Người trở về đảo

22.09.2023
Sơn Trần
Hảo quyết định trở về đảo sau ba năm tốt nghiệp đại học và ngần ấy thời gian trải nghiệm ở bệnh viện tỉnh. Bạn bè biết tin, khuyên anh cố gắng trụ lại, dù sao ở đất liền cũng có nhiều cơ hội thăng tiến và đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn dễ dàng hơn. Anh mỉm cười, không nói gì nhưng thực tâm trong lòng anh vẫn nhiều trăn trở, băn khoăn.

Người trở về đảo

Minh họa: VĂN TIN

Trở về đảo là về với quê hương. Nơi ấy có mẹ cha, có những người thân yêu đang chờ anh. Nơi ấy có con đường chạy dọc bờ biển, tuổi thơ anh và bạn bè dệt nên biết bao kỷ niệm của những trưa bỏng rát nắng hè, của những chiều ngùn ngụt mưa đông... Việc ở lại thành phố hay trở về đảo khiến anh nhiều đêm suy nghĩ. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, nhiều bệnh viện sẵn sàng chào đón anh. Trong thời gian tập sự, có đến mấy bệnh viện tư nhân thuyết phục anh với chế độ đãi ngộ khá cao nhưng anh đều từ chối.

Con người đôi khi có những nỗi bận tâm, khó cắt nghĩa rạch ròi, tường tận. Một công việc tốt, ổn định, ở nơi đầy đủ điều kiện. Một chốn về yêu thương, nơi được sinh ra, lớn lên và từng gắn bó. Sự lựa chọn giữa đi và ở bao giờ cũng là đánh đổi, miễn trái tim mình lên tiếng, miễn tâm hồn mình được bình yên. Và Hảo đã có lời giải đáp cho hướng đi của cuộc đời mình.

Hảo rời nhà trọ trong buổi sáng đẹp trời. Con hẻm nhỏ nằm ở rìa thành phố, mỗi ngày mấy lượt đi về đã tiễn chân anh. Thời gian tuy chưa dài nhưng với Hảo ở nơi đây cũng trở nên thân thuộc. Chị bán xôi đầu hẻm, biết chàng bác sĩ trẻ thích xôi xéo rắc thêm dăm bông. Chú bán vé số, cứ chiều qua hẻm là chìa xấp vé trước mặt anh. Anh thân thiện hỏi thăm đôi câu và mua giúp vài tờ. Vợ chồng cán bộ hưu trí từ quê lên phố ở với con cháu, mỗi sáng sớm dắt nhau đi tập thể dục quanh hồ sinh thái. Cô gái phụ quán trà sữa, ngoài hai mươi tuổi, dạn dĩ hay bông đùa, trêu chọc mỗi khi anh đi làm về... Hảo vội vã bước nhanh như thể nếu chần chừ là có thể bị ai đó bắt anh quay lại vậy.

Trở về đảo để làm việc, dù bất cứ giá nào. Suy nghĩ này xuất phát từ khi Hảo biết tin trúng tuyển vào đại học y khoa và ý định này được bảo lưu đến bây giờ. Hảo sinh ra và lớn lên ở đảo, nơi y tế còn khó khăn, ngay từ nhỏ anh đã chứng kiến người dân đau ruột thừa hay phụ nữ mang thai cần mổ cấp cứu giữa mùa mưa bão mà không thể vào đất liền, phải chấp nhận nhiều rủi ro khi phẫu thuật trên đảo. Mới đây, một người dân ở đảo bị tai biến, vào bệnh viện trong đất liền để chữa trị, bác sĩ tiên liệu khả năng xấu sẽ xảy ra đành khuyên người nhà đưa bệnh nhân trở về đảo để được trút hơi thở cuối cùng tại nơi mình sinh ra... Hảo và bao người dân trên đảo đều chung suy nghĩ là phải có bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế được đầu tư để người dân yên tâm khám chữa bệnh mà không phải băn khoăn nhiều nữa. Ước mơ trở thành bác sĩ lớn dần trong anh theo ngày tháng. Tuy nhiên, quê đảo còn nghèo, người khôn việc khó. Mỗi năm, sinh viên ra trường nhiều mà nhu cầu tuyển dụng chỉ một phần mười trong số ấy. Và dù họ rất muốn làm việc ở đảo để tiện chăm sóc cha mẹ, phục vụ quê hương nhưng sau nhiều lần ngược xuôi, nghĩ suy, nhiều người quyết định rời quê. Hành lý họ mang theo là khát vọng tuổi trẻ và mớ kiến thức chuyên ngành học được. Cuộc sống xa nhà, thiếu vắng tình thân nơi vùng đất lạ khiến nhiều người tủi thân, bao lần rơi nước mắt. Nhưng rồi niềm tin, nghị lực tuổi trẻ đã giúp họ trụ lại, để kiếm tìm cơ hội.

Hảo thức dậy khi mặt trời lên quá con sào. Nhà hướng mặt ra biển. Gió sớm mơn man, mát rượi. Từng luồng nắng trong vắt phả xuống mặt biển sáng lấp loáng. Anh đi ra ngõ, đứng trên bậc đá phẳng lì dẫn xuống bến. Từng mỏm đá, gốc cây xung quanh đều ghi dấu bao kỷ niệm về tuổi thơ của anh và tụi bạn cùng xóm. Bọn chúng giờ cũng mỗi đứa mỗi nơi, đứa ở Sài Gòn, Đà Nẵng, đứa lên tuốt Tây Nguyên, có đứa an phận với nghề biển. Hôm trước nghe anh về, có mấy đứa học chung cấp ba ghé chơi, hẹn nhau tụ tập. Bất giác, Hảo mỉm cười khi nhớ về ngày trước. Cuộc sống xứ đảo bình yên. Con người sống với nhau rất chân tình, mộc mạc. Cái giường tre đặt ở hiên nhà là nơi ngủ nhờ một thời của lũ bạn. Cứ mỗi trưa hè rủ nhau đi bắn chim hay ra gành tìm cua, bắt ốc rồi về chế biến các món. Ăn xong là tranh nhau chiếc giường tre đánh một giấc quên trời quên đất.

Hảo bước lần xuống mép nước. Sóng tung bọt trắng liếm vào chân mát rượi. Biển mùa thu trong vắt, tĩnh lặng, những chiếc tàu chuẩn bị nhiên liệu và ngư cụ ra khơi. Bến có đến hàng chục tàu cá dập dềnh theo từng nhịp sóng. Với ngư dân, Hảo hiểu rằng biển đối với họ là nhà, là sự sống, là hơi thở. Mùi vị tanh nồng của biển đã lặn sâu vào từng thớ thịt của họ. Họ gắn cuộc đời mình với biển cả. Họ tự tin trước muôn ngàn đợt sóng. Trên hành trình dài dằng dặc, có thể nhiều bất trắc xảy ra, nhưng là nghề của cha ông, họ không thể bỏ mà vẫn đương đầu.

 Cha từ dưới bến đi ngược lên. Hảo nhìn cha, trông cha không còn khỏe mạnh. Bước chân đặt lên từng bậc đá không còn vững chãi. Anh rảo theo. Chợt giật mình, nghe nhói trong lồng ngực khi nhìn đôi tay rám nắng săn chắc ngày nào của cha nay đã nhão ra, bấu chặt bó lưới. Anh đỡ bó lưới rối bời xuống. Mùi cá tanh khiến anh chun mũi. Cha anh tươi cười: “Bộ quên mùi vị của biển rồi hả con?”. Anh cười khì, lảng tránh, muốn ôm chầm lấy cha. Mẹ ra chợ sớm cũng vừa về. Tiếng chó sủa mừng. Tiếng gà nhảy ổ xôn xao. Cả tiếng gió lao xao trong vòm xanh của cây bàng vuông trước ngõ. Tất cả tạo thành bản hòa âm vui nhộn, quen thuộc khiến lòng anh ngập đầy cảm xúc.

Chiều đã chênh chếch nắng, sắc vàng rải khắp nơi. Hơi nóng cũng đã dịu dần. Biển êm ả, một màu xanh thẫm. Xa xa, những con thuyền bềnh bồng theo từng nhịp sóng. Hảo thả bộ dọc con đường chạy xuyên qua những cồn cát, có những dây hoa muống biển bò lan triền cát, tím biếc một màu nhung nhớ. Những ruộng tỏi đã thu hoạch xong. Người ta gối vụ bằng những đám dưa hấu, đã nhú lên màu xanh non. Nhiều khoảnh ruộng, xong vụ tỏi là tiếp mùa hành. Ngắm nhìn màu xanh của biển, của ruộng nương, của triền đồi thoai thoải miền cỏ non, Hảo thấy lòng bình yên, nhẹ nhõm.

Vòng khắp xóm, thăm mấy nhà họ hàng xong, Hảo ra gành đá ngồi đợi hoàng hôn. Trước biển trời bao la anh cảm thấy yêu hơn mái nhà bình dị, quý thương hơn với con người xứ đảo chân chất, mộc mạc. Nụ cười của cha, ánh mắt của mẹ dành cho anh khiến bao lần anh nhung nhớ.

Cảnh đảo giờ khắc giao thoa giữa ngày và đêm trở nên mênh mông và huyền ảo. Từng cơn gió mang theo hơi mặn rin rít đôi cánh tay và táp vào mặt, khó chịu. Mấy con chim biển chưa kịp về nơi an trú hốt hoảng bay khi va cánh vào lùm cây rộng tán. Biển ầm ào từng đợt sóng. Xa xa, những ngọn đèn lấp lánh như ngàn vì sao sà xuống gần mặt biển. Hảo đứng dậy, vươn vai rồi hướng về Âm Linh Tự. Trong đấy, đèn nến chập chờn, các cụ già khăn áo chỉnh tề, chuẩn bị tế lễ, bố cáo trời biển, tiền nhân. Hảo chưa vội vào. Anh đứng trước cổng, lác đác vài bóng người đang đến, đi vào khoảng sân rộng, đã lố nhố mấy đứa con nít ngồi chờ. Chợt, giữa lúc mọi người đang xôn xao trước giờ hành lễ, tiếng ốc u vang lên, ngân vọng một điệu hồn trầm buồn, da diết. Hảo nhìn quanh như thể tìm kiếm điều gì. Mà quả thật anh đang nhớ những ngày còn nhỏ, nhớ những câu chuyện được dệt lên từ huyền tích xa xưa về Hải đội Hoàng Sa, về hòn đảo tiền tiêu còn hoang sơ nhưng đầy lãng mạn.

Hảo quay về lúc buổi lễ sắp xong. Cha đón anh ở cổng, nụ cười hiền lấp lóa dưới ngọn đèn đường hắt bóng. Ngồi trên tảng đá thay bậc thềm, Hảo lặng lẽ nhìn xung quanh, lòng dậy lên nỗi niềm khôn tả. Cha súc ấm, pha trà. Mẹ cặm cụi bên đống lưới rách. Trời yên biển lặng nên âm thanh của sóng rất dịu hiền. Thật lạ, nhiều năm xa đảo, chỉ trở về vào dịp lễ, tết nhưng trong lòng Hảo luôn hoài vọng, nhớ nhung. Anh có thể mường tượng ra biển sẽ như thế nào khi nghe tin thời tiết các vùng. Mỗi lần như thế anh đều gọi điện về cho mẹ. Mẹ anh, bao giờ cũng thế, nói chưa hết câu đã thổn thức. Tiếng nấc nghẹn của mẹ lẫn cùng tiếng gió, tiếng sóng u u khiến lòng anh không yên.

- Ngày mai, con đã nhận việc rồi ạ! - Hảo hào hứng báo tin.

- Thiệt hả con? Sao nhanh vậy?

Cha hoài nghi nhưng niềm vui đã kịp ngời lên khóe mắt. Mẹ ngừng tay, nhìn anh trìu mến. Hảo muốn ào tới ôm bờ vai gầy guộc của mẹ, nói vài câu gì đấy nhưng thực sự lúc này anh mở lời không được, trước mắt anh mọi vật như nhòa hẳn đi.

Hảo buông màn, chui vào giường còn nói vọng ra: “Con ngủ sớm đây ạ!”. Ngoài kia, biển vẫn ru giấc yên bình.

(QNO)