Nguyễn Văn Xuân toàn tập - Một "Di sản chữ" của đất Quảng

28.12.2020
Bùi Văn Tiếng
“Di sản chữ” là cách nói - cũng là cách đánh giá giàu sức gợi - của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong buổi ra mắt bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập tổ chức tại Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng vào sáng ngày 22 tháng 12 vừa qua.

Nguyễn Văn Xuân toàn tập - Một "Di sản chữ" của đất Quảng

Nếu như năm 2013 người Đà Nẵng đặt tên Nguyễn Văn Xuân cho một con đường ở quận Cẩm Lệ nhằm vinh danh quá trình lao động nghệ thuật/học thuật gần bảy mươi năm của một nhà văn hóa Đất Quảng - tính từ năm 1938, khi Nguyễn Văn Xuân cơ bản hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Bão rừng, hay từ năm 1939, khi tác phẩm đầu tay của Nguyễn Văn Xuân là truyện ngắn Bóng tối và ánh sáng được Tạp chí Thế giới ở Hà Nội chọn đăng và trao giải nhất về truyện ngắn, thì sáng kiến sưu tầm hầu hết sáng tác văn chương và công trình khảo cứu văn hóa của Nguyễn Văn Xuân để biên soạn và xuất bản bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập cũng là cách tiếp tục vinh danh người đã trao truyền cho hậu thế một “di sản chữ” đồ sộ, phong phú rất đáng trân trọng, đưa Nguyễn Văn Xuân trở thành người Quảng thứ ba - sau hai bậc tiền bối Phạm Phú Thứ và Phan Châu Trinh - được xuất bản toàn tập tác phẩm.

Nguyễn Văn Xuân toàn tập gồm bảy tập, được in ấn chỉn chu và kịp thời ra mắt độc giả trước thềm năm mới 2021 - cũng là thời điểm tròn 100 năm năm sinh Nguyễn Văn Xuân, là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Nhà xuất bản Hội Nhà văn mà chủ công là Chi nhánh Miền Trung và Tây Nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi ra mắt bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập, có sự hiện diện của rất nhiều trí thức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật đến từ Hà Nội như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân, Y Ban, Lê Thiết Cương, Nguyễn Đình Toán…; từ Thừa Thiên Huế như Nguyễn Khắc Phê, Võ Quê, Bửu Nam, Phạm Phú Phong…, hay từ quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng của Nguyễn Văn Xuân như Thái Bá Lợi, Huỳnh Văn Hoa và Hồ Sỹ Bình trong ban biên soạn, như Đông Trình, Huỳnh Hùng, Lê Trâm, Nguyễn Nho Khiêm, Trương Văn Ngọc, Lê Anh Dũng, Đinh Thị Như Thúy, Trần Quế Sơn, Nguyễn Duy Khoái… Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đã thức mấy đêm liền để in hàng chục tấm ảnh đen trắng khổ lớn về Nguyễn Văn Xuân và mang vào trưng bày trong buổi ra mắt sách. Tất, tất cả đều thể hiện sự ngưỡng mộ đối với tài năng và nhân cách của Nguyễn Văn Xuân; đồng thời thể hiện sự chào đón nồng nhiệt đối với bộ sách quý Nguyễn Văn Xuân toàn tập.

Phát biểu ý kiến tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - người có công đầu trong việc sưu tầm và biên soạn bộ sách 12 tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, cho rằng mình rất có hứng thú khi được mời tham gia ban biên soạn Nguyễn Văn Xuân toàn tập, khẳng định đây là một hướng đi đúng đối với một vùng văn học có nhiều đóng góp nhưng chưa được quảng bá đúng mức như Đất Quảng, từ đó đề nghị thời gian đến giới văn bản học nên tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hướng đi này. Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao tư duy tiểu thuyết của Nguyễn Văn Xuân trong Bão rừng, cho rằng trên mặt bằng tiểu thuyết Việt Nam thời điểm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, hoàn toàn có thể ghi nhận đóng góp đáng kể và đáng nể của Nguyễn Văn Xuân qua Bão rừng - cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về số phận lưu đày cùng khổ của những người Việt bị mộ phu lên vùng đất mới Tây Nguyên thời thuộc Pháp.

Tác giả bài viết đang phát biểu tại buổi ra mắt Nguyễn Văn Xuân toàn tập.

Có thể nói với sự ra đời Nguyễn Văn Xuân toàn tập, giới nghiên cứu văn chương và sử học có thêm một công cụ hữu ích, đúng nghĩa là “di sản chữ”, để nghiên cứu về văn chương và lịch sử Đàng Trong nói chung, về văn chương và lịch sử Đất Quảng nói riêng, nhất là đối với các đề tài nghiên cứu về sự nghiệp văn chương và học thuật của bản thân Nguyễn Văn Xuân. Hiện nay đã có nhiều người làm luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ chọn sáng tác và trước tác Nguyễn Văn Xuân để đi sâu nghiên cứu, chẳng hạn như Phan Thị Thu Hồng với luận văn thạc sĩ Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954-1975 bảo vệ năm 2008 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, như Trương Thị Thủy với luận văn thạc sĩ Đặc điểm văn xuôi Nguyễn Văn Xuân bảo vệ năm 2012 tại Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng… Mới đây nhất, ThS. Vũ Đình Anh giảng dạy tại Học viện Chính trị Khu vực III - người đang làm luận án tiến sĩ về Nguyễn Văn Xuân - đã chủ trì nghiên cứu đề tài Tác phẩm Nguyễn Văn Xuân dưới góc nhìn lịch sử, mở ra một hướng nghiên cứu phù hợp với đặc điểm văn sử bất phân trong tác phẩm Nguyễn Văn Xuân. Có Nguyễn Văn Xuân toàn tập trong tay, rõ ràng các nhà nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc trích dẫn tư liệu cũng như trong việc tổng quan đánh giá…

Nguyễn Văn Xuân toàn tập được ban biên soạn dày công sưu tầm cùng với sự hỗ trợ tích cực của gia đình nhà văn, xứng đáng là một tập đại thành về sưu tầm sáng tác và trước tác của nhà văn Đất Quảng từng được Hội Nhà văn Việt Nam truy tặng Giải thưởng Cống hiến lần thứ nhất vào năm 2017. Tuy nhiên dẫu cố gắng đến mấy thì do thời gian lao động nghệ thuật/học thuật kéo dài gần bảy mươi năm với bao nhiêu biến thiên của lịch sử, chắc chắn vẫn còn một số sáng tác và trước tác của Nguyễn Văn Xuân chưa kịp tìm thấy để đưa vào Toàn tập. Ở đời không nên tham vọng, nhưng những người yêu quý tài năng và nhân cách Nguyễn Văn Xuân vẫn có quyền tham vọng rằng trong tương lai không xa sẽ có thêm tập 8 Nguyễn Văn Xuân toàn tập nhằm tiếp tục sưu tầm cho rốt ráo những tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân chưa kịp đưa vào bảy tập đầu./.

B.V.T