Lan tỏa giá trị nghệ thuật điêu khắc Việt Nam

25.04.2022
Nguyễn Thị Anh Đào
Bức tượng mỹ thuật mang tên "Sóng biển" của nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken (Na Uy) được đặt ở vị trí trang trọng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt ven bờ biển ở Đà Nẵng là tác phẩm điêu khắc mang tâm huyết của một nghệ sĩ người Na Uy đặc biệt yêu mến Việt Nam.

Lan tỏa giá trị nghệ thuật điêu khắc Việt Nam

Tác phẩm "Mô phỏng du lịch ảo" được các nghệ nhân Quỹ điêu khắc Đà Nẵng sáng tác, hiện đặt tại Na Uy. (Ảnh QUỲNH HƯƠNG)

Câu chuyện đằng sau bức tượng ấy còn là một hành trình dài về sự lan tỏa, truyền cảm hứng sáng tạo và mang hình ảnh của Việt Nam nói chung, nghệ thuật điêu khắc Việt Nam nói riêng giới thiệu với bạn bè thế giới.

Nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken là người khởi tạo, đặt nền móng và gắn bó với Quỹ điêu khắc Đà Nẵng gần 20 năm. Ông là một người bạn Na Uy có trái tim nhân hậu, đặc biệt yêu mến Việt Nam, đã chọn Đà Nẵng để sống và tạo dựng, quy tụ được nhiều những nhà điêu khắc tên tuổi trên thế giới đến Việt Nam.

"Làn gió mới" cho điêu khắc Đà Nẵng

Quỹ điêu khắc Đà Nẵng (được thành lập từ sự kế thừa thành quả của dự án điêu khắc Đà Nẵng trước đây do Chính phủ Na Uy tài trợ) là một câu chuyện lan tỏa và nâng tầm giá trị điêu khắc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Bắt nguồn từ một tình cảm đặc biệt đối với Đà Nẵng-Việt Nam, với tầm nhìn của người nghệ sĩ khi bắt gặp sự đồng điệu ở nơi có làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhà điêu khắc Storbaekken đã chọn thành phố này để thực hiện hành trình tận hiến, chắp cánh cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Ông đã vận động Chính phủ Na Uy và các tổ chức khác tài trợ (tổng giá trị 16,5 tỷ đồng) để thực hiện Dự án điêu khắc Đà Nẵng (giai đoạn 2003-2009), với mục đích chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo và chế tác đá mỹ nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm vươn ra thị trường thế giới. Kế thừa những thành quả này, năm 2009, sau khi kết thúc dự án, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đồng sáng lập. Đây là quỹ phi lợi nhuận về nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam hoạt động vì sự phát triển nghệ thuật điêu khắc. Mục tiêu của Quỹ là phát triển nghệ thuật điêu khắc của Đà Nẵng, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện và tài trợ, bảo trợ, khen thưởng các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật điêu khắc.

Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: Dự án điêu khắc Đà Nẵng (nay là Quỹ điêu khắc Đà Nẵng) mang lại nhiều giá trị rất ý nghĩa cho nghệ thuật điêu khắc. Và vai trò của nhà điêu khắc Storbaekken là đặc biệt quan trọng. Ông đã mang đến cho điêu khắc Đà Nẵng một làn gió mới, lan tỏa những quan điểm về giá trị mỹ học hiện đại trong lĩnh vực điêu khắc thông qua việc mở được nhiều khóa đào tạo thợ điêu khắc lành nghề, mà hiện nay nhiều người trong số đó đã trở thành nghệ nhân điêu khắc đá. Bản thân ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm, trao tặng lại thành phố Đà Nẵng.

Từ những bước khởi đầu, với sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố Đà Nẵng, đến nay, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đã đem lại rất nhiều giá trị. Một vườn tượng nghệ thuật điêu khắc được Quỹ trao tặng Đà Nẵng sau trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2006. Năm 2018, Quỹ tiếp tục trao tặng thành phố Đà Nẵng hai tượng mỹ thuật "Sóng biển" và "Dòng sữa mẹ", có tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng do hai nhà điêu khắc Storbaekken và Phạm Hồng (Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng) thực hiện. Nhà điêu khắc Storbaekken trước lúc rời Đà Nẵng đã gửi gắm những lời tâm huyết: "Gần 20 năm gắn bó với thành phố biển Đà Nẵng, cảm nhận trong tôi Đà Nẵng như quê hương mình. Mỗi tác phẩm tượng mỹ thuật tôi trao tặng thành phố, là tôi đã trao tặng cả trái tim mình. Tôi cũng hy vọng nhiều hơn về sự lớn mạnh của Quỹ điêu khắc Đà Nẵng, để có thêm nhiều những tác phẩm điêu khắc giá trị".

Chắp cánh cho điêu khắc Việt Nam ra thế giới

Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đã trở thành điểm hẹn, là địa chỉ giao lưu văn hóa, sáng tác nghệ thuật thu hút nhiều nhà điêu khắc quốc tế đến Việt Nam. Đến nay, đã có 62 nhà điêu khắc từ Thụy Điển, Na Uy, Đức, Hà Lan, Canada, Australia, New Zealand, Singapore, Mỹ, Pháp, Israel, Anh… đến trực tiếp làm việc tại Quỹ, tham gia sáng tác nghệ thuật đồng thời tìm hiểu về văn hóa, con người Đà Nẵng và đất nước Việt Nam. Và gần 100 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật và các sản phẩm điêu khắc tôn giáo, thương mại được gia công, chế tác tại xưởng chế tác của Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đã trưng bày ở các khu vực công cộng của Na Uy, Anh, Ba Lan, Mỹ, Australia, Canada, Đan Mạch, Malaysia…

Bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ điêu khắc Đà Nẵng cho biết: Là một quỹ phi lợi nhuận, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, thực hiện sứ mệnh là nhịp cầu nối, đào tạo thợ, tạo dựng địa chỉ giao lưu cho giới điêu khắc. Hiện Quỹ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động dịch vụ, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài; phát triển quan hệ giao lưu, hợp tác với các nhà điêu khắc và các tổ chức điêu khắc ở trong nước và nước ngoài. Thông qua việc chế tác và gia công các tác phẩm nghệ thuật cho các nhà điêu khắc trong nước và nước ngoài, đội ngũ thợ điêu khắc của Quỹ ngày càng được đào tạo, nâng cao tay nghề, nắm vững các kỹ thuật điêu khắc tiên tiến của thế giới, có khả năng thực hiện các tác phẩm khó, đạt trình độ nghệ thuật cao.

Nghệ sĩ Ông Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ điêu khắc Đà Nẵng khẳng định: Với kinh nghiệm chuyên môn và việc hợp tác tổ chức thành công trại điêu khắc quốc tế năm 2006, trại sáng tác điêu khắc Đà Nẵng năm 2010, hiện chúng tôi đang vận động kinh phí tổ chức trại sáng tác điêu khắc Đà Nẵng nhằm chuẩn bị nguồn tác phẩm chất lượng tốt để thực hiện Đề án Phát triển hệ thống điêu khắc ngoài trời thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng tôi mong muốn các phác thảo từ trại sáng tác sẽ được UBND thành phố Đà Nẵng lựa chọn đầu tư để thực hiện thành các tác phẩm hoàn chỉnh trên chất liệu đá, trưng bày tại các khu quy hoạch tượng công cộng của thành phố. Quỹ sẽ tiếp tục là một địa điểm giao lưu văn hóa, thu hút ngày càng nhiều nhà điêu khắc quốc tế đến sáng tác, giao lưu. Các hoạt động hợp tác, giao lưu nghệ thuật này sẽ góp phần quảng bá tay nghề, sản phẩm điêu khắc nghệ thuật của Đà Nẵng và hình ảnh của Đà Nẵng cũng như Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Ngành văn hóa Đà Nẵng cần có chiến lược gắn kết hoạt động của Quỹ điêu khắc Đà Nẵng vào các kế hoạch dài hạn về văn hóa, đặc biệt là xây dựng không gian văn hóa cộng đồng, vườn tượng, tượng đặc trưng cho Đà Nẵng.

(nhandan.vn)