Học sinh học giỏi môn văn và học sinh có khiếu sáng tác văn chương - Bùi Văn Tiếng

31.07.2015

Học sinh học giỏi môn văn và học sinh có khiếu sáng tác văn chương  -  Bùi Văn Tiếng

Những ai từng quan tâm đến việc dạy - học văn chương ở trường phổ thông đều thấy có sự khác nhau giữa một học sinh học giỏi môn văn và một học sinh có khiếu sáng tác văn chương/có khiếu làm thơ viết truyện. Một học sinh học giỏi môn văn thường có điểm môn văn cũng như điểm thi môn văn cao và thường đạt thành tích đáng kể trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn văn, nhưng không phải học sinh nào học giỏi môn văn cũng có khiếu sáng tác văn chương, tức là có khiếu làm thơ viết truyện. Ngược lại một học sinh có khiếu sáng tác văn chương/có khiếu làm thơ viết truyện có thể có điểm môn văn cũng như điểm thi môn văn thấp và thường khó được chọn tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn văn. Nói vậy nghĩa là vẫn có không ít trường hợp “hai trong một”: vừa học giỏi môn văn vừa có khiếu sáng tác văn chương/có khiếu làm thơ viết truyện…

Vì sao có sự khác biệt ấy? Trước hết là do mục tiêu đào tạo của trường phổ thông. Dạy - học môn văn, trường phổ thông - kể cả ở các lớp chuyên văn - không nhằm đào tạo những nhà văn/nhà thơ tương lai. Đương nhiên những nhà văn/nhà thơ tương lai cũng có thể thụ hưởng mọi sản phẩm của quá trình học tập môn văn ở trường, như niềm đam mê đối với văn chương, năng lực cảm thụ văn chương, năng lực diễn đạt ý tưởng trong nói và viết... Dạy - học môn văn ở trường phổ thông nhằm đào tạo những người đọc thông viết thạo tiếng Việt. Đọc thông nghĩa là đọc trôi chảy một văn bản, không ngắc ngứ ú ớ, biết ngừng nghỉ nhấn nhá; cao hơn một mức là đọc có hồn, nhập thân vào văn bản; cao hơn một mức nữa là đọc diễn cảm, như đang đọc những gì do chính mình viết ra. Có không ít người đọc lời điếu trong lễ tang - là loại văn bản nhạy cảm nhất - mà sao vẫn thấy vô hồn…

Đọc không thông thì khó viết thạo. Viết thạo là viết đúng ý mình muốn diễn đạt, đúng tình cảm mình muốn giãi bày, đúng suy nghĩ mình muốn bộc lộ. Muốn thế phải biết dùng từ cho chính xác - nhất là từ Hán Việt thường có nhiều từ cùng âm khác nghĩa, cho đúng chính tả - có khi sai một ly đi một dặm. Muốn thế phải biết viết câu cho ra câu, cho đúng ngữ pháp - trừ trường hợp người viết cố tình dùng loại câu đặc biệt. Muốn thế phải biết viết đúng lô-gic, không để ý nọ xọ ý kia, đoạn sau cãi đoạn trước. Muốn thế phải biết viết đúng phong cách văn bản - hay còn gọi là văn phong tương thích. Học xong mười hai năm phổ thông, dầu là học sinh học giỏi môn văn hay học sinh có khiếu sáng tác văn chương/có khiếu làm thơ viết truyện, thậm chí học sinh có học lực trung bình một cách thực chất chất lượng, cũng đều phải đạt trình độ đọc thông viết thạo tiếng Việt như vừa nêu.

Dạy - học môn văn ở trường phổ thông còn nhằm đào tạo những người biết cảm thụ cái hay cái đẹp của văn chương - từ đó mà ham mê đọc sách nói chung và sách văn chương nói riêng. Học sinh học giỏi môn văn hay học sinh có khiếu sáng tác văn chương/có khiếu làm thơ viết truyện đều cần đến năng lực cảm thụ văn chương, biết nao lòng trước số phận của các nhân vật tiểu thuyết hoặc trước vẻ đẹp đầy ma lực của một bài thơ. Cảm thụ cái hay cái đẹp của văn chương còn đòi hỏi học sinh phổ thông ít ra cũng phải thuộc một số câu thơ/bài thơ đi cùng năm tháng, cũng phải kể được một vài truyện cổ dân gian Việt Nam vào hàng kinh điển như Thánh Gióng, Trầu Cau, Tấm Cám, Từ Thức gặp tiên… Cao hơn một mức, còn phải đọc được một vài tác phẩm văn chương nước ngoài như Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi, AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Những người khốn khổ của Victor Hugo…    

Tuy nhiên yếu tố tạo nên sự phân hóa sâu sắc giữa một học sinh học giỏi môn văn và một học sinh có khiếu làm thơ viết truyện là năng lực sáng tạo văn chương. Một học sinh học giỏi môn văn và được điểm môn văn cũng như điểm thi môn văn cao hơn số đông bạn bè cùng lớp là nhờ tạo nên đôi chút khác biệt so với những gì thường được xem là khuôn mẫu mà người dạy đã truyền thụ/cung cấp. Có điều năng lực sáng tạo văn chương đòi hỏi nhiều hơn thế: dấu ấn cá nhân của người học phải được thể hiện qua những cách cảm cách nghĩ mới mẻ, hay cách diễn đạt độc đáo, có khi là bất ngờ đối với cả người dạy. Đương nhiên chỉ những người dạy có “con mắt xanh” mới có thể chắp cánh cho các trường hợp “hai trong một”: vừa học giỏi môn văn vừa có khiếu làm thơ viết truyện, hoặc chí ít cũng không góp phần làm thui chột các mầm mống tài năng sáng tác văn chương ngay trong trường học…  

Cho nên học sinh học giỏi môn văn hay học sinh có khiếu làm thơ viết truyện đều phải được học/được kiểm tra một cách đầy sáng tạo và quan trọng hơn là phải được đánh giá đúng theo lăng kính của sự sáng tạo. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống từng giới thiệu một đề văn tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2006 - 2007 của bang California Hoa Kỳ: Nếu bạn có thời gian một ngày với một nhân chứng lịch sử hoặc một nhân vật tưởng tượng, bạn định gặp ai? Bạn sẽ làm gì trong suốt ngày ấy? Bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ nói những gì? Viết một bài văn kể lại những nơi mà bạn và người ấy đã đi, những gì mà hai người đã làm. Cần sử dụng các chi tiết và chứng cứ để làm sáng tỏ. Một đề thi tốt nghiệp môn văn dành cho đông đảo học sinh trung học phổ thông mà còn thấm đẫm tư duy sáng tạo như thế, huống chi một đề thi chọn học sinh có năng khiếu văn chương!

Chấm một bài thi môn văn có độ mở cao như vậy chắc không có một đáp án duy nhất. Tất nhiên đã là trường quy thì không một học sinh nào, dầu có tư duy sáng tạo đến mấy, có thể lạc đề - tức là không đáp ứng đầy đủ và tốt nhất mọi yêu cầu của đề bài. Nhưng những người dạy có “con mắt xanh” vẫn có thể đánh giá cao những trường hợp khác đề. Chẳng hạn như cuộc đối thoại tưởng tượng giữa thí sinh bang California không phải với một nhân chứng lịch sử hoặc một nhân vật tưởng tượng mà là với cả hai nhân vật này thì chưa hẳn đã được xem là lạc đề, chỉ khác đề thôi. Mấy chục năm trước có một cậu bé dự thi tuyển vào lớp đệ thất/lớp sáu trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Đề thi môn văn năm ấy đòi hỏi thí sinh tả ông (bà) hiệu trưởng trường mình. Cậu bé nghĩ mình không thể nào trúng tuyển khi ra sức tả cả hai vợ chồng ông hiệu trưởng - vô vọng đến mức không đi xem kết quả thi. Hóa ra đời cậu bé may mắn vì người chấm thi chỉ xem đó là khác đề chứ không phải lạc đề, và cho điểm rất cao bài văn tả thầy hiệu trưởng luôn đứng cạnh phu nhân hiệu trưởng cũng là cô giáo trong trường…

Học sinh học giỏi môn văn còn khác học sinh có khiếu làm thơ viết truyện ở chỗ học sinh học giỏi môn văn chỉ có thể đáp ứng đầy đủ và tốt nhất mọi yêu cầu của đề bài, trong khi học sinh có khiếu làm thơ viết truyện không những như vậy mà còn biết tự ra đề bài cho mình - tức là tự đề ra yêu cầu tập sáng tác văn chương. Điều này có nghĩa học sinh có khiếu làm thơ viết truyện phải có cảm xúc dâng trào trước cái đẹp của thiên nhiên và của con người, trước nỗi thống khổ của những sanh linh bất hạnh. Học sinh học giỏi môn văn viết được một bài làm văn hay vì có thể viết được, còn học sinh có khiếu làm thơ viết truyện viết được một truyện ngắn hoặc một bài thơ hay vì không thể không viết, không thể không tự ra đề bài cho mình… để rồi tự đắm mình vào cõi vi diệu của văn chương. Chính vì lẽ đó mà trường phổ thông có thể đào tạo ngày càng nhiều học sinh học giỏi môn văn, còn đối với học sinh có khiếu làm thơ viết truyện thì trường phổ thông chỉ có thể tạo điều kiện cho những mầm mống tài năng nghệ thuật ấy đủ hưng phấn để phát huy năng khiếu nghệ sĩ - vốn quý hiếm và bẩm sinh như nhận xét của một nhà văn quê gốc Quảng Nam: “Người ta sinh ra đã là nghệ sĩ hay không chứ không thể học tập mà thành được” (Thạch Lam: Theo giòng)… 

B.V.T