Lá trên cành đang thu - Niềm nhớ sắt son

06.03.2023
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Thi tập Lá trên cành đang thu của nhà thơ Vạn Lộc không chỉ viết về những miền quê hương, niềm hạnh phúc, và những ân tình, đó còn là tiếng nói yêu thương, là cái tôi cô đơn cùng niềm nhớ và sự thủy chung với người xa khuất.

Lá trên cành đang thu - Niềm nhớ sắt son

Tập thơ Lá trên cành đang thu của nhà thơ Vạn Lộc. Ảnh: Hồng Nhung.

Nhà thơ Vạn Lộc, tên thật Võ Thị Hội, quê quán huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng. Ở cái tuổi U80 nhưng trông bà còn rất trẻ, rất khỏe khoắn. Bà đang là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng.

 Lá trên cành đang thu là tập thơ thứ mười của nhà thơ Vạn Lộc do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 12/2022. Viết về tập thơ Lá trên cành đang thu, người ta chỉ chú ý tới ân tình với quê hương đã xuất hiện bền bỉ trong những áng thơ của Vạn Lộc, mà bỏ lỡ những niềm nhớ thủy chung, tình yêu sắt son của “em” dành cho người thương nơi xa khuất.

Những yêu thương trong trái tim tác giả luôn tròn đầy, và sự thủy chung theo đó cũng nhiều gấp bội. Những vần thơ “vá víu thiếu thừa” nhưng từng câu chữ đều in dấu tấm lòng người phụ nữ son sắt nghĩa tình phu thê:

“Nhớ thương và thương nhớ

Như ca dao quê mình

Một ngày là chồng vợ

Đã trăm năm nghĩa tình”

(Valentine nhớ)

Nhà thơ Vạn Lộc đang tuổi 80 nhưng trong thơ bà, tình yêu vẫn luôn nồng cháy, bởi vốn dĩ tình yêu thì không có tuổi và nỗi nhớ vẫn luôn đong đầy. Đôi khi đó là cái tôi cô đơn lạc lõng trong niềm nhớ thương da diết khôn nguôi:

“Đêm đêm xao xác tiếng gà

Thầm thì hương những bông hoa một mình

Thầm thì tôi với lặng thinh

Làm sao viết một chữ tình không đau

(…)

Anh xa rồi những câu thơ

Tàn cơn mộng em ngẩn ngơ bắt đền

Ngắm hình anh để đở vênh

Đâu hay kê mãi vẫn vênh góc đời

 

Thầm thì một mình em thôi (…)”

(Thầm thì đêm)

Và:

“Anh giờ mây gió ngàn phương

Mình em mưa nắng dặm trường mình em

(…)

Mênh mông em giữa ngôi nhà

(…)

Không anh trống vắng đổ đầy tim em…”

(Không anh)

Hay:

“Anh đi về chốn xa xanh

Mình em chiếc lá trên cành đang thu”

(Nụ hương xưa)

Người phụ nữ cô đơn, thầm thì với những bông hoa một mình, thầm thì với tôi lặng thinh, thầm thì một mình thôi. Không “anh”, không ai để thầm thì lời thương lời nhớ. Cứ thương, cứ nhớ rồi lại đau. Không “anh” trái tim “em” cứ mênh mông, cô đơn, trống vắng.  

“Anh” dù theo mây gió ngàn phương, hay đi về chốn xa xanh, đều đi một mình. Người ở lại nhân gian chỉ có “em”, chơi vơi chới với trong khoảng tình yêu lứa đôi anh bỏ ngõ.

Trăn trở khắc khoải một lời yêu, một chữ tình không đau, trái tim người phụ nữ cứ mãi lạc lõng trong nỗi nhớ người đã về với vòng tay đất mẹ. Nhớ người ngay cả trong giấc mộng, nỗi nhớ lại càng thêm khắc khoải hơn khi bừng tỉnh lại nhận ra hiện thực không anh, rồi thẫn thờ ngẩn ngơ tự dỗi hờn nỗi nhớ. Cứ nghĩ ngắm hình anh thì có thể nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ, để đời “em” bớt chênh vênh, để trái tim “em” thôi đau thôi buồn. Nhưng “em” cứ “kê”, cứ mải ngắm thì mọi điều vẫn thế; nỗi đau, nỗi nhớ “anh”, nỗi chênh vênh vẫn ở đó, cô đơn lạc lõng vẫn ở trong lòng “em” không buông rời.

Có lẽ, nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của người ở lại mang trong tim nhiều tình yêu và nỗi nhớ:

“(…) Anh ơi chừ đôi ngả

Anh giờ quá xa xôi

Lễ tình nhân nhang khói

Em thắp cho anh rồi

 

Còn mình em với bóng

Valentine đơn côi

Chỉ nhớ… Nhớ… Và nhớ…

Nhớ thôi hết một đời…

(Valentine nhớ)

Bài thơ “Valentine nhớ” gồm 5 khổ thơ, nhưng tính cả trong nhan đề, chữ “nhớ” đã xuất hiện 8 lần, thể hiện nỗi nhớ thương da diết, niềm thương khắc khoải trong trái tim của tác giả. Không chỉ là nhớ, cũng không chỉ là thương, mà còn là nỗi đau, sự day dứt, khi mà nỗi nhớ trào dâng như vậy nhưng “Anh giờ quá xa xôi” còn em thì chỉ “mình em với bóng”. Vì thế nên em “Chỉ nhớ… Nhớ… Và nhớ/ Nhớ thôi hết một đời…”. Nỗi nhớ người mình thương cuồn cuộn trong tim nhưng chẳng thể tỏ bày với người, vì âm dương đã cách trở lời yêu tuôn trên đầu môi, nỗi nhớ giờ đây chỉ đành nằm yên trong trái tim cháy bỏng niềm yêu của tác giả.

Theo nhà phê bình người Nga Belinsky: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Trong bài thơ “Không anh”, Vạn Lộc trước hết viết về tình yêu, về nỗi nhớ, sau đó dùng biện pháp nghệ thuật so sánh để tăng thêm hiệu quả giá trị biểu đạt:

“Anh ơi nỗi nhớ như là

 Đò ngang lỡ chuyến sân ga lỡ tàu”

(Không anh)

Chính biện pháp nghệ thuật đặc sắc này đã góp phần lột tả sâu sắc nỗi buồn đau khi mà yêu - nhớ - thương nhưng hai trái tim bị chia cắt bởi hai thế giới, không thể gặp gỡ, không thể trao lời thương nhớ. Một người cứ cô đơn, quạnh đau trong nỗi nhớ một người. Lỡ chuyến ta đợi chuyến sau, rồi tàu lại tới, rồi đò lại sang. Nỗi nhớ “anh” trong “em” cũng như thế, tất cả nỗi nhớ về anh đang xếp hàng dài trong lòng “em”, cứ niềm nhớ này qua niềm nhớ kia lại tới.

“Ngỡ rồi nhớ sẽ tàn phai

Đâu hay năm tháng càng dài yêu thương”

(Không anh)

Chỉ khi trái tim tuyệt đối thủy chung, tình yêu vẫn trọn vẹn như “Sáu mươi năm nụ hôn đầu” và “Một đời em chỉ bến bờ là anh” (Nụ hương xưa) thì mới có thể nhớ - thương, da diết như thế. Chỉ thế nên khi càng cố quên lại càng nhớ. Cứ ngỡ nỗi nhớ sẽ tàn phai theo năm tháng, nhưng không ngờ tình yêu to lớn đã vượt qua thời gian, càng dài lại càng yêu thương.

Tựu chung, trong tập thơ Lá trên cành đang thu, nhà thơ Vạn Lộc không chỉ viết về tình yêu quê hương, nỗi nhớ da diết xóm làng, hay về thiên nhiên đẹp đẽ nơi quê nhà. Tập thơ chất chứa những tâm tư tình cảm, cùng tất thảy ngọt bùi chua xót trong tình yêu - nỗi nhớ, và lòng thủy chung sắt son bền bỉ theo năm tháng.

Không dừng lại ở đó, những bài thơ viết về tình yêu và nỗi nhớ trong tập Lá trên cành đang thu không chỉ lột tả tâm tình của tác giả, mà còn “…giúp ta nhận thức lại “hiện thực cuộc sống”  “ nhận thức lại” chính mình với những lối thể hiện độc đáo. (Nam Cao). Trong đời sống xã hội phát triển, những món đồ thông minh đang dần xen vào các mối quan hệ giữa người với người, liệu tình yêu và sự thủy chung còn được giữ lại bao nhiêu để bồi đắp theo thời gian? Có còn nhiều không những tấm lòng son sắt như “em” trong thơ Vạn Lộc?

Có thể nói rằng, Lá trên cành đang thu của nhà thơ Vạn Lộc là một tập thơ thành công. Bằng những ngôn từ đơn giản, gần gũi và dễ hiểu, cùng với biện pháp nghệ thuật độc đáo, thơ lột tả rõ những khắc khoải suy tư của tác giả. Từng áng thơ mang sự thật tâm tình của người sáng tác, nên những nỗi đau buồn hay niềm nhớ - thương - yêu trong vần thơ dễ dàng ăn sâu vào trái tim độc giả.

N.T.H.N