'Istanbul' - Một khúc nhạc điêu tàn lộng lẫy

29.06.2016

'Istanbul' - Một khúc nhạc điêu tàn lộng lẫy

Orhan Pamuk viết "Istanbul" ròng rã trong một năm trời, viết say sưa không một chút mỏi mệt. Viết về thành phố ông sinh ra và sống gắn bó phần lớn thời gian của mình ở đó.

Istanbul, thành phố bên vịnh Bosphorus đã được tái hiện đẹp đẽ, u buồn, váng vất những đau thương nhưng lại có sức quyến rũ mãnh liệt.

Istanbul - Hồi ức và Thành phố viết về sự thay đổi của một gia đình, với nhiều biến động, đúng vào thời đại Ottoman sụp đổ. Những cãi vã, đổ vỡ, những suy tưởng của tuổi trường thành được đặt trong bối cảnh một thành phố đang suy thoái hoang tàn. Nhưng những gì Orhan cho người đọc được ngắm nhìn, lại là cái tầng ẩn sâu bên trong của mỗi thành phố, mà chỉ có sự đắm đuối si mê mới có thể nhìn thấy được.

Chàng thanh niên Orhan đã từng đi bộ xuyên qua khắp các ngõ ngách của Istanbul. Đi bộ hết ngày nọ sang ngày kia, vừa nhìn ngắm, vừa cảm nhận. Trước cái vẻ đẹp lộng lẫy của đô thành hoang phế, vì có năng khiếu vẽ, nên Orhan đã cho rằng, có thể vẽ lại thành phố, vẽ lại những cửa hiệu, những ngôi nhà, những chuyến tàu biển trên vịnh Bosphorus, và ấy cũng là cách để lưu giữ lại được vẻ đẹp khoảnh khắc của thành phố mà ông cảm thấy gắn bó thân thiết.


Istanbul 
không phải tự truyện về một cá nhân, mà về một mảnh đất. Mảnh đất kỳ thực cũng có linh hồn, linh hồn đã được gây dựng trong suốt bao nhiêu năm huy hoàng như thơ trẻ, sôi động và lộng lẫy. Để rồi đến khi bị “cưỡng bức” trước nền văn mình Âu Châu, trở thành một thân xác hoàn toàn khác, thì linh hồn bỗng xa lạ với nơi trú ngụ, và trở thành cái u linh huyễn ảo, chỉ còn tồn tại trong ký ức vương vấn của những con người đã từng được đắm chìm trong cái riêng tư lộng lẫy của vùng đất Istanbul mà chưa hề bị trộn lẫn với cơn bão Âu châu từ xa xôi ập vào, những người tràn trề lòng hoài vọng như Orhan Pamuk.Orhan bắt đầu vẽ tranh khi 15 tuổi. Ban đầu việc vẽ tranh khiến ông hạnh phúc. Cảm giác được nhìn ngắm thành phố rồi sao chụp lại những hình ảnh nhen nhóm trong tâm trí ra giấy khiến ông tưởng rằng, ấy là điều cần thiết. Nhưng càng vẽ, Orhan càng trở nên u sầu, nhất là từ khi theo học trường Đại học kĩ thuật, ngành Kiến trúc, chàng thanh niên Orhan càng thêm lạc lõng trước những điều đang gần gũi với mình. Orhan cảm thấy rất nhiều những thiếu vắng trong những bức tranh mà ông vẽ ra. Càng đi vào các con phố của thành phố này, càng quặn lên một niềm đau da diết mà những bức tranh không thể xoa dịu.

Trong tác phẩm, Orhan cũng đã dành nhiều xúc cảm để mô tả và ca ngợi các nhà văn, nhà báo, trí thức ở Istanbul, bằng sự tâm huyết, yêu thương thành phố, đã vượt qua những u sầu, ảo não để  để nghiên cứu về thành phố của họ. Dù cố gắng của họ không đưa lại nhiều kết quả trong buổi giao thời loạn lạc, nhưng nó gây nên nhiều ảnh hưởng đến tác giả, người luôn say mê trong việc đi “tìm kiếm thứ tâm hồn u buồn của thành phố quê hương”, để từ ấy nảy sinh ra trong tác phẩm của mình nhiều lớp lang ý tứ mà độc giả phải mất nhiều thời gian suy ngẫm, tìm tòi mới có thể tiếp cận được.

Một cuốn sách viết về thành phố bằng thứ ngôn ngữ nhuốm màu hoài niệm, và nỗi u sầu, khiến người đọc như bị thôi miên khi bước và mảnh đất ấy, như bước vào một cuộc truy tìm xa vắng. Istanbul trong tâm trí Orhan hiện lên cũ xưa, ảo não nhưng lại có sức hấp dẫn tự nhiên, khiến ai cũng rất dễ bị cuốn vào. Orhan Pumuk ở Istanbul hoàn toàn khác biệt với Orhan Pamuk mà độc giả từng biết đến trước đó.

Cuối cùng của quá trình tìm kiếm của Orhan Pamuk, ông đã viết trong cuối cuốn sách của mình: “Tôi không muốn là một họa sĩ. Tôi sẽ là một nhà văn”, bởi nhà văn là người duy nhất có khả năng “tóm bắt linh hồn của những cơn phố”. Và ông đã trở thành nhà văn, người trung thành, cần mẫn nhặt nhạnh từng mảnh Istanbul để xây nên một “bảo tàng ngây thơ” về thành phố mà ông yêu đến từng tế bào.

Với Istanbul, Orhan đã chạm được vào cái cùng sâu linh hồn của mảnh đất ấy, mà viết nên một bài tình ca hoài tưởng da diết về quá vãng, giờ đã là một điêu tàn lừng lững, một Istanbul chỉ còn những vết dấu xa xăm.

Istanbul cũng chính là tác phẩm khiến Orhan vinh dự được trao giải thưởng Nobel năm 2006. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch ở Việt Nam, như Tên tôi là ĐỏPháoTuyếtNhững màu khác, và gần đây nhất là Bảo tàng ngây thơ.

Phong Linh
(news.zing.vn)