Ký ức tằm tang

27.03.2025
Nguyễn Nhã Tiên
Nếu có một thế giới nào đó, nơi mà ở đấy hiện thực và những giấc mơ cứ tưởng chừng như đan quyện vào nhau theo mỗi bước chân trên đường, thì đấy chính là cái bến đò cổ độ này đây. Con đường xuyên qua gành bãi dẫn ra tận cái bến đò ấy, từ bấy lâu nay chẳng mấy ai còn qua lại, mặc cho lau lách và hoa hoang cỏ dại mọc tràn ra che khuất lấp hết cả lối mòn. Vậy mà một sớm mai đầu xuân này, cái con đường từ bấy lâu đã ngủ quên trong cây cỏ ngút ngàn thế kia bỗng xôn xao vang động bước chân người về.

Ký ức tằm tang

Cầu An Bình đang được xây dựng bắt qua sông Vu Gia.

Nếu có một thế giới nào đó, nơi mà ở đấy hiện thực và những giấc mơ cứ tưởng ch

Hóa ra nhiều người cũng như tôi, thay vì xe máy cứ vi vu lướt gió chạy qua cầu, rồi cứ bon bon theo những lối bê-tông tăm tắp phẳng phiu về đến tận ngõ thôn xóm những làng quê bên kia sông. Nhưng tất cả lại thích thú bộ hành du xuân theo lối lênh đênh đò giang sông nước. Thực ra cái bến đò xa xưa ấy cũng đã lở xuống sông sâu tự bao giờ và con đò cũng đã gác mái từ lâu ngủ yên cùng dĩ vãng xanh rêu. Họa hoằn lắm vào các dịp lễ Tết bọn trẻ ở làng vạn chài ven sông mới lấy mấy chiếc thuyền con dùng để đánh bắt cá ven bờ chèo chống qua đoạn sông cạn này. Chúng vừa giúp đưa đón khách tiện đường tắt qua sông về quê ăn Tết, vừa có thêm chút thu nhập cho những ngày xuân.

Chưa vội lên thuyền qua sông, tôi lang thang trên cồn cát trắng mênh mông trải dọc theo gành bãi. Dấu vết nào của tuổi thơ tôi còn phong kín dưới mấy lớp cát bồi trắng tinh khôi này. Cát trắng ơi cát trắng! Tôi cúi xuống vốc từng nắm cát  đầy  trong tay gieo vào trong gió, rồi cao hứng vu vơ đọc lầm thầm mấy câu thơ. Thú thật, tôi cũng chả rõ thơ ấy của ai mà mỗi khi đọc lên cứ thấy bổi hổi bồi hồi, chừng như nghe được từ cát câm lặng kia nỗi niềm dâu bể: Cát trắng tự bao giờ mênh mông đến thế/ Mà trong từng hạt trĩu niềm dâu bể.

Có lẽ chẳng riêng gì tôi, mà dường như bất cứ ai, giàu nghèo sang hèn ở mọi vị thế cuộc đời, hễ có dịp đùa chơi với cát, là rất dễ thơ mơ đến quên mất tuổi tác. Hình như cát trắng mịn màng tinh khôi kia, luôn chất chứa trong lòng nó một thứ diệu lực siêu nhiên nào đó, có khả năng ban phát cho con người ta sự hồn nhiên thơ dại. Cứ nhìn quang cảnh cái cồn cát trên bến đò sớm mai này thì rõ. Người thì thả mình nằm hát hò vô tư trên cát, kẻ thì như trẻ con rượt đuổi reo vui tung cát vào nhau. Và, bao giờ cũng vậy, vui nhất là bọn con nít. Chúng chạy ùa ra tận mép nước, rồi vốc cát lên xây đắp thành quách lâu đài, mặc tình cho áo quần mới của đứa nào cũng sũng ướt. Cái bến đò cổ độ lãng quên hiu hắt trong gió lạnh từng bấy lâu, bỗng sớm mai này trở thành nơi trút gởi bao niềm xúc động, bao tiếng reo vang vang nói cười hồn nhiên như một cuộc hội hè mùa xuân trên bến sông xưa đầy bất ngờ, chẳng ai hẹn trước gì nhau.

Nhưng lựa chọn con đường du xuân qua bến xưa này, riêng tôi còn ấp ủ một hoài vọng. Đấy là những tín hiệu đánh thức cả một vùng đất từng nổi tiếng nghề trồng dâu nuôi tằm đã bị quên lãng từ mấy chục năm nay. Cũng chả phải, tôi tham công tiếc việc gì giữa ngày đang cận kề Tết, nhưng từ khi nghe được cái thông tin người khởi xướng dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm trên vùng đất này là công ty Kraig Biocraft Laboratories Inc - một công ty của Mỹ. Một tin vui như thế ai mà không ấp ủ hoài vọng. Từ đấy cái vùng đất phù sa màu mỡ mênh mông trên đôi bờ dòng sông Vu Gia luôn ám ảnh tôi về cái thời huy hoàng nhất, mà dấu vết còn lưu lại trong ca dao là những chứng ngôn lấp lánh cái đẹp một thời: Con tằm Đại Lộc xe tơ/ Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông/ Nào cô buôn thị bán hồng/ Đò qua Đại Lộc tằm (đầy) nong thấy thèm. Vẫn biết, cho dù dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm hãy còn trong giai đoạn thí nghiệm, nhưng ai cấm một giấc mơ bao giờ.

Quan sát đôi bờ dòng sông, cả một vùng gành bãi mênh mông nối tiếp nhau xanh ngút ngát, ửng sáng nổi bật trên cái nền xanh nõn mượt ấy là những hoa đậu phụng, hoa dưa, hoa mướp... đã lấm tấm vàng phơi trong nắng mai. Chỉ bấy nhiêu sắc xuân mơn mởn đó thôi, đủ cắt nghĩa cho người ta hiểu vì sao người đất ba châu đã đúc kết nên thành ngữ: “Sào đất ba châu bằng cả mẫu ruộng đồng”. Vâng, một cách so sánh như thế không chỉ nhằm nói lên giá trị vật chất, mà còn là thể hiện sức sống tinh thần xiển dương cái đẹp của những con người ở quê xứ tằm tang. Có thể nói không ngoa chút nào, rằng ngay trên xứ sở này, bạn xây mặt về hướng nào cũng đều bắt gặp bốn bề ca dao bát ngát. Tiếng quay tơ, tiếng kéo sợi, tiếng thoi đưa khung cửi dệt, cho đến nương dâu nong tằm..., mọi sự vật đều được ký thác tâm tình, gởi gắm ước mơ: Tằm ơi say đắm nơi đâu/ Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu không nhìn. Và rồi càng lãng mạn hơn nữa: Chiều chiều mang giỏ hái dâu/ Hái dâu không hái, hái câu ân tình. Tôi cũng chẳng rõ cho lắm cái tâm hồn chất ngất hương đồng cỏ nội của tôi có còn được chút nào đôi phần lãng mạn đẹp đẽ như thế. Chỉ có điều, đã mấy chục năm xa quê rồi, đất đai xứ sở này cũng đã trải qua bao lần biến dịch lở bồi, và cái nghề ươm tơ dệt lụa trồng dâu nuôi tằm của làng tôi cũng đã khuất lấp sâu dày mấy lớp thời gian. Ấy vậy mà những làn điệu ca dao, câu hò vẫn ngọt ngào tươi tốt lên xanh, như làm lộng lẫy thêm cái thiên đường ký ức của tôi từng ngày. Đôi ta như thể con tằm/ Cùng ăn một lá cùng nằm một nong/ Đôi ta như thể con ong/ Con quấn con quít con trong con ngoài.

Thả mình đánh rơi tự do trên cồn cát trắng mịn màng. Chỗ tôi nằm đây là đỉnh cái cồn cát Bồn Bồn, nơi ngày xưa người ta dựng lên những dãy trại dài, vừa làm buồng nuôi tằm vừa làm nơi ăn ở. Chung quanh cồn cát này còn bao nhiêu xứ đất xanh thẳm ngàn dâu: Hòa Thạch, Đại Hòa, Nam Giang, Phương Trung... Cứ mỗi tên đất như thế đều gắn liền với một đặc điểm nào đó thuộc về địa lý, hoặc là lịch sử tự những  buổi  đầu  khai  canh  mở  đất.

Dường như cái trí nhớ đầy khói của tôi bây giờ gặp sự vật gì chung quanh cũng mơ hồ, trước một thế giới tràn ngập thanh âm huyền nhiệm giữa ngày ngong ngóng Tết. Bỗng tất cả hòa ca hợp xướng thành nơi trẩy hội của vô vàn ngọn gió xuân, mà mỗi thanh âm là một vang hưởng lấp lánh cung bậc. Như một thứ hồi quang vĩnh cửu của đất.

Tiếng của bọn trẻ gọi giục tôi xuống đò. Đoạn sông này xưa là bến đò Lê. Qua bờ bên kia là Cồn Sậy rồi tới Cựu Thị. Cựu Thị có nghĩa là chợ xưa - cái chợ của làng cổ Phường Đông, một thời sầm uất náo nhiệt nhất cả vùng. Đây là nơi giao thương buôn bán các loại hàng hóa từ miền biển chở lên theo những chuyến đò dọc, cùng với nhiều mặt hàng của người địa phương sản xuất làm ra như: vải sợi, tơ lụa, thuốc lá, đường mía... Người Hoa ở Hội An cũng sớm có mặt tại đây, họ lập nên những dãy phố chợ ở đầu cảng sông để tiếp nhận hàng hóa... Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết về cái chợ Phường Đông (Cựu Thị) của ngôi làng cổ này. Một làng chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ kéo sợi. Dấu vết trăm năm của một thời huy hoàng xa xưa ấy, bây giờ chỉ còn lại ít dấu vết gạch đá vỡ vụn vương vãi bên cái hố móng trụ cầu T1 sâu hoắm đầu cầu. Ngồi trên con đò nhỏ qua sông, mấy anh bạn trẻ đồng hành với tôi, kẻ ngồi đằng mũi người ngồi bệt xuống khoang thuyền, hào hứng  nghe  tôi kể chuyện quê quán xưa mà mặt cứ nghệch ra như nghe... cổ tích.

Hóa ra cái làng cổ Phường Đông thời tằm tang xa xưa ấy còn giàu có hơn gấp bội phần cái làng Phường Đông điện đóm hiện đại như bây giờ. Rõ nhất là môi trường thiên nhiên. Ngày xưa từ biển Hội An đến tận đầu nguồn Hội Khách, Đầu Gò, cho đến tận Thạnh Mỹ, nước chảy trong xanh, tôm cá đầy sông, vườn tược cây cối đôi bờ bốn mùa tốt tươi hoa trái, nhất là ngàn dâu xanh tưởng như bất tận đến chân trời. Thế mà bây giờ, mới những ngày đầu mùa xuân, dòng sông đã đục ngầu chảy lừ đừ cạn trơ cả đáy. Để bầu không khí của buổi xuất hành đầu năm tươi vui trong xanh niềm hy vọng, tôi chuyển câu chuyện về các dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm trong tương lai trên vùng đất dọc theo đôi bờ dòng Vu Gia này. Đáp lời tôi, hay thả giấc mơ trôi trên sông dài mà anh bạn trẻ ngồi phía mũi con thuyền cất giọng véo von: Một nong tằm là năm nong kén/ một nong kén là chín nén tơ/ Thương em... chín đợi mười chờ...!

(Tạp chí Non Nước số 325)