Ché trong văn hóa của người Cơ Tu ở Quảng Nam: Vật biểu tượng của sự thịnh vượng và tình đoàn kết - Trần Kỳ Phương, Nguyễn Thượng Hỷ

31.07.2015

Ché trong văn hóa của người Cơ Tu ở Quảng Nam: Vật biểu tượng của  sự thịnh vượng và tình đoàn kết - Trần Kỳ Phương, Nguyễn Thượng Hỷ

Trong một chuyến khảo sát nhân học về trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi ở tỉnh Quảng Nam, chúng tôi lên huyện Đông Giang vào tháng 6 năm 2014; khi đến cơ quan huyện ủy, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hình tượng của Ba Cái Ché to lớn màu vàng đất tựa vào nhau được phục chế bằng xi-măng dựng ngay tại sân trước của cơ quan này.

Trong bữa cơm chiều với ông Nguyễn Bằng, đương kiêm Bí thư Huyện ủy huyện Đông Giang, người Cơ Tu, chúng tôi có gợi chuyện và hỏi ông về ý nghĩa của việc dựng ba cái ché tại sân của cơ quan huyện ủy, thì, ông cho biết rằng, chính ông đã có ý tưởng dựng ba cái ché này, vì, theo ông: “Cái ché tượng trưng cho sự giàu có; sự đoàn kết; sự giao tiếp: đối ngoại-đối nội; và nghi lễ trong văn hóa truyền thống của người Cơ Tu”. Ba cái ché tượng trưng cho ba huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam là Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang nơi có đa số người Cơ Tu sinh sống. Cho nên khi chọn hình tượng ba cái ché để dựng tại cơ quan huyện ủy, ông Bằng hàm ý rằng người Cơ Tu ở ba huyện miền núi này sẽ đoàn kết để xây dựng và phát triển kinh tế cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống của mình. Điều đó cho chúng ta biết rằng cái ché vẫn còn một sức sống mạnh mẽ trong sinh hoạt và gắn bó mật thiết với tình cảm của người Cơ Tu cho đến hiện nay.

Ché, cùng với các sản vật khác như chiêng (ching), vải dệt thổ cẩm (azuong), con trâu (t'ri)…, là một tài sản quý của người Cơ Tu. Vào nhà ở của một gia đình người Cơ Tu, chúng ta thường thấy những hàng ché đủ các loại khác nhau, từ kiểu dáng cho đến màu sắc và hoa văn, được bày ngang trên một cái kệ cao đóng vào vách sau của nhà sàn; theo quan niệm của người Cơ Tu, ché đó là để “làm của” (zôn kavan/đồ ti), khẳng định sự giàu sang và địa vị trong xã hội. Nhà giàu thì có đến vài chục cái; nhà nghèo chí ít cũng sắm được một vài cái. Cái ché tham gia vào hầu hết các sinh hoạt chủ yếu trong xã hội của người Cơ Tu, từ hôn nhân cho đến tang tế. Vì vậy, ché thường được ca ngợi trong các bài hát của người Cơ Tu:

“Anh có hai mươi con trâu và mũi giáo của anh đã giết trăm người,

Nhà anh rộng lớn và đầy những ché,

Anh là thợ săn giỏi nhất xứ,

Và các rẫy của anh là những rẫy đẹp nhất,

Gà trống sẽ thỏa thuận cho chúng ta,

Và anh sẽ đưa em vào trong rừng,

Bất cứ ai muốn ngăn cản anh,

Sẽ bị mũi giáo của anh đánh hai mươi lần.” 1

Người Cơ Tu quan niệm cái ché (jớ/chớ) như một vật thiêng (jớ ring), vì vậy, họ có nhiều nghi thức để cúng ché (bhuôil jớ). Khi mua được một cái ché mới, họ tổ chức một lễ nhỏ để cúng mừng ché (bhuôil kâl jớ), vật cúng chỉ là một con gà và một chai rượu để thiết đãi bà con quanh xóm; nếu mua được một cái ché quý, thì, vật cúng có thể là một con heo và vài ché rượu để mời cả làng; và, khi bán một cái ché, người Cơ Tu cũng làm lễ cúng tiễn ché (bhuôil tr'xâl jớ).

Ché được dùng để cất chứa các vật quý như mã não, hạt cườm, và vải dệt thổ cẩm (azuông); các vật quý này được cất giữ trong ché để tránh bị côn trùng, chuột hoặc các loại thú khác cắn phá. Trong chiến tranh, người Cơ Tu chôn giấu những ché quý khi dời làng vào núi sâu để tránh bom đạn; khi hết chiến tranh, họ tìm về chỗ cũ để đào lấy những cái ché đã được giấu. Ngoài ra, ché còn được dùng để ủ rượu và đựng rượu.

Ông A Tùng Vẽ, một già làng của làng Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, cho biết, gia đình ông có một cái ché quý do ông bà để lại, trong thời chiến tranh, khoảng những năm 1960, bộ đội địa phương đã mượn cái ché của gia đình ông để đựng muối, cái ché được giấu trong hang núi để tránh bom đạn; sau chiến tranh, cho đến đầu những năm 1980, ông và anh ông đã lên núi tìm lại cái ché để mang về cho gia đình; hiện nay gia đình ông gìn giữ cái ché này như một vật gia bảo, vì nó đã được truyền qua nhiều đời. Khi đem cái ché từ hang núi về lại gia đình, ông đã làm một lễ cúng ché để cảm tạ thần linh (abhuoi) đã gìn giữ cho cái ché còn nguyên vẹn. Chúng tôi đã được ông cho xem cái ché quý, đó là một cái ché cũ bằng sành, màu nâu, có kích thước lớn, xương gốm dày và nặng2. Theo ông A Tùng Vẽ, ché quý (jớ ti) không nhất thiết phải là ché có niên đại cổ xưa, nhưng, đôi khi là một cái ché được nổi tiếng trong cộng đồng là ché thiêng (jớ ring); và, nhất là, những cái ché đã được lưu truyền qua nhiều đời, cho nên gia đình ông rất tự hào vì đã giữ được cái ché quý này mà theo ông là vô giá. Giá trị của mỗi cái ché tùy theo sự thương lượng giữa chủ sở hữu và người muốn chuyển nhượng, dường như không có một định giá tiêu biểu; Georges Condominas, nhà nhân học lỗi lạc người Pháp, đã từng chứng kiến việc định giá một cái ché cổ ở người Mnông Gar, ông viết: “Đó là một cái ché cổ rất đẹp thấy ở Daak Bok, trên núi, và người chủ đã tự hào định giá nó bằng một con voi có đôi ngà dài như cánh tay. Cái ché còn được coi là một hêeng rmeh (“hồn”- rồng)”3.

Trong hôn nhân, ché là một vật dẫn cưới quan trọng của người Cơ Tu, nó là tài sản phải có khi làm lễ đính hôn và lễ cưới. Khi một gia đình muốn “bắt vợ” cho con trai thì phải có ít nhiều ché để làm sính lễ; nhà trai càng giàu thì phải trả càng nhiều ché theo tục lệ thách cưới, đòi sính lễ (panooih)4 của nhà gái.

Trong một nghiên cứu, nhà dân tộc học Lưu Hùng đã nêu lên một trường hợp rất thú vị về sự lưu chuyển của một cái ché trong vòng hai mươi năm qua các cuộc hôn nhân, đó là trường hợp của gia đình ông Alăng Pêếc, ở làng Pr'ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, hiện nay đang sở hữu một cái ché mà lịch sử của nó được diễn ra như sau:

—   Ông Bríu Trưng ở làng Arớ, xã Lăng, chỉ nhớ rằng cái ché này được mua về từ bên Lào. Ông đã thừa kế nó từ nhiều thế hệ trước. Vào khoảng giữa thế kỷ 20, nó trị giá một con trâu;

—  Khoảng năm 1957-58 ông Trưng cưới em gái của Pêếc và cái ché được dùng làm vật sính lễ. Từ đó, nó thuộc về gia đình ông Pêếc;

—  Năm 1978 con trai của Pêếc cưới con gái của Clâu Nâm ở cùng làng, và cái ché được chuyển từ gia đình ông Pêếc qua gia đình ông Nâm;

—  Năm 1979 em trai của Nâm cưới con gái của Coor Nhir ở cùng làng, và cái ché đã đi từ nhà ông Nâm sang nhà ông Nhir;

—   Năm 1980 khi ông Nhir cưới em gái của Bríu Póh, và cái ché chuyển từ nhà ông Nhir sang nhà ông Poh;

—  Năm 1981 khi ông Poh cưới chị gái của Alăng Pêếc, cái ché lại quay trở về nhà ông Pêếc sau hai mươi năm lưu chuyển qua ba gia đình khác nhau.

Trong trường hợp này cái ché ấy là một báu vật (k'rlooc) vì nó đã đem sự may mắn trở về với gia tộc của ông Alăng Pêếc sau khi đã đi qua nhiều gia đình khác nhau5.

Cái ché có liên quan mật thiết đến phong tục uống rượu, cũng như các dân tộc khác ở miền Thượng, người Cơ Tu uống rượu không chỉ để giải trí, mà, là để tạo mối liên kết, thảo luận, bàn bạc các vấn đề có liên quan đến cộng đồng hoặc của cá nhân; rượu kết nối giữa con người với con người trong các sinh hoạt xã hội và giữa con người với thần linh trong các nghi lễ. Rượu có mặt trong tất cả các sinh hoạt chính trong xã hội Cơ Tu như lễ hội, cúng tế, kết nghĩa, cưới hỏi, giao tiếp, tang lễ … Vì thế, có thể nói rằng nếu không có cái ché, thì, nghi thức uống rượu của người Cơ Tu (um buah) và của các sắc tộc miền Thượng, chắc chắn không thể hoàn mỹ.

Trong tang lễ, ché được chôn theo người chết theo tục “chia của cho người chết” (xi noor) của người Cơ Tu; trong trường hợp này, cái ché phải bị đục thủng ở đáy, gọi là “giết cái ché” (pacệt jớ) để chôn quanh nhà mồ (ping). 

Ngoài công năng thực dụng, đối với đồng bào miền Thượng, ché là một tác phẩm nghệ thuật, nên việc lựa chọn ché để sưu tập đòi hỏi một sự thưởng lãm nghệ thuật cao; phải là những người sành điệu thì mới có thể phân biệt được ché cổ và ché mới hoặc thưởng lãm được vẻ đẹp của các loại ché. Người Cơ Tu phân chia ché thành nhiều loại như, ché cổ (jớ ti), ché mới (jớ ngướp), ché màu vàng nâu (jớ jaroong), ché màu vàng nâu nhỏ (jớ tr'loi), ché màu nâu có điểm hạt cườm (jớ a'jrai), ché có hình rồng (jớ k'roong)… trong đó, loại jớ a'jrai là quý hơn. Condominas đã so sánh sự tích lũy ché quý của các dân tộc miền Thượng, mà, theo ông đó là một hành động văn hóa tương tự với các nhà sưu tập nghệ thuật ở phương Tây6.

Trong nghệ thuật điêu khắc, bước vào những ngôi nhà làng hay gươl của người Cơ Tu, chúng ta thường thấy hình tượng của cái ché được trang trí trang trọng trên cột cái (j'răng măng) của gươl; ché cũng được ưa thích chạm khắc trên đầu cột đâm trâu (xanur); và nó cũng được trang trí phổ biến trên nhà mồ (ping). Tham dự một lễ đâm trâu để mừng lúa mới (caharo tame) được tổ chức tại trung tâm huyện Tây Giang hồi tháng 3 năm 2014, chúng tôi thấy thanh niên Cơ Tu hãnh diện vác trên vai họ những cái ché lớn màu xanh trắng, cùng nhảy múa theo tiếng chiêng trống trong khi những người khác cầm gươm giáo hò hét, reo vui…

Để có được những cái ché đẹp vừa ý, người Cơ Tu phải xuống các chợ vùng xuôi để trao đổi với những bạn hàng thân thiết/kết nghĩa (pr'đì noh) người Kinh. Trước kia, ở vùng Quảng Nam, người Cơ Tu thường gùi hàng xuống các chợ lớn như Hà Tân, Ái Nghĩa, Túy Loan… để đổi các loại ché, chiêng; ngược lại, các bạn hàng/”các lái” người Kinh cũng thường đem các mặt hàng cao cấp này lên tận các làng xa để bán/đổi cho họ.

Thông thường, ché đẹp và/hoặc quý được giới thiệu bởi các “mối lái” được coi là những người trung gian (ađor lướt đơl) để giới thiệu mặt hàng cao cấp này từ người Kinh tới người Cơ Tu hoặc giữa người Cơ Tu với nhau một khi có nhu cầu trao đổi. Khi chọn được những cái ché “ưng bụng”, người Cơ Tu sẽ bàn cách mua ché hoặc đổi bằng sản phẩm rừng ngang giá hoặc trả bằng tiền mặt (trước kia đơn vị để trao đổi được tính bằng con trâu); nhiều khi họ mua chịu và trả dần thành nhiều đợt.

Gần đây, chúng tôi thấy thương lái người Kinh đi xe máy lên đến làng Pr'ning, xã Lăng, huyện Tây Giang để đổi đồ gốm sứ gồm ché, chén, đĩa cho người Cơ Tu; mặt hàng trao đổi gồm các loại lâm sản như mật ong, hạt ươi, nấm quý, măng… Ngày nay đường sá đi lại dễ dàng nên sự trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều; nhờ vậy, người Cơ Tu tiếp tục giữ được sở thích cao quý của mình để sưu tập thêm nhiều ché trong tâm thế bảo tồn văn hóa truyền thống tộc người.

 

Theo nhà dân tộc học người Thụy Điển, Kaj Arhem, trong văn hóa Cơ Tu, cái ché (jớ) là vật chứa cái sống trong khi cái hòm (p'rang) là vật chứa cái chết; cả hai hiện vật đều được cất giữ trong cùng một ngôi nhà (đoong). Khi đến tuổi già người Cơ Tu thường được người thân chuẩn bị một cái hòm gỗ cho riêng mình và nó được cất giữ ở dưới nhà sàn. Arhem đã luận giải rằng, cái ché tượng trưng cho sự giàu có của dòng họ (drươp) cho nên chúng được cất giữ/trưng bày thành những hàng dài trên một cái kệ đóng ở lưng chừng vách sau đối diện với cửa vào (parah), là, nơi trang trọng nhất của một ngôi nhà; còn cái hòm tượng trưng cho cái chết cho nên nó được đặt trên mặt đất về phía sau vách nhà sàn, ở dưới và cách xa hàng ché7. Cái ché tượng trưng cho sự sống nên được giữ “trong nhà” còn cái hòm tượng trưng cho sự chết nên đặt ở “ngoài nhà”; cách sắp đặt này phản ảnh nhận thức theo vũ trụ luận nhị nguyên: lưỡng hợp-lưỡng phân, phân định sự vật theo xu hướng cặp-đôi-hỗ-trợ: cõi trên/trong <=> cõi dưới/ngoài …, một nhận thức phổ biến trong văn hóa của các cư dân miền Thượng và của cả vùng Đông Nam Á8.  Vì vậy, trong văn hóa Cơ Tu, cái ché mang nhiều biểu tượng, nó là sợi dây liên kết giữa tổ tiên với người sống cho tới người chết.

Cùng với cái chiêng (ching), ché là một trong những tài sản quý báu nhất theo quan niệm của người Cơ Tu cũng như của đồng bào miền Thượng. Nếu chúng ta có một nền văn hóa cồng chiêng đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể của UNESCO; thì, theo nhiều nhà nghiên cứu, cái ché cũng là một di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc miền Thượng9, nó cần được nghiên cứu sâu hơn và cần được bảo tồn theo đúng giá trị tinh thần và vật chất của chính nó.

T.K.P, N.T.H