Lời giải cho công nghiệp văn hóa
Di tích Hải Vân Quan chính thức mở cửa đón du khách tham quan, góp phần phát triển thế mạnh du lịch văn hóa của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Ảnh: B.L |
Gần một năm trôi qua, có thể thấy trên đường đến với công nghiệp văn hóa, Đà Nẵng đang có nhiều điều xuôi chèo mát mái tạo nên cảm giác an tâm. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai - DANAFF II 2024, một lần nữa cho thấy Đà Nẵng hoàn toàn có thể tự tin để theo đuổi ngành công nghiệp được mệnh danh là nghệ thuật thứ bảy này. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, DANAFF II trao giải Thành tựu điện ảnh cho một nhà làm phim xuất sắc: Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2024 cũng tiếp tục được tổ chức thành công trong hai tháng giữa năm với nhiều đổi mới. Trong khi đó, sau khi phối hợp trùng tu thành công di tích Hải Vân Quan theo bản gốc năm Bính Tuất 1826, đầu tháng Tám vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng chính thức mở cửa đón du khách tham quan di tích quốc gia liên tỉnh này, góp phần phát triển thế mạnh du lịch văn hóa của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Có thể nói, du khách thập phương giờ đây đến với Hải Vân Quan không chỉ có dịp được chiêm ngưỡng một di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn, thể hiện tư duy hướng biển của vua Minh Mạng trong phòng thủ đất nước vừa được phục dựng theo kết quả khảo cổ học và thư tịch học; mà còn có thể cảm nhận quá trình phát triển của toàn bộ vùng đất ở cả hai phía núi Hải Vân từng được mệnh danh là “chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng”, trước hết là sự phát triển về giao thông vận tải.
Du lịch văn hóa với tư cách là một thế mạnh về công nghiệp văn hóa của Đà Nẵng còn gắn với các điểm đến tham quan là một số làng nghề truyền thống nổi tiếng từng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (được công nhận năm 2014) và làng nghề làm nước mắm Nam Ô (được công nhận năm 2019), Đà Nẵng còn có thêm làng nghề làm bánh tráng Túy Loan vừa được công nhận hồi tháng 2-2024.
Chưa kể du lịch văn hóa Đà Nẵng còn có thêm dư địa phát triển khi Chính phủ - qua hoạt động phân định địa giới hành chính giữa thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế (sẽ trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2025) tổ chức tháng Chín mới đây - đã chính thức giao hòn Sơn Trà con cho thành phố Đà Nẵng quản lý (thực chất là trở lại/trả lại nguyên trạng về quản lý Nhà nước trước năm 1995).
Tuy nhiên, đường đến công nghiệp văn hóa của thành phố Đà Nẵng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, chưa kể sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng của một địa phương hay một đất nước giống như con thuyền ngược nước không tiến ắt lùi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh phát triển của các địa phương/đất nước bạn. Chẳng hạn về công nghiệp điện ảnh, người Đà Nẵng không thể không thấy nhiều địa phương đang theo đuổi mục tiêu gắn điện ảnh với du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Phú Yên, Cần Thơ và nhất là Khánh Hòa qua việc tỉnh này phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam, Công ty Cổ phần Vega City thuộc Tập đoàn KDI Holdings để tổ chức thường niên giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng danh giá… Nếu Đà Nẵng chậm chân, không tranh thủ được các nguồn lực tài chính cần thiết bằng những mô hình hợp tác công tư thích hợp nhằm tiếp tục duy trì DANAFF II 2024 những năm đến thì chắc khó lòng đạt được giấc mơ trở thành một thủ phủ liên hoan phim bờ biển như Busan…
Kết thúc DANAFF II 2024, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng thương hiệu “Thành phố điện ảnh” với Đà Nẵng, đạo diễn Park Kwang Su, Chủ tịch Liên hoan phim Busan cho rằng, khán giả là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một liên hoan phim. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn điện ảnh cho lực lượng sáng tác trẻ, Đà Nẵng cần có chủ trương và giải pháp nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả.
Một thương hiệu liên hoan phim bền vững là phải có một lực lượng khán giả thông minh, có thể bảo vệ liên hoan phim, hoặc phải có cách để thu hút thật nhiều khán giả trẻ. Các liên hoan phim chỉ có thể phát triển khi có lực lượng khán giả tốt và những bộ phim hay. So với các nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật tuồng thì nghệ thuật thứ bảy có thuận lợi hơn về vấn đề khán giả nhưng như vậy không có nghĩa là điện ảnh Đà Nẵng không gặp khó khăn về khán giả, nhất là đối với phim truyện chiếu rạp thực sự có chiều cao tư tưởng, có giá trị nghệ thuật và lay động lòng người, phải mua vé để vào xem…
Về công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, không chỉ làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cần phải tiếp tục khắc phục tình trạng sản xuất hàng loạt những sản phẩm tượng đá mang tính thương mại hóa hoặc sản xuất kiểu công nghiệp những sản phẩm tượng bột đá - chứ không phải tượng đá - dẫn đến ngày càng ít đi những sản phẩm tượng thủ công, qua đó thể hiện quá trình lao động “thổi hồn vào đá” của các nghệ nhân, mà các làng nghề liên quan đến ẩm thực như làng nghề làm nước mắm Nam Ô hay làng nghề làm bánh tráng Túy Loan... cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và quan trọng hơn là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được sức cạnh tranh của thương hiệu.
Theo kế hoạch từ đầu năm, năm 2024 UBND thành phố sẽ ban hành đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030”. Hy vọng với cung cách lãnh đạo quản lý bài bản này, Đà Nẵng có thể nâng cao hơn nữa chất lượng những sản phẩm công nghiệp văn hóa sẵn có và được xem là thành tựu; đồng thời khắc phục hiệu quả các mặt hạn chế, tháo gỡ được các “điểm nghẽn” nêu trên, để Đà Nẵng thực sự xứng đáng là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm của đất nước (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).