Năm tháng hào hùng - Nguyễn Thị Thu Sương

31.07.2015

Năm tháng hào hùng - Nguyễn Thị Thu Sương

Cách mạng tháng Tám năm 1945 như ngọn gió đem sức sống và khát vọng xây dựng xã hội mới tốt đẹp đến với mọi người dân. Đến năm 1946, mới 14 tuổi, tôi đã viết truyền đơn cùng du kích xã tuyên truyền cách mạng. Tháng 6 năm 1948, tôi nhập ngũ và được bổ sung vào xưởng quân giới XO15 thuộc Sở Quân giới Liên khu 5 đóng ở Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Là những thanh niên vừa rời lũy tre làng ra đi nhưng là lính quân giới, chúng tôi đều hiểu với vũ khí là cây tầm vông vạt nhọn, cung tên, giáo, mác... không thể thắng được giặc Pháp, một đội quân chính quy đã cùng với quân đội các nước đồng minh giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Quân đội ta phải tự sản xuất vũ khí hiện đại, tinh xảo để chiến thắng quân thù. Nghiên cứu sản xuất vũ khí là vấn đề khoa học, phải có người trí thức mới làm được. Bác Hồ khi qua dự Hội nghị Fontaine Bleau năm 1946 tại Pháp đã thuyết phục giáo sư Trần Đại Nghĩa, một người Việt Nam giàu lòng yêu nước, từ lâu đã nghiên cứu sách dạy sản xuất vũ khí của Pháp về nước tham gia kháng chiến. Ông được giao chức vụ Cục trưởng Cục Quân giới Việt Nam. Nhờ đó năm 1947 quân đội ta có súng ba-dô-ka bắn cháy tàu chiến địch trên sông Lô, đánh bại cuộc hành quân của giặc Pháp khi chúng vào An toàn khu. Lý luận và công thức về chế tạo vũ khí đạn lõm có sức công phá lớn của Trần Đại Nghĩa đã được các xưởng quân giới trong các khu rừng miền Đông và vùng sông nước miền Tây vận dụng sản xuất được súng ba-dô-ka, rồi mìn lõm ba-dô-nim bắn cháy xe tăng, tàu giặc... Mặt khác, một chiến thuật cũng được quân đội ta đề cao là phải lấy vũ khí của địch đánh địch.

Tháng 6 năm 1951, tôi được cử đi học trường Kỹ nghệ Quân giới Liên khu 5. Tháng 8 năm 1952, tôi được phân về xưởng quân giới QB200 đóng ở Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Đây là nơi có nhiều kỷ niệm trong nghề quân giới với tôi.

Một buổi sáng, tôi đang sửa khẩu tiểu liên thì anh Nguyễn Thế Khảm, tổ trưởng tổ sửa chữa lưu động gọi tôi ra ngoài nói lên gặp giám đốc ngay. Không kịp thay bộ áo quần vải xi-ta nâu nặng mùi dầu mỡ, tôi đi về phía nhà giám đốc. Hồi ấy chúng tôi ở nhà dân, chỉ nhà phân xưởng và bếp là làm theo dạng nhà dân và xen kẽ trong các khu vườn. Dân đã che chắn cho chúng tôi tránh được máy bay địch, an toàn suốt cả thời gian xưởng đặt tại đây.

Giám đốc QB200 là anh Trương Văn Đồng, người bình dị, chất phác. Cùng ngồi với anh là anh Đát, cán bộ kỹ thuật của xưởng và hai người khách lạ. Tôi vừa bước vào thì anh Đồng nói: Ta vừa thu được một khẩu pháo của quân Pháp ở đồn Túy Loan (Quảng Nam) nhưng bị hỏng phải đưa về đây sửa chữa. Phải rất bí mật, hạn chế người biết nên không đưa pháo về xưởng. Bây giờ cậu chuẩn bị đồ nghề, theo hai đồng chí bộ đội này để nghiên cứu, sửa chữa. Phải làm ngay cho pháo kịp tham gia chiến dịch sắp tới.

Tôi không hỏi thêm gì, lao về phân xưởng báo cáo lại với anh Khảm và chuẩn bị lên đường.

Lính quân giới chúng tôi thời ấy lên đường mang theo cái ba lô rất đặc biệt. Nó làm bằng da bò thuộc, túi đựng thì ít mà đai thắt thì nhiều. Các đai cũng bằng da, cái có khuy cài, cái may cố định, kích thước khác nhau. Ở các đai luôn cài búa, đục, kìm, giũa các loại, chìa vặn các cỡ. Một số phụ tùng dự phòng thay thế các loại súng thì để trong túi. Ê-tô, khoan tay là thứ nặng, kềnh càng thì được tháo rời và cũng cài chặt từng bộ phận vào đai. Tôi để lại phụ tùng của súng, lấy thêm vài vật dụng cần thiết cho cá nhân. Sau 5 phút, tôi đeo ba lô lên đường cùng hai anh bộ đội. Sau này hai anh là đồng đội gắn bó cùng tôi trên suốt chặng đường đánh Pháp. Đó là anh Trần Nhân Cách, đại đội trưởng, anh Dương Thanh Sơn, trung đội trưởng thuộc đại đội 304, tiểu đoàn 71, tiểu đoàn trợ công trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Hai anh đều qua tú tài, trình độ thuộc loại hiếm trong đại đội nên sau này việc khai thác tù hàng binh người Pháp liên quan đến những khẩu pháo mà ta lấy được không cần phải có phiên dịch, phần tính toán lấy phần tử bắn của pháo cũng không mấy khó khăn.

Tôi đinh ninh khẩu pháo đặt trong khu rừng phía nam của xã, nơi ít người qua lại. Thế nhưng các anh đưa tôi vào một ngôi nhà 3 gian ở thôn Thuận Hòa của xã Nghĩa Thắng. Ở gian giữa, bàn thờ đã được chủ nhà thu gọn lại, phía ngoài là khẩu pháo. Tôi đã thấy pháo của phát xít Nhật, nòng dài, bánh bằng gỗ bọc thép. Còn giờ đây, trước mắt tôi là khẩu pháo có hai bánh lốp như bánh lốp ô tô, nòng to và ngắn, đã chạng càng nhưng vẫn nằm gọn trong một gian nhà.   

Đây là sơn pháo 94mm, đúng ra là 93,661mm, do nước Anh chế tạo. Một loại pháo cơ động rất tốt bằng xe kéo. Nếu tác chiến ở rừng núi, không có đường cơ động thì có thể tháo để khiêng vác và lắp lại nhanh chóng vì sự liên kết giữa các bộ phận bằng then chốt chứ không bằng ốc vít. Nòng pháo ngắn, cấu tạo có hai đoạn nối với nhau bằng một cơ cấu rất tiện lợi. Anh Nguyễn Xuân Đài, phụ trách quân khí trận đánh đồn Túy Loan cho biết, ta phải dùng xe trâu của dân kéo pháo ra cách xa đồn trước khi trời sáng. Khi thu chiến lợi phẩm, khẩu pháo còn nguyên vẹn nhưng sự hiểu biết về pháo của anh em ta không có, cứ thấy chỗ nào có ốc vít là vặn tháo. Anh em đã vặn cái ốc nút dầu hơi nên toàn bộ dầu hơi trong cơ quan hãm lùi đẩy lên của pháo đã phun ra ngoài. Anh Huỳnh Văn Vĩnh, người trong kíp thợ sửa chữa lưu động đi tham gia chiến dịch về kể thêm: hơi phun ra  với áp lực cao gây nên tiếng rít lớn và vạch thành một đường rạp cả đám cỏ tranh. Mọi người tưởng địch cài bom nổ chậm nên nằm rạp xuống chờ nó nổ. Có anh lăn, có anh bò tìm hố nấp nhưng sau khi xì hết hơi nó không rít nữa. Mọi người mới hoàn hồn, lại gần để xem thì thấy nòng pháo bị tuột về sau kéo theo một đoạn cán pit-tông bóng loáng. Pháo đã hết hơi không sử dụng được nữa. Chỉ huy chiến dịch là Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Bá Phát chỉ thị nghiên cứu khẩn trương, thận trọng tháo từng bộ phận đưa về xưởng quân giới. Khẩu pháo được bộ đội và dân công khiêng vác bí mật, luồn qua bốt đồn địch về xưởng quân giới ở Quảng Ngãi không thiếu một chi tiết cùng hàng trăm quả đạn đồng bộ còn nằm nguyên trong hòm.

Xem xét khẩu pháo tôi thấy, nếu hỏng những bộ phận cơ khí thì sửa không khó lắm, nhưng pháo lại hỏng cơ quan hãm lùi đẩy lên, một cơ quan rất tinh vi trong chế tạo cũng như rất phức tạp trong công tác đảm bảo kỹ thuật. Sau này ra miền Bắc, được học ở các trường kỹ thuật trong quân đội tôi mới biết cơ quan hãm lùi đẩy lên là trái tim của khẩu pháo. Các anh ở QB200 giao nhiệm vụ trực tiếp này cho tôi có lẽ do các anh tin tôi đã qua thử thách trong sản xuất và sửa chữa ở các xưởng quân giới ở Quảng Nam. Cũng có thể các anh cho rằng tôi đã tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Quân giới Liên khu 5, một trường trong chiến tranh nhưng đào tạo rất cơ bản và có chất lượng. Nhưng cộng cả hai yếu tố lại thì cũng chẳng dính dáng một mảy may nào đến nguyên lý cấu tạo và làm việc của "quả tim" mà sự hiểu biết của tôi về nó chỉ ở mức khái niệm. Từ sự phấn khởi khi nhận nhiệm vụ, tôi đâm ra lo lắng khi biết căn bệnh của khẩu pháo.

Dù trình độ và phương tiện sửa chữa pháo chẳng có gì nhưng chúng tôi quyết tâm sửa chữa khẩu pháo. Việc tạo áp lực bằng khí nén để bơm vào cơ quan hãm lùi đẩy lên thật không đơn giản. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi tháo cơ quan hãm lùi đẩy lên của pháo khiêng về xưởng. Chúng tôi nhất trí phải sản xuất một cái đầu nối đặc biệt. Cái đầu nối ấy dẫn khí nén từ 4 xi-lanh do 4 pit-tông của một đầu máy ô tô cũ bơm liên tục đưa vào cơ quan hãm lùi đẩy lên. Đầu máy quay được nhờ cơ cấu chuyền lực bằng dây cu-roa từ một máy nổ khác. Máy bơm chỉ làm việc về đêm vì ban ngày máy nổ dùng để kéo máy phát điện phục vụ toàn bộ dây chuyền sản xuất và sửa chữa của xưởng. Đồng hồ đo áp suất khí nén thì tôi mượn ở cái nồi hấp bông băng của bộ phận quân y.

Phụ trách máy nổ là anh Chính, anh Nuôi. Hai người thay nhau làm ca để bơm liên tục. Chúng tôi ngồi suốt đêm, hồi hộp theo dõi sự nhích dần của kim đồng hồ đo áp suất khí nén. Tôi không còn nhớ thời gian bơm là mấy đêm nhưng khi kim đồng hồ chỉ đến con số 17 thì không nhích lên được nữa. Chúng tôi đoán máy bơm bị nóng nên tạm dừng cho máy nguội rồi bơm tiếp thế nhưng kim vẫn không nhích lên được. Mới hay công suất nén của máy bơm tự tạo chỉ đạt đến mức ấy là tối đa. Dù sao đó cũng là một thành công vì từ áp suất bình thường của khí trời chúng tôi đã nâng lên được áp suất 17 kilogam trên một phân vuông (kg/cm2). Chúng tôi đưa bộ phận hãm lùi đẩy lên lắp vào pháo. Mọi người rất phấn khởi khi quay tầm, nòng pháo vẫn nằm nguyên ở mọi góc độ, không bị tuột nữa. Anh Đồng báo về Sở Quân giới Liên khu 5 xin bắn thử. Sở Quân giới đồng ý và cử thêm anh Bế Phát và một số anh xuống kiểm tra, giúp đỡ việc bắn thử pháo.

Một lô cốt giả được làm sát chân núi Tó. Pháo đặt cách lô cốt chừng 1000m. Tôi chuẩn bị đạn và kiểm tra pháo trước khi bắn rất chu đáo. Chúng tôi ngắm mục tiêu bằng kính ngắm toàn cảnh của pháo đã được hiệu chỉnh song song với trục nòng.

Để bảo đảm an toàn, mọi người ở cách xa pháo hơn 50m. Một pháo thủ của C304 vào bắn, anh Cách chỉ huy. Có lẽ mọi người có mặt hôm ấy đều là lần đầu tiên xem bắn thử pháo của địch, ai cũng dùng tay bịt hai tai và hồi hộp chờ đợi.

Bắn! Hiệu lệnh phát ra. Pháo thủ kéo tay cò. Mấy giây trôi qua vẫn không nghe tiếng nổ.

Chắc đạn bị thối! Có người nói. Tôi nghĩ có lẽ do động tác kéo tay cò của đồng chí pháo thủ lần đầu tiên bắn pháo này. Trong quá trình tiếp xúc với khẩu pháo, tôi biết được một vài nhược điểm của bộ phận phát hỏa. Tôi phân tích với chỉ huy và đề nghị cho tôi bắn. Các anh đồng ý. Lần đầu tiên trong đời công nhân quân giới, tôi được làm pháo thủ bắn thử. Sau khi nhét bông kín tai, tôi bước đến bên trái khẩu pháo. Sau này được học bài bản, tôi mới biết quy tắc bắn kiểm tra pháo sau khi sửa chữa là phải dùng dây buộc vào tay cò hoặc chân đạp cò, người bắn phải có hầm ẩn nấp cách khẩu pháo trên 30m và dùng dây buộc đó để kéo cò. Hồi đó, chúng tôi chỉ sợ tiếng nổ làm điếc tai mà thôi.

Nghe dự lệnh, tôi nắm tay cò và chờ đợi. Động lệnh phát ra, tôi bình tĩnh ép mạnh tay cò về bên trái, kéo dứt khoát về phía sau. Một tiếng nổ dữ dội vang lên. Tôi nhìn thấy đầu đạn lao về mục tiêu, đen chũi như con heo con. Một chớp lửa bùng lên và một tiếng nổ tiếp theo. Một cuộn khói bốc lên. Lô cốt không còn nữa! Mọi người vỗ tay reo hò, ào đến vây quanh khẩu pháo thì thấy nòng pháo còn nằm lại phía sau không trả về vị trí cũ.

Còn thiếu bao nhiêu ký hơi nữa? Một câu hỏi đặt ra với mọi người. Anh Bế Phát cho người thử đẩy nòng pháo lên nhưng rất nặng. Phải tăng cường thêm một người nữa nòng pháo mới dịch chuyển. Từ việc tính lực đẩy của 2 người vào nòng pháo ở góc độ bằng không, chúng tôi ước tính lượng hơi cần có ban đầu trong cơ quan hãm lùi đẩy lên. Cách tính toán chỉ là tương đối, điều cần thiết là "làm thế nào để đủ hơi cho pháo?". Phải tăng áp lực của bơm tự tạo! Nhưng bằng cách nào? Cuối cùng chúng tôi chọn phương án tăng thêm độ kín của 4 pít-tông bằng cách lấy da bò đã thuộc ngâm vào dầu nhớt cho mềm ra và dập thành những hình trụ ngắn có đáy, đường kính lớn hơn đường kính pit-tông rồi bắt chặt vào đầu của pít-tông. Bơm tiếp! Thật là vui khi kim đồng hồ đo áp suất vượt qua con số 17 và tiếp tục nhích dần lên. Khi đến con số 21 thì không nhích được nữa. Các miếng da bò bị khô cứng và co lại.

Khẩu pháo của chúng tôi đã có được 21kg hơi! Bắn thử lại! Chúng tôi rất vui khi thấy sau phát bắn, nòng pháo thụt lùi rồi từ từ bò về vị trí ban đầu. Tôi phải dùng từ "bò" vì tốc độ trả về rất chậm. Nếu bắn ở góc độ lớn nhất định nó còn nằm lại phía sau. Sau này tôi được biết các anh ở Cục Quân giới ngoài Việt Bắc có điện vào cho biết áp suất khí nén ban đầu của loại pháo này là 37kg/cm2 và là khí Ni-tơ. Trình độ kỹ thuật và phương tiện của xưởng quân giới chúng tôi lúc ấy không thể tạo được áp suất khí nén thông thường quá 21kg/cm2, chưa nói đến tạo ra khí Ni-tơ.

Từ việc này chúng tôi càng quyết tâm sửa chữa súng, pháo thu được của địch. Trận đánh cứ điểm Tú Thủy và Cửu An của Gia Lai rất kiên cố bị tiêu diệt cùng 1 đêm, ta thu được 2 khẩu 88mm. Cứ điểm Thường An thu được 1 khẩu 155mm. Đầu năm 1954, cũng ở cứ điểm này ta lại thu được 4 khẩu 105mm. Đặc biệt là trận Đắk-Pơ, ta tiêu diệt gọn binh đoàn cơ động 100 của quân Pháp. Vừa dứt tiếng súng, tổ bảo đảm kỹ thuật pháo chúng tôi đã được Liên khu giao nhiệm vụ đến trận địa thu pháo chiến lợi phẩm. Mang vác lỉnh kỉnh nhưng khí thế chiến thắng thôi thúc chúng tôi không biết mệt, càng chạy càng hăng. Trên đoạn đường gần 2km tại Đắk-Pơ ngổn ngang xe pháo. Bốn khẩu pháo 105mm đầu tiên lốp xe đang cháy, nòng pháo gục nghiêng xuống đường. Tiếp theo là bốn khẩu đã bị cắt khỏi xe, đẩy ra mép đường chạng càng không có chèn lưỡi cày càng pháo. Tôi kiểm tra thấy các bộ phận đều nguyên vẹn nhưng bên trong nòng pháo ở cuối buồng đạn có nhiều vệt xước và mờ. Cuối đoạn đường là 4 khẩu pháo còn nguyên nhưng rãnh và đường khương tuyến giáp với buồng đạn của nòng pháo bị trít lại, có nhiều nốt rỗ. Địch dùng lựu đạn khói đút vào buồng đạn phá nòng pháo. Chúng tôi bàn với đồng chí Đào Văn Đệ phụ trách chiến lợi phẩm để bộ đội ta kèm số tù binh biết lái xe, kéo pháo về giấu ở một cánh rừng phía bắc đường 19, chỉ 4 khẩu pháo đầu tiên bị cháy lốp là không kéo được.

Chúng tôi chọn 4 khẩu nòng hư hỏng nhẹ để sửa chữa. Tôi và anh Bôn vào một lò rèn ở thị trấn An Khê để rèn những cái đục đặc biệt có cán dài bằng thép của móc lốp bánh xe GMC. Được bác chủ lò rèn giúp đỡ, chúng tôi hì hục đục giũa những lòng pháo bị sây sướt mà nặng trĩu lo âu: Bắn nhiều phát thì nòng pháo có phình ra không? Nếu phình ra thì rất nguy hiểm cho pháo thủ. Vừa làm vừa tìm hướng khắc phục khác để bảo đảm an toàn thì từ khu chiến Đắk-Pơ điện báo về "4 khẩu pháo bị cháy nhưng nòng vẫn nguyên". Chúng tôi lại vác ba lô cùng anh em pháo thủ C304 lên tháo 4 nòng pháo đem về thay 4 nòng đang sửa chữa thành 4 khẩu hoàn chỉnh rồi dùng xe GMC do hàng binh ngụy lái đến cứ điểm Herel. Mặc dù trời tối nhưng cọc chuẩn và kính ngắm của pháo đều lắp bộ phận đánh đêm thu được đồng bộ theo pháo nên việc di chuyển thuận lợi. Đến cách cứ điểm Herel hơn 3 km, chúng tôi dừng lại. Đến giờ G, pháo đã đồng loạt dội xuống đồn địch làm chúng kinh hoàng. Nhiều lính Pháp chạy ra đầu hàng. Họ nói: thiệt hại quá nhiều, 7 chuyến xe chở lính thương vong. Điều làm quân Pháp hoang mang tột độ là không phát hiện được vị trí đặt pháo của Việt Minh và cũng không biết Việt Minh đã dùng loại pháo nào để pháo kích.Đại đội C304 đã góp phần cùng bộ binh Liên khu 5 lập nhiều chiến công trên đường 19, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ làm nên chiến công chấn động địa cầu. Và thời gian phục vụ chiến đấu ở đây cho tôi nhiều kinh nghiệm, ý chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.

(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Phụ, nguyên Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan Kỹ thuật - Cục Kỹ thuật Quân khu 5)

N.T.T.S