Màn kịch hay chưa hồi kết ( đọc Người tử tế, tập truyện ngắn của Vũ Đảm, NXB Hội Nhà Văn)

22.08.2019

Màn kịch hay chưa hồi kết ( đọc Người tử tế, tập truyện ngắn của Vũ Đảm, NXB Hội Nhà Văn)

Tập truyện ngắn “Người tử tế” có sức hấp dẫn lôi cuốn như màn kịch hay chưa hồi kết. Bởi khi đọc xong, gấp sách lại, truyện đem tiếng cười đa sắc thái: hả hê mừng vui, đau đáu mỉa mai, phẫn nộ hờn căm và còn nữa: một số truyện trong tập có cái kết “mở”, một cánh cửa khác được mở ra trong suy nghĩ, liên tưởng của độc giả bằng sự kích thích “lên men”từ lúc khơi mào, định hướng, diễn biến, kết thúc truyện của nhà văn Vũ Đảm.

 

Với trải nghiệm thấm đẫm tình người, nhãn quan thâu tóm được cảnh đời, đặc biệt có một trái tim luôn rung động thổn thức những yêu thương, luôn biết ngân lên giai điệu đồng cảm, xót xa với phận người, với cuộc đời nơi "thiên đường trần thế". Nhà văn Vũ Đảm đã chưng cất chọn lọc những "gồ ghề", những "hạt sạn", những điển hình trong cuộc sống để bối cảnh, tình tiết truyện, ngôn ngữ thoại hiện lên sống động, tự nhiên, nhân vật trữ tình “diễn” mà như thật, tròn vai tuyệt đối.

 

Mặt trái, mặt phải của cuộc sống và "muôn mặt người", đa trạng thái, tâm tình người, những khuôn mặt như được nhào lặn từ "bột gạo trộn dàu mỡ" nên dễ vỡ, dễ lặn và có khả năng biến đổi màu sắc như màu da của con Tắc kè hoa, nên việc thay hình đổi dạng, biến đổi tâm tính, trạng thái rất mau lẹ, trở mặt, tráo trở, trơ trẽn... của những người luôn coi “make – up” là một việc thiết yếu "sống còn" trên đời như trong “ Khúc xương”, nhân vật Mô đại diện cho những kẻ chỉ cần tiền, quyền tống vào mồm là im ngay, đối với họ tiền, quyền dù béo bở hay sống sượng như  "Khúc xương" chân lý, lý tưởng sống của họ cũng vì thế mà thay đổi ngay được. Trong sáng tạo nghệ thuật có nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng trong  truyện ngắn “Ngựa đá” có thêm một thứ nghệ thuật “nghệ thuật vì tiền”, “tiền” càng nhiều thì nghệ thuật biến hoá càng “tiên” tức càng cao siêu, mĩ miều... sự mỉa mai, dối trá đã vượt quá cái ngưỡng thể hiện ở chi tiết truyện “tạc con ngựa mà người nhìn vào thấy giống quái thú, mặt người mình ngựa... Chẳng phải ngựa cũng chẳng là la, hoá ra con dê đực...”

 

Nhà văn Vũ Đảm đi sâu, xoáy riết và "quẩy" mạnh vào "hang cùng ngõ hẻm", vào đáy tâm tư của con người để phát hiện triệt để những ham muốn, những khát khao , những mảng tối, những "hố đen" của sân si, đố kỵ, của lòng tham lam, của tính ích kỷ. Cái bản ngã được phanh phui, tơ hơ như trong "Một trăm phần trăm", "Hành trình may mắn", Chuột chơi Facebook... 

 

Ca dao, tục ngữ, châm ngôn, khẩu ngữ, những câu nói dân gian hay, ý nghĩa có tính dăn dậy, "răn đời", chiêm nghiệm sống, ứng nghiệm thực tiễn và quan niệm "nhân quả" của đạo Phật được nhà văn khéo léo ẩn ý vào ý tưởng, vào chủ định hành văn trong cách viết với ngôn ngữ có triết luận, mỹ thuật và nhân sinh cao như “"Khai sinh và khai tử", “Anh em kết nghĩa".

 

Cách mở vấn đề, lập luận, diễn giải và kết thúc câu truyện rất khoa học, hợp lý và điều đặc biệt mang dấu ấn riêng của nét tài hoa người làm chủ cuộc chơi, của người nhạc trưởng trong việc gây "hiệu ứng domino" bất ngờ, hấp dẫn đến ngỡ ngàng như trong "Khúc xương", “Ngựa đá”.

 

Ngôn ngữ trong truyện được "tẩm vị" đậm đà của dư vị cuộc sống, của nghệ thuật ngữ âm tạo ngữ hình rất sắc nét, nghệ thuật châm biếm, đả kích chua ngoa, được sử dụng với cường độ công suất cao và đôi khi ngòi bút thiên biến ngọt ngào đằm thắm, quyến rũ đến mê muội bất ngờ. Chính cách kể chuyện tự nhiên phảng phất cái "hất hàm" bất cần, cái ngông ngông của người tài, sự bình tĩnh, đủng đỉnh của người "thừa" biết, "đã" biết... Các câu truyện nhà văn lấy tư liệu “sống” từ những gì nhìn thấy, “biết thế” nếu độc giả tinh ý cũng sẽ nhận ra nên hình tượng nhân vật không mơ hồ xa xôi, để những lập luận luôn có cơ sở thực tiễn và khoa học logic, rất hấp dẫn, đầy sức gợi. Từ đó độc giả thẩm thấu, tự cảm, phát lộ những yêu, ghét, phỉ nhổ hờn kinh  hay trân trọng tin yêu đến dữ dội, ngột thở và cả niềm “khoái trí” vỡ òa ... như trong “Những con sâu bỏ dầu nồi canh”, “Ngôi mộ cổ”, "Lò ấp" hay trong "Về hưu"...

   

"Người tử tế" là tập truyện gồm mười tám truyện ngắn. Tên tập truyện trùng với tên một truyện ngắn trong tập. Nghe tên tập truyện tôi rất thích, thích bởi sự hàm nghĩa, đa chiều kích của nó. "Người tử tế". Thế nào là người tử tế?. Hiểu như nào cho chính xác, đầy đủ và tròn ý. Người tử tế là người có phẩm hạnh, đạo đức tốt, người dùng những cái tốt của mình để đỗi đãi người khác. "Người tử tế" là người luôn hàm ơn và tìm mọi cách đáp ơn. "Người tử tế" là người biết đúng, sai, làm và chỉ cho người khác cùng theo cái đúng... Có rất nhiều cách hiểu, nhiều đáp án cho "thế nào là người tử tế"...nhưng thiết yếu, cơ bản khi đọc lên "ba chữ": "Người tử tế" thì trung khu não bộ "ít nhất" phát ra các "nơ ron” trí lực tập trung vào các "tiền đề" hỏi và tự trả lời: "Thế nào là người tử tế". "Ta có phải là người tử tế không"?. "Ta làm thế nào để thành người tử tế"... Đấy, cái tiêu đề hay và nhiều sức gợi là thế.




 

Làm người tử tế như  trong truyện ngắn “Người tử tế” nhân vật Nguyễn cho người bạn thân tên Tôn vay chín trăm triệu (sau ba tháng hứa trả đủ vốn và lãi năm mươi ngàn đô), khi Tôn không có khả năng hoàn trả thì Nguyễn bị vợ đay nghiến. Hay như Lễ mới là người tử tế khi biết làm vừa lòng tất cả các phe, phái và những người tiếp xúc, quan hệ xã giao hay công việc với hắn. Đấy là bề nổi, cái nhìn thấy hời hợt, còn thẳm sâu "ruột, gan" Lễ là con người sống "nhiều mặt, nhiều lưỡi", cái “lưỡi không xương nhiều đường ngoắt ngoéo”  và “bụng một bồ giao găm". Lễ một mặt nói xấu Nguyên Khôi trước mặt Nguyễn. Khi gặp Nguyên Khôi thì nói xấu, khinh thường, giễu cợt, hằm hằm Nguyễn "nếu không có nó phá, tôi đã được lên vụ phó"... còn mặt nữa thì tranh thủ lấy lòng cấp trên... Vậy ai là người tử tế?! 


... Làm người tử tế đã khó mà miếng cơm manh áo, quyền cao chức trọng, vật chất lại là chất xúc tác cực mạnh làm cho tiến trình thành người tử tế nhanh đến gần hoặc ngược lại, càng lấn sâu vào "phí" tử tế tức người tội lỗi, trọng lỗi. Độc giả -  người "ngoài cuộc" sẽ thấy nhân vật Lễ trong truyện ngắn "Người tử tế" là nhân vật đáng trách đáng lên án. Nhưng những nhân vật "vây xung quanh" Lễ về công việc, về ngoại giao, xã giao thì lại đề cao, trọng vọng Lễ hết mực bởi con người Lễ có "nhãn tiền" đẹp, có "nghệ thuật" ăn nói khôn khéo luôn biết nói vừa lòng người đối diện. Những con người có "khẩu phật tâm xà" rất thâm sâu, mưu mẹo, nói một đằng làm một nẻo. Nói một phách nhưng nghĩ thì lại hướng khác...Nên "tử tế" không đơn giản chỉ cần có khuôn mặt "bắt mắt" và biết nói lời “có cánh” vừa lòng nhau trước mặt, sau đó đâm lưng họ khi người đó quay gót... Chừng nào con người còn tự huyễn hoặc, tự tụng ca trong mê muội, đắm chìm vào say mê những tán dương ca tụng, những ngọt ngào mĩ miều  ở "vỏ bọc", cái áo ngoài thân hào nhoáng lấp lánh đẹp đẽ  mà không chịu nhìn sâu, hiểu rõ vào phẩm chất, tư cách con người ... thì luôn có hệ lụy, thói xu nịnh “lên ngôi” và khi đó phẩm chất, đạo đức bị hạ giá rẻ mạt.  Trong truyện ngắn "Người tử tế" nhà văn Vũ Đảm dựng ba nhân vật chính "Nguyễn, Lễ và Nguyên Khôi" đơn giản như ba món ăn được "dọn sẵn" trên bàn tiệc, độc giả chỉ việc "ăn" để ngộ nhận, cảm nhận, đúc kết ra điều cần, mong biết. Đồng thời nhà văn cũng tạo ra một cánh cửa mở giống như một màn kịch hay đã kéo rèm diễn rồi mà cảm giác như  kịch vẫn như chưa kết thúc và như ăn xong bữa rồi mà hương vị vẫn còn vương vấn đâu đây, khi đó sự vận hành suy tưởng của độc giả được triển khai... “Bấy nhiêu thực khách là bấy nhiêu câu trả lời cho mệnh đề chung "Người tử tế" là gì, làm thế nào để trở thành người tử tế và biết so sánh "Người tử tế" trong truyện giống và khác "Người tử tế" ngoài đời ra sao?!. Đây là cái tài, tầm nhìn thâu tóm “truyện đời” ẩn vào “nghệ thuật truyện” của nhà văn Vũ Đảm.

 

Trong tập truyện “Người tử tế”  Nhà văn Vũ Đảm đã “ghim” vào truyện một “bộ máy luật pháp vô hình” mà rất công hiệu phiên toà lương tâm sẽ để những “tội đồ” tự thú tội, chính phiên toà này sẽ kết tội họ và thời gian "mặn hơn muối, sắc hơn dao, ma thuật hơn phù thủy" sẽ làm họ đau đớn, vật vã, tàn tạ hơn là chết... và nữa, thế lực siêu nhiên người chết sẽ về phán tội, ám ảnh họ như "Để danh cho đời"


Các câu truyện trong tập truyện “Người tử tế” của nhà văn Vũ Đảm có tính bao quát hàm nghĩa cao từ các mặt của xã hội và từ những rộng lớn, “khuếch tán” đó nhà văn dùng biện pháp quy nạp cho những điển hình, những nổi cộm để ta hiểu rằng  “Những thứ nhìn thấy nhiều khi chưa đúng, chưa đủ, chưa hoàn toàn đúng, chưa hoàn toàn đủ giống như tảng băng trôi, phần ta nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ trên bề nước còn phần dưới nước ta có nhìn thấy đâu, muốn biết phần dưới nước của tảng băng đó như thế nào, ta phải chịu cái lạnh giá, hà khắc, phải trực tiếp lặn xuống nước để nhìn cho rõ... Cũng vậy, cuộc sống ngoài kia ngỡ bình yên êm đềm lắm, thế mà lại rất cồn cào, dữ dội. Nhà văn đã xông xáo, lăn xả thâm nhập vào tận cùng "tim gan, chạy song hành với nhịp sống đời trần" để hiểu, biết rõ bản chất, rồi cẩn trọng vẽ lên bức tranh đời thường, bức tranh muôn màu sắc, bức tranh có những âm thanh giàu cảm xúc, trầm bổng, xa xót... bức tranh có niềm yêu thương bỏng cháy tới phận người và sự hờn căm những thế lực “ăn sống nhuốt tươi” của “mặt người dạ thú”... đây là điểm nhân đạo cao cả trong tập truyện ngắn “Người tử tế”.

 

Tập truyện ngắn “Người tử tế” một tập truyện rất hay và ý nghĩa, cái hay xuất phát từ một nhà văn tử tế, khi dám nhìn thẳng vào sự thật mà xông xáo viết lên những mặt, khía cạnh nhiều lúc nhạy cảm, động chạm tới nhiều mặt, nhiều người chức trọng, những người đó có dấu hiệu, có biểu hiện tha hóa về đạo đức và lối sống... Tập truyện có những câu  truyện ngắn với ngôn ngữ ngắn gọn chắt lọc như nhà thơ Nga Maiacopxki nói “ Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ . Mới thu về một chữ mà thôi” Nhà văn Vũ Đảm nghiêm túc và có thực tài ngôn từ trong ngôn ngữ luận. Các câu truyện trong tập đầy bất ngờ, nhiều hấp dẫn giống như “màn kich hay chưa hồi kết” để dộc giả hứng thú và trân trọng.


Nguyễn Thanh Huyền
(vanvn.net)