Ngô Văn Phú: Thi sĩ của đồng quê

11.04.2016


Ngay từ những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Ngô Văn Phú đã được biết đến trong lĩnh vực văn xuôi và thơ ca. Ông từng đoạt giải văn xuôi của Báo Văn học năm 1958, giải thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1961, giải ca dao của Báo Văn học năm 1962. 
Sau này, ông mở rộng “trường” hoạt động văn học của mình sang lĩnh vực chuyển ngữ thơ từ tiếng Hoa và từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Hiện ông là một trong ít người có số lượng sách xuất bản vào loại đồ sộ: Trên 200 đầu sách, bao gồm 26 tiểu thuyết, 34 tập truyện ngắn, 28 tập thơ, trên 100 tập dịch thuật, biên soạn, biên khảo... Ông bảo: Bây giờ mà ngồi chép lại sách của mình đã xuất bản, cũng đủ mệt.

Ngô Văn Phú: Thi sĩ của đồng quê

Hồi còn đang theo học dưới mái trường phổ thông, tôi đã nhớ bốn câu ca dao nổi tiếng của ông trong sách giáo khoa: "Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây/ Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng".     

Tôi xin đọc 2 câu nói về sự hóm: "Người xinh cái dáng cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn" và 4 câu nói về sự xa xót: "Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!". Dùng từ láy đến tỉnh tình tinh để gói ghém và mở ra như thế thì cha ông mình tài quá!”.Có lần, để giúp bạn đọc phân biệt sự khác nhau giữa ca dao với thơ, cụ thể là thơ lục bát và sự mê hoặc của ca dao, nhà thơ Ngô Văn Phú nói: “Ca dao thường có cách nghĩ dân dã, dung dị và ít tính cá nhân hơn thơ. Bài ca dao đoạt giải của tôi tuy có hình thức ca dao nhưng lại có tứ của một bài thơ ở dạng tứ tuyệt. Còn để mà thích ca dao dân gian thì biết dẫn chứng, biết kể bao nhiêu cho vừa, cho đủ. 

Sau nhiều năm xuất hiện trên thi đàn, không ngờ người lành hiền như ông mà cũng có lần gặp… nạn. Đầu năm 1973, sau 12 ngày đêm pháo đài bay B52 ném bom Hà Nội, ông bị vụ scandal... "Sẹo đất”?

Nhớ lại vụ này, nhà thơ Ngô Văn Phú kể: “Trong năm 1973, Tạp chí Thanh niên đăng bài thơ “Sẹo đất” của tôi. Bài này đăng sau “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật (cũng trên Tạp chí Thanh niên). Tôi là người vốn mê mẩn ruộng đồng, luôn coi ruộng đồng lẫn sự cày cuốc làm đối tượng sáng tác cơ bản của mình (có thể gọi là căn duyên của tôi), nên khi đến Đông Anh thấy đất đai bị bom đào xới để lại những hố to, hố nhỏ chồng chất lên nhau như thế thì đau buồn, khổ sở lắm.

Và tôi thấy đất như đang bị thương, đang bị đóng sẹo. Xuất phát từ ý tưởng đó, tôi đã viết “Sẹo đất”, trong đó có hai câu: "Tưởng như da thịt mình mới sẹo/ Ai ngờ đất cũng sẹo như người". Hồi ấy, biên tập viên thơ Định Nguyễn đọc và thấy thích, bèn cho đăng ngay lên tạp chí. Rồi người ta đánh giá tư tưởng tôi có vấn đề, có ý gieo rắc sự sợ hãi, hoảng sợ về chiến tranh - một tâm lý không có lợi khi chiến tranh chưa kết thúc. Rồi tôi bị... kỷ luật.

Nói chính xác ra là tôi bị nhắc nhở và sau đó bị hạ từ Bí thư xuống Phó bí thư chi bộ Báo Văn nghệ. Bài thơ “Vòng trắng” của nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng chung số phận tương tự như “Sẹo đất” của tôi và bị để ý nhiều nhất trong “Vòng trắng” là câu "Khăn tang trên đầu như một số không". Tuy vậy, ngay ở thời điểm ấy, tôi thấy cũng bình thường và không thấy nặng nề cho lắm.

Bây giờ thì bài thơ đã được "phục hồi” rồi. Năm 1994, tức là sau 21 năm, tôi đã in lại nguyên văn “Sẹo đất” như nó từng xuất hiện trước đây trong tập “Mắt mùa thu” qua Nhà xuất bản Hà Nội. Bây giờ, “Sẹo đất” coi như không có vấn đề gì. Tôi nghĩ: Bài thơ này bị nhắc nhở là do thời điểm xuất hiện của nó chưa thích hợp mà thôi! Tất cả vụ scandal “Sẹo đất”, đầu đuôi chỉ có vậy!”.

Hồi ấy, nhà thơ Ngô Văn Phú đang là tổ phó tổ văn xuôi (tương đương phó ban văn xuôi bây giờ) ở Báo Văn Nghệ. Tổ văn xuôi của ông có 8 người cả thảy, do nhà văn Võ Huy Tâm là tổ trưởng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của nhà văn Nguyễn Văn Bổng (Tổng biên tập) và nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoài Thanh (Chủ nhiệm). Trước đó, Ngô Văn Phú theo học Tổng hợp Văn khóa 3 (1958 - 1961).

Còn trước khi nghỉ hưu, ông có tới 40 năm là biên tập viên thơ, văn xuôi ở các báo, tạp chí chuyên về văn học. Trong 40 năm đó, có 13 năm là Tổng biên tập, Phó giám đốc, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đặc biệt, ông có 6 năm biệt phái sang quân đội (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cùng với hai nhà văn: Nguyễn Đình Thi và Mai Ngữ. Hồi ấy, ông mang quân hàm trung úy do "phiên ngang" từ cán sự 4.

Khi còn biên tập thơ ở Văn nghệ Quân đội, có hai nhà thơ trẻ khiến ông chú ý. Đó là Nguyễn Duy Nhuệ (tức Nguyễn Duy sau này) người Thanh Hóa và Vũ Đình Văn người Hà Nội. Cả hai khi ấy đều đang trong quân ngũ. Ông nhớ Vũ Đình Văn gửi cả một tập thơ, trong đó có một bài thơ viết về tập thể dục, đọc cũng được. Còn sau khi đăng bài thơ “Chiều khẩu đội” (năm 1971), Nguyễn Duy Nhuệ có vẻ buồn vì thấy thơ  mình không lên tay.

Ngô Văn Phú khuyên Nhuệ: “Làm thơ có lúc thế này, có lúc thế khác. Hơi đâu mà lo! Miễn là đừng nản chí! Biết đâu có ngày... Đến năm 1972 thì Nhuệ đi chiến trường, rút ngắn tên thành Nguyễn Duy, sau đó đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ  năm 1972 cùng với Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ qua chùm thơ: “Hơi ấm ổ rơm”, “Tre xanh”, “Bầu trời vuông”…



Nhà thơ Ngô Văn Phú sống giản dị trong một ngôi nhà chất đầy sách.


Ông Nguyễn Đình Thi cũng rất quan tâm, vì ở thời điểm này, ông Thi có vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Ngô Văn Phú tâm sự: “Nói chung, viết truyện lịch sử cho hay thường rất khó, bởi tác giả vừa phải bám sát nhân vật, sự kiện, vừa phải sáng tạo theo tinh thần đương đại. Riêng “Gặp gỡ ở Đông Quan” còn phải gắn với những vấn đề của kẻ trí (trí thức) và tâm lý thời cuộc nữa. Người xưa quan niệm: Kẻ trí thích núi (gắn với sự cao vút, đọc theo âm Hán: Trí giả nhạo sơn), kẻ nhân thích nước (gắn với sự bao la, đọc theo âm Hán: Nhân giả nhạo thủy)”.Là người khởi đầu bằng thơ, vậy mà Ngô Văn Phú lại viết tới 28 cuốn tiểu thuyết, trong đó có nhiều tiểu thuyết lịch sử.  Truyện ngắn lịch sử đầu tay của ông có tên là “Ngõ trúc” viết về cụ Nguyễn Khuyến được minh họa bởi họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông Bùi Xuân Phái rất thích tác phẩm này. Còn truyện ngắn “Gặp gỡ ở Đông Quan” thì được hai ông Tố Hữu và Nguyễn Tuân khen.

Nói về cái khó sự dịch thơ, Ngô Văn Phú nói: “Dịch cho ra dịch, cũng là khó lắm! Không cẩn thận là hết hơi ngay! Không là người làm thơ thì cũng khó dịch được thơ lắm! Nhưng tôi có may mắn là cứ nhập thần thì quên hết, chẳng nghĩ đến những cái bóng của những người dịch thơ thuở trước đè lên... Về dịch thơ chữ Hán, tôi cũng có may mắn được ông Ngô Linh Ngọc đi trước hướng đạo.

Ông Ngô Linh Ngọc là anh trai tôi và là người dịch thơ chữa Hán được liệt vào hạng đầu bảng ở nước ta. Tôi đơn cử nêu việc dịch hai câu thơ trong bài “Vô đề” của Lý Thương Ẩn cuối đời Đường ở Trung Hoa ra làm ví dụ. Nguyên văn (đọc theo âm Hán): Tương kiến thường nan biệt diệc nan/ Đông phong vô lực bách hoa tàn, bản của tôi dịch: Gặp nhau thường khó, khó chia xa/ Ngọn gió thôi đành phải phụ hoa; bản của Ngô Linh Ngọc dịch: Khó gặp nhau mà cũng khó xa/ Gió xuân hèn yếu để tàn hoa. Dù đã tạm hết sức và tạm bằng lòng, nhưng cả tôi và Ngô Linh Ngọc đều chưa dịch hết được vẹn ý cũng như cái thần của câu Đông Phong vô lực bách hoa tàn, đặc biêt là hai từ "vô Lực". Thơ với thẩn, lắm khi nó khổ thế đấy!”.

Một ngày của Ngô Văn Phú thường bắt đầu như sau: Từ 5 đến 8 giờ sáng, ngồi vào bàn viết. Sau đó, “nạp năng lượng” qua việc đọc sách hoặc quan sát, suy ngẫm, trải nghiệm từ đời sống. Đây là thói quen nhiều năm của ông. Chưa kể còn dành thời gian tự đi chợ, nấu nướng và lo cơm nước. “Tôi tự nhận mình là người tỉnh táo, biết mình, biết người, vẫn còn tâm sức dành cho nghiệp viết. Tôi là con người của đồng quê. Do vậy đồng quê luôn níu kéo tôi, đồng quê là “trường” (từ trường) sáng tác của tôi. Nhiều lúc tôi muốn thoát ra nhưng nhiều khi tôi có cảm giác như bị giam hãm trong đồng quê, trong cái vòng kim cô ấy. Tôi nhận thấy: Muốn khác mình đi, thật là khó!” - Ngô Văn Phú thổ lộ.

Năm 2012, nhà thơ Ngô Văn Phú đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tuy tuổi đã cao (ông sinh năm 1937), ông vẫn hằng nghĩ: “Tôi thích sống tự do khi sức lực còn cho phép. Người thân của tôi ở quanh đây và thỉnh thoảng vẫn đến thăm tôi. Tôi vẫn sống rất tùng tiệm và không quan tâm nhiều lắm đến vật chất. Tôi vẫn thích viết bằng bút mực hoặc bút bi, không thích viết bằng cách gõ chữ lên bàn phím, cho dù không phải là không có điều kiện...”

Đặng Huy Giang
(vnca.cand.com.vn)