Bánh khoai cô Mườn

03.10.2023
Nguyễn Đỗ Minh Thư

Bánh khoai cô Mườn

Lớp 8/6 - Trường THCS Phan Đình Phùng, thành phố Đà Nẵng

Tôi sống ở một làng quê nhỏ luôn bình yên và hạnh phúc. Người dân quê tôi chủ yếu sống bằng nghề lúa nước, tuy không giàu, nhưng họ luôn đoàn kết, thân thiện và tương trợ lẫn nhau. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cây lúa từ lúc còn xanh mởn đến khi chín vàng. Vào mùa lúa chín, lũ trẻ chúng tôi lại háo hức đi phụ gia đình gặt lúa. Bởi thế những bông lúa chín vàng ươm, nở rộ luôn là hình ảnh đẹp nhất của tuổi thơ tôi.

Thật ra, gia đình tôi được gọi là khá giả nhất làng nên cuộc sống của tôi từ nhỏ đã không phải vất vả. Tôi được đi học, có những món đồ chơi xịn sò không ai có, được mặc quần áo đẹp mỗi ngày. Hơn hết, tôi hầu như không phải động tay vào việc đồng áng như những người dân nơi đây. Tôi không phải đi chăn trâu, không phải dậy sớm ra chợ, ra đồng, càng không phải lo cơm áo gạo tiền. Mấy thằng nhỏ trong xóm ngưỡng mộ tôi lắm, lúc nào cũng nhìn tôi với ánh mắt long lanh đầy ghen tị, ước ao. Có điều, bản thân tôi lại chẳng thích cuộc sống này lắm. Một quý tử trong nhà, là cháu đích tôn, tôi luôn được cô dì chú bác, cha mẹ bao bọc hết mức. Ngoài học ra tôi cũng chỉ được đi quanh quẩn gần nhà, không được la cà quá lâu hay về trễ. Nhiều lúc ở một mình trong căn phòng rộng lại trống vắng, tôi cảm thấy thật cô đơn.

Những dịp lúa chín là thời gian duy nhất để tôi được thoải mái lao động cùng mọi người. Ruộng nhà tôi bạt ngàn, người làm không đủ nên tôi thường xin cha mẹ cho mình được phụ giúp. Bởi tôi rất thích ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng ươm thơm mùi sữa hay nghe tiếng gió thổi xì xào khiến cho từng ngọn lúa lả lướt như mái tóc cô thiếu nữ tóc vàng. Dù có những lúc tôi bị muỗi chích nhiều, hay đạp phải hòn đá khiến chân tôi đau ê ẩm, nhưng tôi lại thích thú vô cùng. Ánh nắng chiếu xuống màu lúa chói rọi, bầu trời xanh trong lác đác vài đám mây trắng lơ lửng. Tôi đội chiếc nón lá của mẹ, ngẩng mặt lên trời ngắm nhìn mây và chim. Nắng chiếu vào mắt, thời tiết nóng làm tôi đổ mồ hôi ướt hết cả áo, nhưng tôi vẫn hăng hái lao động cùng các cô chú.

- Chàng quý tử mệt rồi thì nghỉ ngơi đi! - Cô Mườn thốt lên với nụ cười tươi trên môi. Làn da cô bị cháy nắng, lưng ướt đẫm mồ hôi. Trên lưng cô đang cõng theo một bé gái đã ngủ say, là bé Hoa, con gái của cô. Vì không có ai ở nhà nên cô phải mang cả con của mình theo để làm việc.

Cô Mườn là một người trong làng mà tôi vô cùng yêu mến. Cô không có quan hệ máu mủ gì với tôi cả, nhưng tôi xem cô như cô ruột của mình vậy. Hoàn cảnh cô khó khăn làm tôi lại càng yêu thương cô hơn. Lúc đang mang bầu bé Hoa, chồng cô phải đi lính để lại mình cô cùng đứa con trong bụng, với căn nhà gỗ đơn sơ. Dù vậy, cô vẫn vui vẻ hằng ngày ngóng trông người chồng của mình. Cô trải qua những tháng ngày thai kỳ vô cùng vất vả, phải dậy sớm ra chợ bán bánh, ai có nhờ làm việc cô đều đồng ý để có tiền nuôi con. Tôi nghe kể có lần cô làm việc dưới trời nắng gắt đến mức ngất đi, may là có người dân gần đó phát hiện mà đưa cô về nghỉ ngơi. Nhưng cho dù cuộc sống cô có khổ cực thế nào, cô Mườn vẫn luôn giữ thái độ tích cực với cuộc sống, cũng là vì con, vì chồng. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của cô Mườn, mọi người trong làng đều có tấm lòng giúp đỡ, không ai xa lánh hay bỏ mặc cô. Dù sao cô cũng là một người dễ gần, luôn tốt với bà con làng xóm nên ai cũng quý, hết lòng hỗ trợ. Có khi cô Hai mang cho con gà, nhà ông Năm nấu cháo còn dư mang cho cô, bà Lài hay mang sang chén gạo, miếng thịt heo.

Cuộc sống tình làng nghĩa xóm ấy cứ ngỡ êm đẹp, nhưng cho đến khi bé Hoa được 5 tháng, cô nghe tin chồng cô đã mất trên chiến trường. Cô vừa ôm con, vừa gào khóc. Bà con quay quanh xem chuyện, cũng có người vào an ủi, giúp đỡ. Em bé cứ ré lên xen lẫn tiếng cô nức nở gọi tên chồng. Lúc đó tôi khoảng 4 hay 5 tuổi gì đấy, chỉ biết nấp sau mẹ nhìn cô. Tôi thương cô, nhưng cũng chỉ là một đứa trẻ, còn quá nhỏ cũng chẳng biết làm gì hơn.

Có lần, hôm ấy trời hơi giông, mây xám xịt lấp đầy khoảng trời. Tôi thở dài nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ, để ý trên khung cửa bằng gỗ đã có vết nứt từ khi nào. Tôi liếc nhìn xuống khung cửa, lại nhìn lên bầu trời đen, rồi liếc qua cây dừa cao phía trước ao. Gió thổi mạnh làm thân cây dừa cong xuống như cây cần câu, quật vào từng tán lá. Bỗng, có người trong làng hớt hải chạy đến nhà gọi tên cha mẹ tôi:

- Ông Sáu! Trên núi... nhỏ Mườn định làm chuyện dại dột gì kìa! Đi, đi với tôi theo khuyên ngăn cô ả với!

Cha mẹ tôi cũng bất ngờ mà chạy theo sau. Con nít tò mò, tôi cũng lén lút mà bám theo. Tới nơi, tôi thấy dân làng tập trung nhiều lắm, ở giữa là cô Mườn đang ôm đứa con nhỏ mà gào khóc. Thì ra, vì quá thương nhớ người chồng, cô đã có ý định ôm con đi theo. Người dân chạy tới khuyên can, dìu cô về nhà. Tôi đứng sau, lặng lẽ nhìn bóng lưng gầy nhom của cô mà xót xa. Lưng cô gù xuống để ôm lấy đứa con nhỏ đang khóc ré, miệng vẫn lẩm bẩm gọi tên chồng.

Vài năm sau, có lẽ cô đã quên cú sốc năm ấy mà trở về cuộc sống êm đềm với làng quê như bình thường. Cô luôn suy nghĩ tích cực, sống chan hòa với mọi người và hơn hết, cô là một người mẹ tốt, kiêm luôn người cha của bé Hoa. Hôm ấy, nhà tôi mới thu được mấy rổ mận chín đỏ au, ngọt lịm. Quả nào quả nấy căng bóng bẩy. Gia đình nhờ tôi mang biếu cô Mườn vài quả, còn những người còn lại thì mang cho những người khác. Tôi hăng hái nhận rồi chạy tới nhà cô. Ánh nắng ban mai chiếu rọi xuống từng hạt sương long lanh đọng trên lá, gió se lạnh thổi ngang gáy làm tôi lạnh cả sống lưng. Đang đi tôi còn đạp lên vũng bùn bẩn hết đôi dép mới, nhưng tôi không bận tâm là bao. Tới trước cửa nhà cô Mườn, tôi bẽn lẽn hé mở cửa, kêu lên:

- Cô Mườn ơi, con Hùng nè, cô có ở nhà không ạ?

- Vào đi con. - Giọng cô khẽ thốt lên.

Nghe vậy, tôi tự mở cửa đi vào. Căn nhà cô nhỏ xíu, có cửa cũng như không. Trong nhà chỉ có chiếc xe đạp cũ để nằm, một cái lò, vài đồ dùng bếp và đống khoai để ở góc. Thấy tôi, cô nở nụ cười hiền dịu lộ ra hai hóp má. Cô ra hiệu tôi nhỏ tiếng vì bé Hoa đang ngủ, tôi hiểu ý cũng nhón chân đi vào.

- Nhà con biếu cô chút hoa quả ạ!

- Khách sáo quá.

- Cô ơi, trên trán và mắt cô có mấy đường chỉ lạ quá à! - Tôi ngẩng mặt lên, ngây thơ nhìn vào những nếp nhăn trên trán cô Mườn. Nghĩ lại, đáng lẽ tôi không nên hỏi câu ấy với một người phụ nữ mới vừa ba mươi. Nhưng lúc đấy tôi còn nhỏ mà, không nghĩ gì nhiều cả.

- À, cái đó sẽ xuất hiện khi con lớn lên thôi!

- Ồ... Là sau này con lớn con cũng có mấy đường chỉ trên mặt như vậy sao? Không chịu đâu, nhìn kỳ lắm!

- Ừm... Nhưng nếu con có cuộc sống tốt, con cũng có thể không có đấy. - Cô cười gượng.

- À... Thì ra là vậy...

Cô Mườn nhẹ nhàng xoa xoa bé Hoa đang ngủ. Thấy tôi đang nhìn chăm chăm vào đống khoai trong góc nhà, cô cất tiếng:

- Con ăn bánh không, cô làm cho!

- Dạ có! - Tôi hớn hở gật đầu, nhìn cô bằng ánh mắt long lanh.

Cô chống tay xuống sạp nghe tiếng cạch rồi khó khăn đứng dậy. Dáng cô lom khom, trông yếu lắm. Thế nhưng cô vẫn cố gắng nhặt từng củ khoai. Tôi chăm chú nhìn cô thực hiện từng động tác, háo hức chờ đợi món bánh mới lạ. Đôi tay cô có chỗ sưng rộp, vẫn tỉ mỉ rửa sạch khoai, gọt vỏ, cắt ra rồi đem chiên trong chảo dầu nóng. Tiếng tạch tạch, xèo xèo phát ra nghe đã tai thật. Sau một lúc đảo những miếng khoai trong chảo, cô vớt ra để trên rổ có lót giấy báo bên dưới mang tới cho tôi.

Bánh khoai mới chiên xong nóng hổi, vẫn còn khói bốc lên nghi ngút. Bánh chín có màu mật, vài chỗ bị nứt ra. Tôi lau tay vào áo rồi mời cô:

- Dạ, chúc cô ăn ngon miệng! - Nói rồi tôi lấy tay bốc miếng lớn nhất. Nóng quá, chút nữa làm rơi miếng bánh xuống sàn thì tiếc lắm. Tôi phồng má, thổi vài cái cho nguội bớt rồi cắn một miếng thật to. Miếng bánh giòn rụm, cắn vào nghe tiếng rộp rất thích. Ôi thôi, ngon quá đi mất! Đó chỉ là miếng khoai đem chiên lên, nhưng tại sao nó lại ngon thế cơ chứ? Ban đầu là cảm giác giòn tan như ăn bánh phồng, sau đó hơi mùi dầu nhưng không ngấy, rồi hậu vị là vị ngọt hơi bùi đặc trưng của khoai. Nhà tôi khá giả nên tôi được ăn nhiều món ngon từ thịt, cá... nhưng món bánh khoai đơn giản này lại làm tôi mê đắm.

- Cô ơi, ngon quá đi mất! - Tôi tíu tít khen.

- Cô cảm ơn con, con cứ ăn thoải mái nha.

- Dạ!

Thế là tôi ngồi ở nhà cô, vừa trò chuyện vừa ăn bánh khoai cô làm. Tay cô vừa xoa xoa bé Hoa đang ngủ, vừa kể cho tôi về cuộc sống của cô. Từ đó tôi càng hiểu về cuộc sống khó khăn của cô, song lại khiến tôi càng yêu quý người cô không có máu mủ với mình.

Sau ngày hôm ấy, dường như ngày nào trên đường đi học về, tôi đều phải ghé qua nhà cô Mườn để chơi và ăn bánh. Cô vẫn rất niềm nở đón tiếp tôi, ngày nào cũng để phần bánh cho tôi. Tôi ăn không biết ngán, chỉ tiếc mình không có cái bụng thật lớn để ăn thật nhiều. Bánh là cô bán để kiếm sống, nhưng tôi ăn cô lại không lấy tiền. Cô bảo cô thương tôi, cũng là con nít, hàng xóm với nhau thì mấy cái bánh có đáng là bao. Cũng vì thế, tôi ngây thơ cứ ăn mà không nghĩ ngợi gì.

Dần dần, cha mẹ tôi cũng phát hiện tôi đi học về trễ hơn thường ngày đâm ra nghi ngờ. Gia đình tưởng tôi bắt đầu la cà, đi lêu lổng với đám bạn xấu. Tối đó, mẹ có gặn hỏi nhưng tôi không trả lời, rồi mẹ gằn giọng:

- Gia đình cho con ăn học đàng hoàng, con đừng vì những thú vui nhất thời mà lơ việc học. Nhà mình tốt, nếu không vì ruộng đất ở đây thì mẹ đã xin cha cho con lên phố ăn học. Mẹ thương con nên mới nói, con có thương mẹ thì nhớ lời mẹ đó. - Nói rồi, mẹ kéo chăn đắp lên người cho tôi, nhẹ nhàng xoa đầu rồi đứng dậy thổi tắt đèn, rồi đi về phòng.

Tối đó, tôi cứ lăn qua lăn lại chẳng ngủ được. Tôi bực mẹ vì đã nghĩ tôi la cà hư hỏng. Tại sao mẹ lại nghĩ vậy cơ chứ, là mẹ không tin tưởng tôi sao? Vả lại, nghe mẹ nói thế tôi cũng thấy không vui vì chẳng khác nào mẹ nói cô Mườn đang làm hại tôi vậy. Tôi cứ thế mà cáu gắt cả đêm.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy với tâm trạng mệt mỏi vì cả tối qua khó ngủ. Chú gà trống gáy inh ỏi làm tôi càng mệt mỏi hơn. Mẹ gọi tôi xuống ăn sáng rồi dặn dò đủ điều. Nào ra đi học nhớ đừng tụ tập với đám bạn xấu, nhớ về sớm không được la cà. Tôi nghe tới phát chán nên hậm hực đứng dậy, chào mẹ rồi xách cặp đi học luôn. Một thằng bé mới khoảng 10 tuổi cứ bước từng bước mạnh trên nền đất, miệng lẩm bẩm:

- Tại sao mẹ cứ phải nhắc mình như thế chứ! Mình lớn rồi mà, lên lớp 4 rồi, mình biết bạn xấu bạn tốt chứ!

Sau một ngày học, tôi lại ghé qua nhà cô Mườn chơi như mọi khi. Tới nhà, tôi tự động mở cửa vào mà không xin phép ai cả. Mở cửa vào, bé Hoa chào đón tôi:

- Mẹ em chưa về, anh vào nhà đợi nhá!

- Nay em không ngủ sao?

- Hè hè, mẹ em chưa về thì em phải trông nhà thôi.

- Cô Mườn nay sao về trễ vậy nhỉ?

- Em không biết nữa. - Bé Hoa phụng phịu.

Nghe thế tôi cũng vào rồi ngồi trên sạp mà chẳng mảy may suy nghĩ gì. Tôi chơi cùng bé Hoa trong lúc đợi cô. Khác với ký ức trong đầu tôi những lúc Hoa còn là một em bé sơ sinh suốt ngày khóc ré, người thì còi. Thế mà giờ đây, bé đã trở nên bụ bẫm, đáng yêu và là một cô bé hiếu động. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cô Mườn vẫn nuôi bé tốt như thế này, tôi đúng thật sự ngưỡng mộ với sự nghị lực của cô. Tôi với Hoa chơi cùng nhau rất vui vẻ, bé không đòi hỏi hay nhõng nhẽo gì. Bé thích nghe tôi kể về chuyện trường lớp, thích được tôi cho xem những món đồ chơi đáng yêu. Lúc nào em cũng nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh, to tròn. Quả thật, Hoa là một cô bé vô cùng đáng yêu.

Đợi một lúc lâu mới thấy cô Mườn về, hai chúng tôi tíu tít chạy ra thăm hỏi cô. Vẻ mặt cô hơi buồn rầu, cất tiếng:

- Xin lỗi con nhé Hùng, nay không có bánh cho con rồi.

- Dạ không sao đâu ạ! Mà sao nay cô về trễ vậy?

- À, có chút chuyện bên ngoài thôi. Trời cũng tối rồi, con về sớm kẻo cha mẹ lo.

- Dạ vâng!

Nghe lời cô, tôi tạm biệt bé Hoa rồi mang cặp chạy về nhà. Trong đầu tôi không suy nghĩ gì cả, cũng chỉ thấy đơn giản là hơi trễ nên về sớm thôi. Vừa về đến cổng, tôi đã thấy mẹ đứng trước cửa. Tôi lễ phép chào mẹ rồi đi vào nhà, nhưng mẹ lại gằn giọng gọi tôi lại:

- Con mới từ nhà cô Mườn về đúng không?

- Dạ… Sao mẹ biết vậy ạ? - Tôi bất ngờ, có chút hoảng hốt.

- Nãy ở chợ mẹ gặp cô nói chuyện rồi. Thú thật, mẹ không thích con qua nhà cô Mườn thường xuyên như vậy.

- Tại sao chứ mẹ?

- Mẹ cảm thấy không an tâm khi con qua nhà cô Mườn thường xuyên. Dạo này bà con hàng xóm bàn tán nhiều lắm đấy con biết không?

- Bàn tán thì sao ạ, cô đâu làm hại con đâu! Cô kể chuyện rất hay và con cũng thích ăn bánh cô làm lắm!

- Không, mẹ không thích! Làm con thì phải nghe lời mẹ. Cô ta nghèo khó như thế sao con lại cứ qua lại chứ. Nhỡ đâu cô làm hại con thì sao?

Đến đây, ngọn lửa trong lòng tôi đã bùng lên. Tôi biết là mẹ muốn tốt và lo lắng cho tôi nên mới nói thế, nhưng nghe vậy tôi lại thấy mẹ đang buôn những lời xấu xí về cô. Tôi la to lên:

- Sao mẹ lại nói cô như vậy chứ! Cô không làm gì xấu cả, cô Mườn rất tốt mà!

- Con… - Mẹ tôi mở mắt to, há hốc nhìn tôi.

- Nhà cô ấy khó khăn thì sao, có khó khăn thì cô cũng đâu phải người xấu!

- Không, ý mẹ không phải thế.

- Cô góa chồng thì sao ạ, cô vẫn thương bé Hoa và thắp nhang cho chồng rất tận tâm thôi! Tại sao mẹ là nói lời độc ác với cô chứ? - Răng tôi nghiến lại, trợn mắt nhìn.

- Con dám nói với mẹ như vậy sao? - Mẹ tôi cáu gắt lên. Dường như mẹ đã khóc khi nghe tôi nói như vậy. Hai mắt mẹ rưng rưng, đôi tay run rẩy đưa lên tát tôi một cái thật đau.

- Con sao vậy, sao lại hỗn hào với mẹ như thế?

Cú tát đau điếng làm tôi như muốn nổ tung. Tôi khóc đẩy mẹ ra rồi chạy thật nhanh ra ngoài. Dưới ánh chiều tà, tôi cứ thế mà chạy, chạy thật nhanh ra khỏi nhà. Xưa giờ tôi chưa từng bị ai nói nặng lời, càng chưa từng bị đánh đau như thế. Tôi tự hỏi bản thân mình sai sao, sao mẹ lại cáu gắt như thế chứ? Tôi cứ chạy mãi, bầu trời đỏ au dần tối đi làm tôi chẳng biết bản thân đã chạy trong bao lâu rồi. Nhưng bằng một cách nào đó, tôi lại dừng đến trước cửa nhà cô Mườn. Tôi khóc to lên:

- Cô ơi… Huhu…

Nghe tiếng tôi khóc ríu bên ngoài, cô Mườn nhanh chóng chạy ra, theo sau là bé Hoa đang bám lấy áo cô. Cô lo lắng, quỳ xuống lau hai hàng nước mắt chảy dài:

- Con sao vậy? Từ từ vào nhà kể cô nghe.

Cô dìu tôi vào nhà. Tôi vừa khóc vừa nắm chặt tà áo cô. Ngồi xuống sạp, cô nhẹ nhàng xoa đầu tôi rồi hỏi chuyện. Tôi do dự một chút rồi cũng buột miệng kể ra cho cô toàn bộ sự việc. Cô Mườn nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng, ân cần dỗ dành tôi. Bé Hoa ngồi cạnh, ngẩng mặt nhìn bằng đôi mắt ngây thơ không hiểu chuyện gì. Bỗng, bên ngoài có tiếng gõ cửa, một giọng nói quen thuộc vọng từ ngoài vào:

- Mườn ơi, mở cửa cho chị với! - Chắc rồi, là giọng của mẹ tôi.

Tôi vùi đầu vào áo cô, lắc đầu lia lịa ra hiệu đừng mở. Nhưng cô vẫn từ từ đứng dậy, mở cửa mời mẹ tôi vào nhà.

- Xin lỗi đã làm phiền nhà em, thằng Hùng nhà chị quấy quá.

- Dạ không sao đâu chị!

Tôi ngồi đấy, người run cầm cập, đôi tay tôi nắm chặt lại. Tôi không nghe rõ mẹ và cô đã nói gì với nhau. Sau một lúc, mẹ đã về trước để tôi lại nhà cô. Bỗng cô quay sang, nhẹ giọng nói với tôi:

- Cô cảm kích lắm khi con đứng ra bảo vệ cô. Con nít nói ra suy nghĩ của mình không phải là sai, nhưng con cũng không nên lớn tiếng với mẹ mình như thế. Mẹ cũng chỉ lo cho con thôi. Nín khóc đi, về con xin lỗi mẹ nhé.

- Dạ vâng... - Tôi cúi mặt, phồng má.

Tôi leo xuống sạp, chào cô, tạm biệt bé Hoa đi về. Về tới nhà, thấy mẹ vẫn đang đợi tôi. Tôi liền chạy tới ôm lấy mẹ rồi vừa xin lỗi, hai mắt vừa đẫm lệ. Mẹ ôm tôi, nhẹ nhàng xoa lên đầu tôi:

- Mẹ cũng xin lỗi vì đã nói cô Mườn như thế và đánh con. Đúng là, trên đời này vẫn có người khó nhưng có học, khó nhưng không xấu.

- Dạ!

Vậy là mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp. Sau đó, tôi nghe bảo mọi người không còn nghĩ gì xấu về cô Mườn nữa. Mọi thứ lại trở nên bình yên như nó vốn có ở ngôi làng nhỏ này.

...

Ánh nắng lại chiếu xuống cành lá lung linh. Một mùa bội thu lại đến với dân làng tôi. Giữa tháng 7, thời tiết nắng gắt như cái lò nướng. Dưới thời tiết như thế, mọi người vẫn hăng hái gặt từng cây lúa vàng ươm. Gió hạ đôi lúc thổi qua sóng mũi, mang theo mùi lúa thơm lừng. Vẫn như mọi năm, tôi cùng các cô chú, cả cô Mườn cùng nhau thu hoạch những bông lúa vàng. Ngày ấy chúng tôi không dùng máy móc gì, tất cả đều được làm nên từ đôi tay của những người nông dân. 

Thời tiết nắng gắt quá, tôi xin phép được lên trên nghỉ một lát dưới bóng cây xoài to tướng. Cỡ tháng trước, những trái chín đã được thu hoạch hết nên giờ trên những cành cây cao kia, chỉ còn những chiếc lá tựa nhau, rung rinh xào xạc. Đang nghỉ ngơi dưới bóng cây, lấy chiếc nón lá làm cái quạt để có chút hơi mát, bỗng bé Hoa đi tới, trên tay là hai trái dừa nước được bổ sẵn.

- Các bác nói em mang tới cho anh nè!

- Đã quá, được giải khát rồi! - Tôi gọi bé tới ngồi chung với mình. Hoa hớn hở chạy đến chỗ tôi.

Tôi chẳng nhớ từ khi nào, hay bằng cách nào, tôi với bé Hoa dần trở nên thân thiết, như hai anh em vậy. Chắc có lẽ, một phần là do tôi không có anh chị em nào nên vô cùng quý bé Hoa, xem như em gái của mình. Hoa thích nghe tôi kể những câu chuyện cổ tích, thích được nghe tôi hát mấy bài hát được học trên trường dù giọng tôi chả được hay, thích cả việc được tôi dạy chữ, dạy những con số cơ bản nữa. Hoa là một cô bé hiếu động, ham học hỏi và đặc biệt là ngoại hình rất xinh. Da bé trắng nõn, mặt hơi tròn, mái tóc dài thướt tha được chăm sóc kỹ càng. Hoa được thừa hưởng nhiều nét đẹp từ cô Mườn như mũi cao, tóc đen mượt, ánh mắt hiền dịu,... Trong làng ít bé gái bằng tuổi Hoa, chủ yếu bé chơi với đám con trai nghịch ngợm nên mới có tính cách mạnh mẽ, năng động ấy. Nhiều lúc tôi còn phân vân mình đang có em trai hay em gái nữa.

Hai chúng tôi cười nói vui vẻ với nhau, cùng ngắm khung cảnh lao động của bà con nơi đây. Bỗng, Hoa quay sang hỏi tôi:

- Anh Hùng, sao anh biết nhiều thứ vậy?

Tôi ngơ ra một lúc mới trả lời:

- À, do anh đi học thấy hay nên về kể lại cho em đó!

- Học? Học là sao vậy anh?

- Hả, em không đi học sao? - Tôi bỡ ngỡ.

- Dạ em không biết.

- Năm nay em mấy tuổi rồi?

- Dạ gần 7 tuổi!

- Bảy tuổi sao, chừng đấy là đi học rồi chứ nhỉ? - Tôi tự hỏi với bản thân.

- Anh ơi, làm sao để được đi học vậy ạ?

- Hừm... Tới tuổi là được đi học thôi em!

- Thế Hoa tới tuổi được đi học chưa ạ?

- Theo anh được biết thì tuổi em là được đi học rồi đó!

- Oa... Thích quá! Hoa muốn được đi học!

Nhìn gương mặt phấn khích của Hoa, tôi lại có suy nghĩ tại sao bé không được đi học cơ chứ? Nếu bé đi học, chắc chắn bé sẽ trở thành một học sinh giỏi, là một cô bé ngoan. Lúc này, cô Mườn đi tới chỗ tôi, mồ hôi nhễ nhại làm ướt hết tóc cô. Cô dùng tay gạt đi rồi cười hỏi:

- Hai anh em nói chuyện gì mà vui thế?

- Dạ mẹ ơi, sao con không đi học vậy ạ? Anh Hùng bảo con được đi học rồi!

Tôi thấy được đôi mắt cô thoáng buồn sau khi nghe Hoa nói như vậy. Thế là cô cũng ngồi xuống, nhẹ nhàng bảo với Hoa:

- Xin lỗi con, nhà mình khó nên mẹ không đủ khả năng cho con đi học.

- Sao vậy ạ? Anh Hùng bảo con được đi học mà?

- Không phải chỉ đến tuổi là cứ đi học đâu con... Con cần có sách vở, bút và quần áo đẹp mới học được.

- Vậy làm sao để con có vậy ạ...

- Ừm thì... - Cô thở dài - Con đợi mẹ làm việc và kiếm thật nhiều tiền nhé. Sau khi có tiền, mẹ sẽ mua đồ đi học cho con được không? Với điều kiện là con phải ngoan đó!

- Dạ vâng! - Hoa cười tít mắt.

Nghe xong cuộc trò chuyện của mẹ con cô Mườn, lòng tôi cảm thấy thật thương gia đình họ. Đúng rồi, nhà cô khó khăn mà, sao có thể cho bé Hoa đi học được đây? Bỗng, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ táo bạo:

- Cô ơi, Hoa ơi, để Hùng đây cho Hoa đi học nhé?

Cô Mườn ngạc nhiên nhìn tôi:

- Sao được con?

- Để con nói với cha mẹ cho Hoa đi học!

- Không, không được đâu con! - Cô Hoa lắc đầu lia lịa, ra sức từ chối. - Không được đâu, như thế phiền nhà con lắm.

- Có gì đâu ạ?

- Không được đâu con, để sau này cô làm rồi cho Hoa đi học. Giờ mà nhờ vả nhà con cô cảm thấy không thoải mái...

- Không sao đâu ạ, để con! - Nói rồi tôi hớn hở, cầm tay bé Hoa chạy về nhà mình.

Tôi gõ cửa gọi cha mẹ. Nghe tiếng tôi, từ trong nhà, hai người cũng chạy ra xem có chuyện gì. Tôi cười tươi, nói với cha mẹ:

- Nhà mình có thể giúp bé Hoa đi học được không ạ?

Nghe xong câu nói của tôi, tất cả mọi người ở đó, kể cả bé Hoa cũng sửng sốt. Mọi người im phăng phắc, không ai nói ra câu nào làm tôi khá tuột hứng. Tôi nói tiếp:

- Nhà Hoa khó khăn, bé đến tuổi mà chưa được đi học. Còn mấy bộ sách cũ của con vẫn còn dùng được, cho bé Hoa đi học đi ạ!

Đến lúc này, cha tôi mới cất tiếng:

- Con gái nhà khó, ở nhà giúp mẹ làm việc kiếm tiền phải tốt không? Sau này lớn lên, xinh tí có nhà giàu rước lo gì. Phận nữ nhi không cần học cao đâu!

- Sao lại không hả cha? - Tôi nói to. - Con đi học cũng có vài ba bạn nữ kia kìa!

- Là nhà họ có điều kiện, họ dư tiền cho con cái đi học. Chứ Hoa nhà khó khăn sao mà đi? - Nói rồi, cha quay sang nhìn vào bé Hoa đang nấp sau lưng tôi. Bé thu mình lại, sợ hãi ngước nhìn cha tôi. Cha thở dài. - Hoa có nét xinh xắn từ cô Mườn, sau này có gì bác lấy cho thằng Hùng chịu không?

Hoa vẫn im thin thít mà bám sau áo tôi. Em dụi đầu vào người tôi. Đúng lúc này, cô Mườn cũng chạy tới. Toàn thân cô ướt đẫm mồ hôi vì vừa làm việc đồng áng bên ngoài, vừa đã phải tốn sức đuổi theo chúng tôi đến đây. Thấy hai chúng tôi, cô chạy đến trách móc:

- Sao con lại kéo em chạy đi như thế?

- Con muốn xin cho em đi học thôi mà. - Tôi nũng nịu.

- Làm phiền nhà anh chị rồi, cho em xin lỗi. - Cô Mườn hạ mũ xuống, cúi đầu xin lỗi cha tôi.

Khi cô định dẫn bé Hoa đi về thì bỗng, cha tôi ho vài tiếng rồi lên tiếng:

- Nhà cô không cho Hoa đi học sao?

Cô giật mình, luống cuống đáp:

- Dạ vâng! Làm mướn cho người ta với bán bánh ngoài chợ cũng chỉ giúp cho con em ăn qua ngày, dư giả gì để cho con nó đi học. Em cũng đang cố lắm, cũng định năm tới cho nó học đây…

- Ừm… - Cha tôi gật gật đầu. - Thôi được rồi, để tôi cho nó đi học.

Nghe vậy, tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng. Tôi ôm chặt bé Hoa vào lòng, thủ thỉ:

- Em được đi học rồi! Hồi có bài nào khó cứ để anh giúp cho!

- Dạ thưa, ngại với gia đình anh quá. Thật sự không cần thiết phải vậy đâu ạ. - Cô Mườn nhẹ giọng.

- Mẹ ơi. - Hoa kéo kéo tà áo nâu của cô. - Nhưng con muốn đi học quá mẹ ạ!

- Con nít đi học, cho biết cái chữ cũng tốt thôi cô. Chẳng đáng bao nhiêu, cô cứ sắm cho con nó vài bộ đồ mới, còn lại để nhà tôi lo cũng được.

- Dạ thưa…

Cô định nói thêm gì đó, có vẻ là ngại nhận nhưng bị cha ngắt lời:

- Thằng Hùng nó lại đòi quá, thôi thì hàng xóm cả, giúp được chút ít cũng chả sao. - Rồi cha quay sang bé Hoa. - Được đi học là con phải học tốt, học ngoan, đừng để phụ lòng bác, anh và mẹ con đó!

- Dạ vâng! Hoa sẽ học tốt! - Em cười tít mắt.

Đến đây, cô Mườn cũng không còn gì để nói. Dường như cô đã khóc, khóc vì hạnh phúc. Cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình được đi học cho bằng bạn bằng bè. Cô liên tục cúi đầu cảm ơn cha tôi. Cha không nói gì, chỉ cười thầm, vuốt vuốt cằm. Rồi hai mẹ con họ cùng dắt tay nhau về, tôi ở phía sau liên tục vẫy tay với bé Hoa. Bé quay đầu lại thấy tôi cũng vui vẻ đáp lại bằng nụ cười thật tươi, lộ hai chiếc răng sún.

Tối đó, lúc ăn cơm, tôi kể cho mẹ về những chuyện của chiều nay. Mẹ cũng bất ngờ trước hành động của tôi và cả quyết định của cha, nhưng mẹ lại không nói gì. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tại sao con gái lại ít được đi học hơn con trai nhỉ? Thằng Tèo nhà ở đầu làng, cũng hơi khó khăn nhưng gia đình nó vẫn toàn tâm toàn lực cho nó được đi học. Nó học không tốt lắm, nhưng thôi thì cũng chăm. Còn Hoa, tôi thấy ở em một con người hiếu học và rất thông minh. Chỉ cần giảng một tí ti là em đã hiểu hết, còn nhớ rất tốt. Nhưng vì hoàn cảnh mà em khó được đi học. Sau khi chứng kiến sự im lặng của mẹ và quyết định của cha, tôi cũng có thêm nhiều thắc mắc. Tại sao mẹ lại chọn im lặng chứ? Tôi không muốn mẹ phản bác quyết định của cha và tôi, nhưng việc mẹ im lặng cũng làm tôi khá áy náy. Nghe bảo trước đây, mẹ là con nhà nho, nhan sắc phải nói là nhất nhì làng, được cha đem lòng yêu mến bỏ cả chục lạng vàng để cưới về. Cha là một người yêu gia đình, yêu mẹ nên cuộc sống của mẹ không cực khổ là bao. Nhưng quyết định gì thì cũng phải qua cha, mẹ không cãi. Tôi thắc mắc tại sao những người phụ nữ phải chịu đựng thiệt thòi như thế chứ? Tôi mong rằng, sau sự cố gắng của tôi, Hoa cũng sẽ quyết tâm học thật tốt, trở thành một người phụ nữ độc lập, chín chắn và không phải chịu thiệt thòi nữa.

Khoảng hai tháng sau, tôi dắt tay bé Hoa đi vào ngôi trường ở làng. Nhìn vào đôi mắt bé long lanh khi chứng kiến ngôi trường với biết bao học sinh đang chạy nhảy trên sân. Hoa háo hức, liên tục dậm chân, đôi tay bé nhỏ của em bám chặt vào chiếc váy hoa mới mua. Lá bàng rơi lả chả trên sân, học sinh thay nhau đạp lên nghe tiếng loạc xoạc. Cái mùi năm học mới sao thân thuộc quá. Tôi hít một hơi thật sâu rồi dắt tay Hoa vào trường. Nay cô Mườn đi bán bánh từ sớm nên tôi sẽ là người đưa em đến trường vào ngày đầu tiên này. Bỗng, tay em kéo áo tôi, thủ thỉ:

- Nơi này rộng thật…

- Đúng rồi, mỗi lớp học cũng rộng lắm.

- Em sẽ học ở đó sao?

- Đúng rồi!

- Vậy ai sẽ là người kể chuyện cho em? - Kể chuyện mà Hoa nói là dạy học. Bởi trước giờ tôi vẫn vừa kể cho Hoa nghe nên em xem nó như những câu chuyện bổ ích mà bản thân cần ghi nhớ.

- Sẽ có một người lớn là cô giáo hoặc thầy giáo kể chuyện cho em. Họ kể chuyện hay hơn anh nhiều!

- Ơ, vậy anh không kể chuyện cho em nữa hả? - Ánh mắt em thoáng chút buồn và hụt hẫng.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Người lớn sẽ kể cho em nhiều câu chuyện hay hơn anh mà! Anh cũng phải đi học và nghe những câu chuyện hay hơn nữa đấy.

- Oa… Thích thật!

- Vậy nhé, em học ngoan!

- Dạ anh!

Nói rồi tôi buông tay Hoa để chạy về phía đám bạn của mình mà không biết em vẫn đứng sau nhìn tôi. Mãi đến khi tiếng chuông reo lên, tôi mới nhớ đến Hoa và quay lại tìm Hoa. Em vẫn đứng ngay chỗ chúng tôi tạm biệt nhau. Hoa không khóc, chỉ im lặng bám theo tôi. Tôi dỗ em rồi dắt em vào lớp học của mình.

Sau một ngày học, em hớn hở chạy đến chỗ tôi. Hoa khoe rằng hôm nay có rất nhiều bạn tới làm quen hỏi tên em, rồi khen em xinh xắn. Cô giáo Hoa kể chuyện rất hay. Quả thật, tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy Hoa vui vẻ như thế. Chúng tôi cùng đi bộ về, lại ghé qua nhà cô Mườn để ăn bánh như mọi khi. Thấy chúng tôi về, cô mừng rỡ chạy đến ôm chúng tôi. Hoa kể tất cả mọi chuyện ngày hôm nay cho cô Mườn nghe. Cả ba lại cùng ăn bánh và trò chuyện với nhau thật vui vẻ. Nhìn nụ cười rạng rỡ của Hoa và ánh mắt hạnh phúc của cô Mườn, tôi đã cảm nhận được sự ấm áp cùng tình thương, sự trân trọng với cuộc sống của họ. Đúng là, có những người như tôi, sống quá đầy đủ rồi lại khao khát cuộc sống bình dị, nhưng lại có những người chỉ khao khát có cuộc sống như tôi, khao khát được đi học và có một bữa cơm no…

Như tôi dự đoán được, Hoa là một học sinh vô cùng xuất sắc. Em lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè và rất năng nổ trong việc học tập. Trong lòng tôi đã hiện lên một cảm xúc tự hào khó tả.

Trong lòng tôi luôn xem cô Mườn và bé Hoa như người trong gia đình, hoặc có thể xem như tôi có hai gia đình vậy. Cha mẹ tôi không hề có ác cảm gì với cô, thậm chí cả hai gia đình đều thường xuyên có những buổi ăn tối chung với nhau. Tôi là sợi dây gắn kết, xóa nhòa khoảng cách giữa gia đình cô bán bánh và gia đình có ruộng đất bạt ngàn.

Ngoài những bữa cơm đầy đủ mẹ nấu, bánh khoai của cô Mườn cũng gắn liền với tôi theo năm tháng. Tôi yêu cơm mẹ nấu, cũng yêu những chiếc bánh khoai cô Mườn làm. Ngoài gia đình ra, còn một người vô cùng đặc biệt với tôi nữa…

Một mùa bội thu nữa lại đến rồi! Có lẽ, đây sẽ là mùa gặt cuối cùng có tôi tham gia. Tôi vừa nhận giấy đỗ vào một trường đại học ở trên thành phố với điểm số rất cao.

- Con ơi, vào nhà chuẩn bị đồ đi, tối nay phải đi rồi đấy! - Là tiếng mẹ tôi vọng từ dưới mương lên.

- Vâng, con biết mà!

Nói vậy thôi, nhưng thay vì về nhà, tôi lại chạy đi tìm Hoa. Hoa giờ lớn rồi, tôi chẳng thể gọi là bé nữa.

- Lên đi dạo với anh tí không?

- Dạ vâng! - Hoa vừa giúp mọi người bưng bê đống lúa liền chạy lên với tôi.

Chúng tôi đi cùng nhau trên con đường làng quen thuộc. Từ nhỏ đến giờ, dường như đoạn đường này chẳng thay đổi gì. Thứ duy nhất thay đổi là tôi không còn một cậu nhóc lớp 6 đèo đứa em mới vào lớp một nữa. Giờ đây, tôi đã bước qua tuổi 18, trở thành một thanh niên cường tráng với tương lai rạng ngời; còn em, Hoa nay đã lớn như thiếu nữ, là một học sinh cấp 2 ưu tú. Trông Hoa lớn hơn tuổi khá nhiều. Em chững chạc, tự biết lo cho bản thân, vừa chăm học cũng vừa dành thời gian phụ giúp cô Mườn. Hai đứa cũng đã lớn, cũng biết giữ khoảng cách với nhau chứ không còn suốt ngày bám víu nhau như trước.

Gió mát thổi ngang mái tóc Hoa thướt tha, mang hương hoa nhài thơm ngát. Em sải từng bước chân nhịp nhàng cạnh tôi. Dáng em cao, không gầy cũng không mũm mĩm. Da em ngăm rám nắng, không đều màu do phải làm việc trên đồng nhiều. Đôi mắt em to, đen láy. Thật lòng, em xinh như một nữ thần, một nữ thần mạnh mẽ nhưng vẫn yêu kiều. Tôi không rõ nữa, liệu tôi có đem lòng thương em?

- Vậy là anh Hùng sắp đi rồi sao? - Em khẽ hỏi.

- Ừm, anh lên phố học.

- Tiếc thật, vậy từ giờ em phải tự lo bài tập về nhà rồi!

- Em học giỏi có thể tự làm được mà nhỉ?

- Hì… Nhưng em vẫn thích làm cùng anh! - Những lời nói ngây thơ tuổi mới lớn của em làm tôi xao xuyến.

- Xa anh, em có buồn không?

- Có chứ anh! Anh hỏi lạ quá.

Nghe vậy, tôi phì cười. Gió mát thổi ngang làm rối mái tóc đen dài của em. Tôi khẽ vươn tay, nhẹ nhàng vuốt lọn tóc em qua sau tai.

- Anh đi, em vẫn phải chăm học đấy nhé! Đừng làm cho mẹ Mườn phiền lòng nghe chưa?

- Em biết rồi mà!

- Giỏi, nào anh về, anh sẽ mua thật nhiều quà cho em!

- Hi, em cảm ơn anh. - Em cười tít mắt.

Chúng tôi vẫn ngồi với nhau trên đồi cỏ. Gió mát rười rượi làm tôi như quên đi cái nóng của mùa hè. Mấy con bướm đầy màu sắc bay xung quanh đám hoa cỏ, có con màu trắng tinh khiết, cũng có còn màu cam với những đốm đen. Chúng nó tự do bay lượn và làm những điều mình thích, thoải mái phơi bày sắc màu chúng vốn có. Ánh chiều tà buông xuống, một màu cam đỏ bao trùm lấy khung cảnh xung quanh. Tôi ríu rít tạm biệt em rồi chạy một mạch về nhà. Em cười phì, vẫy tay với tôi rồi đứng dậy đi về phía nhà mình. Hai chúng tôi, một người một hướng, không quay đầu nhìn lại. Trước khi khởi hành, tôi chợt nhớ đến cô Mườn. Tôi nói với cha tôi có chút việc rồi vắt chân lên cổ chạy tới nhà cô. Đến nơi, vẫn là khung cảnh quen thuộc ấy, Hoa thì làm bài trên bàn còn cô thì nấu ăn. Thấy tôi, cô nở nụ cười mừng rỡ chào đón:

- Làm cô cứ nghĩ con đi rồi, ai ngờ vẫn còn nhớ đến cô!

- Sao mà con quên cô được cơ chứ!

- Con ngồi đây đợi cô. - Nói rồi cô quay vào bếp, sau một lát lại mang cho tôi một dĩa bánh khoai đầy ụ. - Con ăn đi, không hết thì cô gói lên xe ăn. Lên phố học không còn được ăn bánh cô làm nữa nhỉ?

- Dạ vâng… - Tôi hơi rầu.

- Hùng đúng là một niềm tự hào của làng ta. Học hành tới nơi tới chốn, sau này làm có tiền quay về giúp mọi người nhá?

- Dạ tất nhiên rồi ạ! Con sẽ không phụ công lao nuôi dưỡng, sự yêu thương của cha mẹ, cũng không bao giờ quên những chiếc bánh khoai của cô đâu!

- Ngoan quá! - Nói rồi cô lấy tay xoa đầu tôi.

- Cũng trễ rồi, con xin phép về trước ạ. Anh về nhé Hoa!

Cô Mườn nhanh chóng gói mấy chiếc bánh còn lại cho tôi, còn dí thêm mấy củ khoai, quả trứng luộc bảo tôi cầm theo ăn trên đường. Tôi hết lòng cảm ơn cô. Khoảnh khắc tôi đi, cả làng đều chạy ra tiễn. Tôi trào nước mắt tạm biệt mọi người rồi mang chiếc ba lô nặng trịch lên xe…

Cuộc sống ở thành phố khác hẳn với làng quê yên bình của tôi. Đường phố rộng rãi tấp nập người qua lại. Giờ đây, tôi phải tự mình bươn chải với cuộc sống tấp nập này. Lên đại học, tôi sống trong một căn trọ với mấy thằng bạn. Trước giờ quen sống trong căn nhà xa hoa, rộng rãi cho nên khi mới ở trọ tôi cảm thấy hơi khó chịu bởi không gian chật hẹp, lại còn phải sống tập thể. Không còn ai xem tôi là một quý tử như trước cả.

Những năm tháng học đại học cứ thế trôi qua, nhưng chưa ngày nào tôi không nghĩ về hình bóng làng quê thân thuộc. Tôi vẫn viết thư, hoặc đôi lúc là gọi điện để liên lạc với cha mẹ ở quê thường xuyên. Tôi không bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Trong thời gian học tập, vì quá bận bịu nên tôi chưa từng về thăm nhà, không biết làng quê tôi bây giờ đã thay đổi như thế nào. Tốt nghiệp, tôi trở thành kỹ sư. Lương mới ra trường cũng chỉ ba cọc ba đồng, nhưng tôi cố tiết kiệm để một ngày có thể trở về quê hương.

Và rồi ngày đó cũng đã đến.

Cầm một khoảng tiền trên tay, tôi háo hức mua quà cáp rồi bắt một chuyến xe về nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi không báo tin này trước cho gia đình mà âm thầm tự thu gói hành lý rồi về thăm. Tôi chỉ dự định ở lại vài ngày thôi, nghỉ lâu quá tôi lại mất lương. Trên chuyến xe, tôi cứ nhìn ra cửa sổ háo hức khung cảnh làng quê ấy. Xe dừng ở trạm, tôi lao như bay xuống mà chạy về phía làng, chỉ còn cách vài bước chân nữa thôi là tôi lại được về với đất quê quen thuộc.

- Đây rồi! - Tôi thở dốc chứng kiến khung cảnh trước mắt.

Nơi đây vẫn không thay đổi gì, vẫn là một làng quê yên bình với những ruộng lúa xanh mướt. Nhờ vào ký ức lúc nhỏ, tôi lần tìm căn nhà cũ. Căn nhà vẫn không thay đổi là bao, vẫn cái ao cá ấy, vẫn cái sân với biết bao loại cây trái. Bỗng, một người làm chạy ra mở cửa cho tôi. Thấy tôi, ngay lập tức người đó gọi vọng vào trong nhà. Cha mẹ tôi tức tốc chạy ra ngoài. Thấy tôi, họ mừng rỡ lao đến ôm chặt tôi. Sau bao năm xa cách, cuối cùng tôi đã lại cảm nhận được hơi ấm gia đình.

- Sao con về mà không báo với cha?

- Con muốn tạo bất ngờ cho cha mẹ thôi!

- Thằng nhóc này!-  Mẹ cóc đầu tôi một cái. - Đợi chút, mẹ chạy ra mua mấy con cua, con tôm về nấu cho con. Con đi đường mệt lắm đúng không?

- Dạ không sao đâu ạ.

- Trời ơi con tôi, nhìn con ốm hơn nhiều đấy! Cha mẹ gửi ít đồ quá sao? - Mẹ vuốt vuốt mặt tôi, nói với giọng có phần trách móc.

- Dạ không, chắc do mẹ thấy con lớn rồi đó! - Nói rồi tôi giả bộ gồng mình, khoe cơ bắp trước mặt cha mẹ. - Nè, Hùng của cha mẹ lớn rồi, bự con hơn trước rồi đó!

Cả nhà tôi cùng cười trong hạnh phúc. Lâu rồi tôi mới có lại cảm giác thoải mái như này, được ăn một bữa no nê, được ngủ thoải mái mà không có gì có thể làm phiền được. Tôi trò chuyện với cha mẹ rất nhiều về khoảng thời gian tôi xa nhà. Nào là về những người bạn chung trọ, áp lực công việc, cả việc tôi chút nữa bị lừa hết tiền. Cha mẹ vừa lo, vừa buồn cười với những gì tôi đã tự trải qua khi sống tự lập, cũng có phần tự hào khi tôi đã nhanh chóng thích nghi và không than phiền bất cứ điều gì. Sau khi nghỉ ngơi một ngày, sáng hôm sau, sau khi ăn sáng cùng cha mẹ, tôi tức tốc đi làm một việc mà tôi đã mong chờ rất nhiều. Vẫn là trên đoạn đường làng quen thuộc, đi ngang qua những thửa ruộng bạt ngàn. Đây, căn nhà nhỏ có phần lụp xụp, lúc nào cũng có tiếng gà cục ta cục tát. Tôi gọi to:

- Cô Mườn ơi, con, Hùng về rồi đây!

Một lúc chưa thấy ai trả lời, tôi lại gọi:

- Có ai ở nhà không?

Phải mất một lúc lâu, cánh cửa mở dần dần hé mở. Một cô thiếu nữ cao ráo, mái tóc đen dài cùng làn da trắng mở cửa cho tôi. Chúng tôi nhìn nhau một lúc thì cô gái ấy cất tiếng:

- Anh Hùng sao?

- Cô là ai vậy? - Tôi ngờ ngợ hỏi.

- Là em, Hoa nè! Mới mấy năm mà anh không nhận ra em sao?

- Hoa sao? - Tôi khá bất ngờ. - Em lớn nhanh đến nỗi anh không nhận ra luôn!

- Hì hì… - Em cười tủm tỉm. - Anh vào nhà đi, mẹ em đi chợ chút nữa mới về!

Tôi đi vào nhà. Không có gì quá khác biệt với lúc xưa. Nhưng điều chắc chắn rằng em đã có giấc ngủ ngon hơn trên chiếc giường mới, một góc học tập chỉn chu hơn để em có thể học thật tốt. Em mang cho tôi ít nước và bánh, ngồi xuống cạnh tôi thủ thỉ:

- Mẹ em biết kiểu gì anh cũng sẽ tới đây nên đã chuẩn bị món anh thích nhất rồi nè!

- Mẹ em biết á?

- Đúng rồi, hôm qua anh về, nhà anh rêu rao khắp nơi cho mọi người biết là anh về rồi đấy!

- Anh không biết luôn ấy, anh định hôm nay qua tạo bất ngờ cho em chứ!

- Hai chúng tôi phì cười rồi tôi lôi ra ít quà đã chuẩn bị trước.

- Đây là chút lòng thành của anh dành cho mẹ con em.

- Khách sáo quá ạ! - Hoa đưa hai tay ra nhận.

Tôi hỏi han em rất nhiều thứ. Hoa vẫn là học sinh giỏi trong suốt 12 năm liền. Hoa giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn, thông minh. Tóc đen dài, làn da trắng nõn chứ không còn rám nắng như trước nhưng vẫn giữ được vẻ ngây thơ với đôi mắt to tròn của mình. Em khoe với tôi lúc đi học có nhiều chàng trai ngỏ ý làm quen lắm, nhưng khi đó em chỉ muốn tập trung học. Em sắp phải thi đại học rồi nên giai đoạn này là giai đoạn chạy nước rút. Vì nghe lời tôi, không muốn làm phụ lòng gia đình tôi và cô Mườn nên em từ chối cả để lo cho tương lai mình. Nghe vậy, tôi cũng hiểu và cảm thông với em. Tôi khen em đã có những quyết định rất sáng suốt còn em chỉ phì cười.

Có lẽ, những lời tôi muốn nói chưa đến lúc để thốt ra nhỉ?

Chúng tôi trò chuyện vui vẻ với nhau một lúc thì cô Mườn về. Tôi nhìn cô, lòng dâng trào một nỗi niềm hạnh phúc. Mái tóc cô giờ đã có những mảng bạc trắng, làn da đã có nếp nhăn, dáng người cô vẫn thế, vẫn nhỏ và hơi gù. Đúng thật, thời gian là kẻ thù của sắc đẹp. Nhìn thấy tôi, cô mừng rỡ mà chạy đến chỗ tôi. Giọng cô hơi khan, khẽ cất lên:

- Lâu quá rồi mới gặp con!

- Cô Mườn, con nhớ cô quá!

- Cô cũng nhớ con… - Nói rồi cô xoa đầu tôi, như cái cách cô đã an ủi tôi khi còn nhỏ. - Con ăn bánh tiếp không, để cô làm?

- Dạ không cần đâu ạ!

- Nào nào, ngày xưa con thích lắm mà. Để cô làm!

- Hì hì! - Tôi cười.

Được nếm lại hương vị bánh cô Mườn làm, lòng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Cô Mườn giờ đã già đi, không còn có khả năng làm nhiều việc như trước. Cô cũng đang mắc một số căn bệnh của tuổi già nhưng không có đủ chi phí để chữa trị. Thương cô, ngoài món quà từ phố tôi mang về, tôi còn biếu cô một số tiền nhỏ để cô có thể chăm sóc bản thân và lo cho Hoa ăn học.

Cũng chỉ về thăm được thời gian ngắn, tôi lại phải quay về với cuộc sống tấp nập của mình…

Lại nhiều năm trôi qua, nhờ sự chăm chỉ mà tôi nhanh chóng thăng cấp nhanh chóng. Trong vài năm tôi đã có thể mua được một căn nhà trên phố, điện thoại và chiếc xe máy cho riêng mình. Tôi hạnh phúc chiêm ngưỡng những thành quả mà đôi tay mình đã tạo nên. Có lẽ đã đến lúc tôi quay về để làm mà điều mình mong mỏi bấy lâu.

Nghe bảo Hoa cũng vừa tốt nghiệp đại học, tôi cũng bắt một chuyến xe để về thăm gia đình, họ hàng. Cảm giác vẫn như lúc ấy, vẫn thật háo hức như đứa trẻ sắp được đi chơi vậy. Sau khi nghỉ ngơi, thăm hỏi và biếu quà trong gia đình, cha mẹ bỗng hỏi tôi về chuyện đã quen được ai trên thành phố chưa. Tôi cười cười, lắc lắc đầu làm cha mẹ khá hụt hẫng. Thấy vậy tôi liền nói:

- Không phải cô nào trên phố, nhưng là một cô ở quê mình.

Cha mẹ khá bất ngờ, liên tục hỏi ai nhưng tôi không nói. Tôi luôn muốn tạo bất ngờ cho cha mẹ mình mà!

Vẫn là nơi đồi cỏ xanh mát với hoa và bướm. Gió thổi man mát, trời nắng đẹp không nhiều mây. Tôi hít sâu bầu không khí trong lành, rồi thở ra đầy lo lắng. Bỗng, có vài tiếng sột soạt phát ra, to dần. Một giọng nói quen thuộc cất lên:

- Anh gọi em ra đây có gì không ạ?

- Hoa à… - Tôi tiến tới gần em, nâng bàn tay bé nhỏ của em lên rồi khẽ giọng. - Đã từ lâu rồi, anh yêu em! Sau này, anh muốn hai chúng ta về chung một nhà.

Hoa sửng sốt sau khi nghe những lời tôi nói. Rồi từ sau, tôi rút ra một chiếc nhẫn đeo vào ngón áp út của em. Hoa nấc lên, có vẻ như em đã khóc. Em dịu dàng, giọng hơi ngắt quãng:

- Sau bao lâu xa cách, em không nghĩ anh lại tạo cho em một sự bất ngờ như vậy. Anh Hùng xưa giờ vẫn không thay đổi gì nhỉ, vẫn thích tạo bất ngờ cho người khác. Thôi thì gặp nhau cũng là duyên số, tình cảm đã rõ ràng. Em để ý anh đã lâu nhưng không nói… Em đồng ý!

Tôi vỡ òa trong hạnh phúc mà ôm chầm lấy em. Cứ thế chúng tôi đến với nhau mà không có một sự sắp đặt nào cả. Tôi yêu em, và may mắn em cũng yêu tôi. Không cần phải bỏ ra mấy lạng vàng, không cần theo sự sắp đặt của gia đình, chúng tôi yêu thì cứ đến với nhau mà thôi. Sau khoảng một năm, chúng tôi ra mắt hai bên rồi nhanh chóng tiến đến lễ đường. Bà con làng xóm thay nhau chúc phúc cho chúng tôi. Tôi biết ơn cha mẹ, em, và đặc biệt là cô Mườn, người đã mang em đến và trao cho chúng tôi duyên số. Chắc giờ tôi nên gọi bằng mẹ thay vì cô rồi!

Và thế là hai chúng tôi về một nhà. Hoa chuyển lên phố sống cùng với tôi. Em làm trong một ngân hàng nhà nước nên chúng tôi khá dư giả về tiền bạc. Mấy năm sau, Hoa cũng sinh cho tôi một nhóc tì kháu khỉnh đặt tên là Huy. Gia đình chúng tôi sống rất hạnh phúc và đầy đủ.

Hoa là một người phụ nữ mạnh mẽ, đảm đang và vô cùng yêu thương chồng con. Em chăm sóc gia đình từng li từng tí. Tôi vô cùng biết ơn Hoa, biết ơn vì em đã không phụ lòng tôi, biết ơn vì em đã dành phần đời còn lại để ở bên tôi và vun đắp gia đình nhỏ này. Chúng tôi cùng nhau trải qua những ngày tháng tươi đẹp. Dần dần, bởi cuộc sống tấp nập, hằng ngày phải đi làm từ sáng đến tối, chăm con mà tôi và em dần ít liên lạc với gia đình ở quê. Lâu lâu chúng tôi chỉ gọi và hỏi thăm qua loa.

Rồi một ngày, lúc cả gia đình chúng tôi đang quây quần ăn tối bỗng có điện thoại reo lên. Tôi mở máy thì đó là số của cha mẹ tôi. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là cuộc gọi hỏi thăm bình thường nên bắt máy với tâm trạng vui vẻ. Nhưng một tin như sét đánh ngang tai khiến tôi rơi đôi đũa đang cầm trên tay. Cha mẹ bảo chúng tôi phải về quê gấp vì tình trạng bệnh của cô Mườn đang ở giai đoạn vô cùng xấu, có thể không sống được bao lâu. Cả tôi và Hoa đều hoảng hốt đi về ngay trong đêm, mang theo cả đứa con mới 6 tuổi của mình.

Tôi đến nơi vào lúc nửa đêm. Tôi để con cho ông bà nội chăm sóc còn tôi và Hoa thì túc trực để chăm sóc mẹ Mườn. Chúng tôi lo lắng cho mẹ vô cùng. Tối đó, hai chúng tôi không ngủ. Mẹ Mườn thấy thế bảo:

- Thôi hai đứa về nghỉ đi, không phải lo cho mẹ. - Nói rồi mẹ ho sặc sụa.

Vợ tôi thấy thế hốt hoảng chạy tới đưa nước cho mẹ rồi nâng bà dậy, vừa khóc vừa nói:

- Con xin lỗi, con bất hiếu quá không quan tâm gì đến mẹ. Cả đời mẹ vất vả nuôi con mà con chưa lo được ngày nào…

- Được rồi, em đừng khóc nữa… - Tôi cắt ngang lời em. Thấy mẹ đau, vợ còn khóc làm lòng tôi day dứt quá.

- Con à… Đời mẹ khổ làm con cũng khó, nếu không có gia đình thằng Hùng chắc gì con đã được như ngày hôm nay. Nếu mà mẹ có đi, con hãy làm vợ hiền, dâu thảo cho gia đình họ nhé. Như thế là trả ơn cho mẹ rồi… - Mẹ nói bằng giọng yếu ớt.

- Không, con không để mẹ đi đâu!- Hoa nức nở.

Bỗng, mẹ ho vài cái rồi lịm đi. Tôi hốt hoảng gọi cấp cứu ngay trong đêm. Hai chúng tôi túc trực ở bệnh viện, lo lắng đợi kết quả. Thấy bác sĩ bước ra từ phòng cấp cứu, tôi liền chạy đến hỏi han tình hình. Bác sĩ thở dài, lắc đầu:

- Tình hình không được khả thi lắm. Để bác ở lại bệnh viện cho chúng tôi xem đến sáng mai, không ổn thì về.

- Vâng… - Tôi như chết lặng, hai chân bủn rủn. Mọi thứ như tối om lại trước mắt. Tôi tự trách bản thân tại sao mình lại vô tâm như thế, nếu mà mình biết sớm hơn thì mẹ đã được cứu chữa. Bao nhiêu tiền viện phí tôi đều lo được, làm ơn hãy cứu mẹ đi. Hoa đứng cạnh cố an ủi tôi, bảo tôi bình tĩnh. Nhưng giờ phút này sao mà có thể bình tĩnh được nữa đây?

Sáng hôm sau, bác sĩ đã bảo cho mẹ tôi xuất viện. Tôi như chết lặng. Hai mắt tôi đẫm lệ, cố hỏi bác sĩ còn cách nào không, tiền viện phí bao nhiêu tôi cũng trả nhưng bác sĩ chỉ thở dài rồi lắc đầu. Hoa ôm tôi từ phía sau, cố gắng xoa dịu nỗi tiếc nuối trong lòng tôi. Chúng tôi lại đưa mẹ về nhà, một nơi đã cũ kỹ. Thở thôi với mẹ cũng thật khó khăn. Hàng xóm bu lại xung quanh, có cả cha mẹ ruột của tôi nữa. Ai cũng lo lắng, tiếc thương nhìn mẹ. Bỗng, mẹ như muốn vươn tay ngồi dậy nhưng vì quá yếu nên đã gục xuống. Tôi chạy tới đỡ mẹ, hỏi:

- Mẹ yếu lắm rồi, đừng cử động nữa.

- Khụ… Con muốn ăn bánh khoai không?

Tôi ngớ người ra. Đến lúc này, mẹ vẫn nhớ đến món bánh mà tôi thích nhất, vẫn quan tâm đến tôi mà đòi dậy làm bánh. Tôi cất giọng nhỏ nhẹ:

- Con không cần đâu, giờ con chỉ cần mẹ thôi!

- Cả Hùng và Hoa đều thích ăn món này lắm mà? Để mẹ làm lần cuối cho tụi con đi. Cả đời mẹ đã không cho con được nhiều, được có vài cái bánh thì có bao nhiêu?

- Mẹ nghỉ đi, con không cần đâu mà… - Hoa tiếp lời.

- Hoa à, từ lúc sinh con ra, mẹ cảm thấy có lỗi với con rất nhiều. Mẹ xin lỗi vì đã để con không có cha, xin lỗi vì gia đình nghèo khó, xin lỗi vì đã để con từ nhỏ đã vất vả, càng xin lỗi vì đã từng nghĩ đến chuyện ôm con tự vẫn. Con à, mẹ chẳng có mong gì nhiều ngoài việc con hãy làm một người vợ tốt, dâu thảo cho gia đình thằng Hùng. Thật may mắn khi con đã lấy được tình yêu thuộc về con. Con không cực khổ là mẹ vui lắm rồi. Mẹ không có gì, đi thì để lại cho con mỗi căn nhà nhỏ này thôi. Thế nhé… - Nói rồi mẹ nhắm mắt, cứ thế mà ra đi.

Mọi người chứng kiến ở đó đều trào nước mắt, xót thương cho số phận của mẹ Mườn. Lúc ấy, tôi đã gào lên nức nở nhưng với bao nhiêu nước mắt cũng chẳng có phép màu nào có thể mang mẹ trở lại. Hoa quỳ xuống đất, ôm mặt khóc. Cha mẹ tôi cũng phải xuýt xoa. Cha tôi đã thốt nên:

- Thương thay số phận nghiệt ngã…

Chúng tôi ở lại quê vài ngày để dọn dẹp và lo hậu sự, mai tang. Trong lúc dọn đống đồ của mẹ Mườn, tôi vô tình nhặt được một tấm ảnh đã cũ. Tấm ảnh chụp một người phụ nữ trẻ và một người đàn ông. Hình như đó là mẹ Mườn và cha của Hoa. Trong ký ức thời thơ ấu, mẹ là một người nhỏ con, hơi gầy và có phần tiều tụy. Nhưng trong ảnh, mẹ đẹp đến mê mệt lòng người. Hèn gì Hoa cũng đẹp thế, là do được thừa hưởng nhan sắc từ mẹ Mườn. Thời gian và hoàn cảnh đã từng ngày, từng ngày phá tan đi nhan sắc của mẹ, là thứ quý giá nhất của người phụ nữ. Tôi thương mẹ rất nhiều, không nỡ để tấm ảnh đấy vào hộp tiêu hủy mà lẳng lặng cất nó vào người.

Sau một thời gian, chúng tôi lại quay về cuộc sống tấp nập như thường ngày. Nhưng hình ảnh người cô và chiếc bánh khoai vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Mong rằng mẹ Mườn sẽ có một cuộc sống tốt hơn nơi bên kia, sẽ không phải chịu những cực khổ của kiếp này nữa…

N.Đ.M.T