàn điện ảnh châu Á?
NPB Nguyên Lê: Tôi thấy điểm mạnh lớn nhất của DANAFF là “nhỏ mà có võ”. DANAFF có một sự tập trung nhất định và tất cả mọi người đều cảm thấy di chuyển từ điểm này qua điểm khác để đến các sự kiện giúp họ không chỉ biết thêm về Đà Nẵng một cách rất là dễ dàng, mà họ còn thấy cái quán tính và năng lượng mà họ sẵn lòng dành cho LHP sẽ không có bị phai đi nhiều vì sự di chuyển.
Và tất nhiên do Đà Nẵng là một thành phố biển nữa, và bạn bè tôi hay nói là DANAFF dù chỉ là một LHP Châu Á thôi nhưng nó vẫn có thể có sức hút lớn bằng những LHP mang quy mô quốc tế như Busan hay Cannes nếu ta đi đúng hướng. Tôi rất tự tin vào điều này.
Tôi mong rằng nó phát triển về nội dung chứ đừng chỉ phát triển về hình thức quá. Điều này giống với việc làm các bộ phim nhiều phần, đó là phần sau cứ muốn phải làm vĩ đại hơn phần trước, nhưng vấn đề ở đây là càng làm lớn ra thì mọi thứ càng loạn và choáng ngợp.
Đối với tôi thì cái sự choáng ngợp sẽ như một con sóng vậy, nó đến rồi nó qua, qua xong rồi mình sẽ thấy không còn gì. Nhưng nếu mình cứ tự tin tiếp tục vững chãi xây dựng với những gì mình sẵn có và đặc biệt là phần nội dung phim mình càng lúc càng tốt hơn, không cần phải nhiều phim hơn, thì nó sẽ cứ đều đều sóng vỗ vậy. Nhưng mỗi lúc một dài và sâu hơn. DANAFF thừa sức như thế, và nếu đã được đảm bảo tổ chức đến năm 2031 thì nghĩa là ta có 6 cơ hội để liên tục cải thiện.
-Anh có những kỳ vọng nào cho mùa DANAFF tiếp theo?
NPB Nguyên Lê: Tôi là thành viên Hội Phê bình phim quốc tế FIPRESCI. Tổ chức này thường có mặt tại các LHP, trao giải riêng cũng như viết phê bình về LHP, về bộ phim họ trao giải cũng như về thị trường điện ảnh của quốc gia đó. Tôi mong là mùa DANAFF kế tiếp có thể mời được các thành viên của FIPRESCI để họ có thể dõi theo ta.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong kỳ DANAFF sau sẽ có mục phim ngắn tham gia trình chiếu hoặc dự thi luôn nếu có thể. Nhiều bạn trẻ làm phim hay giáo viên của các bạn nên có cơ hội để biết và tiếp xúc LHP để thấy toàn cảnh hơn về nền điện ảnh Việt Nam hiện tại, biến DANAFF trở thành điểm đến cho phim sinh viên, tạo cơ hội cho các sinh viên kết nối, giao lưu, biết thêm về ngành điện ảnh.
-Xin cám ơn anh!