Nghĩ về sáng tác và phê bình

22.08.2024
Mã Giang Lân
Người sáng tác là người sáng tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật. Tất nhiên là kể đến những người, những tác phẩm thực sự có ý nghĩa, có sáng tạo. Người phê bình là người đọc, phân tích, thẩm định những tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây là nói gọn trong lĩnh vực chữ, nghĩa. Nhà văn Nguyễn Tuân có sống lại chắc cụ vẫn ngồi cùng bàn, cùng mâm với các nhà phê bình. Cho dù cụ chẳng ưa gì người viết phê bình, nhất là người viết cứ lấy của nước ngoài ý tưởng, khái niệm rồi dẫn chứng bằng văn học Việt Nam, lấy thực tiễn sáng tác trong nước minh họa cho ý kiến, khái quát của nước ngoài.

Nghĩ về sáng tác và phê bình

Trong sáng tác có hiện tượng phóng tác, mượn ý tưởng, chủ đề, cốt truyện, nhân vật... của tác giả nước ngoài thay đổi chút ít thêm địa danh, tính danh, thiên nhiên phong cảnh Việt... Giá trị cao vẫn là tác phẩm sáng tác, thực sự độc đáo, có thể được chấp nhận, có thể chưa được chấp nhận, nhưng đấy là sáng tạo thực sự.

Tôi muốn nêu lên một ngoại lệ: phóng tác mà hấp dẫn vượt trội nguyên tác. Nhà thơ Thanh Tịnh với bài thơ Lời cuối cùng, chiếm giải Nhất cuộc thi thơ tháng 2-1936 do Hà Nội báo tổ chức. Lời cuối cùng có thể coi là phóng tác từ bài thơ S’il revenait un jour (Nếu anh ấy trở về) của nhà thơ Bỉ viết tiếng Pháp Maeterlinck (1862-1949), giải thưởng Nobel năm 1919. Nguyên ngữ bài thơ 4 khổ, chuyện tâm tình giữa người chị sau những mòn mỏi đợi chờ người yêu, với cô em. Lời cuối cùng của Thanh Tịnh cũng 4 khổ, 4 đối thoại giữa người mẹ mòn mỏi chờ chồng đến phút cuối đời với người con nên càng cảm động thấm thía. Bằng những câu thơ tinh tế, thuần thục và tình cảm, tâm lý thuần Việt khiến bài thơ có sức rung động mạnh.

Tôi nghĩ đến sáng tác văn chương hôm nay. Bước sang thế kỷ mới, đất nước hội nhập với thế giới. Cuộc sống xã hội phát triển nhanh, đa dạng, gấp gáp xô bồ. Có người như muốn quên quá khứ, quên chiến tranh. Nhưng quên đi nỗi đau là điều không dễ. Nhà văn của chúng ta đã nói được nhiều điều có ý nghĩa: Chiến tranh cách mạng là bản anh hùng ca nhưng cũng có cả bi ca, người anh hùng đâu chỉ là những vòng nguyệt quế mà có khi là những bi kịch. Cuộc chiến trần trụi khốc liệt được tái hiện bằng cảm quan thực có trách nhiệm. Cảm hứng thế sự cũng giàu có hơn. Hiện thực đất nước thời mở cửa với nhiều mặt trái của xã hội hiện đại. Công nghệ và tiện nghi làm con người xa nhau, xa rời thiên nhiên, môi trường lành mạnh nuôi dưỡng tâm hồn. Con người như vô tâm vô cảm hơn, xoay xở trong vòng xoáy danh lợi, tiền tài. Tình yêu, thể xác cũng có thể bán mua. Đọc thơ cũng thấy những vấn đề bức xúc ấy.

 

Với sự phát triển của các phương tiện thông tin truyền thông, đặc biệt là internet, tác phẩm văn học dễ dàng đến với quần chúng. Đời sống văn học trở nên phong phú sôi nổi. Internet đã thay đổi cách viết, cách công bố, cách đọc, cách nghĩ của người sáng tác lẫn người đọc. Qua các website, blog cá nhân các tác giả tự do trình bày những thử nghiệm mới, ra đời những khuynh hướng mới, hội nhóm mới văn chương. Một sự thật là khối lượng người quảng bá sáng tác và đọc trên trang mạng xã hội rất lớn, vượt xa đọc văn chương giấy. Các cuộc luận bàn sôi nổi về văn chương cũng phần lớn diễn ra trên internet. Từ đó quan niệm văn chương cũng thay đổi

Một thời, người sáng tác (nhà văn) cao giọng nói tiếng nói của cộng đồng, tập thể, dân tộc (giọng sử thi), có khi răn dạy huấn thị. Bây giờ nhà văn, tư thế nhà văn khác, ngang bằng với mọi người, có khi như “rác đổ thùng” “tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu” (Chế Lan Viên). Bây giờ viết cho mình, không răn dạy ai, huấn thị ai. Trách nhiệm văn học với xã hội cũng là số 0 (không), không phải khoác vào những trách nhiệm, chức năng…, tự do thể hiện mình, cá tính bản thể nhà văn được bộc lộ đến tận cùng.

Phê bình trước đây là định hướng cho người đọc, cho người sáng tác. Bây giờ khác, phê bình theo ý thích, có tính chất bạn bè, “lợi ích nhóm”. Trong cơ chế thị trường, có tiền phê bình rộn ràng lên, làm rôm rả những mặt hàng có thù lao nhiều hơn. Có tiền là có hội thảo cho dù sản phẩm (tác phẩm) có nhiều vấn đề, nhiều bất cập, yếu kém.

Một điều nhiều người phàn nàn, hiện nay, viết phê bình, dù bốc thơm vẫn cẩu thả, tư liệu sai lệch, không chính xác. Người đọc, nhất là các thế hệ độc giả sau này cứ thế chấp nhận và sự sai lệch càng đi xa, nguy hại khôn lường.

Theo tôi phê bình văn học phải đáp ứng được mấy yêu cầu sau đây:

Phê bình phải là cầu nối giữa tác phẩm và bạn đọc, thực tiễn sáng tác và phong trào sáng tác, giữa hiện tại và tương lai của văn học.

Hai là góp phần định hướng văn học phát triển theo chiều tích cực qua việc khẳng định thành tựu, ưu điểm và nêu lên những thiếu sót để khắc phục. Phê bình là có khen có chê. Nhưng khen chê phải đúng. Có người viết phê bình chỉ chăm chăm nghĩ đến chê (chưa chắc đã đúng), mà chê nhiều khi lại có vẻ lên mặt dạy đời, lại tưởng mình cao hơn người khác.

Ba là, tạo ra không khí, môi trường văn học lành mạnh. Lâu nay hoạt động phê bình ít có những cuộc tranh luận, đề cập đến những vấn đề cốt thiết của văn học, kích thích sáng tạo, động viên khích lệ những tìm tòi mới, tư duy mới...

Trên báo chí cũng có vài cuộc trao đổi về tác phẩm này, tác phẩm nọ nhưng quan sát thì thấy vẫn quanh đi quẩn lại mấy con người ấy ở “bàn tròn”, vẫn là những ý kiến gọn gàng, đâu vào đấy, vui vẻ cả làng. Hoạt động phê bình đúng nghĩa mờ đi, ở đấy chỉ có bình, khen. Bài nào cũng đậm vẻ “cam thảo”, nhất là những bài giới thiệu các tập thơ, đầy những lời ban tặng nhau. Cứ như vậy thành thói quen, thành quán tính, nói khác đi lại ra người “lắm chuyện”.

Viết phê bình có gì là thú? Nhà thơ Xuân Diệu cho là tổn thọ. Sáng tác thì có hứng, có rung động, có khoái cảm. Viết phê bình cứ phải đọc, dò, tra cứu, nhận xét, khái quát, nhiều khi còn phải đắn đo, cân nhắc chỉ thấy mệt. Ngoài ra còn có những đòi hỏi nghiêm ngặt mà người viết phê bình không thể thiếu:

Thứ nhất, phải có khả năng hiểu biết cảm thụ văn học. Nếu thiếu điều này sẽ nhạt nhẽo, vô duyên. Văn học có cách thể hiện riêng dưới nhiều dạng thức, kiểu loại, biện pháp nghệ thuật. Hoạt động sáng tác lại diễn ra không theo một quy luật nào rất phong phú, tinh tế và có khi ngẫu hứng. Vì vậy làm phê bình văn học không thể chỉ có nhiệt tình, ý thức trách nhiệm là đủ.

Thứ hai, phải không ngừng bồi dưỡng, học tập, nâng cao tri thức, vận dụng những lý thuyết mới, phương pháp mới một cách thích hợp. Một bài phê bình có tính phát hiện, định hướng, tổng kết cao, chắc chắn ở đó sẽ rút ra được những vấn đề lý luận cần thiết cho phong trào. Đến đây phê bình gắn với lý luận, có tầm lý luận.

Hiện nay ai cũng thấy phê bình yếu kém, phân tán, không theo kịp phong trào sáng tác và yêu cầu của xã hội. Cần có những biện pháp tích cực và kịp thời.

(baovannghe.vn)