Mẹ về gối sóng bờ thương

04.10.2023
Tuệ Mỹ

Mẹ về gối sóng bờ thương

(Đọc “Giấc mơ sông Thương 36” của Nguyễn Phúc Lộc Thành)

1-

Mẹ nhìn

Mắt lệ chong chong

Đâu đâu

cũng thấy đòng đòng lên hương…

 

2-

Trăng nằm

đau đáy dòng Thương

Mặt đêm lỗ chỗ

Sao dường rơi rơi

 

Tim cằn

đập tiếng ru hời

Mẹ thiêm thiếp

úa xuống vơi cõi trần

 

Mẹ ơi.

Đừng lạnh ngón chân

Để ngăn ngắt giá

mấy vần thơ câm.

 

Sớm nay

Ngày thiếu

Tháng âm

Mẹ tôi

cháy cạn ngọn trầm quê hương

 

Mù mưa

Khăn trắng

Tận đường

Mẹ về gối sóng bờ Thương nhĩ nhàu

 

Tha nhân đâu

Tha nhân đâu

Người đi

Đồng đất

nhuốm màu

rưng rưng

 

Cơn đau

lên biếc trùng trùng

Bốn bề dâu bể

về chung một chiều

 

Mẹ ơi

Cả rừng trời yêu

Cùng con

chôn xuống

khăn điều

bùn nâu

 

3-

Sông Thương

nước chảy rầu rầu

Mẹ ơi

         Mẹ cố

nửa câu

            gọi đò…

 

Lời bình:

“Giấc mơ sông Thương 36” là bài thơ cuối cùng trong tập thơ Giấc mơ sông Thương của Nguyễn Phúc Lộc Thành (Nxb Hội Nhà Văn - 2018). Cả 36 bài thơ trong tập thơ này đều được viết theo thể thơ lục bát cách tân. Lấy cảm hứng từ con sông Thương, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã dành trọn tình yêu viết về một đối tượng duy nhất: phụ nữ. Đó là người vợ, người chị, người em, người tình và người mẹ. “Giấc mơ Sông Thương 36” là một trong những bài thơ hay viết về mẹ.

Bài thơ là bức tranh tâm trạng được vẽ bằng ngôn ngữ thơ. Màu tang là gam màu chủ đạo. Tâm trạng của nhân vật người con khi chứng kiến từng bước đi về đất của mẹ mình là “hình ảnh” trung tâm của bức tranh. Chủ thể trữ tình nhập vai nhân vật để bộc lộ cảm xúc. Cảm xúc bao trùm bài thơ là nỗi đau tê của người con theo từng bước mẹ rời cõi tạm.

Bức tranh mở đầu bằng nét vẽ “Mẹ nhìn/ Mắt lệ chong chong/ Đâu đâu/ cũng thấy đòng đòng lên hương…”. Nét bút đầu tiên thi sĩ dừng lại ở đôi mắt mẹ và làm đậm nó bằng “lệ” “chong chong”.  Mẹ muốn nói gì qua “Mắt lệ”? Trả lại bể khổ dòng lệ mẹ đã trót vay khi cất tiếng khóc chào đời? Hay đớn đau, tiếc nuối khi vĩnh biệt người thân? Có thể là tất cả. Đặc biệt đôi mắt gây ám ảnh ở cái nhìn “chong chong”. Chính đôi mắt này đã từng hằng đêm “chong chong” chờ chồng, đợi con khi họ vắng xa. Giờ mẹ cũng “chong chong” nhưng lại thấy “đòng đòng lên hương” vây phủ khắp “đâu đâu”. Là “hương” gì? Hương khói tiễn đưa hồn người về với khói mây? Có thể. Bởi, lúc còn hơi thở chót, mẹ còn thấy gì ngoài cõi về của một kiếp phù sinh. Nhưng “đòng đòng” lên hương còn mở ra cách hiểu khác: là hương đời. Cuộc đời mẹ đẹp vậy, hạnh phúc vậy mà mẹ lại sớm ra đi thì thật tiếc nuối, đớn đau. Con đã đọc được điều này trong mắt mẹ. Hòa trộn hai nét vẽ “lệ” “chong chong”, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã “tạc” nên đôi mắt mẹ trong giờ phút lâm chung gây ám ảnh đớn đau cho người ở lại.  

Rồi, con lắng nghe: “Tim cằn/ đập tiếng ru hời”. Nghe tiếng “tim cằn” lúc “mẹ thiêm thiếp” mà ngỡ như nghe “tiếng ru hời”. Có phải con đang mơ? Phải, “tiếng ru hời” đã vọng về từ vô thức. Tiếng ru hời của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn con, làm nên cuộc đời con. Trong thời khắc này, ý thức bảo rằng con sắp vĩnh viễn lìa xa mẹ nhưng tiếng ru trong vô thức lại là lời nhắc về công ơn trời bể của đấng sinh thành.

Trong tuyệt vọng, con chỉ muốn tìm điều kỳ diệu trong vô thức: “Mẹ ơi/ đừng lạnh ngón chân/ Để ngăn ngắt giá/ mấy vần thơ câm”. Van mẹ “đừng lạnh ngón chân” chẳng phải là lời của vô thức? Biết không ngăn được bàn tay của thần chết mà lại cứ van mẹ “đừng”. Vô thức lên tiếng mà nghe cũng có lý. Cái lý nằm ở đây: “mẹ lạnh ngón chân” thì “con ngăn ngắt giá”. Nhà thơ đã dùng sợi dây liên tưởng (Mẹ lạnh - Con giá) để “nối” mạch máu nối liền tình con đối với mẹ trong thời khắc cách biệt âm dương. Lại dùng biểu tượng “mấy vần thơ câm” để biểu đạt nỗi đau tê lòng người-con-thi-sĩ. Thơ là tiếng nói của trái tim. Thơ “câm” bởi tim con đau điếng, lòng con tái tê; bởi nỗi đau con không thể nói nên lời. “Câm” mà thơ con cứ vọng động đến tận cùng cõi đau.

“Sớm nay/ Ngày thiếu/ Tháng âm/ Mẹ tôi/ cháy cạn ngọn trầm quê hương”.

Không tìm được điều kỳ diệu trong vô thức, “tôi” phải trở về thực tế để nhìn nhận một sự thật: mẹ “cháy cạn ngọn trầm quê hương”. Với tất cả lòng yêu thương, tôn kính mẹ, “tôi” đã đặt mẹ nằm trong lòng của quê hương. Hồn mẹ ngát hương quyện trong hồn quê vĩnh cửu. Điều này nhà thơ đã để cho hình ảnh “ngọn trầm quê hương” cất tiếng. Đây là một thi ảnh đẹp bọc trọn tấm lòng thơm thảo của người con.

Dùng ngoại cảnh để miêu tả nội tâm như một hình thức ẩn dụ là thủ pháp được Nguyễn Phúc Lộc Thành sử dụng rộng rãi trong bài thơ. Lúc mẹ thiêm thiếp, hơi thở mong manh: “Trăng nằm/đau đáy dòng Thương/ Mặt đêm lỗ chỗ/ Sao dường rơi rơi”. Lúc đưa tang mẹ: “Mù mưa/ khăn trắng”, “Đồng đất rưng rưng” “dòng Thương nhĩ nhàu”. Đưa thiên nhiên tham dự vào chuyện lòng của con người cũng là cách làm đậm màu tâm trạng. Có phải nỗi buồn đau quá lớn chỉ có thể sẻ chia cùng thiên nhiên?

Trong những sinh thể thiên nhiên thi sĩ dùng để biểu đạt buồn đau không thể thiếu “dòng Thương”. “Trăng nằm đau đáy dòng Thương”, “Mẹ về gối sóng bờ Thương nhĩ nhàu”, “Sông Thương nước chảy rầu rầu”. Sự xuất hiện này như một lẽ tất nhiên làm bật nổi nhan đề, khẳng định nguồn cơn của cảm hứng người thơ.

“Cơn đau/ lên biếc trùng trùng/ Bốn bề dâu bể/ về chung một chiều”.

Nỗi đau mất mẹ tràn ngập khắp không gian bài thơ nhưng đến đây nó mới được gọi tên: “cơn đau”. Đúng, là “cơn” bởi “đau” cứ “trùng trùng” tiếp nối bất tận không dứt, không thôi. Lại còn bủa vây “bốn bề” rộng khắp và kéo cả “bể dâu” của loài người “về chung” đau. “Đau” không chỉ có tầm vóc, kích cỡ mà còn “rất chất”: “Lên biếc”. Tấm lưới “đau” bủa vây đến rợn ngợp. Một cách biểu đạt nỗi đau mang đậm dấu vân tay Nguyễn Phúc Lộc Thành: “Mẹ ơi/ Cả rừng trời yêu/ Cùng con/ chôn xuống/ khăn điều/ bùn nâu”.

Một tượng đài tình yêu con dành cho mẹ hiện lên sừng sững qua thi ảnh “Cả rừng trời yêu”. Người đọc chưa kịp ngước nhìn tượng đài thì lại rơi vào trạng thái thảng thốt khi khối tình này “Cùng con chôn xuống”… theo mẹ vào thiên thu. Quá đỗi thống thiết, bi ai! Một không gian tràn ngập nỗi đau, tình yêu của lòng hiếu thuận.

Nét vẽ cuối cùng trong bức tranh tâm trạng: “Sông Thương/ nước chảy rầu rầu/ Mẹ ơi/ Mẹ cố/ nửa câu/ gọi đò…”. Lúc này, con như lọt tõm vào cơn mê. Đúng, chỉ có mê sảng mới bảo người nằm trong mộ “cố gọi đò” dù chỉ “nửa câu”. Không biết giấc mê này kéo dài đến bao giờ, chủ thể sáng tạo cứ để người đọc bước vào khoảng trống bài thơ (dấu ba chấm đặt cuối cùng) mà tìm lời đáp, mà đồng cảm với nỗi lòng người con.

Cả bài thơ không thấy thi sĩ nói đến nước mắt người con nhưng thiết nghĩ còn giọt nước mắt nào mặn hơn, đặc hơn tiếng nấc “Mẹ ơi” ba lần vang lên vô cùng thê thiết vọng xuyên suốt bài thơ. Tiếng nấc đã kết đọng “cả rừng trời yêu”, cả “Cơn đau/ lên biếc trùng trùng”… của con trong giây phút lìa xa mẹ. Chỉ là nhập vai nhân vật mà cảm xúc người thơ vô cùng mãnh liệt và rất chân thành.

Nhiều bài thơ trong tập Giấc mơ sông Thương, Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng viết về cái chết của mẹ nhưng đó chỉ là những “lát cắt” của tâm tưởng thi nhân khi bất chợt bắt gặp một tín hiệu nào đấy làm khởi lên tâm tưởng đó. Riêng bài thơ này, mẹ được nói đến hoàn chỉnh một tứ thơ viết về một câu chuyện (chuyện mẹ từng bước đi vào cõi chết). Cảm xúc của người thơ cũng chảy theo tuyến tính câu chuyện (mẹ, lúc thiêm thiếp, lúc trút hơi thở cuối, lúc về nơi an nghỉ) với nhiều cung bậc:  Lúc lắng đọng, khi bật bung; lúc định tâm, khi cuống hốt… Bởi thế, bức tranh tâm trạng cũng hoàn chỉnh các “phân cảnh” và màu tâm trạng đậm nhạt cũng rõ ràng.

Vẫn trên nền tảng hiện thực - lãng mạn, “Giấc mơ sông Thương 36” còn phảng phất sắc màu huyền ảo. “Nhiều câu thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành viết trong cảm xúc mộng mị đến ma mị kiểu xuất thần từ cõi vô thức” (Nguyễn Việt Chiến) chẳng phải đã pha màu Huyền ảo cho thơ? Và, vẫn đi trên sợi dây căng mắc hai đầu câu thơ 6 & 8 nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành đã làm mới lục bát theo cách riêng của mình. Tất cả đó đã tạo nên một không gian lục bát  Nguyễn Phúc Lộc Thành riêng biệt đầy quyến dụ mà “Giấc mơ sông Thương 36” là một bài thơ tiêu biểu.

T.M