Miếu Bà

01.04.2021
Trần Phan
Má tôi là người sống… “tâm linh”, bà không bao giờ làm bất cứ việc gì mà không “đệ” trong đầu một ông thần, bà mẫu nào đó. Đối với bà đó không chỉ là việc trọng tín ngưỡng, mà còn là cách tự bảo vệ gia đình mình. Con gái lớn trong nhà, dăm ba bữa má lại kéo gần thì thầm:

Miếu Bà

Minh họa của ĐẶNG TIẾN

- Bây coi, đàn ông sức dài vai rộng, vào Nam ra Bắc, một tay chống sườn biên cương, một tay khuấy nước biển Đông giữ thâm giữ viễn. Mình phận đàn bà, ra sức không được vài hột, nên tốt nhất việc gì cũng trọng ông, thờ bà. Có kiêng có cữ, thì có dữ mới có lành. Tao sống ngần này, giữ cho tụi bây yên ấm tới giờ cũng là nhờ đức ân trên. Chứ như ba tụi bây, quanh năm trong rừng, phơi sương nằm gió chốn thâm cùng cốc thẳm mà lúc nào cũng chỉ có con dao găm với mớ thuốc lá lận lưng. Mỗi bận ổng đi rừng, không nhờ tao ngày đêm cúng kiến, lễ bái liên tục thì lấy đâu an toàn đến giờ. Bao giờ nói xong, má cũng chắp tay nhắm mắt lại niệm đủ “adidaphat” ba lần rồi mới mở mắt ra làm chuyện khác.

2.

Ngày trước, ba từ ngoài Bắc vô xứ này lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Nghe đâu ông nội dẫn cả gia đình đi kinh tế mới trước thời mở cửa ở Tây Nguyên, nhưng ở trển nắng quá, mùa nắng thì thiếu nước tưới, mùa mưa không bước ra được khỏi cửa, bởi đất đỏ bết tới lưng quần. Lập nghiệp hơn năm năm nhưng cây cà phê chỉ tổ bằng cây ổi xía, lá bé tẹo, gốc cội lên những sần xù xơ xác vì thiếu nước. Hơn bốn trăm trụ tiêu cũng tươi tốt được ba năm đầu, sang năm thứ tư rầy ở đâu bay vô phủ trắng cả gốc, ngày đó lấy đâu ra thuốc mà diệt, vậy là mỗi sáng dậy cả nhà phải ra hạ gốc đem đốt. Mớ lúa rẫy cũng năm được năm mất. Thức ăn trong nhà quanh năm chỉ có cây mì và rau dại trên đất cằn. Bí quá, ông nội một lần nữa đưa cả gia đình vô Nam xuống tận miền Tây sông nước. Nghe nói ở đây quanh năm tôm cá, nước ngập ruộng đồng, rừng ngập mặn muôn thú sinh sôi, làm giàu chưa chắc, chớ đói ăn thì không bao giờ xảy ra. Bí quá cũng có cây súng, cây điển điển với mớ cá linh qua ngày.

Thế nhưng tới vùng đất mới chưa được bao lâu thì trong một lần đi rừng ông nội đột ngột qua đời. Nghe nói hôm ấy ông nội đi săn trong rừng có ngang qua miếu Bà, thường thì những ai đi đến khu vực này đều phải hạ lễ, ít thì nắm cơm, con cá, nhiều thì thêm mớ áo giấy, đồng xu cắc lễ Bà. Ông nội ngày đó mải mê theo dấu con mãng xà to bằng cả con trăn gấm từ bìa rừng, đuổi ngang qua miếu Bà rồi vào tận rừng sâu lúc nào không biết. Quần nhau hơn nửa ngày trời với con mãng xà trong từng bụi đước, gốc tràm ông nội mới bắt được nó. Ông quấn nó quanh người rồi vác về nhà. Một ngày sau thì có một người đàn ông cao lớn, râu tóc xum xuê, nước da ngăm đen, giọng nới lớ lớ từ bên kia biên giới sang trả năm cây vàng để mua con mãng xà. Vậy là ông nội có tiền để dựng nhà, có tiền để cưới vợ cho ba tui, là má tụi tui bây chừ.

Má về làm dâu chưa đầy một tuần thì ông nội lăn ra đau ốm. Ông sốt cao, suốt ngày chỉ nói sảng trong mê man, không đứng dậy nổi. Những lúc sốt cao ông lại trườn trườn quanh giường rồi phì phì thở trong gấp gáp. Ba tôi cuống cuồng đi khắp xứ tìm thầy, nhưng thầy nào đến cũng lắc đầu. Sang đến ngày thứ mười lăm, khi ông nội tôi chỉ nằm một chỗ thoi thóp, thì tự dưng có một ông thầy từ xứ Bảy Núi ghé tới nhà. Ông ta chỉ thầm thì với ba tôi vài câu rồi bỏ đi. Đại thể rằng ông nội đã đi săn trong khu vực cai quản của Bà, nhưng ông đã không tạ ơn Bà. Nên Bà quở trách bắt ông đi sớm.

Hôm sau ông nội tắt thở. Từ đó, má tôi bắt đầu sống tâm linh trong tất cả mọi việc hằng ngày. Bởi với bà, cái chết của ông nội đúng là do ông đã không đúng lễ với Bà. Còn ba tôi lại khác, sau đận đó, ông trở nên ít nói, ông đi rừng nhiều hơn, nhưng ông không bao giờ vào khu vực miếu. Thay vì săn bắt như ông nội, ba tôi chủ yếu hái rau và tìm thuốc. Và cũng từ lúc đó, má tôi bắt đầu lệ khệ mua sắm áo giấy, lập nhiều hơn những bàn thờ trong nhà. Mỗi thứ đều có những quy tắc nhất định, nếu không rành thì cũng không mấy ai biết. Trước là Như Lai phật tổ, sau là đến Thành hoàng bổn sứ, tiếp là thần sông, núi, kênh, rạch; rồi đến thổ địa, thần cửa, ông táo, ông chuồng (thần cai quản việc chăn nuôi trong gia đình), sau cùng là tổ tiên, ông bà…. Mọi việc trong nhà nhất nhất phải từ trên xuống dưới theo thứ tự các thần mà đốt nén hương cầu khẩn. Chị em tôi không biết bao nhiêu, nhưng mỗi lần đốt hương má đốt đủ hai mươi mốt cây. Vậy có thể đoán là có tầm hai mốt vị thần.

Má nhất định phải thắp đủ số hương như vậy mới yên tâm làm mọi việc. Thế mới có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra hàng ngày. Như việc chị Hai tôi năm đó đi thi tốt nghiệp trung học. Năm giờ sáng má đã dậy sắm lễ ra trước sân nhà cầu khấn, thắp đủ hai mươi mốt cây hương trong nhà. Sau đó má dẫn chị Hai đi đến trường. Khi đi má cầm theo cả bó hương, mỗi lần qua một con kênh má lại thắp một cây hương khấn vái. Xuống ghe qua bến má cũng thắp trên thành ghe khấn vái. Đến cổng trường má lại thắp một nén hương khấn vái. Thành thử xong mọi thủ tục thì chị Hai vô phòng thi bị trễ mất nửa tiếng. Vậy là năm đó chị Hai không được thi, phải ở lại lớp mất một năm.

Chị Hai khóc cả tháng trời. Ba tôi giận đến mức đập luôn ba cái bàn thờ trước sân rồi vô chòi trong rừng ở cả tuần không về. Nhưng má tôi thì khác, má nói nếu không có thần linh giúp đỡ, chắc gì đi đường, qua sông ngày hôm ấy không gặp nạn. Nói xong má lại chắp tay niệm “adidaphat”. Rồi như hồi chị Ba sanh cháu. Năm giờ sáng chị Ba chuyển dạ. Ba tôi và chồng chị chống xuồng đưa xuống trạm xá sanh. Ba dặn má sang mượn ghe nhà ông Hai Tri hàng xóm để đem quần áo xuống gấp. Thế nhưng trời qua trưa mới thấy má đến nơi. Hỏi ra mới biết ngoài hai mươi mốt cây nhang thắp trong nhà, má còn cúng thêm thần ghe nhà ông Hai Tri, thần canh giữ trạm xá và mười hai bà mụ lúc sanh nở. Ba ngồi thất thần ở trạm xá cả buổi chiều hôm đó, kiểu như không biết đêm nay trạm xá sẽ có bao nhiêu góc được thắp hương, cúng vái. May mắn, năm đó chị Ba sanh mau, mẹ tròn con vuông. Má luôn nói đó là nhờ mình phải lễ đầy đủ với các thần. Và má tự hào về điều đó lắm. Má còn dặn chừng tôi rằng đến khi mày sanh, con tao nhất định còn phải cúng thêm thần giường, thần nôi, thần tã… nữa!

3.

Vạn vật hữu vi, ba tôi vẫn biết điều đó, ông vẫn kiêng nể và tôn trọng quy luật sanh tồn của tự nhiên. Đi rừng ông vẫn né tránh những nơi có động vật đang sống. Hái thuốc xong ông đều đổ một ít rượu trắng xuống đất để tạ ơn trời đất. Nhưng ông không cuồng tín như má. Biết sẽ khó thay đổi được vợ mình, nếu không chứng minh được câu chuyện ông nội tôi mất là có lí do nhất định. Ông lặng lẽ lên rừng hái thuốc, lặng lẽ từng nhà những người bệnh để cứu người, giúp đời. Còn má tôi vẫn vậy, bất cứ nơi nào có điện thờ, am tu, thần thánh báo điềm bà đều lặn lội đến khấn vái, cầu an.

4.

Một ngày cuối hè năm ấy, má tôi đang nằm trên chõng tre ru con Hến - con của chị Ba ngủ. Tự dưng má bật dậy, mồ hôi đầm đìa, lật đật chạy đi đốt đủ hai mươi mốt cây hương rồi khấn vái mọi ngóc ngách, rồi lại lên chõng tre nằm phờ phệch. Mấy chị em chúng tôi nháo nhào từ mọi nơi đổ về. Người xoa dầu gió, kẻ bóp chân tay, ba và mấy anh chuẩn bị xuồng đưa đi cấp cứu. Nhưng lúc ấy, đang giữa trưa oi bức, trời lại xuống giông. Cơn mưa lớn ập tới. Ngập cả vùng trong chốc lát. Nhắm không thể đưa má đi trạm ngay lúc này. Ba tôi nhanh chóng lấy ít sâm dây pha với mật ong rừng, bỏ thêm một cái mật rắn vào rồi cậy miệng má đổ dô. Kì diệu thật, vài tích tắc đã thấy người má rút mồ hôi. Da hồng hào trở lại. Mặt tỉnh bơ như chưa có gì xảy ra. Má đứng dậy phủi đít quần rồi lại thắp hương khấn vái. Má nói rằng lúc nãy ngủ mơ, thấy ba tụi bây đi qua miếu Bà hái thuốc nhưng không vào tạ lễ. Bà bắt ba tụi bay giam ở trong miếu. Bà còn trách tao làm vợ mà không khuyên răn được chồng. Đặng để chồng thất lễ bề trên nhiều lần. Tao đang ru con Hến bằng sáu câu ở trỏng. Tự dưng thấy trời chuyển giông. Một cái bóng áo Mẫu lớn bao trùm cả khu nhà. Rồi từ từ hạ xuống thấp phủ lấy toàn thân tao. Cơ thể tao như bị bóp chặt rồi cuốn theo chiếc áo ấy về phía cánh rừng nơi có miếu Bà. Lúc cái áo thả tao ra. Tao thấy ba tụi bây bị nhốt nhiều ngày đói trơ xương. Duy chỉ có đôi mắt trơ tráo nhìn tao nhưng không nói gì cả. Một người phụ nữ cao lớn bỗng từ đâu xuất hiện cười khẩy. Bà ta bảo rằng sẽ đưa cả tao và ba tụi bây đoàn tụ ông nội ngay tức khắc. Bởi việc thất lễ đến hai đời là không thể chấp nhận. Sau một tràng cười lớn của bà ta. Tao và ba tụi bây bị rớt xuống một cái hố sâu, nhìn xuống phía dưới là một biển lửa mênh mông. Tao ré lên trong vô vọng, còn ba tụi bây thì mắt cứ trân tráo nhìn tao. Hơi nóng ngày càng gần. Người tao túa mồ hôi đầm đìa. Khi cơ thể sắp chạm vào biển lửa thì tự dưng một ông lão hiền từ xuất hiện, huơ gậy rồi hất ngược tao lên lại còn ba tụi bây thì rớt hẳn xuống biển lửa rồi mất dặm. Lúc nãy thắp hương, tao nhìn ông nội tụi bây rất giống ông lão ấy. Mà hình như là ông nội tụi bây thiệt. Chỉ có ổng mới cứu con cái mình thôi. Tao không chết. Ba tụi bây sờ sờ ra đó. Phép thuật ổng cao siêu như thế…. Vậy, vậy chắc ông nội tụi bây thành tiên, thành phật thật rồi. Mà thành tiên thành phật thì chắc là ổng đâu có phạm lễ với Bà nhỉ? Má tôi tự nói một mình rồi nhìn quanh ngơ ngác mấy đứa con. Chị Ba tức cười quá, nói trớ là ra sau nhà nấu thêm miếng nước nóng, chứ thật ra là ra sau để cười cho đặng.

Trời đang mưa tự nhiên dứt, nắng lại hảnh lên. Ba tôi nói mấy chị em coi nấu bữa cơm gia đình tươm tất ăn cho vui. Rồi ba dắt má ra ngoài sân thủ thỉ.

- Bà nhìn coi. Vùng này đất đai bằng phẳng, cây cối xanh tốt quanh năm. Chăm chỉ làm thì có ăn khó gì đâu. Trời phật, thánh thần hay tổ tiên ông bà ai cũng muốn con cháu mình an vui mà sống. Người ta lập ra miếu Bà cũng chỉ để Bà che chở cho cư dân trong vùng. Có cái chỗ để tránh thú dữ, để mưa rừng hay nắng quái thì vô nghỉ ngơi. Bà có bao giờ hiển linh đòi lễ vật gì đâu. Đợt ba tôi ốm chết là do ông bị rắn mãng xà cắn trúng chân mà không biết. Lúc đấy thuốc thang còn hạn chế nên ông qua đời. Chứ nếu chiếu theo lệ mà bà nghĩ, thì đâu chỉ có mình ba tôi bị quở trách mà chết. Bao năm qua, mọi thứ đều phát triển lên. Bà có thấy vùng này ai bị chết mà không rõ nguyên nhân không. Có kiêng có cữ thì có dữ sẽ hóa lành. Tôi nghĩ bà đúng. Nhưng hành lễ thì phải từ tâm chứ không phải từ vật nhiều hay ít bà ạ!

Ba dứt lời, mặt má tôi cũng giãn ra nhiều. Tự dưng bà nhìn lên gương mặt ba tôi rồi buột miệng.

- Sao giờ nhìn kĩ tui thấy ông giống ông lão trong giấc mơ dễ sợ!

Nói xong má cười hiền lành, lòng nhẹ bỡn cùng ba vào ăn cơm tối với bầy con cháu đang đợi.

(Văn nghệ số 39/2020)